Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về nhà thơ Ko-un và Lý do không được biết trước giới tính thai nhi khi đi khám thai ở Hàn Quốc

2012-02-05

1. Giải đáp thắc mắc về nhà thơ Ko-un

Câu hỏi 1Trước tiên xin được giới thiệu tôi không phải là nhà thơ mà chỉ là người rất yêu thơ. Một cách rất tình cờ tôi được tặng tập thơ “Bài hát ngày mai”. Thú thực, tiêu đề không mấy hấp dẫn vì không thấy toát lên chất thơ gì cả nhưng tôi tò mò vì đây là thơ Hàn Quốc nên cắm cúi đọc ngay. 2 chữ ‘Hàn Quốc’ thì quá quen thuộc rồi nhưng chưa từng được đọc thơ Hàn Quốc nên tôi muốn biết nó mang vị gì. Đọc xong tôi tự trách mình rằng tại sao giờ mới biết đến thơ Hàn Quốc, chính xác hơn là tại sao mình đã không biết nhà thơ Ko-un? Và tôi bắt đầu tìm kiếm nhưng quả thực mọi thông tin về nhà thơ Ko-un đều bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn nên tôi không thể tiếp cận. Cũng có vài mẩu tin bằng tiếng Việt nhưng nó quá ít ỏi, không làm tôi hài lòng. Mong chương trình giới thiệu giúp tôi về ông.
Trả lời 1
Năm 2010 Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam đã giới thiệu tuyển tập thơ “Bài hát ngày mai” bao gồm 130 của nhà thơ Ko-un (고은), Hàn Quốc do dịch giả Lê Đăng Hoan dịch với độc giả yêu thơ Việt Nam. Tác phẩm văn học Hàn Quốc được giới thiệu ở Việt Nam đã quý, mà thơ thì lại càng quý hơn. Ngôn ngữ thơ rất đặc thù nên không dễ gì có thể dịch được, không phải ai cũng dịch được. Cho tới thời điểm hiện nay thì Lê Đăng Hoan là dịch giả duy nhất có khả năng dịch thơ từ nguyên gốc tiếng Hàn sang tiếng Việt. Tập thơ Bài hát ngày mai do chính nhà thơ chọn từ 7 tập thơ khác nhau, để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Những bài thơ tiêu biểu cho những suy nghĩ của nhà thờ Ko-un về cuộc đời, về thơ và tình yêu nước, suốt đời đấu tranh cho dân chủ cũng như nỗi lòng của ông đang sống trong một đất nước bị chia cắt.

Sinh năm 1933, có thể nói Ko-un là cây đại thụ trong làng thơ Hàn Quốc cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là một tài năng lớn, là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc khi ông là nhà thơ Hàn Quốc đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm hiện nay được đề cử giải Nobel văn học. Trải qua hơn 50 sáng tác, tính từ bài thơ đầu tiên mang tên “Bệnh lao phổi” đăng trên tạp chí “Thơ hiện đại Hàn Quốc” tới nay, ông đã cho ra đời nhiều tập thơ có giá trị, đủ làm nên một tên tuổi lớn trong làng thơ Hàn Quốc. Tác phẩm của ông là những áng thơ nổi tiếng thể hiện tình yêu cuộc sống của con người mang đấy tính nhân văn cao cả được độc giả trong và ngoài nước trân trọng. Thơ ông được dịch ra 23 thứ tiếng trên thế giới trong đó nhiều nhất là tiếng Anh.

Sự nghiệp hoạt động sáng tác thơ của ông được đánh dấu bằng 15 giải thưởng cả trong và ngoài nước cùng với 2 huân chương cấp nhà nước của Hàn Quốc. Từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các hiệp hội văn thơ, ông cũng tham gia giảng dạy tại một số trường đại học danh tiếng ở Hàn Quốc. Cả đời miệt mài với thơ và mong ước nước nhà được thống nhất nên ông rất tích cực tham gia vào các hoạt động giữa hai miền Nam-Bắc. Khi lần đầu tiên Tổng thống Kim Tae-jung thăm Bắc Triều Tiên vào năm 2000, mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ liên Triều thì nhà thơ Ko-un cũng là một đại biểu trong đoàn. Sau đó ông còn đảm nhận vai trò là Chủ nhiệm dự án biên soạn cuốn Đại từ điển tiếng Hàn do hai miền kết hợp triển khai.

Từ năm 2004 một trangweb bằng tiếng Anh www.Ko-un.co.uk của nhà thơ Ko-un đã ra mắt và hoạt động rất tích cực, góp phần vào việc quảng bá văn học Hàn Quốc ra thế giới. Năm 2006 được chọn trao giải website xuất sắc tại Giải thưởng Web Hàn Quốc 2006 dành cho web nghệ thuật cá nhân. Trình làng từ đó đến nay, trang web đã đăng tải những thông tin về về tác giả Ko-un, các tác phẩm đã xuất bản, những bản dịch thơ ông ra tiếng nước ngoài, các giải thưởng và những bài phê bình nhận định về ông trên các báo, tạp chí nước ngoài.

Tuy mới được giới thiệu nhưng các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình của Việt Nam đã đánh giá tập thơ “Bài hát ngày mai” có sức hấp dẫn độc giả rất riêng. Thơ Ko-un là biểu tượng cho sự khát khao hòa bình trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Bằng bút pháp tinh tế, thơ ông tư tưởng cao đẹp về tình yêu thương giữa con người với con người. Hình ảnh làng quê trong thơ Ko-un hiện lên dịu dàng đằm thắm nhưng mang tầm thời đại, tinh tế nhưng gần gũi trong cả tâm tưởng và cuộc đời. Một đặc trưng rất dễ nhận thấy trong thơ Ko-un là mang thi pháp hiện đại nhưng tâm hồn lại rất phương Đông. Đọc thơ ông người ta liên tưởng ông là người suy nghĩ lặng lẽ mà sâu sắc, suy tư mà hóm hỉnh. Thơ ông càng đọc mới lại càng thấy thấm thía những tầng bậc ý nghĩa ẩn chứa.

Bạn Chi thân mến, nhà thơ Ko-un còn là người rất có duyên với Việt Nam đấy bạn ạ. Từ năm 1969 ông đã từng có dịp tới Việt Nam và những kỷ vật về Việt Nam hiện vẫn còn được ông lưu giữ tại nhà. Trong dịp trở lại Việt Nam gần đây nhất nhân dịp ra mắt tuyển tập thơ tại Hà Nội ông đã tự hào khoe như vậy. Và ông còn nói: “Việt Nam là đất nước tôi yêu mến... Ở đất nước này có lịch sử đáng tự hào... Tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với lịch sử Việt Nam”, thậm chí đã ứng khẩu một vần thơ:

  Việt Nam,
  Người là danh dự của châu Á,
  Là bông sen của ngàn vạn năm,
  Là nền hòa bình của ngàn vạn năm,
  Ngàn vạn năm của nhân dân,
  Người nhất định sẽ là vinh quang của muôn đời.


2. Lý do không được biết trước giới tính thai nhi khi đi khám thai ở Hàn Quốc

Câu hỏi 2Em lấy chồng Hàn Quốc và qua sống ở Seoul mới khoảng nửa năm nay. Em đã mang thai được hơn 4 tháng. Hàng tháng em vẫn đi khám thai đều đặn. Theo em được biết thì khoảng từ tuần 14, 15 tuần của thai kỳ thì có thể biết giới tính của em bé. Đợt khám vừa rồi em có hỏi bác sĩ mà bác sĩ không nói. Chồng em nói ở Hàn Quốc không cho biết giới tính của em bé trước khi sinh. Em rất ngạc nhiên. Ở một đất nước y tế phát triển như Hàn Quốc tại sao lại không biết được giới tính của em bé. Hay còn lý do gì nữa? Em định từ tìm hiểu nhưng khả năng tiếng Hàn còn hạn chế nên không hỏi kỹ được. Em muốn biết giới tính con mình một phần vì tò mò một phần vì cũng muốn chuẩn bị trước quần áo sơ sinh cho em bé. Mong chương trình giải đáp giúp em ạ.

Trả lời 2
Thực ra, quy về việc cấm cho biết giới tính thai nhi ở Việt Nam cũng đã được đưa ra từ cách đây 6 năm rồi bạn Phượng ạ. Theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 3.10.2006 của Chính phủ, hành vi siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi đều bị xử phạt hành chính từ 3 đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên như bạn biết đấy chế tài xử phạt này còn quá nhẹ, ý thức của người dân cũng chưa cao nên hầu như quy định không được áp dụng. Không chỉ ở các phòng khám tư mà ngay cả ở bệnh viện công, các sản phụ khi đi siêu âm khám thai đều biết giới tính trước của con mình. Do quy định lỏng lẽo, không được thi hành triệt để nên bạn nhầm tưởng ở Việt Nam các bác si biết giới tính của thai nhi còn ở Hàn quốc thì không đấy.

Nguyên nhân dẫn đến việc phải đưa ra quy định như vậy là do tình trạng mất cân bằng giới tính. Mặc dù hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ở một số nước, đặc biệt là gắn liền với các tư tưởng tôn giáo. Ở một số nước Châu Á, đặc biệt trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Trọng nam khinh nữ là một tư tưởng trong đó coi trọng nam giới hơn phụ nữ. Tư tưởng này thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: sinh con trai được quý trọng hơn sinh con gái; quyền hành của con trai trưởng trong gia đình rất lớn, quyền thừa kế gia sản của cha mẹ cũng dành cho con trai, việc truyền nghề tại các làng nghề thường không truyền cho con dâu hay con gái, rồi năm giới được học hành để thi cử, tiến thân bằng theo con đường quan lộ nhưng người phụ nữ thì chỉ quanh quẩn với việc nhà v.v

Câu “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tức "một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không có" thể hiện cách đánh giá coi trọng con trai hơn trong quan niệm của Nho giáo xưa. Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa và cả ngày nay vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai. Vì thế, nhiều phụ nữ, khi mang thai đến tháng thứ 4, thứ 5, nếu kết quả siêu âm là con gái, họ sẵn sàng phá bỏ để đợi lần sau. Cũng có nhiều phụ nữ ở các vùng nông thôn không có khả năng tiếp cận dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi sớm, vẫn sinh tiếp con thứ 4, thứ 5 cho đến khi có con trai mới chịu dừng.

Chính vì tình trạng này mà tỉ lệ giới tính khi sinh ở nhiều nước trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đã hoặc đang rơi vào tình trạng báo động. Tỉ số giới tính khi sinh được cho là an toàn khi dao động ở mức 104~106/100, tức là trung bình 104~106 bé trai thì có 100 bé gái. Hiện nay tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn ở mức 111,2 bé trai/100 bé gái. Còn ở Trung Quốc là khoảng trên 116/100. Theo thống kê thì hiện nay trẻ em nam ở Trung Quốc đã nhiều hơn trẻ em nữ tới 32 triệu em. Đây là hậu quả của những vụ phá thai có chọn lựa, trong đó thai nhi nam được giữ lại và thai nhi nữ bị huỷ. Còn Hàn Quốc sau nhiều nỗ lực đã giảm tị lệ này về khoảng 106/100 tức là đã thuộc vào mức cân bằng.

Để có được kết quả như trên thì Hàn Quốc đã đề ra các luật lệ nghiêm ngặt, xử phạt các bác sĩ cho biết giới tính cũng như thực hiện các vụ phá thai nhằm lựa chọn giới tính, đồng thời phát động chiến dịch kêu gọi người dân ý thức về hậu qủa của việc chọn lựa giới tính thai nhi. Những quy định và chế tài liên quan đến vấn đề này do chính phủ Hàn Quốc ban hành đã giúp nước này thành công trong việc làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính trong thập niên 1990. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Hàn Quốc đã lên tới cao điểm hồi cuối thập niên 1980.

Tháng 10/1996, chính phủ Hàn Quốc đã sửa luật Y học, theo đó những bác sỹ tiến hành nạo thai lựa chọn giới tính sẽ bị tịch thu giấy phép hành nghề và phạt tới 10 triệu won Won (tương đương 9.000 USD) hoặc bị tù tới 3 năm. Năm 1996 sau khi Seoul có 8 bác sĩ bị kỷ luật vì tiết lộ giới cho thai phụ trước sinh thì ngay năm sau, tình trạng chênh lệch giới tính của Hàn Quốc đã giảm rõ rệt từ 117 bé trai/100 bé gái năm 1993 giảm xuống chỉ còn 109,6 bé trai/100 bé gái tại thời điểm năm 1998. Điều này cho thấy, luật nghiêm rõ ràng đã có tác động. Đến nay cũng đã có nhiều trường hợp bác sĩ bị xét xử do thực hiện nạo thai lựa chọn giới tính.

Ngoài ra, Hàn Quốc còn thực hiện phong trào xã hội tự kiểm soát các nhân viên y tế về các dịch vụ y học phi đạo đức như xác định giới tính thai nhi. Các tổ chức phi chính phủ cũng tiến hành các chiến dịch tuyên truyền ảnh hưởng tiêu cực của sự mất cân bằng giới tính và cải thiện vị thế xã hội của phụ nữ. Trong năm 2009, Viện Giáo dục và Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát trên 2.087 gia đình có con mới sinh trong năm 2008, kết quả thật bất ngờ: 37% các ông bố thích con gái hơn con trai, trong khi chỉ có 29% vẫn thích có con trai, số bà mẹ thích có một cô con gái thì còn nhiều hơn nữa.

Từ năm 2005, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra quy định phụ nữ đã kết hôn vẫn là thành viên gia đình cha mẹ đẻ. Quy định quyền chủ hộ của đàn ông cũng bị tòa bãi bỏ. Phụ nữ có trách nhiệm bình đẳng với nam giới trong chăm sóc cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Tiếp theo, năm 2008, Chính phủ Hàn Quốc cho phép có thể đặt tên con theo họ mẹ hoặc họ cha theo lựa chọn, chứ không nhất thiết chỉ theo họ cha. Ngoài ra, các cặp vợ chồng "sinh con một bề" là gái sẽ được hưởng trợ cấp xã hội khi về già. Những động thái này góp phần gián tiếp đáng kể vào việc cân bằng giới tính khi sinh.

Hẳn là bạn đang rất hồi hộp muốn biết giới tính của con mình đúng không ạ? Nhưng dù chỉ là để thoả mãn chí tò mò thôi thi bạn cũng không có cách gì biết trước sớm được đâu. Còn về việc chuẩn bị quần áo sơ sinh thì bạn cũng không nên quá lo lắng. Ở các siêu thị đều có nhiều gian hàng bày bán đồ sơ sinh nên bạn có thể mua chúng bất cứ lúc nào. Khi đi sinh ở bệnh viện bạn cũng không cần chuẩn bị trước quần áo cho bé vì ở bênh viện đều có sẵn. Thực ra, quấn áo sơ sinh hầu hết được may từ vải mềm, có màu trắng hay màu nhã nhặn phù hợp cho cả bé trai và bé gái nên dù bạn mua mà không biết giới tính của em bé cũng không sao cả.

Và cũng còn có một điểm rất thú vị là một số trường hợp khi gần đến tháng sinh thì bác sĩ cũng “bóng gió” thông báo giới tính thai nhi bằng cách nói về việc chuẩn bị màu sắc quần áo cho bé. Chẳng hạn bác sĩ nói bạn hãy chuẩn bị đồ so sinh màu xanh tức là con bạn sẽ là một bé trai, còn nếu bác sĩ nói bạn hãy chuẩn bị đồ màu hồng thì công chúa nhỏ của bạn sẽ sắp chào đời đấy. Dù bé đầu lòng của bạn là trai hay gái thì điều đó cũng không quan trọng đúng không ạ? Chúc bạn mẹ tròn con vuông.

Lựa chọn của ban biên tập