Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về sâm tươi Jangnoesam và tỷ lệ người xem các chương trình truyền hình của Hàn Quốc

2012-04-22

1. Giải đáp thắc mắc về sâm tươi Jangnoesam

Câu hỏi 1Sắp tới là kỷ niệm 30 năm ngày cưới của bố mẹ mình nên mình muốn tặng bố mẹ một món quà thật ý nghĩa. Qua giới thiệu của người quen, mình có đến một cửa hàng chuyên bán sâm Hàn Quốc rất nổi tiếng ở Hà Nội. Cô chủ cửa hàng đã khuyên mình nên mua tặng bố mẹ loại sâm núi tươi đặc biệt có tên gọi là “Jangnoesam”. Cô ấy giải thích rằng đây là loại sâm tốt nhất, tốt hơn hẳn sâm thông thường vì là loại sâm núi tự nhiên. Tuy nhiên thì giá của nó rất đắt, trung bình khoảng 5~6 triệu một củ sâm tươi. Nhưng mình nghĩ điều đó không quan trọng nếu thực sự tốt. Chỉ có điều mình rất băn khoăn nghi ngại là sâm núi tự nhiên thì làm sao lại có nhiều để bán như vậy được. Cho mình hỏi là đó có thực sự là sâm núi tự nhiên hay không và công dụng cũng như cách dùng của nó ra sao.

Trả lời 1
Loại sâm tươi mà bạn đang nói đến trong tiếng Hàn gọi là 장뇌산삼(Jangnoesansam), là loại sâm lấy giống từ sâm tự nhiên rồi đem trồng trên núi. Chúng ta tạm gọi đây là “sâm núi nuôi” để phân biệt với sâm núi tự nhiên và các loại sâm trồng đại trà khác. Sâm núi tự nhiên đắt vô cùng và cực kỳ quý hiếm tới mức không phải cứ có tiền là bạn có thể mua được đâu. Do đó, chúng tôi muốn khẳng định với bạn rằng Jangnoesansam không phải là sâm núi tự nhiên như một số người vô tình hay cố ý quảng cáo không đúng với bản chất của loại sâm núi nuôi cũng như các sản phẩm chế biến từ loại sâm tươi này.

Với nhân sâm tươi thông thường thì 6 năm tuổi được cho là lâu nhất và tốt nhất rồi nhưng với sâm núi nuôi thì phải hơn 10 năm mới cho thu hoạch. Sâm núi nuôi cũng không hề dễ trồng và dễ tồn tại. Theo tính toán thì nếu đem trồng 100 cây thì tỷ lệ sống được chỉ khoảng 50% tức là 50 cây. Sau 10 năm trải qua bao yếu tố thất thường của khí hậu thì số cây còn có thể tồn tại cho tới khi thu hoạch được chỉ khoảng 20 cây, tức là 20 củ sâm thôi bạn ạ.

Chính vì vậy mà giá sâm núi tươi có thể nói là rất đắt. Trung bình thì người trồng sâm núi nuôi sẽ mất khoảng gần 1.000 USD để mua 100 cây giống, hơn 10 năm sau chỉ thu về được 20 củ mà chưa hề kể đến sự trượt giá của đồng tiền thì việc bán 1 củ sâm núi nuôi với giá bán lẻ từ 200~250USD tại thị trường Hàn Quốc thì không phải là đắt. Vì vậy giá 5~6 triệu/củ tại Việt Nam như bạn nói là giá hợp lý bạn ạ.

Thực ra hiệu quả của sâm núi nuôi không phụ thuộc quá nhiều vào độ to và số năm tuổi của sâm mà dựa chủ yếu vào cách trồng. Loại sâm núi nuôi được chăm sóc kỹ càng tuyệt đối không phải là loại tốt, mà nó phải được dãi nắng dầm mưa, trải qua đủ 4 mùa xuân hạ thu đông, phải đấu tranh sinh tồn với tự nhiên suốt nhiều năm mới là loại thượng hạng. Và đây cũng chính là điểm khác biệt với nhân sâm được nuôi trồng phổ biến của Hàn Quốc.

Tuy không phải là sâm núi tự nhiên nhưng Jangnoesam được coi là “vua” trong thế giới sâm tươi hiện nay. Sống trên núi và cũng trải qua quá trình đấu tranh sinh tồn sau nhiều năm nên mặc dù củ không to và không quý hiếm bằng sâm núi tự nhiên nhưng hiệu quả của nó vượt trội so với các loại sâm thông thường. Nhìn bên ngoài thì rất giống với sâm núi tự nhiên và công dụng cũng không thua kém nhiều.

