Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Nhật và những kỳ vọng

2019-09-27

Tin tức

Hội đàm Ngoại trưởng Hàn-Nhật và những kỳ vọng

Ngày 27/9, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa đã có cuộc hội đàm với tân Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Đây là cuộc gặp Ngoại trưởng Hàn-Nhật đầu tiên kể từ khi ông Motegi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng trong đợt cải tổ Nội các Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe hồi đầu tháng này. Cuộc hội đàm đã kéo dài hơn so với dự kiến, dưới hình thức họp riêng giữa hai Bộ trưởng theo đề nghị của Tokyo.


 Tái khẳng định lập trường nguyên tắc
 Tại cuộc hội đàm, hai bên chỉ dừng ở việc xác định lại lập trường của đối phương về các vấn đề nổi cộm, khẳng định lập trường nguyên tắc đó là tiếp tục trao đổi và nỗ lực cải thiện quan hệ song phương. Mặc dù vậy, bản thân việc Ngoại trưởng hai nước nhóm họp cũng là điều hết sức ý nghĩa xét trong bối cảnh quan hệ song phương hiện nay. Về nguyên tắc đối ngoại, dù trong bất cứ tình huống nào thì hai quốc gia vẫn cần phải tiếp tục trao đổi. Thêm vào đó là việc Nhật Bản vừa mới thay thế chức Ngoại trưởng. Việc xác nhận lập trường của đối phương là bước khởi đầu để hai nước tiến tới giải quyết vấn đề. 


Thái độ không thiện chí của Nhật Bản

Tuy nhiên, rất khó kỳ vọng về một bước đột phá trong quan hệ Hàn-Nhật trong thời gian tới. Đó là bởi thực tế hiện nay cho thấy Nhật Bản hầu như không thể một chút thiện chí nào để giải quyết mâu thuẫn song phương. Thậm chí, Tokyo còn đang dốc toàn lực để lôi kéo dư luận quốc tế đứng về phía mình trong cuộc đối đầu với Seoul. Ví dụ như trong thời gian thăm New York, Thủ tướng Shinzo Abe liên tiếp đổ lỗi trách nhiệm cho Hàn Quốc mỗi khi có cơ hội. Ngược lại, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hoàn toàn không có bất cứ hành động chỉ trích nhằm vào Nhật Bản. Thậm chí, quan hệ Hàn-Nhật đã không hề được nhắc tới tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ ngày 23/9 tại New York. Trong khi đó, Thủ tướng Abe liên tiếp đề cập tới vấn đề này trong cuộc họp báo cũng như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật. Trong cuộc họp báo tại New York, ông Abe nhấn mạnh vấn đề quản lý xuất khẩu và vấn đề lao động người Hàn thời chiến là hoàn toàn riêng rẽ. Ông này biện minh việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Seoul là không liên quan tới phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến. Thủ tướng Nhật Bản chỉ trích Hàn Quốc đang liên tiếp có hành vi làm tổn hại quan hệ tin tưởng giữa hai quốc gia. Có nghĩa là ông Abe đang đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Hàn Quốc về mọi vấn đề nảy sinh trong quan hệ song phương.


Về việc Seoul quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, Thủ tướng Abe cho biết đang yêu cầu Hàn Quốc phải giữ đúng cam kết giữa hai quốc gia. Truyền thông đưa tin tại thượng đỉnh Mỹ-Nhật, ông Abe đã trình bày với Tổng thống Mỹ Donald Trump về lập trường của Nhật Bản trong vấn đề quan hệ Hàn-Nhật. Rốt cuộc, trong thời gian thăm New York, Thủ tướng Nhật Bản hoàn toàn quay lưng lại với cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Nhật, chỉ tập trung vào việc công kích Chính phủ Hàn Quốc. Giới phân tích cho rằng các động thái trên của Thủ tướng Abe mang tính chất là một cuộc chiến lôi kéo dư luận có tính toán kỹ càng.


Bên cạnh đó, Tokyo còn đang kích động Seoul bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Điển hình như việc Lực lượng phòng vệ trên biển của nước này tuyên bố không mời Hải quân Hàn Quốc tham dự lễ duyệt binh hạm đội được tổ chức vào tháng sau, trong khi lại mời Hải quân Trung Quốc lần đầu tham dự. Chưa hết, trên trang chủ Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc còn đăng tải nội dung so sánh về hàm lượng phóng xạ tại khu vực Seoul và tỉnh Fukushima của nước này. Tất nhiên, động thái đó của Tokyo là nhằm dập tắt lo ngại về ô nhiễm phóng xạ tại tỉnh Fukushima trước thềm Thế vận hội Tokyo 2020. Mặc dù vậy, không thể không hoài nghi về những “sắc thái mơ hồ” trong nội dung đăng tải của Đại sứ quán Nhật Bản.
 

Phản ứng của giới doanh nghiệp Hàn-Nhật
 Trong khi đó, cả doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang hối thúc Chính phủ hai nước nỗ lực sớm khôi phục quan hệ. Trong hai ngày 24 và 25/9 vừa qua, giới doanh nghiệp hai nước đã tổ chức Hội nghị doanh nhân Hàn-Nhật tại Seoul, thông qua tuyên bố chung với nội dung trên, nhất trí tiếp tục xúc tiến các dự án hợp tác Hàn-Nhật ở nước thứ ba, mở rộng giao lưu về kinh tế, nhân tài, văn hóa. Các động thái này được kỳ vọng sẽ góp phần nhất định vào việc khôi phục quan hệ giữa Seoul và Tokyo.



Lựa chọn của ban biên tập