Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc đối phó với tình hình căng thẳng Mỹ- Iran

2020-01-06

Tin tức

Hàn Quốc đối phó với tình hình căng thẳng Mỹ- Iran

Vụ sát hại Tướng Iran khiến cục diện toàn cầu thêm phức tạp

Sau vụ không kích của Mỹ hôm 3/1 tại sân bay Baghdad, Iraq khiến quan chức cấp cao của quân đội Iran là Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng, tình hình chính trị toàn cầu ngay lập tức rơi vào tình trạng khó khăn. Chính phủ Hàn Quốc đang quan ngại sâu sắc về nguy cơ bất ổn trong nhập khẩu dầu thô, và ảnh hưởng của vụ việc này đến tình hình bán đảo Hàn Quốc.


Iran khẳng định sẽ trả đũa Mỹ sau vụ giết hại tướng cấp cao

Iran đã cảnh báo rằng “đòn trả đũa tàn khốc” đang chờ đợi Mỹ, và các chuyên gia nhận định Tehran có ba kịch bản. Thứ nhất là Iran sẽ cùng các nước đồng minh gây hỗn loạn ở khu vực Trung Đông. Hiện tại, Iran đang viện trợ cho dân quân Shia của Iraq, phiến quân Syria, nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon và phiến quân Houthi của Yemen. Các nhóm vũ trang này có thể tấn công vào lực lượng quân đội Mỹ, cơ sở dầu thô ở Ả -rập Xê út và Israel. Đồng thời, các tổ chức khủng bố chống Mỹ và ủng hộ Iran cũng có thể tiến hành khủng bố tại các nước khác. Kịch bản thứ hai là Iran sẽ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu, hoặc gây bất ổn về nguồn cung dầu thô. Khi căng thẳng Mỹ- Iran tiếp tục leo thang vào năm ngoái, Tehran đã cảnh báo có đủ năng lực quân sự để phong tỏa eo biển Hormuz. Hơn 1/5 nguồn dầu thô toàn cầu đi qua eo biển này hàng năm, do đó, nếu Iran phong tỏa eo biển này thì thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng nguồn cung cấp dầu thô. Đặc biệt, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô từ các nước Trung Đông, và khoảng 70% lượng dầu thô chuyển đến Hàn Quốc qua eo biển Hormuz. Kịch bản thứ ba của Iran là tiến hành tấn công trên mạng đối với các cơ sở hạ tầng của Mỹ và các nước châu Âu như đập hoặc nhà máy điện, nhằm gây hỗn loạn cung cấp điện hoặc rò rỉ khí ga. Ngoài ra, cũng có khả năng xảy ra xung đột quân sự toàn diện, nhưng cả hai bên sẽ phải chịu gánh nặng quá lớn, nên kịch bản này khó khả thi.


Hàn Quốc đối mặt với khó khăn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran

Dù kịch bản nào xảy ra, Hàn Quốc vẫn không thể tránh khỏi thiệt hại do căng thẳng Mỹ-Iran. Trước hết, Seoul cần đảm bảo an toàn cho công dân Hàn Quốc tại các nước Trung Đông, sau đó đối mặt với bất ổn nhập khẩu dầu thô. Các chuyên gia nhận định Iran sẽ khó phong tỏa toàn bộ eo biển Hormuz, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ tấn công hoặc bắt giữ tàu chở dầu, tàu vận chuyển hàng hóa. Trong trường hợp này, dĩ nhiên thị trường dầu thô sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đồng thời, Hàn Quốc có thể gặp khó khăn về ngoại giao vì vừa là đồng minh của Mỹ, vừa giữ quan hệ hữu nghị với Iran. Trước mắt, có khả năng Washington sẽ yêu cầu Seoul tham gia gây sức ép với Tehran. Song, Hàn Quốc phải cân nhắc đến tình hình nhập khẩu dầu thô, xuất khẩu hàng hóa và hoạt động xây dựng của doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước Trung Đông này. Seoul cũng phải theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của căng thẳng giữa Mỹ và Iran đối với quan hệ Mỹ-Triều. Nếu Washington tập trung đối đầu với Tehran thì đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ không còn được quan tâm nhiều như trước, do đó bế tắc sẽ còn kéo dài. Hơn nữa, Bình Nhưỡng cũng có thể phát triển vũ khí hạt nhân và tái diễn khiêu khích trong thời gian này. Ngoài ra, tương tự vụ không khích vừa qua, không có gì đảm bảo Mỹ sẽ không tiến hành tấn công để thanh trừng các quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên.

Lựa chọn của ban biên tập