Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đẩy mạnh sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị 

2019-10-11

Tin tức

Đẩy mạnh sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị 

Chính phủ Hàn Quốc ngày 11/10 đã công bố ba chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện và trang thiết bị. Trọng tâm của các chiến lược này là ổn định mạng lưới cung cấp, thiết lập chuỗi giá trị, hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp, và thoát khỏi sự phụ thuộc vào nước ngoài. 


Nội dung chiến lược tăng sức cạnh tranh

Trước tiên, Chính phủ sẽ tập trung đảm bảo một mạng lưới cung cấp ổn định cho trên 100 mặt hàng chiến lược trọng tâm (100+α) đã được đưa vào danh mục. Việc này hết sức quan trọng, bởi chỉ khi nào việc cung cấp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị được đảm bảo thì các ngành công nghiệp liên quan mới có thể vận hành bình thường. Chính phủ sẽ rà soát các mặt hàng chiến lược trọng tâm dựa trên việc nghiên cứu và phát triển (R&D) mặt hàng này có cần thiết và ổn định hay không. Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ lập chiến lược phù hợp với các mặt hàng được đưa vào danh mục cho tới tháng 11. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ quyết định về các mặt hàng cần xúc tiến cả nội địa hóa lẫn thu hút đầu tư nước ngoài. Về danh sách các mặt hàng và thứ tự ưu tiên, Chính phủ sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh, tùy theo xu hướng quy chế xuất khẩu của Nhật Bản. 


Một nội dung trọng tâm khác trong kế hoạch trung và dài hạn nhằm ổn định mạng lưới cung cấp, đó chính là đầu tư ngân sách. Từ nay cho tới năm 2024, mỗi năm Chính phủ sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ won (1,7 tỷ USD) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sớm đạt được các công nghệ trọng yếu. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tích lũy công nghệ, như đầu tư sớm và quy mô lớn vào nghiên cứu và phát triển, sát nhập và mua lại doanh nghiệp toàn cầu. Về ưu đãi thuế, Chính phủ sẽ tiến hành hoàn tất sửa đổi luật liên quan cho tới hết tháng 2 năm sau trước khi đưa vào thực thi. 


Chiến lược tiếp theo là xây dựng chuỗi giá trị lớn mạnh thông qua mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp. Chính phủ sẽ thiết lập một hệ sinh thái công nghiệp lành mạnh để tạo lập chuỗi giá trị giúp mở rộng nhu cầu và cải thiện chất lượng cung cấp. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ tìm kiếm mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp, không ngừng thiết lập phương án hỗ trợ thích hợp và cụ thể, như về ngân sách, công nghệ, ưu đãi thuế, vốn, và quy chế. Đối tượng nhận hỗ trợ sẽ được mở rộng sang cả lĩnh vực trang thiết bị, thay vì chỉ hạn chế ở lĩnh vực vật liệu, linh kiện như trong thời gian qua. Seoul sẽ xúc tiến lập cơ sở pháp lý, như sửa đổi Thông tư thi hành “Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện, trang thiết bị”. 


Biến thách thức thành cơ hội

Việc Chính phủ tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, chíp bán dẫn là nhằm đối phó với động thái trả đũa kinh tế của Nhật Bản. Ngày 4/7 vừa qua, Tokyo công bố siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình. Tiếp đó, vào ngày 28/8, nước này loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu. Qua đây đã làm lộ ra điểm yếu của Hàn Quốc, đó là ngành vật liệu, linh kiện và trang thiết bị phụ thuộc lớn vào Nhật Bản. Do đó, Chính phủ đã lập chiến lược, coi đây là cơ hội tốt để giảm mức độ phụ thuộc vào Tokyo. Ngày 11/10, Chính phủ khởi động cuộc họp đầu tiên của Ủy ban năng lực cạnh tranh vật liệu, linh kiện, trang thiết bị. Ủy ban này do Tổng thống trực tiếp phụ trách, với Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki làm Chủ tịch, Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Sung Yun-mo làm Phó Chủ tịch. Ủy ban này sẽ đóng vai trò “tháp điều khiển”, phối hợp hoạt động giữa khối tư nhân và các cơ quan Chính phủ trong quá trình xúc tiến ba chiến lược nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị.


Lựa chọn của ban biên tập