Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Căng thẳng Mỹ-Triều dự báo tiếp diễn trong năm 2020

2020-01-02

Tin tức

Căng thẳng Mỹ-Triều dự báo tiếp diễn trong năm 2020

Căng thẳng Mỹ-Triều tiếp diễn

Căng thẳng Mỹ-Triều kéo dài từ cuối năm ngoái được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2020. Ngày 28/12 năm 2019, Bắc Triều Tiên đã tổ chức Hội nghị toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động trong 4 ngày, một điều rất hiếm thấy. Trước đó, nước này từng đe dọa sẽ tặng Mỹ một “món quà Giáng sinh”, có thể là khiêu khích quân sự. Phát biểu tại hội nghị toàn thể đảng Lao động, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un để ngỏ khả năng rút lại cam kết dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), thậm chí còn cảnh báo thế giới sắp sửa chứng kiến vũ khí chiến lược mới của nước này. 


Cũng tại hội nghị trên, chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tạo bước đột phá toàn diện đối với cục diện cấm vận hiện nay của cộng đồng quốc tế với nước này. Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh dù phải “thắt lưng buộc bụng” cũng sẽ tự lực phát triển kinh tế, đạt thịnh vượng cho quốc gia. Nhà lãnh đạo miền Bắc nhận định tình trạng bế tắc kéo dài trong quan hệ Mỹ-Triều là “bất khả kháng”.


Miền Bắc vẫn tiếp tục im ắng

Mặc dù đe dọa sẽ tặng Washington “món quà Giáng sinh”, nhưng Bắc Triều Tiên đã không có động thái gì trong ngày này. Sự im ắng của miền Bắc được phân tích là do các động thái răn đe của Mỹ, cũng như bản thân nước này đã tự đưa ra nhận định chiến lược. Trong những ngày cuối cùng của năm 2019, Mỹ liên tục điều động vũ khí chiến lược tới bán đảo Hàn Quốc, tích cực răn đe miền Bắc. Đặc biệt, trước và sau dịp Giáng sinh, Washington đã 5 lần điều động cùng một lúc 4 máy bay trinh sát và máy bay tiếp dầu trên không tới bán đảo Hàn Quốc, một điều hết sức hiếm thấy. Đáng chú ý là lần này, các máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã bật thiết bị định vị, công khai hoạt động tác chiến trên không phận bán đảo Hàn Quốc, trái với thông thường. Do vậy, động thái này của Mỹ được phân tích là một đòn chiến tranh tâm lý nhằm dập tan ý định khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Một số ý kiến nhận định chính quyền Bình Nhưỡng đang cố ý trì hoãn nhằm tăng cường tối đa hiệu quả khiêu khích và gia tăng bất ổn, tức là vẫn còn khả năng miền Bắc sẽ khiêu khích vào khoảng đầu tháng 1. 


Khả năng Bắc Triều Tiên khiêu khích tên lửa

Dư luận đang hết sức quan tâm vũ khí chiến lược mới mà Chủ tịch Kim Jong-un đề cập là gì. Quân đội Hàn Quốc nhận định có thể nước này sẽ khiêu khích tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM). Trước tiên, nhiều khả năng đó sẽ là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đầu tháng 12 năm ngoái, Bắc Triều Tiên công bố đã tiến hành một “vụ thử nghiệm trọng đại”, được phỏng đoán là thử nghiệm động cơ tên lửa ICBM. Quân đội nhận định miền Bắc đã kéo dài được thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ tên lửa ICBM lên gấp đôi, từ 200 giây trong thử nghiệm năm 2017 lên khoảng 7 phút. Thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ tên lửa lâu hơn nghĩa là lực đẩy của động cơ đã được nâng cao hơn. Khi đó, miền Bắc sẽ có thể nâng trọng lượng của đầu đạn gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Một khi hoàn thiện quá trình thử nghiệm, Bắc Triều Tiên sẽ có thể lắp động cơ mới này vào các tên lửa như Unha, Kwangmyongsong để phóng lên vũ trụ. Một số ý kiến phỏng đoán miền Bắc sẽ thử nghiệm tên lửa ICBM nhưng lấy danh nghĩa là một vụ phóng vũ trụ mang mục đích hòa bình. Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sẽ đi quá giới hạn của Mỹ, khiến tình hình quan hệ Mỹ-Triều thêm trầm trọng. Do đó, một số phân tích khác cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ giảm nhẹ mức độ khiêu khích và chỉ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Mặc dù Chủ tịch Kim Jong-un đang gây sức ép với Mỹ một cách cứng rắn, nhưng Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng hẳn cánh cửa đối thoại với Washington.


Lựa chọn của ban biên tập