Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về sự phát triển của Khoa tiếng Việt tại các trường đại học ở Hàn Quốc và tìm hiểu về tiệc Thôi nôi Doljanchi của Hàn Quốc

2012-02-19

1. Giải đáp thắc mắc về sự phát triển của Khoa tiếng Việt tại các trường đại học ở Hàn Quốc và tìm hiểu về tiệc Thôi nôi Doljanchi của Hàn Quốc

Câu hỏi 1Mình là thính giả trung thành của chuyên mục Hỏi đáp cuối tuần nói riêng và đài KBS chương trình tiếng Việt nói chung. Cùng với trào lưu Hàn Quốc, mình thấy hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có mong ước vào học khoa tiếng Hàn và Hàn Quốc học ở các trường Đại học. Các công ty Hàn Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào Việt Nam nên có lẽ vì thế mà khả năng xin việc sau khi ra trường cao hơn các ngành khác, cơ hội phát triển cũng tốt hơn. bên cạnh đó, trong số những người Hàn Quốc làm việc tại các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam cũng rất nhiều người giỏi tiếng Việt. Có người tới Việt Nam mới bắt đầu học nhưng cũng có người đã tốt nghiệp đại học, khoa tiếng Việt tại Hàn Quốc. Minh rất tò mò không biết Khoa tiếng Việt ở các trường đại học của Hàn Quốc phát triển như thế nào.

Trả lời 1
Quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam đang ngày càng phát triển trên các mặt, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế với nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đang tiến vào thị trường Việt Nam. Vì vậy nhu cầu về phiên dịch viên và nhân viên giỏi tiếng Việt cũng gia tăng nhanh chóng. Do vậy, số lượng sinh viên theo học tiếng Việt Hàn Quốc tăng lên đáng kể. Khoa Tiếng Việt và ngành Việt Nam học tự lúc nào đã trở nên rất “hot” với hầu hết các sinh viên tốt nghiệp đều xin được việc làm tại những tập đoàn lớn nhỏ hoặc có cơ hội kiếm tiền cao. Nền kinh tế mở cửa của Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc với số vốn hàng tỉ USD đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh, còn nền văn hoá và ngôn ngữ Việt đang có sức hấp dẫn lớn đối với giới trẻ nước này.

Hiện tại ở Việt Nam, việc đào tạo tiếng Hàn đang được nhiều trường đại học đưa vào giảng dạy. Chỉ tính riêng các trường đại học hiện có khoa tiếng Hàn hoặc Hàn Quốc học hệ chính quy đã lên tới 9 trường ở cả ba miền Trung, Nam, Bắc. Hằng năm ít nhất có khoảng hơn 1000 sinh viên tốt nghiệp, chưa kể số các học viên ở các trung tâm chuyên đào tạo tiếng Hàn. Tuy nhiên ở mức độ nào đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng về cả mặt chất lượng và số lượng. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, việc từ chỗ chỉ có một khoa tiếng Việt tại Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc thì nay đã có 4 trường đại học có đào tạo tiếng Việt. Đây là nguồn nhân lực quý báu cho việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước hiện tại cũng như trong tương lai.

Trước tiên phải kể đến trường Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc, đây có thể coi là cái nôi của ngành Việt nam học. Được thành lập từ năm 1954, ban đầu là một trường cao đẳng chuyên nghiên cứu ngoại ngữ khởi đầu với các thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc. Liên tiếp đào tạo và phát triển để trở thành trường Đại học vào năm 1980, mở cơ sở 2 tại thành phố Yongin thuộc tỉnh Gyeonggi vào năm 1981. Hiện nay trường còn mở rộng thêm các khoa, ngành học và viện nghiên cứu đa dạng bao gồm cả Khoa học xã hội, Nhân văn, nghiên cứu Á-Phi…Trong đó Khoa tiếng Việt có bề dày tương đối. Thời điểm thành lập năm 1967, khoa Tiếng Việt khá phát triển. Sau năm 1975, sinh viên học tiếng Việt rất ít vì hai nước chưa có quan hệ ngoại giao. Những người đã tốt nghiệp không có cơ hội sử dụng tiếng Việt sau khi ra trường nên hầu như không còn nhớ gì. Tuy nhiên, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12/1992 và nhất là những năm gần đây, ngày càng nhiều sinh viên chọn Khoa Tiếng Việt.
Khoa Tiếng Việt là một trong những khoa tỷ lệ cạnh tranh đầu vào và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Tất cả sinh viên tốt nghiệp đều xin được việc làm, thậm chí nhiều người được các công ty tuyển dụng ngay từ năm thứ ba. Mỗi năm, khoa Tiếng Việt tuyển khoảng 30 sinh viên. Tổng số sinh viên hiện nay là 120 người. Ngoài các bài giảng về ngôn ngữ, sinh viên còn được học lịch sử, văn hóa, văn học Việt Nam do các giáo sư Hàn Quốc và Việt Nam giảng dạy. Sinh viên được cập nhật sinh ngữ nhờ xem các chương trình truyền hình Việt Nam qua vệ tinh, giao lưu, thực tập tại Việt Nam trong các kỳ nghỉ hè hoặc nghỉ đông.
Tiếp đó là Đại học ngoại ngữ Busan, thuộc Đại học Quốc gia Busan, được thành lập từ năm 1946. Là một trường đại học tổng hợp danh tiếng hàng đầu ở Hàn Quốc và khu vực Đông Bắc Á, Đại học Quốc gia Busan đang có 15 trường đại học trực thuộc, một phân khoa thể dục thể thao, đào tạo hầu hết các ngành học. Khoa tiếng Việt mở khóa đào tạo đầu tiên vào năm 1991 và từ năm 1995 đến này đã có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp. So với truyền thống của trường thì tuy khoa còn rất rẻ nhưng tỉ lệ sinh viên kiếm được việc làm lại rất cao. Từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, các em đã tích cự tham gia các hoạt động biên dịch và phiên dịch, đi Việt Nam thực hành tiếng Việt vào các dịp nghỉ hè và nghỉ đông để nâng cao trình độ. Thực hiện nhiều hoạt động ngoại khoá như văn nghệ, thể thao, tình nguyện liên quan tới Việt Nam, có đóng góp nhiều cho việc phát triển tình hữu nghị Việt-Hàn.
Ra đời muộn hơn nhưng Khoa Tiếng Việt tại trường Đại học Chungwoon lại đang tràn đầy sức trẻ phát triển. Thành lập vào năm 1998, với mỗi khoá có khoảng 30~40 sinh viên, Khoa Tiếng Việt của trường Chungwoon rất tích cực đẩy mạnh các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tiếng Việt và Việt Nam học. Các hoạt động ngoại khóa cũng được thầy và trò của trường lưu tâm nhằm đẩy mạnh khả năng của sinh viên. Ngoài ra còn có trường Đại Học Youngsan cũng có đào tạo tiếng Việt. Tuy chưa phát triển thành Khoa Tiếng Việt nhưng là bộ môn trực thuộc Khoa Đông Nam Á.
Hầu hết, khi mới học sinh viên Hàn Quốc không hiểu biết nhiều về Việt Nam, nhưng càng học, họ càng thêm yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Trong kỳ nghỉ hè, rất nhiều sinh viên Hàn Quốc đã sang Việt Nam để thực tập thêm tiếng Việt và khi trở về đã trở thành những người yêu mến Việt Nam. Ban đầu ai cũng thấy tiếng Việt rất khó vì có nhiều thanh điệu nhưng dần dần cũng thấy được sức hấp dẫn của ngôn ngữ này. Văn hoá Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng nên hầu hết các sinh viên đều thấy gần gũi với văn hóa và con người Việt Nam. Nhiều bạn trẻ có mong ước được làm việc trong các tập đoàn của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Năm 2009, tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Seoul đã diễn ra "Hội thi nói tiếng Việt và lễ hội văn hóa-nghệ thuật Việt Nam" của các trường đại học có khoa tiếng Việt. Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam chủ trì và phối hợp với các trường đại học có khoa tiếng Việt trên toàn Hàn Quốc để thực hiện chương trình này. Cuộc thi này sau đó được diễn ra thường niên, luân phiên ở các trường, năm 2010 tại Đại học ngoại ngữ Busan, năm 2011 thì tại Đại học Chungwoon. Tham dự và cổ vũ cho cuộc thi có các giáo sư, các chuyên gia Việt Nam học của Hàn Quốc, các cơ quan hữu quan cùng hơn đông đảo sinh viên đang theo học tiếng Việt Nam tại các trường.

Các màn trình diễn nghệ thuật giữa các 4 trường đại học có sinh viên tham dự cuộc thi được trình diễn rất sôi nổi. Những khán giả có mặt tại hội trường dù là người Việt hay người Hàn đều không thể không hài lòng với sự chuẩn bị công phu và đầy sáng tạo của các sinh viên. Đó có thẻ là màn múa nón với áo dài truyền thống Việt Nam, màn diễn kịch bằng tiếng Việt câu chuyện "Hung-bu và Nol-bu" giống truyện “Cây khế” của Việt Nam, hay màn đồng ca, bài biểu diễn múa sạp.... Các sinh viên Hàn Quốc đã nỗ lực thể hiện khả năng tiếng Việt cũng như vốn hiểu biết phong phú về văn hóa, phong tục của người Việt Nam.

2. Tìm hiểu về tiệc Thôi nôi Doljanchi của Hàn Quốc

Câu hỏi 2Hiện tôi đang làm việc tại một công ty về xuất nhập khẩu ở Hàn Quốc. Công ty tôi không lớn mà yêu cầu công việc cũng không cần nhiều nhân viên nên có thể nói là mọi người trong công ty rất thân thiết với nhau. Hôm qua tôi mới nhận được 1 thiệp mời sinh nhật 1 tuổi của con gái chị bạn làm cùng. Tôi có hơi ngạc nhiên vì thông thường ở Việt Nam nếu mới dự sinh nhật thì chỉ là những người trong gia đình và bạn bè thân thiết nên không cần giấy mới mà chỉ cần gặp trực tiếp nói hoặc thậm chí nói qua điện thoại. Có những trường hợp không tổ chức sinh nhật nhưng người thân quen nhớ ngày sinh nhật vẫn đến nhà chơi, mua hoa và quà chúc mừng. Tôi có thắc mắc với một bạn khác người Hàn Quốc thì bạn ấy nói lần sinh nhật đầu tiên sẽ được tổ chức rất to, là một ngày đặc biệt. Xin giới thiệu kĩ hơn về ngày này giúp tôi được không ạ? Khi đi dự sinh nhật như vậy, tôi nên chuẩn bị quà gì cho bé thì phù hợp?

Trả lời 2
Với người Hàn Quốc thì tiệc Thôi nôi (돌잔치, Doljanchi) là ngày rất quan trọng để kỉ niệm sinh nhật đầu tiên của các bé. Trước đây khi điều kiện sống không được sung túc và kỹ thuật y tế còn kém phát triển thì tỉ lệ các bé chết yểu hay ốm yếu trong những tháng đầu tiên mới chào đời rất cao. Nếu vượt qua mốc một năm tuổi thì sẽ là sự kiện rất mừng, không kém gì ngày bé chào đời vì vậy mà sinh nhật đầu tiên còn là ngày chúc mừng 1 năm đầu tiên của cuộc đời đi qua không ốm đau, và cầu chúc cho em bé lớn lên khoẻ mạnh.

Tuy các nghi thức về ngày Thôi nôi này có thay đổi ít nhiều theo thời gian nhưng với mỗi người dân Hàn Quốc thì đây là sự kiện không thể bỏ qua. Vào buổi sáng kỷ niệm tròn một năm ra đời của em bé, người nhà sẽ chuẩn bị mâm cúng tam thần để cầu minh phúc cho bé. Sau đó cả gia đình sẽ ăn cơm trắng với canh rong biển Miyeokguk giàu chất dinh dưỡng và nhất định phải có vào mỗi lần sinh nhật. Vào ngày Thôi nôi của bé, bố mẹ thường chuẩn bị nhiều bánh Teok và hoa trái để nhiều người cùng ăn và còn đem chia cho các gia đình hàng xóm thân cận nữa. Nhận qùa được chia các gia đình hàng xóm sẽ cho lại gạo hoặc tiền tượng trưng để chúc mừng.

Tiệc Thôi nôi là một phần không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người Hàn Quốc. Tuỳ vào điều kiện và hoàn cảnh mà người ta sẽ tổ chức to hay nhỏ, sang trọng hay đơn giản. Nhưng gần đây do cuộc sống bận rộn cộng với điều kiện kinh tế tốt lên nhiều nên hầu hết đều được tổ chức ở nhà hàng, khách sạn. Các nhà hàng, khách sạn luôn sắn sàng cho dịch vụ tổ chức tiệc thôi nôi. Thậm chí có những nơi người ta chỉ chuyên tổ chức tiệc thôi nôi. Mọi khâu chuẩn bị được làm rất chu đáo từ trang trí phông hình, MC dẫn chương trình, đồ ăn thức uống và dịch vụ thuê quần áo truyền thống Hanbok cho cả gia đình để hợp tông màu và kiểu dáng. Nhân vật chính của bữa tiệc sinh nhật trọng đại này được mặc quần áo Hanbok, quần áo Hanbok cũng có cách mặc để thể hiện ý nghĩa em bé sẽ sống thọ lâu chẳng hạn như mặc áo nhiều màu sắc rực rỡ, váy đỏ vả đội mũ cùng bộ với quần áo.

Trước khi bước vào phòng tiệc, bạn sẽ thấy ở ngay ngoài của có trang trí rất nhiều hình ảnh sinh động của bé từ khi mới trào đời đến nay. Hiện nay còn có phong trào đi chụp ảnh cho bé ở Studio trước ngày diễn ra tiệc Thôi nôi. Vì thế một cuốn album tuyệt đẹp cũng được bày ở đó để người thân thích và khách khứa chiêm ngưỡng. Đại đa số các gia đình đều mới nhiếp ảnh gia tới quay phim chụp hình để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ cho bé. Đáng chú ý nhất là trên sân khấu của phòng tiệc có bày một bàn tiệc lớn với phông nền và bóng bay rất đẹp mắt. Trên chiếc bàn thật to có bày biện các loại bánh Teok và hoa quả phong phú. Ngoài ra còn có thịt, cá, cơm, bánh kẹo, rồi mỹ, đường trắng và bánh ngô đậu đỏ...là những món ăn tượng trưng cho sự trường thọ, vô bệnh tật và ngăn chặn những điều không hay.

Phần rất quan trọng trong tiệc Thôi nôi là nghi thức 돌잡이(Doljabi). Chúng ta có thể hiểu nôm na đó là nghi thức để cho em bé chọn một trong các đồ vật được chuẩn bị sẵn. Thông thường những đồ vật ấy sẽ đi kèm các ý nghĩa tượng trưng nhất định, qua việc bé chọn đồ vật nào thì người ta tin tưởng rằng sau này bé sẽ trưởng thành như ý nghĩa mà đồ vật mình chọn mang. Ví dụ như tay bé chỉ vào chiếc tai nghe của bác sĩ thì sau này bé sẽ trở thành bác sĩ, nếu bé chọn bát gạo thì nhất định bé sẽ có cuộc sống nó đủ, và nếu bé chọn tiền thì dĩ nhiên người ta tin rằng bé sẽ trở nên giàu có. Còn nếu bé chọn cây bút thì sao? Đích thị là bé ham học và học giỏi lắm đây. Hoặc nếu bé chọn những sợi chỉ sặc sỡ màu sắc thì ắt hẳn bé sẽ sống rất lâu mà không ốm đau bệnh tật gì. Có gia đình bố mẹ còn để cả chiếc micro vào cho bé chọn với mong ước bé sẽ trở thành ca sĩ....

Doljabi được xem là phần sôi nổi và thú vị nhất của bữa tiệc Thôi nôi. Tất cả mọi người sẽ hướng lên bàn trung tâm, quan sát từng cử chỉ hành động ngộ nghĩnh của bé và reo hò tán thưởng khi bé chọn bất kỳ một đồ vật nào đó trong số những đồ được bày ra. MC đương nhiên sẽ là người khuấy động chương trình những lúc như thế này và rồi sau đó tất cả sẽ cùng hát bài Chúc mừng sinh nhật (생일축하합니다). Cuối cùng, bố hoặc mẹ của bé sẽ đại diện gia đình phát biểu đôi lời cảm ơn tới khách đến dự tiệc.

Khách mời sẽ thường bao gồm gia đình họ hàng của hai bên nội ngoại và bạn bè thân thiết của bố mẹ. Quy mô có thể khác nhau tuỳ mỗi gia đình. Khách mời đến dự tiệc dĩ nhiên sẽ ăn mặc lịch sự, và sẽ được đãi tiệc tự chọn với đủ các món đa dạng. Trước đây người thân trong gia đình và khách mời thường mua quà tặng các bé. Có thể là quần áo, đồ chơi, vòng hay nhẫn...nhưng gần đây đại đa số mừng bằng phong bì tiền. Vì mua quà cũng khó chọn sao cho đúng sở thích, và cũng sợ sẽ bị trùng lặp với các món quà khác... Vì vậy tốt nhất nếu không biết rõ thì bạn nên chuẩn bị phong bì cho tiện lợi. Lưu ý với bạn là ở tiệc Thôi nôi thường đã có chuẩn bị sẵn bánh kem để bé thổi nến rồi nên bạn không cần mua thêm bánh kem hoặc tặng hoa giống như khi đi dự sinh nhật ở Việt Nam đâu.

Lựa chọn của ban biên tập