Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Quan niệm về yếu tố tâm linh của người Hàn Quốc và Chương trình biểu diễn văn nghệ Chaeryongchanji của các bé mẫu giáo

2012-01-22

1. Quan niệm về yếu tố tâm linh của người Hàn Quốc

Câu hỏi 1Tôi thuộc thế hệ 9x, hiện đang học chương trình thạc sĩ kinh tế tại Hàn Quốc nhưng lại rất hay tin vào yếu tố tâm linh. Tôi cũng không biết sự may rủi, vận hạn hay số mệnh có thực sự tồn tại hay không nhưng mỗi khi làm việc gì đó quan trọng tôi đều để ý kiêng kị hoặc làm theo những điều mà trong dân gian lưu truyền. Thậm chí thi thoảng có điều kiện tôi còn tìm gặp thầy xem tử vi, tướng số để nhận những lời khuyên khi đang băn khoăn trước việc gì đó. Tôi quan niệm biết để tránh, biết để cố gắng hơn và biết để an tâm hơn. Từ trước tới giờ tôi vẫn tin và làm theo tín ngưỡng tâm linh kiểu Việt Nam chẳng hạn như sẽ tuyệt đối không ăn trứng vào ngày đi thi, không đi đâu xa hoặc làm gì đó đặc biệt vào ngày không tốt, khi quen bạn trai tôi cũng để ý hỏi tuổi tác xem có hợp với mình không...Tôi không biết người dân Hàn Quốc hiện có tin vào những yếu tố tâm linh này hay không. Mong chương trình giải đáp giúp.
Trả lời 1
Nói đến tín ngưỡng tâm linh của người Hàn Quốc, người ta liên tưởng ngay tới Musok-gyo. Musok-gyo là một thuật ngữ được nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo Hàn Quốc dùng để chỉ một hiện tượng tín ngưỡng dân gian đa thần có mặt ở Hàn Quốc từ thời cổ xưa gọi là musok, tức tập tục cúng tế, bói toán, lên đồng. Có học giả còn cho đây là một loại tôn giáo dân gian (Minsok chonggyo) hoặc Saman giáo Hàn Quốc. Những tín ngưỡng saman giáo trải qua quá trình phát triển và biến đổi lâu đời gắn với những hoàn cảnh đặc thù của cuộc sống lao động và đấu tranh với thiên nhiên của những cư dân trên bán đảo Hàn Quốc. Trong quá trình phát triển, musok của Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và nhiều tôn giáo ngoại lai khác. Cũng chính vì vậy, ngày nay Musok-kyo vừa thể hiện những đặc thù của văn hoá Hàn Quốc vừa mang nhiều nét phổ biến của truyền thống văn hoá phương Đông.

Musok-gyo là một loại tín ngưỡng đa thần. Người ta cho rằng mọi sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh từ mặt trời, các vì sao tinh tú đến núi sông, cây cỏ đều có linh hồn. Các linh hồn này không phải vô can với cuộc sống của con người mà trái lại, có thể đem lại cho họ những điều may mắn hoặc bất hạnh. Tương tự như người Việt, người Hàn Quốc tin rằng con người sau khi chết đi thì linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại và có thể phù hộ, ban cho những tài lộc hoặc đem lại điều ác, thậm chí trừng phạt những người đang sống tuỳ theo cách ứng xử của họ với những linh hồn này. Cũng vì vậy mà trong tín ngưỡng dân gian, Musok-kyo đã hình thành những người được tin là có khả năng đặc biệt, giữ vai trò trung gian giữa thế giới các thần linh và thế giới những con người bình thường đang sống đó là thầy cúng, thầy tế, thầy bói.

Có lẽ cũng do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc mà tín ngưỡng tâm linh của Hàn Quốc rất gần với Việt Nam. Chẳng hạn, trước khi làm đám cưới, người Hàn Quốc cũng thường đi xem bói xem cô dâu chú rể có hợp cung hợp tuổi với nhau không. Đối với các bạn trẻ ngày nay, trước khi kết hôn, lập gia đình việc xem tuổi chồng vợ, xem tuổi cưới là điều không thể thiếu vì đa số có một đức tin rằng, vợ chồng có hợp tuổi, hợp mệnh thì làm ăn mới phát đạt, mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và tránh được những tai ương trong cuộc sống. Trong tiếng Hàn thủ tục này gọi là xem “사주팔자”(tứ trụ bát tự), tức là 8 từ trong các căn số của 4 yếu tố chính về năm, tháng, ngày, giờ sinh của cô dâu chú rể được đem ra đối chiếu xem có hợp với nhau không.

Chuyển nhà là việc khá trọng đại nên khi di chuyển chỗ ở, người Hàn Quốc thường chọn ngày lành tháng tốt. Bởi thế người Hàn mới có câu khi chuyển nhà thì phải chọn “손 없는 날”, tức là ngày những ngày theo quan niệm của người xưa là không có ma quỷ hay thần ác hoạt động gây tổn thất cho con người. Những ngày này thường được tính theo âm lịch. Và người ta cũng nói tuỳ vào từng ngày mà các thế lực âm linh bị cho là đem điều xấu đến cho con người sẽ có mặt ở một trong các hướng đông tây nam bắc. Biết được điều này để tránh đi thì sẽ thuận lợi hơn trong công việc. Theo người Hàn Quốc thì những ngày 9, 10, 19, 20, 29, 30 âm lịch được coi là những ngày đẹp.

Bạn Giang thân mến, bạn đang sống và học tập ở Hàn Quốc thì bạn cũng hiểu kì thi đại học quan trọng và nóng bỏng đến chừng nào với không chỉ các thí sinh mà cả xã hội Hàn Quốc đúng không ạ. Ở một đất nước mà đỗ được vào một trường đại học danh tiếng được cho như tấm thẻ đảm bảo cho tương lai tươi sáng sau này của các thanh niên nên kỳ thi tuyển đại học hàng năm được xem là "kỳ thi định mệnh" đối với các sĩ tử và cả gia đình của họ. Xin nhắc lại rằng không phải là sĩ tử ấy có đỗ đại học hay không mà đỗ vào trường nào mới là điều quan trọng bạn nhé.

Trước kỳ thi đại học các bà mẹ thường đến chùa hoặc nhà thờ để cầu nguyện cho con cái mình đậu vào các trường đại học danh tiếng. Nhiều chùa đầy kín ảnh học sinh dán ở bàn thờ như thể để cho Phật biết mặt chúng mà “nâng đỡ”. Nhà thờ Công giáo cũng tổ chức lễ cầu nguyện với sự tham dự của các gia đình có con em đi thi. Trong ngày trọng đại ấy từ sáng, những ông bố và các bà mẹ đứng ngồi không yên. Họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì tốt nhất để con mình có thể tiến tới các cổng trường đại học danh tiếng.

Các sĩ tử sẽ được người thân quen tặng bánh Teok làm từ bột nếp hoặc một loại kẹo dẽo giống như kẹo kéo có độ dính kết cao với lời chúc thi tốt. Các bà mẹ tuyệt đối không có con mình ăn món canh rong biển do quan niệm món canh ấy trơn và nhớt khiến cho kiến thức của các em trôi tuột đi, làm bài không tốt. Giống như các sĩ tử Việt Nam không ăn trứng, chuối, lạc...mà chỉ ăn xôi đỗ hay chè đậu cho may mắn. Nhiều học sinh mang theo cả “bùa may”. Không biết những điều kiêng kị này có thực sự giúp ích gì không nhưng phần nào cũng giải toả bớt tâm lí căng thẳng và lo lắng cho chính thí sinh và người thân.

Hầu như trong mọi hoạt động của đời sống thường ngày, người Hàn Quốc hoặc ít hoặc nhiều vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán liên quan tới tín ngưỡng tâm linh. Khi mua đất, làm nhà thì phong thổ luôn là yếu tố được xem xét trước tiên. Khi tự bắt đầu kinh doanh một công việc mới như mở công ty, cửa hàng, quán ăn... đều tiến hành làm lễ khai trương. Và dĩ nhiên ngày lành tháng tốt cũng sẽ được lựa chọn cẩn thận. Một chiếc đầu heo to để nguyên, đã luộc chín đặt giữa bàn cùng với hoa quả bánh trái được bày biện để cầu mong cho sự thuận lợi và thịnh vượng. Khách đến chia vui sẽ cài những tờ tiền lên đó, chúc cho gia chủ kiếm được thật nhiều tiền.

2. Chương trình biểu diễn văn nghệ Chaeryongchanji của các bé mẫu giáo

Câu hỏi 2Hiện vợ chồng chúng tôi đang theo học chương trình tiến sĩ tại Hàn Quốc. Chúng tôi có một con gái lên 4 tuổi. Chúng tôi gửi cháu ở nhà trẻ Hàn Quốc để có thời gian và yên tâm học tập. Vì học bằng tiếng Anh nên trình độ tiếng Hàn của hai vợ chồng chỉ dừng lại ở mức vài câu hội thoại đơn giản. Hôm vừa rồi tôi có nhận được thông báo từ nhà trẻ của con tôi là tối thứ 6 của tuần đầu tiên sau tết âm lịch nhà trẻ sẽ tổ chức một chương trình múa hát thường niên gì đó cho các cháu. Nghe chừng chương trình tổ chức có vẻ quy mô nên đã đề nghị các thành viên trong gia đình tham gia cổ vũ. Thực sự tôi không hiểu rõ làm về nội dung và ý nghĩa của chương trình. Tôi cũng không biết phải chuẩn bị những gì khi đi tham gia cổ vũ để con gái mình không thấy bị khác lạ so với các bé khác. Xin cho biết cụ thể hơn về hoạt động này của các nhà trẻ tại Hàn Quốc.

Trả lời 2
Chương trình mà bạn nói đến trong tiếng Hàn gọi là Chaeryongchanji (재롱잔치), tức là buổi liên hoan văn nghệ của tất cả các bé trong trường mẫu giáo. Chương trình do chính các bé biểu diễn và thường diễn ra vào đầu năm. Tuỳ theo mỗi nhà trẻ mà chương trình sẽ được ấn định vào một ngày đầu năm dương lịch hay âm lịch. Chương trình văn nghệ này mang ý nghĩa tiễn một năm cũ đã qua và chào đón một năm mới đã tới. Các bé sẽ có nhiều tiết mục biểu diễn thay cho lời cảm ơn của mình dành cho các thầy cô, bố mẹ và người thân trong suốt một năm qua đã nuôi dưỡng và dạy dỗ mình.

Chương trình đề cao tính giải trí và tinh thần tập thể nên sẽ không có màn biểu diễn đơn ca hay độc tấu. Ngoại trừ phần lời chào ở phần mở màn sau khi cô hiệu trưởng lên tuyên bố lí do, sẽ có đại diện 1 bé trai và 1 bé gái mặc trang phục Hanbok rất đáng yêu lên phát biểu chào hỏi và cảm ơn thì tất cả các màn biểu diễn đều là các tiết mục tập thể. Ở nhà trẻ các bé vốn sinh hoạt theo từng lớp, nếu như ở Việt Nam sẽ là “lớp chồi”, “lớp mầm”, “lớp lá”...thì ở Hàn Quốc các lớp học này cũng được đặt những cái tên vô cùng ngộ nghĩnh. Không biết lớp của con bạn được đặt tên là gì nhỉ? Có thể là tên một loài hoa chăng?

Thông thường chương trình sẽ được tổ chức ở một địa điểm tương đối ấm cúng. Có thể là sân khấu biểu diễn nho nhỏ ở trung tâm văn hóa hoặc hội trường của phường đang quản lí nhà trẻ đó chẳng hạn. Sân khấu sẽ được trang trí vô cùng bắt mắt với những hình ảnh sặc sỡ như hoa cỏ, các con vật đáng yêu cùng với bóng bay và đèn màu. Tạo ra không gian mà không chỉ các bé mà chính phụ huynh cũng thấy như mình đang lạc vào cung điện của những câu chuyện cổ tích vậy.

Vài trò liên kết các tiết mục biểu diễn của bác bé và khuấy động không khí thuộc về người dẫn chương trình. Người dẫn chương trình sẽ là một hoạt náo viên thực thụ chuyên nghiệp. Ngoài việc tạo lửa cho chương trình, người dẫn chương trình này còn kiêm luôn khả năng động viên khuyến khích các bé, hướng dẫn khán giả vỗ tay, chỉ dẫn tham gia các trò chơi hoặc giao lưu nhận quà tặng... Ở mỗi nhà trẻ thì chương trình được tổ chức có sự khác nhau tương đối nhưng về cơ bản sẽ có nhiều quà tặng thú vị dành cho phụ huynh lắm đấy bạn ạ. Nào là quà tặng dành cho gia đình có số thành viên tham dự đông nhất. Bạn sẽ ngạc nhiên khi có trường hợp ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác và anh chị em đi cổ vũ cho 1 bé thôi nhưng lên tới hơn 10 người đấy. Nào là quà tặng dành cho người từ nơi xa nhất đến. Bạn từ Việt Nam đến thì chắc sẽ nhận được món quà này đấy. Rồi cả quà tặng dành cho các ông bố hay bà mẹ tham gia hát, nhảy ngẫu hứng trên sân khấu nữa.

Các tiết mục được biểu diễn xen kẽ giữa các lớp có độ tuổi khác nhau. Nhỏ nhất là các bé lên 2. Các cô bé cậu bé này sẽ được khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy đứng lên sân khấu nhảy múa theo nhạc. Với các cháu bé này thì chỉ tính riêng việc đứng trên sân khấu trước đông đảo khán giả rồi vẫy tay, nhoẻn miệng cười, nhún nhảy thậm chí không đồng đều hay theo nhạc gì cả cũng đã là một thành công. Các bố các mẹ thì được dặn kỹ càng là không được gọi tên các bé hoặc tiến đến gần sân khấu vì có thể có những bé nhìn thấy bố mẹ mà hồn nhiên chạy ra theo hoặc oà khóc.

Các bé ở các lớp lớn hơn thì mức độ thành thục cũng được nâng cao. Hầu hết phụ huynh đều ngạc nhiên với khả năng biểu diễn của con em mình. Thường thì mỗi lớp sẽ biểu diễn từ 3~5 tiết mục. Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu các bé đều được thay đổi trang phục, lúc thì ngộ nghĩnh với áo mũ hình các con vật, lúc thì lộng lẫy như những công chúa hoàng tử, lúc thì diêm dúa hay lịch thiệp theo từng nội dung của các tiết mục. Bạn sẽ được thưởng thức các màn biểu diễn nào là múa balê, nào là đồng ca, rồi cũng lắc lư sôi động theo các điệu nhảy ...Khuôn mặt bé nào cũng hớn hở, tươi vui. Bạn còn mong gì hơn nữa chứ!

Đặc biệt, các bé còn rất khoẻ khoắn đáng yêu trong trang phục Taewondo. Các động tác võ thuật được kết hợp bài bản với nhạc rộn ràng trông giống như một bài nhảy. Dường như bé nào cũng hào hứng với tiết mục này. Không chỉ có vậy, màn vận dụng nội công biểu diễn đá bằng chân, chém bằng tay hay dùng đầu để đập vỡ những thanh gỗ cũng khá hồi hộp đấy nhé. Dù các bé có biểu diễn thành công hay không thì cũng luôn nhận được những tràng pháo tay và những tiếng reo hò thích thú của khán giả. Chắc chắn bạn sẽ thấy ấn tượng với một bầu không khí thực sự ấm cúng và thân thiện được gắn kết giữa các cô, các bé và gia đình.

Khi đi tham gia cổ vũ động viên cho bé bạn nhớ mua hoa, đồ chơi, hoặc là những chiếc kẹo xinh xắn được tết thành vòng đeo cổ tặng bé nhé. Nếu có thể thì bạn làm thêm cả băngrôn cổ vũ nữa sẽ rất tuyệt. Đây là sẽ kỉ niệm khó quên với bé và chính vợ chồng bạn khi sống ở Hàn Quốc đấy. Thêm một gợi ý nhỏ cho bạn nhé. Đến dự chương trình, bạn sẽ thấy các cô giáo phụ trách tất bật mỗi lúc các bé xuất hiện trên sân khấu hay lui vào cánh gà. Bạn sẽ ngạc nhiên và thán phục tài của các cô khi có thể dạy các bé học thuộc những bài hát và điệu múa để biểu diễn như những diễn viên nhí thực thụ. Quả thực các cô phải dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho các bé. Vì thế các cô cũng sẽ rất vui và hạnh phúc nếu nhận được một bó hoa cảm ơn từ phụ huynh học sinh của mình đấy bạn ạ.

Lựa chọn của ban biên tập