Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc lần đầu thua kiện trong vụ tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài 

2019-12-23

Tin tức

Hàn Quốc lần đầu thua kiện trong vụ tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài 

Hàn Quốc phải bồi thường 73 tỷ won cho một gia tộc Iran vì thua kiện

Tòa án cấp cao Anh đã bác đơn kiện của Chính phủ Hàn Quốc, yêu cầu hủy một phán quyết quốc tế có nội dung Hàn Quốc phải bồi thường cho gia tộc Dayyani của Iran liên quan đến thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) Công ty Daewoo Electronics. Trước đó, Tòa án trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) đã ra phán quyết đứng về phía gia tộc Dayyani. Không chấp nhận kết quả, Chính phủ Hàn Quốc đã đệ đơn kiện lên Tòa án cấp cao Anh nhưng bị bác bỏ. Kết quả là Hàn Quốc phải bồi thường cho gia tộc Dayyani. Vụ kiện này được xử lý tại tòa án Anh do đây là nơi tiến hành trọng tài đối với vụ kiện giữa Chính phủ Hàn Quốc và gia tộc Iran.


Hợp đồng sáp nhập và mua lại giữa Hàn Quốc và Dayyani bị hủy bỏ

Tháng 4 năm 2010, Công ty D&A có trụ sở tại Singapore do gia tộc Dayyani thành lập đã quyết định sáp nhập và mua lại công ty Daewoo Electronics, tiền thân là công ty điện tử Daewoo, từng là một trong ba hãng điện tử hàng đầu Hàn Quốc. Công ty này đã nộp khoản đặt cọc hợp đồng là 57,8 tỷ won (4,97 triệu USD). Song, thư cam kết của gia tộc Dayyani lại có vấn đề. Nhóm chủ nợ của công ty Daewoo Electronics đã hủy bỏ hợp đồng với lý do tài chính, cụ thể là trong thư cam kết, số tiền gia tộc Dayyani đề xuất thiếu 154,5 tỷ won (133 triệu USD) so với tổng vốn cần thiết. Gia tộc Dayyani yêu cầu hoàn trả số tiền đặt cọc, song các chủ nợ của công ty Daewoo Electronics từ chối với lý do đối phương phải chịu trách nhiệm về việc hủy hợp đồng. Năm 2015, gia tộc Dayyani đã kiện Chính phủ Hàn Quốc lên Tòa án trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế dựa theo điều khoản ISD liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với một quốc gia. Trong đơn kiện, gia tộc Dayyani yêu cầu Hàn Quốc trả lại 93,5 tỷ won (80,4 triệu USD) gồm tiền đặt cọc và tiền lãi. Tháng 6 năm 2018, Tòa án trọng tài xử thắng kiện cho gia tộc Dayyani và yêu cầu Seoul thanh toán 73 tỷ won (62,8 triệu USD) tiền bồi thường.


Điều khoản ISD bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài

ISD là điều khoản cho phép nhà đầu tư kiện một quốc gia nếu bị thiệt hại do hệ thống pháp lý, chính sách của quốc gia đó. Điều khoản này căn cứ theo luật quốc tế là “Hiệp ước giải quyết tranh chấp đầu tư giữa một quốc gia và công dân của nước khác” ký kết năm 1966, thường được gọi là “Hiệp ước Washington”. Quá trình trọng tài theo điều khoản ISD đã được tiến hành bởi Trung tâm Giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (ICSID), một tổ chức tư nhân thuộc Ngân hàng quốc tế về tái thiết và phát triển (IBRD). Cụ thể, Trung tâm này đã thành lập tòa án trọng tài ba thành viên, gồm một người hòa giải của mỗi bên, và một Chủ tịch do hai bên cùng thống nhất. Nếu hai bên không đạt thỏa thuận, Tổng thư ký của ICSID sẽ bổ nhiệm Chủ tịch. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc thua kiện trong một vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp nước ngoài và Chính phủ theo điều khoản ISD. Trong đơn kiện đệ trình lên Tòa án tối cao Anh, Seoul đã đưa ra hai lập luận. Thứ nhất là vụ tranh chấp này liên quan đến gia tộc Dayyani và nhóm chủ nợ của công ty Daewoo Electronics, chứ Chính phủ Hàn Quốc không phải người trong cuộc. Do đó, vụ kiện này không nằm trong đối tượng áp dụng điều khoản ISD. Thứ hai là bên ký hợp đồng sáp nhập và mua lại công ty Daewoo Electronics là Công ty D&A, nên gia tộc Dayyani không thể đứng ra kiện Seoul lên Tòa án quốc tế theo điều khoản ISD. Song, Tòa án tối cao Anh đã phân tích rộng hơn khái niệm “đầu tư” và “nhà đầu tư” trong Hiệp định đảm bảo đầu tư giữa Hàn Quốc và Iran. Tức là gia tộc Dayyani là nhà đầu tư trong dự án của Hàn Quốc, và có đủ điều kiện để kiện Chính phủ Hàn Quốc theo điều khoản bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài này.

Lựa chọn của ban biên tập