Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thị trường tài chính Hàn Quốc trở nên bất ổn

2022-07-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Giữa tâm lý lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái, thị trường tài chính Hàn Quốc cũng đang có những dấu hiệu bất ổn, như chỉ số chứng khoán lao dốc, tỷ giá hối đoái won-USD tăng cao. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc đã tăng 6% trong tháng trước. Nhiều ý kiến lo ngại hộ gia đình trong nước sẽ chịu cú sốc nặng nề, nhất là trong trong bối cảnh lãi suất cơ bản sắp sửa được nâng mạnh.


KOSPI và tỷ giá

Chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/7 ở mức 2.292,01 điểm, giảm 49,77 điểm (2,13%) so với phiên trước, rơi khỏi mốc 2.300 điểm sau 1 năm 8 tháng kể từ sau phiên giao dịch ngày 30/10/2020. Chỉ số này từng liên tục giảm điểm thời gian gần đây, tới phiên giao dịch ngày 5/7 đã tăng điểm trở lại sau 5 phiên giảm liên tiếp, nhưng lại lao dốc mạnh vào ngày 6/7. Cùng ngày, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức đầu tư lần lượt bán ròng 315 tỷ won (241,4 triệu USD) và 623,5 tỷ won (477,7 triệu USD), kéo chỉ số KOSPI giảm sâu. Trong khi đó, thị trường tài chính toàn cầu cũng đang lao đao trong tâm lý lo ngại nền kinh tế Mỹ suy thoái, chỉ số chứng khoán New York biến động mạnh, chỉ số chứng khoán một số nước lớn châu Âu cũng giảm điểm mạnh.


Xu hướng bán ra ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài chịu tác động lớn từ việc tỷ giá hối đoái won-USD tăng cao. Tại thị trường ngoại hối Seoul cùng ngày, tỷ giá hối đoái won-USD đóng cửa ở mức 1.306,3 won đổi 1 USD, tăng 6 won so với phiên trước, hai ngày liên tiếp ở mức 1.300 won, mức cao nhất kể từ đầu năm, cũng là mức tỷ giá cao nhất trong vòng 13 năm.


Giá cả và lãi suất

Tình hình giá cả đang ngày càng leo thang nghiêm trọng. Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 5/7 công bố báo cáo “Xu hướng giá tiêu dùng tháng 6”, trong đó chỉ số giá tiêu dùng đạt 108,22 điểm, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, được phân tích là do giá nguyên vật liệu, giá ngũ cốc quốc tế tăng cao. Mức tăng 6% là mức tăng cao nhất trong vòng 23 năm 7 tháng, sau mức tăng 6,8% tháng 11/1998, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Trong năm nay, giá tiêu dùng đã tăng 4,1% vào tháng 3, 4,8% vào tháng 4, 5,4% vào tháng 5 và lần này là 6% vào tháng 6. Gánh nặng đang càng đè nặng lên các hộ gia đình, nhất là khi giá cả được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nâng lãi suất cơ bản để kiểm soát vật giá.


Triển vọng và đối phó của Chính phủ

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự báo giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao trên 5% trong thời gian tới, do sức ép tăng giá vẫn duy trì ở mức cao cả trên khía cạnh cung và cầu. Trong nửa cuối năm 2022, giá dầu thô và ngũ cốc sẽ còn tăng cao hơn nửa đầu năm.


Trên thực tế, việc BOK nâng lãi suất được cho là điều gần như chắc chắn. Một số ý kiến cho rằng có thể Ngân hàng trung ương sẽ nâng mạnh 0,5% lãi suất cơ bản trong tháng 7. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng BOK sẽ chỉ nâng 0,25% lãi suất, do cân nhắc tới gánh nặng trả lãi của người dân và doanh nghiệp, lo ngại tiêu dùng co hẹp, kinh tế suy thoái nếu tăng lãi suất đột ngột.


Chính phủ Hàn Quốc ngày 6/7 đã tổ chức cuộc họp với đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân và Văn phòng Tổng thống và thảo luận về đối sách với cuộc khủng hoảng phức tạp hiện nay. Phe cầm quyền nhất trí triển khai nhanh các đối sách được công bố liên quan tới vật giá và các mặt hàng như dầu mỏ, nông sản, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm.


Thị trường tài chính toàn cầu đang trong tình trạng tồi tệ nhất nửa đầu năm, được dự báo sẽ còn diễn biến xấu hơn trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, thị trường tài chính trong 6 tháng còn lại năm nay dự kiến sẽ tiếp tục bất ổn.

Lựa chọn của ban biên tập