Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Trung Quốc phê chuẩn thương vụ SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ NAND của Intel

2021-12-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Trung Quốc phê chuẩn 

Giới doanh nghiệp cho biết Cục Quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc (SAMR) ngày 22/12 đã phê chuẩn thương vụ nhà sản xuất chíp bán dẫn Hàn Quốc SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ và ổ cứng thể rắn (SSD) của gã khổng lồ Intel (Mỹ). Cơ quan chức năng Trung Quốc đặt điều kiện là SK Hynix không được cung cấp một số sản phẩm, trong đó có ổ cứng thể rắn dùng cho doanh nghiệp, với giá bất lợi tại thị trường đại lục.

Như vậy, SK Hynix đã được cả 8 nước cạnh tranh phê chuẩn, điều kiện cần thiết để mua lại mảng kinh doanh NAND của Intel. 8 nước cạnh tranh ở đây bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Anh, Singapore và Trung Quốc. Trong thời gian tới, SK Hynix sẽ thanh toán đợt một 7 tỷ USD trong tổng giá trị hợp đồng là 9 tỷ USD cho Intel, để nhận chuyển giao mảng kinh doanh SSD và tài sản nhà máy sản xuất chíp bán dẫn của Intel ở thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc). SK Hynix bày tỏ hoan nghênh quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng Trung Quốc. Hãng cho biết sẽ xúc tiến các quy trình còn lại, hoàn tất thương vụ mua lại vào năm 2025, đẩy mạnh năng lực cạnh tranh mảng kinh doanh chíp nhớ NAND và ổ cứng SSD của công ty trong tương lai, thay vì chỉ thiên về mảng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) như hiện nay.

 

Bối cảnh

Việc SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ NAND Flash của Intel xuất phát từ lo ngại về khó khăn có thể xảy ra trong cuộc chạy đua bá quyền ở lĩnh vực chíp bán dẫn toàn cầu đang ngày càng trở nên khốc liệt, cũng như mối quan hệ lợi ích giữa các nước trở nên phức tạp hơn. Đặc biệt trong năm nay, mâu thuẫn Mỹ-Trung trở nên nghiêm trọng, nhiều ý kiến lo ngại Bắc Kinh sẽ trì hoãn hoặc không phê chuẩn thương vụ của SK Hynix, can thiệp vào quá trình tái cơ cấu kinh doanh của Intel, nhằm kìm hãm Washington. Trước đó, quỹ đầu tư tư nhân Wise Road Capital của Trung Quốc định mua lại công ty Magnachip, một doanh nghiệp chíp bán dẫn hệ thống tầm trung niêm yết tại Mỹ, nhưng sau đó đã thất bại do bị Chính phủ Washington phản đối. Ngoài ra, nhà máy sản xuất chíp nhớ NAND của Intel mà SK Hynix định mua lại nằm ở Trung Quốc, nên sự phê chuẩn của Chính phủ Bắc Kinh là điều kiện tối cần thiết trong thương vụ này. Việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn thương vụ được phân tích là nhờ những nỗ lực tích cực của SK Hynix, và vì thương vụ này mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc. Với Bắc Kinh, nếu SK Hynix trở thành chủ nhân mới của nhà máy của Intel tại Đại Liên, thì doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào đại lục. Trong khi ở lập trường của mình, Mỹ kỳ vọng Intel sẽ mở rộng đầu tư vào trong nước thay vì Trung Quốc.


Hiệu quả kỳ vọng

SK Hynix hiện đang đứng thứ hai thế giới ở mảng bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động DRAM, doanh thu mảng này của hãng trong năm ngoái chiếm tới 70,6% tổng doanh thu, trong khi chíp nhớ NAND Flash chỉ chiếm 23,4%, có sự chênh lệch lớn. Tình trạng này dẫn tới nguy cơ bất ổn, bởi lợi nhuận của hãng bị phụ thuộc quá lớn vào tình hình kinh doanh mảng DRAM. Việc SK Hynix mua lại mảng chíp nhớ NAND Flash của Intel có thể sẽ khắc phục đáng kể điểm yếu này. SK Hynix từng đầu tư cổ phần vào công ty Kioxia, nhà sản xuất chíp nhớ NAND Flash của Nhật Bản vào năm 2017. Theo công ty điều tra thị trường TrendForce của Đài Loan, trong quý III năm nay, thị phần mảng NAND Flash của SK Hynix là 13,5%, đứng thứ ba thế giới. Nếu hoàn tất thương vụ mua lại mảng NAND của Intel, thì thị phần của hãng dự kiến sẽ tăng lên khoảng 20%, vươn lên đứng thứ hai thế giới ngay sau hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc. 

Lựa chọn của ban biên tập