Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

2019-12-19

Tin tức

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Các nước nhất trí thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên

Ngày 18/12 (giờ địa phương), nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên đã được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Kể từ lần phê chuẩn đầu tiên năm 2005, nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên đã được thông qua 15 năm liên tiếp. Trong kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay, nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên đã được thông qua bằng hình thức “tán thành”, tức là không có bước biểu quyết, và toàn bộ các nước thành viên đều nhất trí thông qua. Đây là lần thứ 6 nghị quyết nhân quyền miền Bắc được thông qua bằng hình thức này, sau các lần năm 2012, 2013, 2016, 2017 và 2018. Điều này có nghĩa là các nước thành viên Liên hợp quốc đều đồng thuận và lo ngại sâu sắc về tính nghiêm trọng của vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Dự thảo nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên lần này do các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đệ trình, với sự tham gia của 60 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Canada và Australia. Cho đến năm ngoái, Nhật Bản luôn tích cực cùng các nước châu Âu đưa ra dự thảo nghị quyết, nhưng lại không tham gia soạn thảo văn bản dự thảo năm nay. Hàn Quốc cũng cùng đệ trình nghị quyết từ năm 2008, nhưng vắng mặt năm nay do cân nhắc đến tình hình bán đảo Hàn Quốc. Song, Văn phòng đại diện Hàn Quốc tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của Seoul là tích cực tham gia vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở miền Bắc.


Vấn đề nhân quyền ở miền Bắc không được cải thiện

Nội dung nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên của Liên hơp quốc năm nay không thay đổi nhiều so với những năm trước, do các nước nhận định vấn đề nhân quyền ở miền Bắc vẫn không hề cải thiện. Trong nghị quyết, các nước tiếp tục yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nhân quyền. Nghị quyết nhấn mạnh ở Bắc Triều Tiên, các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có tính tổ chức đã diễn ra rộng rãi trong một khoảng thời gian dài. Các hành vi này gồm bắt giữ người tại trại giam, cưỡng hiếp, xử tử công khai, bắt giữ và tử hình người dân không theo pháp luật, và cưỡng ép lao động. Bên cạnh đó, nghị quyết cũng đề cập đến tầm quan trọng của đối thoại liên Triều trong cải thiện tình hình nhân quyền miền Bắc. Nghị quyết còn khuyến khích Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa vấn đề này lên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và xử phạt “người chịu trách nhiệm cao nhất”. Kể từ năm 2014, cụm từ này đã được nhắc lại 6 năm liên tiếp trong nghị quyết. “Người chịu trách nhiệm cao nhất” ở đây được hiểu là Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Tất nhiên trên thực tế, không thể kiện miền Bắc lên Tòa án hình sự quốc tế hoặc xử phạt ông Kim Jong-un, nhưng đây có thể là căn cứ để truy cứu trách nhiệm sau này. Tức là nếu chính quyền Bắc Triều Tiên không nỗ lực cải thiện vấn đề nhân quyền trong nước, có thể coi nghị quyết này là căn cứ để trừng phạt trong tương lai. 


Bình Nhưỡng phản đối quyết liệt nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên 

Bắc Triều Tiên đương nhiên phản đối quyết liệt nội dung nghị quyết này. Các nước chịu chỉ trích về hành vi vi phạm nhân quyền thường lấy cớ là do những đặc điểm chính trị trong nước. Các nước này nhấn mạnh có tiêu chuẩn riêng biệt về nhân quyền, và việc các nước khác chỉ trích là hành động can thiệp vào chính trị của quốc gia đó. Miền Bắc cũng bác bỏ toàn bộ các hành vi vi phạm nhân quyền nêu trong nghị quyết năm nay. Bình Nhưỡng khẳng định nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên là hành vi xuyên tạc sự thật của những kẻ muốn chính quyền miền Bắc sụp đổ. Hiện tại, nhân quyền được hiểu là một giá trị phổ biến của nhân loại. Do đó, tiêu chuẩn riêng biệt về nhân quyền của Bắc Triều Tiên không được chấp nhận. Nếu Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi thái độ, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục thông qua nghị quyết nhân quyền Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập