Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Soon-ji, nhà thiên văn học được vua Sejong sủng ái

2013-08-08

<strong>Yi Soon-ji,</strong> nhà thiên văn học được vua Sejong sủng ái
Nhà thiên văn học tiêu biểu thời Joseon
Loài người từ xưa đã biết cách tính thời gian, tạo ra lịch, chia thời gian ra thành ngày, tháng, năm để vận dụng vào đời sống sinh hoạt. Các ngày trong một năm theo dương lịch và âm lịch, những quãng thời gian của 24 tiết khí, và rồi thời điểm xuất hiện mặt trời, mặt trăng cũng như hình dạng biến đổi của chúng nhìn từ trái đất v.v... tất cả đều được xây dựng trên cơ sở của những bộ sách lịch. Giai đoạn đầu thời Joseon, do chưa có lịch chuẩn tính thời gian cho bán đảo Triều Tiên nên người dân nơi đây đã phải sử dụng lịch của nhà Minh, Trung Quốc và cứ đến mùa thu hàng năm, triều Joseon lại phải cử sứ thần gọi là các "Đông Chí sứ" sang Bắc Kinh để nhận sách viết lịch cho năm sau.
Đến thời vua Sejong, sách lịch lấy thành Hanyang (thủ đô Seoul ngày nay) làm chuẩn mới bắt đầu được tạo ra và vận dụng trong sản xuất nông nghiệp. Đó chính là tài liệu mang tên "Thất chính toán" với cách tính lịch được sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm vị trí và mùa khí hậu trên bán đảo Triều Tiên, lấy chuẩn theo thời gian mặt trời mọc và lặn của kinh thành Hanyang.
Người viết nên "Thất chính toán ngoại thiên", phần lý luận đề dẫn, cách tính lịch đầu tiên theo chuẩn của khu vực thành Hanyang này chính là Yi Soon-ji, nhà thiên văn học tiêu biểu nổi tiếng của Joseon.

Đưa thiên văn học của Joseon lên ngang tầm thế giới
Dưới thời Joseon, lịch không chỉ đơn thuần để tính ngày mà nó còn mang ý nghĩa là công cụ chiêm tinh, bói toán để xem sự an nguy của triều đình và quốc gia. Chính vì thế, giai đoạn này mọi nỗ lực cố gắng đều được tập trung, cốt làm sao để có thể quan sát và tính toán một cách chính xác sự xoay chuyển của trời đất. Đặc biệt, vua Sejong (vua đời thứ tư của Joseon) là người đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết để đầu tư cho phát triển ngành thiên văn học và khí tượng học. Dưới thời vị vua này cũng đã xuất hiện Yi Soon-ji, một nhân vật được xem là có công lao, đóng góp lớn, giúp vua phát triển thiên văn học. Cho đến nay, người Hàn vẫn đánh giá Yi Soon-ji là nhân vật đã đem lại cách tính lịch riêng cho Hàn Quốc và đưa ngành thiên văn học của Hàn Quốc lúc bấy giờ lên ngang tầm thế giới.
Mặc dù đề cập đến những câu chuyện về phát triển khoa học dưới thời vua Sejong, đa số mọi người đều nghĩ ngay đến nhà khoa học Jang Young-sil với những phát minh nổi tiếng, song riêng về mảng thiên văn học thì có thể nói không ai sánh bằng Yi Soon-ji.
Nguyên lúc bấy giờ vua Sejong đương buồn vì cách tính lịch của nước nhà chưa được đầy đủ và chính xác, vua mới chọn ra một số nhân tài trong đám quan văn, cho học các phép tính toán cần thiết để tính lịch. Trong số người được tuyển chọn khi đó có Yi Soon-ji là người nổi trội nhất. Ông đã lọt vào mắt vua bởi việc tính toán ra đường cắt ngang bán đảo Triều Tiên chính là vĩ tuyến 38 độ Bắc. Ban đầu, khi nghe báo cáo dâng lên, vua cũng bán tín bán nghi, nhưng rồi, xem các sách lịch được truyền vào từ Trung Quốc vua mới nhận ra kết quả mà Yi Soon-ji tính toán đều rất chính xác. Nhờ vậy, từ năm 1431, Yi Soon-ji bắt đầu được vua giao cho đảm nhiệm toàn bộ các việc liên quan về quan trắc thiên văn và tính lịch.

Sáng tạo ra cách tính lịch riêng cho Hàn Quốc
Theo những tài liệu ghi chép sau khi Yi Soon-ji qua đời thì ông đã theo lệnh của vua Sejong triển khai chế tạo ra nhiều công cụ quan trắc thiên văn, đo phương vị, thời khắc, tiết khí như "Giản Nghi", "Khuê Biểu" hay các loại đồng hồ như "Huyền Châu", "Ngưỡng Phủ Nhật Quỹ" và một số lầu các để đặt đồng hồ nước như "Báo Lâu các", "Khâm Kính các" v.v... Điều này cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Yi Soon-ji trong việc làm ra các công cụ và thiết bị liên quan đến thiên văn học dưới thời vua Sejong.
Thành quả lớn nhất mà Yi Soon-ji để lại chính là tác phẩm "Thất chính toán ngoại thiên" – bộ sách được đánh giá là tuyệt vời nhất trong số các tài liệu về lịch thiên văn hồi giáo soạn bằng tiếng Hán. Chữ "thất chính" ở đây mang ý nghĩa chỉ 7 thiên thể là mặt trời, mặt trăng và các sao Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ. Nội dung của "Thất chính toán ngoại thiên" chủ yếu bao gồm các vấn đề như chuyển động của mặt trời, mặt trăng và của năm hành tinh này cũng như các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực...
Trên nền tảng của truyền thống thiên văn học Hy Lạp và Ả-rập, sách đã bày tỏ quan điểm tính 1 năm có 365 ngày, cứ 128 năm lại có 31 ngày nhuận. Có thể đánh giá, với cách tính 1 năm có 365 ngày 5 giờ 48 phút 45 giây, "Thất chính toán ngoại thiên" đã không chỉ chính xác hơn so với "Thụ thời lịch" của Trung Quốc mà còn chỉ sai lệch có 1 giây so với lịch hiện nay. Có thể nói, nhờ "Thất chính toán ngoại thiên" - một sản phẩm tiếp thu thành quả của thiên văn học Ả-rập, Joseon lúc bấy giờ đã xây dựng được ngành thiên văn học phát triển, cùng với Trung Quốc và Ả-rập đạt tới mức tiên tiến vào bậc nhất trên thế giới.
Ngoài "Thất chính toán ngoại thiên", Yi Soon-ji còn biên soạn rất nhiều tài liệu về lịch và thiên văn. Trong số đó có "Chư gia lịch tượng tập" ra mắt năm 1445 là tài liệu quý báu, chỉnh lý và tổng hợp nhiều quan điểm, học thuyết về thiên văn vốn xuất hiện ở nhiều loại sách khác nhau. Sau này ông còn tiếp tục soạn ra "Giao thực thôi bộ pháp" vào năm 1459 là sách giải thích hết sức dễ hiểu cách tính nhật thực, nguyệt thực hay "Thiên văn loại sao" là sách có nội dung về nhiều hiện tượng thiên văn, khí tượng đa dạng…

Lựa chọn của ban biên tập