Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ba nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí cùng nỗ lực để đạt tiến triển trong vấn đề Bắc Triều Tiên

2019-12-24

Tin tức

Ba nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí cùng nỗ lực để đạt tiến triển trong vấn đề Bắc Triều Tiên

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật ngày 24/12 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, lãnh đạo ba nước đã nhất trí cùng nỗ lực nối lại đối thoại Mỹ-Triều trong thời gian sớm nhất để đạt tiến triển thực chất cho vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và hòa bình bán đảo Hàn Quốc.


Cơ chế hợp tác Hàn-Trung-Nhật trong vấn đề Bắc Triều Tiên

Mặc dù kết quả hội nghị chỉ dừng lại ở những câu từ thể hiện lập trường nguyên tắc, nhưng cũng không thể phủ nhận ý nghĩa không nhỏ của hội nghị. Cơ chế hợp tác Hàn-Trung-Nhật mang tính chất và phương diện khác với cơ chế phối hợp Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật. Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những quốc gia đồng minh của Mỹ, thuộc cơ chế phối hợp ba bên Hàn-Mỹ-Nhật. Hợp tác Hàn-Mỹ hay Hàn-Mỹ-Nhật đều đối lập với lập trường của Bắc Triều Tiên, nên có thể gặp hạn chế trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi thái độ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là nước có quan hệ gần gũi truyền thống với miền Bắc, có tầm ảnh hưởng nhất định với nước này. Trước tiên, Bắc Kinh đóng vai trò “người đỡ đầu” của Bắc Triều Tiên về phương diện ngoại giao và an ninh. Về kinh tế, Trung Quốc được coi là “thuyền cứu sinh” đối với miền Bắc, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phong tỏa, cấm vận với nước này. Do đó, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể kìm hãm những động thái khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Như vậy, việc ba nước Hàn-Trung-Nhật nhất trí hợp tác trong vấn đề bán đảo Hàn Quốc được coi là một thành quả lớn. 


Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là “món quà Giáng sinh” mà Bắc Triều Tiên “hứa hẹn” tặng cho Mỹ. Giới chuyên gia phỏng đoán miền Bắc có thể sẽ khiêu khích bằng cách phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào đúng dịp Giáng sinh. Đáp lại, Mỹ tuyên bố sẽ sẵn sàng đáp trả nếu miền Bắc manh động. Khẩu chiến giữa hai nước đang ngày một leo thang. Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc vừa trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết đề nghị giảm nhẹ cấm vận với Bình Nhưỡng. Tất nhiên, lập trường của Mỹ là tuyệt đối không thể giảm nhẹ hoặc dỡ bỏ cấm vận với miền Bắc trước khi nước này chịu thực thi phi hạt nhân hóa. 


Lập trường của Trung Quốc

Trước Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 23/12. Lãnh đạo hai nước nhất trí cần tiếp tục duy trì động lực đối thoại Mỹ-Triều, qua đó hối thúc Bắc Triều Tiên kiềm chế thị uy sức mạnh quân sự. Có thể trong cuộc họp trên, lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích với Hàn Quốc về nội dung dự thảo nghị quyết mà nước này đệ trình lên Hội đồng bảo an. Tất nhiên, lập trường của Hàn Quốc là khó có thể phối hợp với Bắc Kinh trong vấn đề giảm nhẹ cấm vận với miền Bắc.


Ở một diễn biến khác, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Moon Jae-in ngày 24/12 tại Thành Đô, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề cập tới sáng kiến của nhà lãnh đạo Hàn Quốc về “Cộng đồng đường sắt Đông Á”, một phần của lộ trình hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Dự án hợp tác đường sắt, đường bộ liên Triều nằm trong sáng kiến này, nhưng chưa đạt được tiến triển nào do vướng phải cấm vận của cộng đồng quốc tế. Trong dự thảo nghị quyết Trung Quốc và Nga trình lên Hội đồng bảo an có nội dung miễn cấm vận đối với dự án này. Thủ tướng Lý khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ có thể đồng hành cùng Hàn Quốc để hiện thực hóa sáng kiến. Như vậy, Seoul và Bắc Kinh có ý định biến dự án hợp tác đường sắt, đường bộ liên Triều thành đòn bẩy để kéo Bắc Triều Tiên quay lại bàn đối thoại. Như vậy, vai trò trung gian của Tổng thống Moon Jae-in đang được nâng tầm thành hợp tác ba bên Hàn-Trung-Nhật. Dư luận đang đặc biệt quan tâm liệu cơ chế hợp tác này có thể khiến Bắc Triều Tiên kiềm chế khiêu khích và hai nước Mỹ-Triều nhượng bộ để nối lại đối thoại hay không.

Lựa chọn của ban biên tập