Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giới thiệu về ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc và tìm hiểu về chợ hải sản Sorae ở Incheon

2012-02-12

1. Giới thiệu về ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc

Câu hỏi 1Hiện mình đang ở Việt Nam nhưng mình rất thích tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc đặc biệt là tín ngưỡng dân gian. Mình có sở thích và thói quen hay đi lễ chùa vào các ngày rằm hay mùng một hàng tháng. Đến thắp hương và vãn cảnh chùa mình cảm thấy tâm hồn thư thái trước vẻ thanh tịnh của chùa. Nhất là vào ngày rằm đầu tiên của năm mới mình còn thường theo gia đình hoặc bạn bè tới các đền chùa ở xa như chùa Hương để cầu chúc cho một năm mới thuận lợi. Không chỉ đối với người theo đạo Phật mà hầu hết người dân Việt Nam đều rất coi trọng ngày Rằm tháng Giêng. Không khí hội hè thậm chí còn náo nức hơn cả ngày Tết nguyên đán với nhiều ý nghĩa được thể hiện trong các trò chơi dân gian, nghi lễ hoặc những kiêng kị.... Mình được biết ở Trung Quốc cũng vậy. Không biết ở Hàn Quốc thì có như vậy không. Xin cho mình hỏi quan niệm của người Hàn Quốc về ngày Rằm tháng Giêng này ra sao.”
Trả lời 1
Nhắc đến ngày Rằm tháng Giêng là tôi hình dung ra sự rộn ràng, nô nức của các lễ hội và lòng người hướng về cõi tâm linh trong những ngày đầu năm mới. Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân bạn sẽ cảm thấy trời đất giao hòa, con người như gần gũi nhau hơn. Đi lễ đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đẹp và lâu đời của mỗi người dân Việt Nam và đây cũng được coi là lễ hội chính thức khép lại những ngày Tết nguyên đán. Trước đây lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết mà sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán thì được ăn tết "bù"... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.

Không chỉ Việt Nam mà ở các nước Châu Á đang sử dụng lịch âm, ngày Rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng. Người Việt Nam còn có câu "Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng". Ở Trung Quốc, ngày này người ta tổ chức Lễ hội đèn lồng để chính thức kết thúc những ngày Tết nguyên đán. Lễ hội đèn lồng xuất phát từ truyền thống sử dụng lửa để kỷ niệm ngày lễ hội và xua đi những điều không may của người dân nước này. Nhưng kể từ khi đạo Phật du nhập vào Trung Quốc vào thời Hán thì Lễ hội đèn lồng đã khoác lên mình những màu sắc tôn giáo khác nhau. Những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ Đức Phật, trong khi những người theo Đạo giáo thì dùng ngày này để kỷ niệm sinh nhật của Thần lửa.

Ở Hàn Quốc thì ngày Rằm tháng Giêng là ngày mà trăng sáng và to nhất trong năm, đồng thời cũng là ngày mà người dân cầu ước mọi điều tốt đẹp cho một năm mới. Vào đúng ngày này, người dân sẽ dậy sớm, ăn các loại hạt hay quả có vỏ cứng như lạc, quả óc chó, hạt ngân hạnh, hay hạt dẻ...Trước đây do điều kiện sống không tốt, thiếu thốn cái ăn nên không đủ chất dinh dưỡng khiến cho da dẻ dễ bị nổi mụn nhọt, người ta cho rằng trong các loại hạt và quả trên có chứa chất có thể ngăn ngừa tình trạng trên rất tốt và yếu tố dinh dưỡng được phân tích là tốt hơn gạo gấp nhiều lần. Chính vì thế vào ngày Rằm tháng Giêng mà cho trẻ em ăn những loại này thì cả năm sẽ không mắc bệnh về da. Vào đêm 14 hoặc giữa đêm Rằm, người Hàn Quốc thường nhìn trăng và cầu những điều tốt đẹp cho cả năm và họ tin rằng những điều ước cầu vào ngày đó sẽ trở thành hiện thực.

Còn đối với riêng người nông dân thì ngày Rằm tháng Giêng còn có ý nghĩa đặc biệt hơn, là một ngày lễ cầu cho cả năm mùa màng bội thu. Rằm tháng giêng theo tiếng Hàn được gọi là “Daeboreum” có nghĩa là ngày Rằm lớn nhất trong năm. Về mặt ý nghĩa tượng trưng thì ngày Rằm tháng riêng còn là ngày lễ mang “tính âm” theo âm dương khi mặt trăng, phụ nữ và đất đều mang thuộc tính âm. Mặt trăng được coi là nữ thần của nước nên ngày Rằm tháng Giêng có quan hệ mật thiết với văn hóa nông nghiệp. Việc xem mặt trăng và đất là nữ tính được truyền lại từ quan niệm về khả năng sinh sản của thần địa mẫu từ xa xưa. Ánh sáng của trăng Rằm tháng Giêng còn tượng trưng cho sự sáng sủa xua đi cái tối tăm, bệnh tật và tai ương. Người Hàn Quốc còn có câu tục ngữ “설은 질어야 좋고 보름은 밝아야 좋다” tức là vào ngày Tết tuyết rơi nhiều mới tốt còn ngày Rằm tháng giêng thì trăng phải sáng mới tốt.

Vào ngày Rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc cũng có nhiều nghi lễ được diễn ra. Thông thường ngày Tết nguyên đán sẽ diễn ra các nghi lễ mang tính cá nhân vào ngày Rằm tháng giêng sẽ diễn ra các nghi lễ mang tính cộng đồng. Tức là vào ngày Tết chủ yếu sẽ cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, còn vào ngày Rằm tháng giêng sẽ thực hiện các nghi lễ cầu chúc mọi điều tốt đẹp chung cho cộng đồng. Tuy nhiên ở mỗi vùng thì các nghi lễ, nội dung có đôi chút khác biệt với những tên gọi khác nhau tuỳ theo đặc trưng văn hoá của vùng miền ấy. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm là không khí lễ hội rộn ràng và vui nhộn, có liên quan nhiều tới văn hoá nông nghiệp. Có thể là những màn biểu diễn nông nhạc chuyên và không chuyên. Cũng có những nơi thực hiện cả việc phóng sinh khi mua cá hay baba rồi đem thả ra sông.

Trước đây và ngay cả bây giờ vẫn còn nhiều người Hàn có thói quen làm các việc liên quan tới con số 9 vào trước hoặc chính ngày Rằm tháng Giêng. Ví dụ người ta tin rằng học sinh viết một chữ 9 lần hay viết 9 dòng chữ thì sẽ học hành chăm chỉ trong suốt cả năm. Và cũng có những điều kiêng kị như hạn chế tối đa việc phải đem ngũ cốc lương thực ra khỏi nhà. Vì cho rằng như vậy thì phúc trong cả năm sẽ kém đi, của cải sẽ hao tổn. Đặc biệt, tuyệt đối không vận chuyển gạo ra khỏi nhà. Dù có cần tiêu tiền thì cũng cố gắng tiêu trước ngày này.

Tương tự như vậy, bò vốn là tài sản rất quan trọng và là nguồn hỗ trợ lao động đắc lực nên người nông dân rất quý loài vật này. Vào ngày Rằm tháng Giêng người ta cho bò ăn thêm một bữa có trộn cơm ngũ cốc vào thức ăn hàng ngày của bò. Nhìn cách bò ăn cũng đoán chừng về sản xuất nông nghiệp trong năm. Người ta tin rằng nếu bò ăn gạo trước thì năm đó lúa sẽ được mùa, nếu bò ăn đỗ trước thì năm đó đỗ sẽ được mùa.

Nhiều người còn để một mâm cúng ở trước chuồng bò và cầu mong cho suốt cả năm bò được khoẻ mạnh, làm việc chăm chỉ. Ngoài ra, vào sáng sớm ngày Rằm, họ cũng nghe và đếm cả tiếng gà gáy. Nếu số lần gáy mà ít thì năm đó mất mùa và nếu gà gáy trên 10 lần thì năm đó sẽ được mùa.

2. Tìm hiểu về chợ hải sản Sorae ở Incheon

Câu hỏi 2Tôi tới Hàn Quốc làm công nhân đã được hơn 1 năm. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng biển nên tôi thích ăn cá và các loại hải sản khác. Khi còn sống ở Seoul, hầu như tuần nào tôi cũng tới chợ hải sản Noryangjin để mua thức ăn dự trữ cho cả một hai tuần. Từ khi chuyển xuống Incheon cách đây vài tháng, tôi chỉ có thể mua hải sản trong siêu thị Homeplus. Tôi thấy hải sản ở siêu thị không đa dạng, tươi ngon bằng mua ở chợ hải sản và giá cả lại rất đắt. Incheon cũng là vùng biển nên tôi nghĩ chắc chắn sẽ có chợ chuyên bán đồ hải sản nhưng vì còn lạ lẫm và tiếng Hàn cũng không tốt nên tôi chưa tìm ra được? Xin hãy giới thiệu và chỉ giúp tôi cách đi tới đó. Xin cảm ơn.”

