Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc xúc tiến thống nhất cách tính tuổi

2022-04-16

Tin tức

ⓒGetty Images Bank

Ủy ban chuyển giao chính quyền của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang xúc tiến phương án thống nhất cách tính tuổi theo “tuổi tròn”, một cách tính tuổi thông dụng quốc tế. Trong trường hợp đó, độ tuổi pháp lý của người dân Hàn Quốc sẽ có thể giảm đi một đến hai tuổi.

 

Cách tính tuổi tại Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc hiện đang sử dụng ba cách tính tuổi, là tính theo tuổi mụ, tuổi tròn (tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau) và tuổi theo năm (lấy năm hiện tại trừ đi năm sinh).

Cách tính tuổi truyền thống của người Hàn là tính tuổi mụ, ngay từ khi một đứa trẻ ra đời đã được cộng thêm một tuổi. Cách tính tuổi mụ chịu ảnh hưởng từ quan điểm đã ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc, đó là quý trọng sinh mệnh, nên tính cả thời gian từ lúc còn trong bào thai. Tuy nhiên, cách tính tuổi này cũng có những điểm không hợp lý. Ví dụ, một đứa trẻ sinh vào ngày 31/12 thì ngay khi bước sang năm mới, theo cách tính tuổi mụ thì đứa trẻ đó đã được 2 tuổi. Nếu bước sang một năm nữa, thì đứa trẻ này tính theo tuổi mụ là 3 tuổi, nhưng tuổi theo năm (lấy năm hiện tại, trừ đi năm sinh) là 2 tuổi, còn tuổi tròn thì vẫn mới chỉ 1 tuổi.

Thông thường, khi người Hàn giới thiệu tuổi của bản thân thường hàm ý “tuổi mụ”, và người nghe cũng ngầm hiểu như vậy. Do đó, khi nói “tuổi tròn” theo cách tính thông dụng quốc tế thì trước số tuổi thường sẽ phải thêm chữ “tròn” vào để rõ nghĩa. Cách tính theo tuổi mụ thường sẽ chỉ gây ra bất tiện hoặc nhầm lẫn nho nhỏ trong đời sống hàng ngày, nhưng khi đặt trong các vấn đề pháp lý thì lại có thể gây hỗn loạn nghiêm trọng, chẳng hạn như gần đây là tiêu chuẩn độ tuổi tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Đây cũng chính là lý do mà Ủy ban chuyển giao chính quyền xúc tiến cải thiện, thống nhất cách tính tuổi. Trước đó, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol từng cam kết sẽ thống nhất cách tính tuổi theo “tuổi tròn”.

    

Hỗn loạn

Ban các vấn đề chính trị, hành chính và tư pháp thuộc Ủy ban chuyển giao chính quyền của Tổng thống đắc cử ngày 11/4 chỉ ra rằng do cách tính tuổi trong xã hội và trong pháp luật không thống nhất, dẫn tới nảy sinh tranh chấp, hỗn loạn về các dịch vụ hành chính, ký kết hợp đồng, làm tốn kém chi phí kinh tế, xã hội không cần thiết.

Một trường hợp tiêu biểu là độ tuổi áp dụng chế độ kéo dài tuổi nghỉ hưu và giảm dần lương theo giai đoạn, hiện đang được quy định là “56 tuổi”. Ủy ban chuyển giao chính quyền cho biết đã có tranh chấp pháp lý xoay quanh tiêu chuẩn về độ tuổi này. Tòa án cấp sơ thẩm kết luận rằng tiêu chuẩn áp dụng là “tròn 56 tuổi”, trong khi Tòa án tối cao lại giải nghĩa tiêu chuẩn này là “tuổi theo năm, tức 55 tuổi”, dẫn tới tranh chấp đã kéo dài hơn 6 năm qua. Việc hỗn loạn về cách tính tuổi đang tác động sâu sắc tới đời sống và lợi ích kinh tế của người dân. Trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19 cũng nảy sinh hỗn loạn về tiêu chuẩn không khuyến nghị tiêm vắc-xin của hãng dược AstraZeneca với người “dưới 30 tuổi” trong quá trình đặt lịch tiêm ngay trong ngày bằng vắc-xin còn dư. Ngoài ra, vấn đề tính tuổi còn phát sinh trong nhiều tình huống khác như dịch vụ hành chính, phúc lợi xã hội, độ tuổi cho phép uống rượu, hút thuốc lá, tiêu chuẩn tính là người trưởng thành được phép ra vào các cơ sở giải trí, tiêu chuẩn về tư cách ứng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học.

    

Chế độ pháp lý

Ủy ban chuyển giao chính quyền dự kiến sẽ lập ra quy định về cách tính và cách ghi “tuổi tròn” trong Luật dân sự hay Luật cơ bản về hành chính, để xây dựng nguyên tắc sử dụng “tuổi tròn” ở các lĩnh vực dân sự, hành chính trong quy định luật. Bước tiếp theo, Ủy ban sẽ xúc tiến kiện toàn lại các luật riêng lẻ khác đề cập tới cách tính tuổi. Trong Luật cơ bản về hành chính, Ủy ban sẽ xúc tiến chỉ sử dụng “tuổi tròn” khi Nhà nước hay chính quyền địa phương soạn thảo văn kiện và quy định về trách nhiệm khuyến nghị, quảng bá với người dân về “tuổi tròn”. Ủy ban đặt mục tiêu là Cơ quan Pháp chế lập dự thảo sửa đổi Luật cơ bản về hành chính trong năm nay, để được Quốc hội thông qua vào năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập