Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Công tác đối phó dịch tả lợn châu Phi bộc lộ hạn chế

2019-09-25

Tin tức

Công tác đối phó dịch tả lợn châu Phi bộc lộ hạn chế

5 trang trại trong nước nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Số trang trại lợn được xác nhận nhiễm dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại Hàn Quốc đã lên thành 5. Đặc biệt, việc thêm một trang trại ở thành phố Gimpo, tỉnh Gyeonggi, một khu vực phía Nam sông Hàn bùng phát dịch đang dấy lên mối lo ngại về nguy cơ dịch bệnh sẽ sớm lan rộng ra toàn quốc.


Vẫn chưa xác định được con đường lây nhiễm

Hơn thế nữa, vấn đề lớn hiện tại là cơ quan phòng dịch chưa thể xác định được con đường lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi sang Hàn Quốc. Ban đầu, giả thiết dịch bệnh lây từ Trung Quốc qua Bắc Triều Tiên, nhận được sự ủng hộ cao. Song những nghi ngờ về dịch lây từ các sản phẩm chế biến thịt lợn từ Trung Quốc, Việt Nam hay Mông Cổ, ngày càng được công nhận hơn. Trên thực tế, châu Á được cho là khu vực “sạch” với dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, sau khi lần đầu được phát hiện tại Trung Quốc vào mùa hè năm ngoái, dịch bệnh gần như càn quét ngành chăn nuôi trong nước Trung Quốc và tiếp tục lây truyền sang các nước Đông Nam Á. Do đó, dù chưa được chứng minh hoàn toàn, nhưng khả năng cao là dịch tả lợn châu Phi ở Hàn Quốc bắt nguồn từ Trung Quốc, vì vi-rút dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trong nước có gen di truyền giống với vi-rút dịch đang lưu hành tại Trung Quốc. Chủng vi-rút dịch tả lợn châu Phi gây bệnh tại Trung Quốc là loại bệnh mới được phát hiện vào năm ngoái. Được biết, vi-rút dịch tả lợn châu Phi lây lan tại Mông Cổ, Việt Nam và Philippines đều tương đồng với chủng vi-rút của Trung Quốc. Ban đầu, các chuyên gia phân tích rằng dịch bệnh nhiều khả năng bị lây từ Bắc Triều Tiên vì trang trại bị nhiễm dịch đầu tiên nằm ở khu vực tiếp giáp với miền Bắc. Bắc Triều Tiên lần đầu chính thức xác nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở huyện Usi, tỉnh Jagang, lên Tổ chức thú y thế giới (OIE) vào ngày 30/5. Nơi bị xác nhận nhiễm dịch nằm ở vùng cực Bắc lãnh thổ Bắc Triều Tiên, tiếp giáp với Trung Quốc. Dù không có kết quả phân tích nhưng các chuyên gia cho rằng vi-rút dịch tả lợn châu Phi gây bệnh tại Bắc Triều Tiên đã lây từ Trung Quốc và có gen di truyền giống với vi-rút gây bệnh ở Trung Quốc. Miền Bắc chưa công bố số liệu nhiễm bệnh ngoài khu vực tỉnh Jagang, nhưng theo báo cáo của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tại Quốc hội, đàn lợn nuôi ở tỉnh Bắc Pyongan (Bắc Triều Tiên) đã bị diệt vong. Tỉnh Bắc Pyongan là khu vực tiếp giáp với tỉnh Jagang và Trung Quốc. Theo đó, có thể cho rằng tình hình bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Triều Tiên cũng rất nghiêm trọng.


Những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh

Các chuyên gia cho biết, có ba nguyên nhân chính làm bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Thứ nhất là cho lợn nuôi ăn những thức ăn thừa bị nhiễm vi-rút, hai là người làm việc ở trang trại nuôi lợn trở về nước từ các quốc gia đang bùng phát dịch và ba là trường hợp bị lây nhiễm từ lợn rừng. Tuy nhiên, các trang trại bị nhiễm dịch đầu tiên ở Hàn Quốc đều không nằm trong ba trường hợp trên và chỉ có điểm tương đồng là các khu vực gần miền Bắc, nên có nghi ngờ vi-rút dịch tả lợn này lây từ Bắc Triều Tiên thông qua con lợn rừng hoặc con ve lợn mang mầm bệnh. Song kết quả phân tích cho thấy, gen di truyền của vi-rút phát hiện tại Hàn Quốc tương đồng với chủng vi-rút dịch tả lợn châu Phi đang lưu hành tại Trung Quốc, dấy lên nghi ngờ rằng dịch bệnh bị lây từ sản phẩm thịt lợn chế biến bị nhiễm dịch. Trên thực tế, có trường hợp tự khai báo mang theo thực phẩm có thành phần thịt lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào Hàn Quốc. 


Thiếu sót trong hoạt động phòng chống dịch bệnh

Mặt khác, điều hết sức quan trọng trong hoạt động phòng dịch bệnh là việc xác minh con đường lây nhiễm giữa các trang trại trong nước. Xe ô tô vận chuyển thịt lợn và các loại phụ phẩm thịt sau giết mổ, có thể là nguồn lan truyền dịch bệnh. Cơ quan chức năng không tránh khỏi sự chỉ trích từ dư luận do thất bại trong công tác phòng chống dịch bệnh giai đoạn đầu. Đó là bởi Chính phủ đã hủy bỏ lệnh cấm vận chuyển gia súc, vật nuôi sau 48 tiếng kể từ khi ban hành lệnh, thời điểm các biện pháp phòng dịch, trong đó có việc tiêu hủy, chôn lấp lợn của trang trại bị nhiễm dịch đầu tiên, chưa được hoàn tất.

Lựa chọn của ban biên tập