Trả lời 2
Người Incheon vẫn tự hào khi giới thiệu về chợ hải sản Sorae nằm sát cảng Soraepogu, Incheon đấy bạn ạ. Nơi này thật sự lí tưởng cho bạn chiêm ngưỡng, mua và thưởng thức ngay tại chỗ hầu như không thiếu bất cứ loại hải sản nào. Đường đến đây tuy không thuận tiện bằng đến chợ hải sản Norryangjin ở Seoul nhưng bạn cũng không quá vất vả để tìm đâu. Vì bạn không nói rõ hiện đang ở khu vực nào của Incheon nên chúng tôi khó hướng dẫn bạn cụ thể. Giả sử bạn ở gần ga tàu điện ngầm Incheon (인천역), bến cuối cùng của đường tàu điện ngầm tuyến số 1. Ngay giáp ga tàu là khu phố của người Trung Hoa(ChinaTown), ở đây bạn lên xe bus số 15 , đi đến bến Seokbawi (석바위) thì xuống, đổi sang xe bus số 38 đi tiếp rồi xuống ở bến ngã tư nhà thờ Nonhyun, đi bộ thêm khoảng 10 phút nữa là tới nơi. Xin lưu ý lại với bạn là Incheon rất rộng, tuỳ thuộc vào việc bạn ở chỗ nào mà có cách đi tiện lợi tới chợ Sorae. Biết tên chợ rồi bạn có thể hỏi những người xung quanh khu vực bạn đang ở chắc sẽ có được những cách đi ngắn nhất cho bạn.

Chợ Sorae cung cấp lượng hải sản lớn không chỉ cho cư dân Inchoen mà cả Seoul và các vùng lân cận. Có một điều thú vị khác với các chợ hải sản thông thường khác là bạn có thể ngắm cảnh biển rất thơ mộng và từng đoàn thuyền đánh cá cập bến vào khoảng 5~6 giờ chiều cũng như cảnh mua bán tấp nập ngay tại đây. Vì thế không chỉ đến đây mua hải sản đem về, khách hàng còn kết hợp tham quan và thưởng thức các món hải sản tươi sống ngay tại chỗ. Bạn có thể mua hải sản trực tiếp từ các chủ thuyền với giá hợp lí nhất rồi tự chế biến hay thuê người ta làm với giá rất rẻ. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn chuẩn bị sẵn 1 bếp ga du lịch, các đồ ăn kèm rồi ngồi ngay tại đó thưởng thức các món ăn mình vừa mua hoặc chỉ cần ghé vào bất cứ quán hàng nào trong khu chợ là có thể ung dung nếm thử những món ngon ngay cạnh bờ biển rồi.

Giống như người Nhật, người Hàn cũng rất thích ăn món cá sống. Cá sống là món thịnh soạn vì khá đắt tiền với các đồ ăn đi kèm được chế biến đa dạng và cầu kì nên hầu như chỉ vào các dịp tương đối đặc biệt như thiết đãi khách hay lâu lâu cải thiện sinh hoạt gia đình người ta mới ăn món này ở nhà hàng. Món cá sống được chế biến chỉ từ một số loài cá có thành phần dinh dưỡng cao, tốt cho sức khoẻ con người và cũng rất ngon miệng. Vị tươi, ngọt và mềm của lát cá thái mỏng chấm với tương ớt cay, gói thêm lá rau sống nữa luôn hấp dẫn các thực khách khảnh ăn nhất. Và dĩ nhiên, khi ăn cá sống người ta không thể quên bổ sung cho vị ngọt của cá, vị cay của ớt và satế thêm một ngụm rượu Soju đậm hương vị Hàn Quốc. Và nếu không mặn mà với món cá sống thì bạn có thể gọi các món nướng hay xào hoặc lẩu cũng đều rất hấp dẫn.

Thính giả của chúng ta chắc đang quan tâm tới các loại hải sản đa dạng khác để có thể mua về dự trữ trong tủ lạnh ăn dần đúng không ạ? Bạn yên tâm, tất cả các loại tôm, cua, cá, mực, nghêu sò ... đều được bày bán rất đa dạng với giá rẻ ngạc nhiên đấy. Mua xong bạn sẽ được các chủ hàng cá đóng gói cận thận vào hộp xốp để đảm bảo độ tươi ngon. Bạn có thể để hải sản tươi sống như vậy rồi đem về nhà hoặc nhờ người bán sơ chế qua như mổ bỏ ruột, đánh bỏ vây hay đầu cá...Và nếu có nhu cầu ăn cá sống tại nhà thì người bán cũng sẽ chế biến rồi đóng gói cẩn thận trông rất ngon mắt cho bạn chỉ việc đem về thưởng thức.

Nếu tới chợ hải sản Sorae vào đúng dịp thì bạn còn được tham dự vào Lễ hội Sorraepogu Incheon được tổ chức hàng năm vào khoảng mùa thu tại quảng trường Waterront và công viên sinh thái Wetland. Tính đến năm ngoái thì lễ hội này đã bước sang lần thứ 11, thu hút rất đông du khách từ các vùng trong cả nước và khách nước ngoài đến với chương trình để thăm quan và thưởng thức hải sản. Khách tham quan ngoài việc ngắm cảnh biển thanh bình yên ả với những con thuyền xinh xắn đậu sát mép nước, sẽ còn được tham gia phiên chợ hải sản truyền thống hấp dẫn, tự mình trải nghiệm nhiều hoạt động văn hoá diễn ra ở đây. Khi về còn được tay xách nách mang những đồ hải sản tươi ngon do chính mình chọn lựa với giá cả cực kì hấp dẫn.

Lựa chọn của ban biên tập