Sản phẩm sâm núi nuôi vẫn được biết đến là có tác dụng bổ dưỡng tổng hợp cho cơ thể. Về cơ bản, sâm núi nuôi hỗ trợ tích cực cho việc thúc đẩy quá trình chuyển hóa cơ thể, giải độc, điều chỉnh âm dương, lấy lại cân bằng cơ thể. Đặc biệt hiệu quả dễ thấy nhất là giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, chống mệt mỏi, suy kiệt, phục hồi sức khỏe sau khi ốm và vừa trải qua phẫu thuật. Nhiều người vẫn dùng nó để cải thiện sự thiếu tập trung trong công viêc, học tập. Ngoài ra loại sâm này còn tăng cường khả năng miễn dịch, chống cảm cúm, tái tạo tế bào, hồng cầu, chống lão hóa, giảm cholestrerol hay điều chỉnh huyết áp...

Với loại sâm núi nuôi tốt như vậy nhưng nếu dùng không đúng cách thì cũng sẽ khó phát huy hết hiệu quả của nó bạn ạ. Xin lưu ý với bạn một số điểm trong cách dùng như sau. Củ sâm núi nuôi rửa sạch rồi cứ thế nhai thật kỹ và nuốt hết là cách dùng tốt nhất. Nên ăn sâm núi nuôi trước khi đi ngủ khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Vì khi dùng loại sâm núi nuôi này có thể xảy ra hiện tượng “công thuốc” mà phổ biến nhất là buồn ngủ. Nếu dùng để ngâm rượu thì nên uống rượu ngâm đó sau khi đã ngâm được 6 tháng trở lên. Bạn không nên dùng dao hoặc các dụng cụ bằng sắt để cắt thái sâm núi nuôi.

Sâm núi nuôi được dùng cho mọi đối tượng chỉ có điều liều lượng dùng là khác nhau. Đối với người lớn khoẻ mạnh thì một ngày ăn 1~2 củ và ăn trong 3~4 ngày. Với người già hay ốm yếu thì nên ăn nhiều hơn mới thấy hiệu quả. Trẻ em từ 8~12 tuổi thì ăn nửa củ một ngày, từ 3~8 tuổi thì chia nhỏ làm nhiều lần cho ăn cùng với sữa hay mật ong và cũng chỉ dùng 3~4 ngày là được. Trong thời gian dùng sâm núi nuôi thì không được ăn kèm với các loại thực phẩm như: rong biển, tảo bẹ, gỏi cá, thịt chó, đỗ xanh, thịt lợn, củ cải…Vì chúng đều là những loại hạn chế tác dụng hoặc gây ra tác dụng phụ.

Xin luu ý bạn về một số triệu trứng có thể xảy ra sau khi dùng sâm núi nuôi. Có trường hợp ăn sâm núi nuôi xong thì cơ thể nóng rực, có cảm giác giống như vừa uống rượu hoặc cơ thể có cảm giác lâng lâng. Có trường hợp lại cảm thấy chóng mặt, bức bối. Có trường hợp thì bị đi ngoài, có trường hợp còn chảy máu mũi. Thường thì dùng xong sẽ buồn ngủ nhưng ngược lại cũng có trường hợp không ngủ được...

Tuỳ vào cơ địa mỗi người mà có những triệu chứng khác nhau nhưng trên thực tế tất cả chỉ là biểu hiện của hiện tượng “công thuốc”mà thôi. Giả sử có gặp phải một trong các triệu chứng trên thì bạn cũng đừng quá lo lắng. Sau khi các triệu chứng công thuốc hết thì cơ thể sẽ có cảm giác nhẹ nhõm và thoải mái. Vì vậy, chúng tôi nghĩ bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi mua tặng cha mẹ mình món quà vô cùng thiết thực và ý nghĩa này nhé.

2. Giải đáp thắc mắc về tỷ lệ người xem các chương trình truyền hình

Câu hỏi 2Dường như tối nào mình cũng nôn nóng chờ đến giờ chiếu phim để xem phim Hàn Quốc. Mình có thói quen khi đang theo dõi bộ phim nào thì sẽ tìm hiểu rất cặn kẽ các thông tin liên quan tới bộ phim đó từ diễn viên, đạo diễn, bối cảnh quay... Và mình thấy rất nhiều thông tin nhấn mạnh đến tỷ lệ người xem, so sánh sự tăng giảm sau mỗi tuần công chiếu. Mình nghe nói tỷ lệ người xem này rất quan trọng trong việc tiếp thị quảng cáo. Nôm na thì mình hiểu là tỷ lệ càng cao thì có nghĩa là phim càng được yêu thích nhưng mình không hiểu rõ lắm về ý nghĩa và tầm quan trọng của tỷ lệ này là như thế nào. Hãy trả lời giúp mình nhé.

Trả lời 2
Tỷ lệ người xem truyền hình trong tiếng Hàn được gọi là “시청률”, là chỉ số đo lượng người xem truyền hình được so sánh với nhiều kênh truyền hình khác tại cùng một địa bàn, trong khoảng thời gian nhất định. Tỷ lệ này được áp dụng cho cả các chương trình khác nữa chứ không chỉ riêng phim truyền hình và chủ yếu được phục vụ cho các đài trong quá trình kêu gọi quảng cáo. Tại một số nước thì doanh nghiệp thường dựa vào chỉ số này để đặt quảng cáo. Ở Việt Nam cũng có một công ty chuyên tính tỷ lệ người xem truyền hình là TNS Việt Nam nhưng kết quả không được công bố rộng rãi mà chỉ bán cho các đối tượng quan tâm. Vì thế thuật ngữ này có thể nói là khá xa lạ với người xem truyền hình Việt Nam.

Từ những năm 1930, tầm quan trọng của quảng cáo trên truyền hình đã được đánh giá rất cao. Quan hệ giữa nhà cung cấp truyền hình và quảng cáo gần như không tách rời. Các công ty có sản phẩm cần quảng cáo thì liên hệ với truyền hình để có những hình thức hỗ trợ sản xuất chương trình để được quảng cáo trong chương trình đó. Vì thế chương trình càng ăn khách thì giá cho quảng cáo càng cao và ngược lại.

Cho đến giờ, mối quan hệ này vẫn không hề thay đổi mà còn được chuyên nghiệp hoá hơn rất nhiều. Phim truyền hình là một trong những mảnh đất màu mỡ nhất cho quảng cáo vì nó thu hút được nhiều đối tượng người xem và thường được trình chiếu vào các “giờ vàng”. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng ăn khách vì vậy việc xác định số người xem của một bộ phim truyền hình nào đó rất quan trọng trong việc dự tính hiệu quả quảng cáo và quyết định chi phí quảng cáo.

Ở Hàn Quốc, hoạt động điều tra tỷ lệ người xem và nghe của các đài phát thanh truyền hình đã được thực hiện từ năm 1955. Thời gian đầu được thử nghiệm ở một số khu vực nhất định tại địa bàn thành phố Seoul bằng phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp. Vào những năm 1960 khi các đài truyền hình tư nhân phát triển thì bản thân mỗi đài đều có một bộ phận phụ trách công việc này và có cả các cơ quan được thành lập riêng chuyên điều tra tỷ lệ khán giả theo dõi các chương trình phát thanh, truyền hình.

Hiện tại ở Hàn Quốc có hai công ty chuyên điều tra tỷ lệ người xem truyền hình là TNMS và AGB Nielsen. Khoảng 2.000 hộ gia đình là các đối tượng thăm dò ý kiến của mỗi công ty. Các hộ gia đình đều được phân bố ở các khu vực chính trong cả nước như Seoul, Busan, Daegu, Kwangju ...Cả hai công ty cùng sử dụng một công cụ nghiên cứu là "People Meter". Tuy nhiên giữa hai công ty cũng có những kết quả điều tra về tỷ lệ người xem các chương trình truyền hình khác nhau do đối tượng và cách tính khác nhau.

Cũng có nhiều tranh cãi liên quan đến tính xác thực của tỷ lệ người xem truyền hình như khả năng chính xác hay phương pháp chọn mẫu điều tra. Có nhiều phương pháp điều tra trong đó phổ biến nhất là sử dụng máy đo. Tuy nhiên máy đo cũng chỉ là những ghi chép có được về sự lựa chọn kênh truyền hình và thời gian xem truyền hình rồi từ đó suy ra chương trình được khán giả yêu thích chứ không phản ánh mức độ tập trung của người xem, khả năng đánh giá chất lượng truyền hình hay các phân tích khác của người xem truyền hình. Bên cạnh đó người ta cũng sử dụng cả phương pháp điều tra bằng cách phỏng vấn qua điện thoại và “ghi chép nhật ký” nhưng kết quả cũng chỉ là tương đối.

Vai trò và sức ảnh hưởng của các chương trình truyền hình trong đời sống thường nhật đang ngày càng được mở rộng và tăng cường hơn bất cứ phương tiện truyền thông nào. Sức lan toả của quảng cáo trên truyền hình đang lan rộng ra toàn xã hội. Vì vậy, việc nhà quảng cáo tìm hiểu tỷ lệ xem truyền hình càng chính xác càng tốt. Và đó cũng là lý do mà các cơ quan, bộ phân chức năng không ngừng tìm kiếm các biện pháp để đưa ra tỷ lệ người xem truyền hình một cách khoa học hơn, hợp lý hơn.

Lựa chọn của ban biên tập