Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

37 người bị khởi tố trong vụ xô xát Quốc hội tháng 4 năm ngoái

2020-01-03

Tin tức

37 người bị khởi tố trong vụ xô xát Quốc hội tháng 4 năm ngoái

Vụ xô xát tại Quốc hội

Ngày 2/1, Viện Kiểm sát khu vực Nam Seoul đã công bố quyết định khởi tố 37 người liên quan tới vụ xô xát trong quá trình xúc tiến chỉ định thông qua nhanh các dự luật trọng điểm tại Quốc hội, trong đó có dự thảo Luật bầu cử sửa đổi, dự luật cải cách Viện Kiểm sát, vào tháng 4 năm ngoái. Khi đó, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đã phối hợp với ba đảng đối lập nhỏ, không bao gồm đảng Hàn Quốc tự do, đảng đối lập lớn nhất Quốc hội, để chỉ định thông qua nhanh các dự luật. Đảng Hàn Quốc tự do đã tìm mọi cách chống đối, huy động các nghị sĩ, trợ lý, đảng viên của đảng này ngăn không cho các thành viên phe cầm quyền tiến vào phòng họp Quốc hội, cản trở quá trình Quốc hội tiếp nhận và xử lý các dự thảo. Đảng Dân chủ đồng hành và ba đảng đối lập nhỏ cũng không chịu thua, dốc toàn lực để vượt phong tỏa của đảng Hàn Quốc tự do. Quốc hội Hàn Quốc trở nên hỗn loạn, khắp nơi diễn ra cảnh xô xát, vũ lực. Các nghị sĩ túm cổ áo nhau, la hét, văng tục, thậm chí còn sử dụng cả gậy, không khác nào một trận hỗn chiến. Sau đó, quá trình chỉ định thông qua nhanh các dự luật vẫn được diễn ra, nhưng Quốc hội Hàn Quốc mang tiếng xấu là “Quốc hội của động vật”. 


Viện Kiểm sát khởi tố 37 người liên quan

Sau vụ việc trên, các nghị sĩ phe cầm quyền và đối lập đã tố giác lẫn nhau lên Viện Kiểm sát. 9 tháng sau, Viện Kiểm sát công bố danh sách khởi tố gồm 37 người. Đặc biệt, trong danh sách có Chủ tịch đảng Hàn Quốc tự do Hwang Kyo-ahn và 13 nghị sĩ của đảng này, cùng 4 nghị sĩ của đảng Dân chủ đồng hành. Trong số đó, Viện Kiểm sát khởi tố giản lược đối với 10 nghị sĩ của đảng Hàn Quốc tự do và một nghị sĩ của đảng Dân chủ đồng hành. Khởi tố giản lược là quy trình khởi tố đơn giản hơn thông thường đối với các tội danh nhẹ, trong đó công tố viên đề nghị Tòa án tiến hành thẩm định qua văn bản, không mở phiên xét xử chính thức đối với bị cáo. Các nghị sĩ của đảng Hàn Quốc tự do chủ yếu bị cáo buộc vi phạm Luật Quốc hội, cản trở người thi hành công vụ đặc biệt. Trong khi đó, các nghị sĩ của đảng Dân chủ đồng hành bị cáo buộc “bạo hành tập thể” trong quá trình xảy ra xô xát. 


Tác động

Việc Chủ tịch một đảng và hàng loạt nghị sĩ bị khởi tố với cáo buộc vi phạm Luật Quốc hội là điều chưa từng có trong lịch sử Hàn Quốc, dự kiến sẽ gây ra tác động chính trị rất lớn. Đảng Hàn Quốc tự do kịch liệt phản đối quyết định khởi tố của Viện kiểm sát, cho rằng đây rõ ràng là một đòn trả đũa chính trị, dò xét thái độ của chính quyền đương nhiệm. Cựu Đại diện đảng Hàn Quốc tự do tại Quốc hội Na Kyung-won, cũng nằm trong danh sách khởi tố, chỉ trích quyết định của Viện Kiểm sát có ý đồ xóa bỏ chủ nghĩa dân chủ nghị viện của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in. Chủ tịch đảng Hwang Kyo-ahn nhấn mạnh đảng này chỉ cản trở hành vi phạm pháp của chính giới, nên hoàn toàn vô tội. Việc Viện Kiểm sát chỉ khởi tố một số nghị sĩ của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành rõ ràng chỉ mang tính hình thức, làm cân bằng danh sách khởi tố.

Trong khi đó, đảng Dân chủ đồng hành cũng chỉ trích quyết định khởi tố của Viện Kiểm sát là rất máy móc, không cân nhắc tới cục diện tổng thể của vấn đề, đó là đảng Hàn Quốc tự do đã phong tỏa toàn bộ phòng họp Quốc hội khi đó. Quyết định khởi tố thể hiện sự phản đối của Viện Kiểm sát đối với việc thông qua dự luật thành lập Cơ quan điều tra quan chức cấp cao về tham nhũng tại Quốc hội, và việc Tổng thống bổ nhiệm tân Bộ trưởng Tư pháp Choo Mi-ae.

Dự kiến quyết định khởi tố các nghị sĩ của Viện Kiểm sát sẽ giáng một đòn mạnh vào đảng Hàn Quốc tự do. Nếu bị nộp phạt trên 5 triệu won (4.300 USD) với cáo buộc vi phạm Luật Quốc hội, các nghị sĩ của đảng này sẽ bị hạn chế quyền tranh cử. Luật Quốc hội quy định người nào cản trở cuộc họp Quốc hội sẽ bị xử phạt tối đa 5 năm tù giam hoặc tối đa 10 triệu won (8.600 USD). Theo đó, những người bị khởi tố lần này dù đắc cử trong đợt Tổng tuyển cử tháng 4 tới vẫn có thể bị mất chức nghị sĩ tùy theo phán quyết của Tòa án. Đặc biệt, cánh cửa tranh cử chức Tổng thống nhiệm kỳ tới của Chủ tịch Hwang Kyo-ahn có thể sẽ bị đóng lại. Ngược lại, các nghị sĩ đảng Dân chủ đồng hành chỉ bị cáo buộc có hành vi vũ lực, không quá ảnh hưởng đến việc tranh cử. Đó là bởi theo luật hiện hành, trong các vụ án hình sự thông thường, chỉ khi nào bị cáo bị tuyên mức án giam trở lên thì mới bị hạn chế quyền tranh cử.

Lựa chọn của ban biên tập