Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” tại WTO

2019-10-25

Tin tức

Từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” tại WTO

Ngày 25/10, Chính phủ Hàn Quốc chính thức quyết định từ bỏ vị thế “quốc gia đang phát triển” tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO). 


Vị thế “quốc gia đang phát triển”

Nếu một nước là “quốc gia đang phát triển” tại WTO, nước đó sẽ được hưởng ưu đãi về quy chế, như được áp dụng mức giảm thuế quan, trợ cấp thấp hơn các nước phát triển, thời hạn dỡ bỏ hàng rào thuế quan dài hơn, để bảo hộ cho ngành công nghiệp nước mình. Trong các hiệp định hay quyết định của WTO, hiện có hơn 150 điều khoản ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển.

WTO không định ra tiêu chuẩn cụ thể về vị thế “quốc gia đang phát triển”, mà công nhận theo phương thức tự tuyên bố của các quốc gia. Tức là nếu một nước tự nhận là quốc gia đang phát triển, thì WTO sẽ công nhận vị thế này. Điều này đã khiến các nước phát triển, trong đó có Mỹ, liên tục lên tiếng trong suốt thời gian qua. Tới ngày 26/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai đề cập vấn đề này một cách quyết liệt, đưa ra thời hạn 90 ngày buộc WTO có phương án sửa đổi. Nếu không có tiến triển thực chất nào trong thời hạn này, Mỹ sẽ đơn phương dừng ưu đãi với các nước tương ứng.


4 tiêu chuẩn của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ đưa ra 4 tiêu chuẩn để không công nhận một nước là quốc gia đang phát triển. Đó là: nước gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), quốc gia được Ngân hàng thế giới (WB) phân loại là nước có thu nhập cao, và nước chiếm tỷ trọng giao dịch thương mại toàn cầu trên 0,5%. Ban đầu, nước mà Tổng thống Mỹ muốn nhắm tới là Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Hàn Quốc thỏa mãn cả 4 tiêu chuẩn mà lãnh đạo Nhà Trắng đưa ra. Do đó, ngọn lửa mà ông Donald Trump nhen nhóm lại lan sang cả Hàn Quốc. Sau phát biểu của Tổng thống Mỹ, một số quốc gia như Brazil, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Đài Loan, lần lượt tuyên bố từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển, gây sức ép lớn đối với Hàn Quốc.


Phân tích quyết định của Chính phủ
 Giới phân tích cho rằng việc Chính phủ Hàn Quốc quyết định từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển là do nhận định Seoul không còn cớ gì để tiếp tục duy trì vị thế này. Dù không tự nguyện từ bỏ đi chăng nữa, Hàn Quốc cũng khó có khả năng được hưởng tiếp ưu đãi trong đàm phán tại WTO. Trong bối cảnh đó, nếu Seoul không tự từ bỏ vị thế thì sẽ mất đi cả danh phận và năng lực đàm phán. Một vấn đề quan trọng hơn đàm phán tại WTO là quan hệ với Mỹ. Chưa có thông tin về thời điểm đàm phán tiếp theo tại WTO, nên vấn đề vị thế quốc gia đang phát triển vẫn đang là vấn đề trong tương lai. Có nghĩa là dù Hàn Quốc từ bỏ vị thế cũng chưa gặp thiệt hại gì ngay, mà vẫn duy trì được những lợi ích từ đàm phán trước đó. Nhưng nếu không từ bỏ vị thế này ngay bây giờ, Hàn Quốc sẽ bị Mỹ đơn phương rút lại các ưu đãi đã áp dụng trước đó. 


Lĩnh vực được hưởng lợi đầu tiên sau khi Chính phủ quyết định từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển là xuất khẩu ô tô. Mặt hàng ô tô của Hàn Quốc có thể được miễn áp dụng điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại của Mỹ. Điều khoản này quy định Washington có thể đánh thuế cao, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng bị cho là có thể đe dọa tới an ninh nước Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ hiện đã trình đề xuất áp dụng điều khoản trên với mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô lên Chính phủ nước này. Nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ không bị áp dụng điều khoản này nhờ Hiệp định thương mại tự do (FTA) Hàn-Mỹ sửa đổi, nhưng vẫn không ít ý kiến bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, việc Chính phủ chấp thuận yêu cầu của Mỹ về vấn đề vị thế quốc gia đang phát triển đã giúp giảm hẳn mối lo này. Ngược lại, lo ngại ở lĩnh vực nông nghiệp ngày một lớn dần, khối nông dân đang phản đối mạnh mẽ quyết định trên. Chính phủ khẳng định dù từ bỏ vị thế quốc gia đang phát triển, nhưng Seoul vẫn duy trì và sẽ tiếp tục thực hiện quyền đàm phán linh hoạt, nhằm bảo hộ tối đa cho lĩnh vực nhạy cảm là nông nghiệp. 


Lựa chọn của ban biên tập