Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng

2019-12-18

Tin tức

Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng

Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng 

Thượng viện Mỹ ngày 17/12 (giờ địa phương) đã thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng (NDAA) năm 2020. Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng là căn cứ pháp lý để Chính phủ Mỹ lập dự toán quốc phòng. Hàn Quốc rất quan tâm đến đạo luật này, vì có nội dung liên quan đến các chính sách đối với bán đảo Hàn Quốc. Trọng tâm của Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2020 là giữ nguyên quy mô của quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Cụ thể, đạo luật nêu rõ cấm sử dụng ngân sách để giảm quy mô quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc xuống dưới 28.500 người. Năm ngoái, đạo luật này quy định số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là 22.000 người. 


Lý do duy trì quy mô quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc

Các chuyên gia phân tích có hai nguyên nhân chính khiến Quốc hội Mỹ duy trì quy mô quân đội đóng tại Hàn Quốc. Thứ nhất là xóa bỏ lo ngại về khả năng quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ suy giảm. Đây cũng là thông điệp cảnh báo Bắc Triều Tiên đừng tiếp tục hành động sai trái, trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra các chính sách cứng rắn đối với Washington gần đây. Seoul và Washington lại thể hiện bất đồng quan điểm về một số vấn đề, dấy lên lo ngại về quan hệ đồng minh suy giảm, điển hình là việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Washington một mặt bày tỏ lo ngại về quan hệ hợp tác ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản; mặt khác gây sức ép với Seoul để duy trì thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này với Tokyo. Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng thuyết phục Mỹ và giải thích những đặc điểm trong quan hệ Hàn-Nhật. Rốt cuộc, Seoul quyết định hoãn thời hạn hết hiệu lực của Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật và xúc tiến đối thoại với Tokyo. Như vậy, việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2020 có thể xóa bỏ lo ngại về quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. 

Nguyên nhân thứ hai là giữ nguyên quy mô quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với Seoul trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang yêu cầu Hàn Quốc tăng tỷ lệ đóng góp chi phí quân sự với mức tăng quá đáng. Trong các vòng đàm phán, Washington đề nghị Seoul gánh vác 5 tỷ USD chi phí cho quân đồn trú Mỹ năm sau, cao gấp 5 lần so với năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ phải chịu toàn bộ chi phí cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, khiến một số ý kiến trong nội bộ Mỹ chỉ trích rằng các binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc là “lính đánh thuê” chứ không thể gọi là quân đội của nước đồng minh. Một luồng ý kiến khác cho rằng Tổng thống Trump có thể cân nhắc rút quân đồn trú tại Hàn Quốc, giáng một đòn chí mạng lên Seoul trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ. 


Quốc hội Mỹ ngăn chặn động thái tăng chi phí quân sự của Tổng thống Trump 

Trong bối cảnh này, Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng với nội dung duy trì quy mô lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc đã dập tắt mối lo ngại trên. Cùng với đó, Đạo luật yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đệ trình báo cáo lên Quốc hội về vai trò trực tiếp và gián tiếp của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tình hình chia sẻ chi phí quân sự với hai nước này. Tức là Quốc hội Mỹ đang ngăn cản Chính phủ của Tổng thống Trump tự điều chỉnh mức yêu cầu trong đàm phán chia sẻ chi phí quân sự. Lập trường của cơ quan lập pháp Mỹ được nêu rõ tại phần giải thích bổ sung của Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng năm 2020, nhấn mạnh “Đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ và Mỹ-Nhật cần được tiến hành dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau, và Washington phải có thái độ tương đương với đàm phán chia sẻ chi phí quân sự các năm trước”.

Lựa chọn của ban biên tập