Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Tìm hiểu về “Phấp phỏng, nhân sinh tôi”(두근두근 내 인생) của nữ nhà văn Kim Ae-ran và giải đáp thắc mắc về việc người có visa D4 có được nhập cảnh cùng con ruột của mình vào Hàn Quốc hay không

2012-04-08

1. Tìm hiểu về “Phấp phỏng, nhân sinh tôi”(두근두근 내 인생) của nữ nhà văn Kim Ae-ran

Câu hỏi 1Mình hiện đang theo học chương trình tiến sĩ ngành xã hội học tại Hàn Quốc. Mới đây người bạn của mình đang làm biên tập tại một nhà xuất bản tại Việt Nam có nhờ mình giới thiệu về cuốn tiểu thuyết hiện ăn khách nhất của Hàn Quốc, có tên “Hãy chăm sóc mẹ” vì nhà xuất bản muốn khai thác mảng này sau thành công của cuốn tiểu thuyết này. Trên thực tế, mặc dù mình rất ham đọc sách, ngoài các sách phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu mình còn mê tiểu thuyết. Nhưng giờ đang là giữa kỳ học mình cũng không có nhiều thời gian và cũng không hiểu biết nhiều về văn học Hàn Quốc lắm. Mình cũng đã lên mạng tìm kiếm thông tin nhưng thấy tiểu thuyết nào cũng được giới thiệu rất hay mà không biết cuốn nào thực sự nên được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Xin giới thiệu giúp mình nhé.

Trả lời 1
Sau hiệu ứng của một số tác phẩm văn học gần đây được dịch sang tiếng Việt như “Chơi Quiz show”(퀴즈쇼), “Người ăn chay”(채식주의자), “Hãy chăm sóc mẹ” hay là “(엄마를 부탁해)... thì dường như cái nhìn về văn học Hàn Quốc ở Việt Nam đã được thay đổi đáng kể. Trước đây, chủ yếu là các truyện ngắn hay tiểu thuyết thời kỳ cận đại, hoặc từ những năm 70, 80 được giới thiệu và chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu nên ít nhiều không mang lại sự thú vị cho độc giả trẻ. Nhưng với các tác phẩm như đã kể trên thì giờ không cần phải đợi tài trợ nữa, các nhà xuất bản Việt Nam cũng tự mình tìm đến với văn học Hàn Quốc để khai thác mảnh đất mới khám phá này.

Tính cho tới thời điểm hiện nay thì ngân sách chính phủ đã và đang dành một phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh của Hàn Quốc thông qua con đường văn học. Cụ thể phải kể đến các hoạt động tài trợ cho việc nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, dịch thuật...văn học Hàn Quốc ra nước ngoài. Chỉ tính riêng việc dịch thuật thì mỗi năm đều có khoảng vài chục tác phẩm bao gồm thơ, tiểu thuyết, tuyển tập truyện ngắn, truyện thiếu nhi được giới thiệu trên khắp các quốc gia thông qua nguồn tài trợ của Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc và Quỹ văn hoá Daesan. Cũng nhờ đó mà thế giới biết đến Hàn Quốc không chỉ là hình ảnh về một quốc gia năng động trong phát triển kinh tế, hay sức lan toả của làn sóng văn hoá Hanlyu mà còn là cả 1 nền văn học tiềm ẩn.

Có một nhà bào đã phát biểu rằng tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” đã đưa văn học Hàn Quốc tới gần với độc giả Việt Nam. “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung-suk quả là đã nổi đình nổi đám từ khi mới xuất hiện và ngay lập tức đạt những kỷ lục về số lượng xuất bản, độ phủ sóng ở rất nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Từng trang viết giản dị mà đầy tâm trạng, thấm thía về những điều tưởng như rất nhỏ nhặt xung quanh ta trong mối quan hệ giữa những người trong gia đình. Cũng phải thừa nhận rằng, ngoài nội dung xúc động mà bất cứ ai đọc cũng rơi nước mắt thì yếu tố góp phần làm nên thành công của “Hãy chăm sóc mẹ” chính là công nghệ quảng cáo.

Tuy không “hot” bằng “Hãy chăm sóc mẹ” nhưng tiểu thuyết đầu tay của Kim Ae-ran mang tên “Phấp phỏng, nhân sinh tôi” (두근 두근 내 인생) trong vòng 6 tháng từ khi xuất bản vào tháng 6/2011 đã được tái bản tới lần thứ 3. Cuốn sách nhận được sự đánh giá cao của độc giả cũng như giới chuyên môn. Là một nữ tác giả trẻ, Kim Ae-ran chính thức tham gia văn đàn năm 2002 và được biết đến từ những tuyển tập truyện ngắn với hàng loạt các giải thưởng, được đánh giá là tác giả tiêu biểu cho văn học Hàn Quốc thế hệ hiện nay.

Dày tổng cộng 365 trang, “Phấp phỏng, nhân sinh tôi” kể về một cậu bé được sinh ra trong cuộc tình trẻ con của 2 cô cậu học trò mới 17 tuổi. Quả là chuyện động trời và vì thế mà bố mẹ cậu từng bị đuổi học. Được sự giúp đỡ của ông bà, cậu bé được sinh ra và bố mẹ cậu cũng hết lòng yêu thương cậu bé. Nay cậu bé ấy cũng đã 17 rồi nhưng từ khi lên 4 tuổi, cậu bị mắc căn bệnh quái ác mang tên “bệnh lão nhi” mà nghe nói trên thế giới rất hiếm gặp. Cậu không được tới trường như các bạn nhỏ khác, phải nằm trên giường bệnh nên người bạn thân thiết với cậu chính là sách. Cậu đọc rất nhiều vì thế mà cũng biết nhiều hiểu rộng.

Vâng, đó là hình ảnh một cậu bé hiền lành, suy nghĩ sâu sắc và ước mơ trở thành nhà văn. Vì muốn giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ mà cậu quyết tâm tham gia vào 1 show truyền hình. Sau đó có một cô bé xem chương trình đã viết thư gửi cho cậu bé. Họ kết bạn với nhau qua thư và dần dần hình thành nên “mối tình tuổi học trò” vô cùng lãng mạn. Đấy là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cậu bé.

Sau đó thì sao? ắt hẳn bạn đang rất tò mò đúng không nào? Kết cục hoá ra chả có cô bé nào như vậy. Đấy chỉ là sự tiếp cận của một nhà biên kịch với cậu bé mà thôi. Vì nhà biên kịch kia đang định viết kịch bản với chủ đề về một cô bé và cậu bé tuổi mới lớn bị mắc bệnh hiểm nghèo. Quá sốc khi biết sự thật nên mấy ngày liền cậu không ăn uống gì mà chỉ chơi game. Rồi một ngày, người được cho là nhà biên kịch kia đã đến bên giường cậu nói lời xin lỗi. Cậu cũng coi người ấy như cô bé mà mình đã viết thư và thổ lộ hết tấm lòng. Rồi sau đó cậu rời bỏ thế gian này, không còn ở lại bên cha mẹ nữa. Không kịp đón sinh nhật lần thứ 18, cậu ra đi để lại bao xúc động cho độc giả.

Nội dung cơ bản là vậy nhưng trong truyện còn đan xen rất nhiều tình tiết, với các nhân vật khác nhau để làm nổi bật con người của cậu bé. Ngôn ngữ và tình tiết truyện hay, trong sáng, sâu sắc mà nhẹ nhàng cảm động. Độc giả không chỉ khóc-cười với tâm trạng của cậu bé mà còn xúc động với tình yêu của “đôi bố mẹ trẻ con” dành cho con cái, cũng như tình yêu của “đứa trẻ già” sắp 18 với cha mẹ. Truyện đang được lên kế hoạch dựng thành phim và hứa hẹn thành công không kém gì tiểu thuyết. Câu chuyện là một thế giới tâm hồn thực sự hoàn hảo.

Chúng tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi giới thiệu cuốn tiểu thuyết này đấy. Văn phong của nữ tác giả Kim Ae-ran cũng rất hiện đại và mạch lạc nên không qúa khó đọc đâu. Nếu rảnh rỗi vào cuối tuần thì bạn hãy thử đọc nó nhé, đảm bảo câu chuyện xúc động sẽ làm bạn hài lòng đấy. Và xin mách nhỏ với bạn rằng ở Hàn Quốc, nhà xuất bản Changbi uy tín số 1 trong việc tuyển chọn và xuất bản các sáng tác cũng như nghiên cứu liên quan đến văn học đấy. Có sách được xuất bản ở đây là mơ ước của tất cả mọi người đấy bạn ạ. Vì vậy cách nhanh nhất để bạn tìm được các sáng tác hay là hãy tham khảo trong trang web của Changbi theo địa chỉ: hangbi.co.kr.

2.Giải đáp thắc mắc về việc người có visa D4 có được nhập cảnh cùng con ruột của mình vào Hàn Quốc hay không

Câu hỏi 2 Tôi đã lập gia đình và có 1 con gái 16 tháng tuổi. Tôi đã tốt nghiệp đại học và hiện làm việc trong công ty riêng của bố mẹ tôi. Công ty chúng tôi có mối quan hệ làm ăn rất tốt với các đối tác Hàn Quốc. Định hướng của chúng tôi là tiếp tục mở rộng mối quan hệ này nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Vì thế sắp tới tôi sẽ có 6 tháng sang học tiếng Hàn tại Hàn Quốc để thuận lợi hơn cho công việc. Mọi chi phí tôi tự chi trả và thủ tục đã hầu như hoàn tất nhưng có điều là tôi không muốn xa con vì cháu còn quá nhỏ. Tôi dự định mang cháu theo cùng rồi sẽ gửi nhà trẻ để đi học. Tôi có đọc trong chuyên mục hỏi đáp cuối tuần về việc gửi con ở nhà trẻ Hàn Quốc thì thấy rất tiện lợi và yên tâm. Nhưng tôi nghe một số người nói là trường hợp của tôi rất khó mang con đi theo. Không biết thực hư thế nào, mong chương trình tư vấn giúp tôi.

Trả lời 2
Rất vui và chào mừng bạn chuẩn bị tới Hàn Quốc. Chúng tôi còn cảm thấy ý nghĩa hơn nữa khi bạn nói rằng bạn đã theo dõi chương trình Hỏi đáp cuối tuần của chúng tôi để tìm hiểu thông tin về việc gửi con ở nhà trẻ tại Hàn Quốc. Hy vọng các thông tin mà chúng tôi đưa ra trong chương trình sẽ ít nhiều giải đáp được thắc mắc, băn khoăn của nhiều bạn thính giả hơn nữa.

Trong thư bạn có nói đến thủ tục cho việc đi học của bạn đã gần hoàn tất nhưng chúng tôi vẫn chưa rõ đó là thủ tục để bạn được chấp thuận học bên này hay là bạn đã đăng ký xin visa chỉ cần chờ ngày lấy thôi. Theo suy đoán thì chúng tôi nghĩ bạn mới nhận được các giấy tờ bên phía trường học của Hàn Quốc gửi để bạn xin đăng ký visa thôi đúng không? Vì nếu đã đi đăng ký visa rồi thì chắc bạn đã biết và trực tiếp hỏi về trường hợp của con bạn.

Thực ra bạn đi học tự túc toàn phần và lại là chương trình học tiếng Hàn không thôi thì thủ tục xin visa cũng tương đối phức tạp đấy. Trước đây, đã có rất nhiều trường hợp lợi dụng visa D4, tức là visa đi học tiếng Hàn như của bạn để sang Hàn Quốc nhưng không học mà lại bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp và đi làm việc kiếm tiền gây ra không ít rắc rối cho việc quản lý người nhập cư của Chính phủ Hàn Quốc. Chính vì thế Hàn Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp visa D4, yêu cầu đủ các loại giấy tờ bao gồm giấy chứng minh tài chính, giấy chứng nhận của người bảo lãnh, hộ khẩu gia đình, nghề nghiệp cũng như các chứng minh về trình độ văn hoá...

Chúng tôi tin rằng bạn cũng đã được hướng dẫn hoặc nghe nói về việc xin visa D4 cho mình rồi. Bạn đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, bố mẹ lại có công ty riêng...thì chắc không cần lo ngại thiếu giấy tờ xin visa mà chỉ hơi mất công và mất thời gian để đi dịch công chứng thôi. Tuy nhiên chúng tôi rất lấy làm tiếc là visa D4 của bạn không thể xin được cho con gái bạn đi cùng đâu. Ngay cả đối với các trường hợp visa D2 tức là du học theo các chương trình hệ thạc sĩ và tiến sĩ thì người thân cũng không được cấp visa cùng lúc đâu. Sau khi người có visa D2 đã sang tới Hàn Quốc, làm được thẻ cư trú người nước ngoài, thẻ sinh viên và 1 số giấy tờ cần thiết khác nữa thì mới có thể mời và bảo lãnh người thân sang sau được.

Vâng đúng thế, visa D4 thường là visa ngắn hạn, tối đa cũng chỉ được cấp 6 tháng và sau đó nếu có nhu cầu học tiếp hết khoá đào tạo tiếng Hàn thì học viên sẽ được gia hạn tại Hàn Quốc cứ 3 tháng 1 lần. Điều kiện để các trường học bên này tiếp nhận học viên vào học tiếng Hàn khá đơn giản chỉ cần bạn đã tốt nghiệp phổ thông trung học và chứng minh có đủ tiền theo học là được chứ không phức tạp như xét học thạc sĩ hay tiến sĩ.

Vì vậy mà như chúng tôi đã đề cập thì rất nhiều người đã lợi dụng con đường này để nhập cảnh vào Hàn Quốc. Những người mang visa D4 bị xếp vào đối tượng không đủ điều kiện để mời vợ hay chồng, con cái và cha mẹ sang Hàn Quốc. Quả thật là vô cùng bất lợi với những người có nhu cầu chính đáng như bạn đúng không ạ?

Lựa chọn của ban biên tập