Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận về Hiệp định chia sẻ chi phí quân sự

2019-02-17

Tin tức

ⓒKBS News

Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận, đi tới ký tắt Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) lần thứ X vào hôm 10/2, với thời hạn hiệu lực là một năm. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đóng góp 1.038,9 tỷ won (923,22 triệu USD) để duy trì lực lượng quân đồn trú Mỹ, tăng 8,2% so với một năm trước.

 

Nội dung thỏa thuận

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đóng góp trên 1.000 tỷ won (888,6 triệu USD) chi phí cho lực lượng quân đội đồn trú của Mỹ. Trong quá trình đàm phán, mỗi bên đã lùi một bước để đạt được thỏa thuận cuối cùng. Hàn Quốc chấp thuận yêu cầu của Mỹ là áp dụng thời hạn hiệu lực hiệp định một năm. Bù lại, Washington chấp nhận mức đóng góp của Seoul thấp hơn mức 1 tỷ USD mà nước này đưa ra trước đó. Khoản tiền này được phản ánh theo mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2019 của Hàn Quốc là 8,2%. Mặc dù tỷ lệ tăng này đã nâng tổng khoản tiền đóng góp của Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.000 tỷ won, nhưng giới phân tích nhận định đây không phải là một kết quả tồi, vẫn trong mức mà Hàn Quốc có thể chấp nhận được.

 

Quá trình đàm phán Mỹ-Triều về Hiệp định SMA lần thứ X đã diễn ra hết sức gian nan. Tổng thống Donald Trump chủ trương gây sức ép yêu cầu tăng mạnh khoản chia sẻ quân sự của các nước đồng minh. Ban đầu, Mỹ thậm chí còn đòi nâng gấp 1,5 khoản đóng góp hiện nay của Hàn Quốc. Seoul và Washington bắt đầu đàm phán từ tháng 3 năm ngoái. Tới vòng đàm phán thứ 10, hai nước tưởng chừng như đã thu hẹp được bất đồng ý kiến, chuẩn bị đi tới thỏa thuận. Vậy nhưng theo chỉ thị từ Tổng thống Trump vào cuối năm 2018, Mỹ đã quay lại đề nghị ban đầu là nâng khoản tiền đóng góp của Hàn Quốc lên 1,2 tỷ USD, và nếu khác cũng không được thấp hơn mức 1 tỷ USD, đẩy đàm phán quay trở lại vạch xuất phát.

Hàn Quốc và Mỹ sẽ xúc tiến ký kết chính thức hiệp định sau khi hoàn tất các quy trình nội bộ trong từng nước. Hiệp định chính thức có hiệu lực sau khi được Quốc hội hai bên phê chuẩn.

 

Một số nội dung sửa đổi

Ngoài tổng khoản đóng góp của Hàn Quốc, thời hạn hiệu lực hiệp định, một điểm đáng chú ý khác trong hiệp định lần này là việc hai bên nhất trí sửa đổi chế độ chia sẻ chi phí quân sự, xây dựng nhiều phương án nhằm nâng cao tính minh bạch trong việc giải ngân chi phí chia sẻ quân sự Hàn-Mỹ. Ở lĩnh vực xây dựng quân sự, hai nước quyết định xóa bỏ khoản “hỗ trợ tiền mặt đối với các trường hợp ngoại lệ”, siết chặt quy định về các khoản thanh toán bằng tiền mặt, như chi phí thiết kế, giám sát công trình xây dựng, vốn là những khoản chiếm 12% trong tổng ngân sách. Ngoài ra, hai bên nhất trí tăng quyền hạn cho phía Seoul khi lựa chọn và triển khai các dự án xây dựng quân sự, hỗ trợ hậu cần cho lực lượng quân Mỹ đồn trú. Hai bên cũng bổ sung thêm quy định về bảo vệ quyền lợi của người lao động Hàn Quốc, xóa bỏ mức trần về tỷ lệ hỗ trợ chi phí nhân công, hiện đang là 75%. Cùng với đó, Mỹ đã rút lại yêu cầu về việc lập thêm hạng mục “hỗ trợ tác chiến”, yêu cầu Seoul phải gánh vác chi phí triển khai vũ khí chiến lược như tàu ngầm, tàu sân bay hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B và B-52 để duy trì sức mạnh răn đe quân sự.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Có hai lý do chính khiến Hàn Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận sớm hơn dự kiến. Trước tiên, cả hai bên đều nhận định rằng không nên để việc đàm phán chia sẻ chi phí quân sự làm lung lay nền tảng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sẽ diễn ra vào cuối tháng này. Thứ hai là nếu không đạt được đàm phán sớm, tình trạng lỗ hổng Hiệp định SMA sẽ tiếp tục kéo dài, gây ra nhiều trở ngại.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình đàm phán, Mỹ đã gây sức ép mạnh mẽ để nâng tổng khoản đóng góp của Hàn Quốc, đồng thời chỉ áp dụng thời hạn hiệu lực hiệp định là một năm. Có nghĩa là sau khi hai bên ký kết chính thức hiệp định, Hàn Quốc sẽ lại phải đàm phán tiếp với Mỹ, một lần nữa đối mặt với sức ép nâng tổng khoản tiền chia sẻ chi phí quân sự. Trên thực tế, chỉ hai ngày sau khi hai nước ký tắt hiệp định, Tổng thống Donald Trump tiếp tục thể hiện quyết tâm nâng tiếp khoản đóng góp của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập