Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Kwon Jin-gyu, tài ba điêu khắc bất hạnh

2013-08-01

<strong>Kwon Jin-gyu,</strong> tài ba điêu khắc bất hạnh
Khắc đậm dấu ấn trong điêu khắc cận đại của Hàn Quốc

Cách đây mấy năm, đại học mĩ thuật Musashino của Nhật Bản đã tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 80 năm thành lập trường. Khi đó, các giáo sư và sinh viên của trường đều nhất trí đồng lòng chọn Kwon Jin-gyu, một nhà điêu khắc người Hàn Quốc để tôn vinh tại triển lãm. Nhờ đó, Kwon Jin-gyu đã trở thành tác giả người châu Á đầu tiên được chọn để tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm thành lập trường Musashino. Cũng có thể hiểu, một phần vì nhân vật Kwon Jin-gyu từng học tại đại học Musashino từ năm 1949 đến năm 1953, song hơn cả, đó là do điêu khắc gia này đã để lại một dấu ấn rất đậm nét trong mĩ thuật cận đại lúc bấy giờ.
Chỉ có điều đáng tiếc, Kwon Jin-gyu là người mang số phận thật bất hạnh. Ở tuổi 51, ông đã phải tự chấm dứt cuộc đời mình ngay tại xưởng điêu khắc cá nhân của ông.

Tiếp xúc với nghệ thuật điêu khắc tại Nhật Bản

Kwon Jin-gyu sinh tại Hamheung, tỉnh Nam Hamgyeong. Cha ông là doanh nhân nên gia đình sống tương đối khá giả. Được biết, từ bé ông đã thích nặn đất và có bàn tay cực kì khéo léo. Tuy nhiên, thể chất ông vốn yếu đuối nên lúc nhỏ ông đã có nhiều năm phải sống ở Chuncheon, tỉnh Gangwon nơi có doanh nghiệp của cha ông để điều dưỡng, hồi phục sức khỏe.
Dưới thời thực dân Nhật cai trị, Kwon Jin-gyu đã bị bắt đi phu, làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ sắt của Nhật. Nhưng cũng nhờ đó, ông may mắn được học về mĩ thuật tại một xưởng tạo hình tư nhân ở Tokyo. Vài năm sau, vào năm 1944, ông đã trốn về Hàn Quốc, sống ở Seoul và học hội họa tại phòng nghiên cứu hội họa Seongbuk.
Năm 1947, ông quay trở lại Nhật Bản, nhập học vào trường mĩ thuật Musashino. Tại đây ông đã được học điêu khắc từ Takashi Shimizu, bậc thầy trong giới điêu khắc Nhật Bản và là học trò của điêu khắc gia nổi tiếng người Pháp Antoine Bourdelle. Cũng chính thông qua thầy Takashi Shimizu mà ông đã trở thành người chịu nhiều ảnh hưởng của Antoine Bourdelle.

Tìm những lời giải đáp của muôn thủa

Kwon Jin-gyu thấy càng hiểu biết kỹ về mẫu hình thì càng sáng tạo được tác phẩm có giá trị hơn. Ông tin rằng cái tinh thần của mẫu hình sẽ luôn được phản ánh vào trong tác phẩm. Và một cách tự nhiên, mẫu hình lí tưởng nhất để cho ra đời một tác phẩm có độ hoàn thiện cao chỉ có thể là chính bản thân tác giả. Đó cũng là lý do khiến mỗi lần lấy người khác làm mẫu, Kwon Jin-gyu lại đều chọn từ trong đám học trò hay những người đang sống ở xung quanh ông.
Tác phẩm mà ông để lại chủ yếu là các tác phẩm khám phá những khoảnh khắc của cuộc sống, chúng có thể sánh như một người học đạo, đang tìm kiếm để có những lời giải đáp mãi mãi cho muôn thuở. Ông đã sáng tác bằng đất nung các tác phẩm nghệ thuật là những nhân vật hay động vật như ngựa, gà v.v... Các tác phẩm này thể hiện thái độ "tìm đạo" về mặt tinh thần cũng như kiến thức hiểu biết về sự vật của tác giả trong trạng thái mang đầy tính trực quan và nguyên sơ.
Kwon Jin-gyu luôn đi theo hướng lược bỏ đa phần các chi tiết trang trí rườm rà, không cần thiết để tập trung vào việc hợp nhất về tinh thần giữa tác giả và đối tượng được miêu tả. Các tác phẩm "Tự khắc tượng", "Khuôn mặt thiếu nữ", "Tượng nữ nhân" đều được đánh giá là có vai trò lớn trong việc nâng cao trình độ của giới điêu khắc cận đại Hàn Quốc. Kwon Jin-gyu chuộng dùng kĩ thuật "terracotta", là kĩ thuật giúp cho tác phẩm nặn bằng đất có thể đem nung luôn, không tráng men mà vẫn tồn tại được rất lâu. Tuy nhiên cách làm này cũng đã gây ra nhiều vấn đề cho trường hợp các tác phẩm nghệ thuật chưa được nung một cách hoàn hảo, trọn vẹn. Chính vì thế khi vận chuyển tác phẩm của Kwon Jin-gyu để phục vụ cho hoạt động triển lãm do Hàn-Nhật đồng tổ chức, các chuyên gia bảo quản, tu bổ tác phẩm đều đã phải lo tính trong hàng tháng trời, có tới hơn 6 lần các phương án được đưa ra và thậm chí còn có ý kiến cho rằng không nên di chuyển di sản văn hóa...

Điêu khắc gia bất hạnh chọn con đường tự vẫn

Năm 1965, Kwon Jin-gyu đã mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại Seoul nhưng vẫn chưa gây được sự chú ý với giới trưng bày, triển lãm nghệ thuật. 3 năm sau ông mở tiếp một triển lãm cá nhân tại Tokyo và đã nhận được nhiều đánh giá tốt đẹp của giới mĩ thuật Nhật Bản. Đến năm 1971, ông mở triển lãm cá nhân lần thứ ba của mình tại phòng triển lãm mĩ thuật Myeongdong. Đây được xem là hình thức triển lãm cá nhân theo lời mời đầu tiên của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Kwon Jin-gyu sống rất khổ sở vì bệnh tật và đau đớn về mặt tinh thần nên năm 1973 ông đã chọn giải thoát bằng cách tự kết liễu cuộc đời. Năm 1974, tại phòng triển lãm mĩ thuật Myeongdong, giới mĩ thuật Hàn Quốc đã tổ chức triển lãm các tác phẩm di cảo của ông để tưởng niệm 1 năm ngày điêu khắc gia tài ba qua đời.

Lựa chọn của ban biên tập