Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị bỏ trống 11 tháng

2021-12-25

Tin tức

ⓒKBS News

Vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đã bị bỏ trống 11 tháng. Chính phủ Mỹ thậm chí vẫn chưa đề cử ứng cử viên Đại sứ, khiến nhiều ý kiến lo ngại thời gian bỏ trống sẽ còn kéo dài hơn một năm. Về điều này, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh Washington đang nỗ lực để sớm chỉ định Đại sứ tại Seoul và hai nước có chung đánh giá là quan hệ song phương đang duy trì ở mức tốt đẹp nhất từ trước tới nay.

 

11 tháng bỏ trống

Chức Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đã bị bỏ trống từ tháng 1 năm nay, sau khi người tiền nhiệm là ông Harry Harris được bổ nhiệm dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Donald Trump rời khỏi vị trí này do Chính phủ mới của Tổng thống Joe Biden ra mắt. Sau đó, cựu Phó Đại sứ Robert Rapson giữ chức Quyền Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc cho tới tháng 7. Hiện Phó Đại sứ Chris del Corso đang giữ chức Quyền Đại sứ. Thông thường, sau khi thay đổi chính quyền, để bổ nhiệm Đại sứ mới tại một nước, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành quy trình chỉ định ứng cử viên, tổ chức phiên điều trần, phê chuẩn tại Thượng viện. Quá trình này sẽ mất khoảng vài tháng, nên việc để trống vị trí Đại sứ là điều khó tránh khỏi. Khi ông Harris được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hàn Quốc vào tháng 7/2018, vị trí này cũng từng bị bỏ trống trong một năm 6 tháng, dài nhất từ trước tới nay cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc.

 

Bối cảnh

Truyền thông Mỹ từng đưa tin phỏng đoán bà Yuri Kim, một người Mỹ gốc Hàn đang giữ chức Đại sứ Mỹ tại Albania, hoặc cựu Tư lệnh quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks sẽ được giao trọng trách Đại sứ tại Seoul, nhưng gần đây phỏng đoán này ít còn được nhắc tới.

 

Trước đây, vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị bỏ trống suốt một thời gian kỷ lục là bởi Giáo sư Victor Cha của Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) được đề cử là ứng cử viên, nhưng sau đó lại bị “trượt” do không được Nhà Trắng thông qua. Điều này đã khiến quá trình bổ nhiệm Đại sứ bị kéo dài. Tuy nhiên, hiện tại Mỹ vẫn đang trì hoãn việc chỉ định Đại sứ mới tại Hàn Quốc dù không có lý do rõ ràng hay tình huống bất khả kháng nào. Chính phủ Tổng thống Biden đã chỉ định xong Đại sứ tại Trung Quốc, Nhật Bản, Australia. Có ý kiến cho rằng việc Mỹ trì hoãn bổ nhiệm Đại sứ tại Hàn Quốc cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Seoul trong đường lối ngoại giao của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bị suy giảm, nói cách khác là Seoul đang bị “bạc đãi”. Trên thực tế, đài NBC của Mỹ ngày 16/12 vừa qua dẫn lời một cựu quan chức Mỹ, chỉ ra rằng việc Washington chậm trễ bổ nhiệm Đại sứ tại Seoul là do yếu tố căng thẳng giữa hai nước. NBC dẫn lời một quan chức Quốc hội, nói rằng người dân Hàn Quốc đang cảm thấy bị “xúc phạm” khi Chính phủ Mỹ không hề chỉ định ai giữ chức Đại sứ tại Seoul, thậm chí còn không có tên một ứng cử viên tiềm năng nào xuất hiện.

 

Phản bác và lập trường của Chính phủ

Nội bộ nước Mỹ cũng đang có ý kiến hối thúc Chính phủ Tổng thống Joe Biden nhanh chóng chỉ định vị trí Đại sứ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Chính phủ Biden đơn thuần chỉ là đang trì hoãn bổ nhiệm toàn bộ nhân sự nói chung, nên không cần thiết gán ghép một ý nghĩa nào cho vấn đề Đại sứ tại Hàn Quốc. Washington vẫn chưa chỉ định Đại sứ mới tại Anh, Ý, Brazil, Hà Lan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Philippines, Ả-rập Xê-út, Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Mặc dù vậy, sự thiếu vắng vị trí Đại sứ tại Seoul không tránh khỏi tác động tới sự trao đổi ngoại giao giữa hai nước. Cân nhắc tới tình hình chung hiện nay, có thể Mỹ sẽ khó bổ nhiệm Đại sứ mới trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 3 năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập