Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về món mì sốt đen Jajangmyeon và ngày lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 6/6 của Hàn Quốc.

2012-06-03

1. Giải đáp thắc mắc về món mì sốt đen Jajangmyeon

Câu hỏi 1Mình tới Hàn Quốc để theo học chương trình thạc sĩ đã được gần một năm rồi. Mình rất dễ tính trong việc ăn uống và khá hợp với các món ăn Hàn Quốc nên hầu như món nào cũng có thể ăn được. Tuy nhiên có một món ăn mà mình không hề thích đó là món mì trộn sốt đen mà các bạn Hàn cho biết nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở phòng nghiên cứu của mình mọi người thường xuyên gọi điện cho các nhà hàng đặt mua món này. Hay khi đi ăn ở các nhà hàng Trung Quốc thì mọi người cũng thường xuyên gọi món này. Nói chung mình thấy món này rất phổ biến, giá rẻ và được nhiều người Hàn Quốc ưa thích. Không những thế mình còn thấy lạ là vào ngày 14/4 có rất nhiều người ăn món này và còn gọi đó là ngày The Black day. Mình đã cố gắng để thử ăn vài lần nhưng quả thật không thấy nó hấp dẫn chút nào cả. Tuy nhiên cũng chính vì thế mà mình lại muốn tìm hiểu kĩ hơn về nó. Hãy giúp mình nhé giải đáp thắc mắc này nhé và mong chương trình luôn là người bạn thân thiết của mọi thính giả.”

Trả lời 1
Món ăn mà bạn đang nhắc tới có tên gọi tiếng Hàn là Jajangmyeon bạn ạ. Jajangmyeon theo tiếng Hán có nghĩa là món “mì tương khúc” tức là món mì trộn với nước sốt làm từ một loại tương theo kiểu Trung Quốc. Đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy nhất của món mì này là có nước sốt màu den. Và món nước sốt đặc trưng này được làm từ bột mì và đỗ tương đen đã lên men trộn với táo đỏ đã luộc chín. Đậu đen, bột mì lên men chuyển màu tạo thành màu đen, còn táo đỏ hay còn gọi là táo tàu tạo vị ngọt tự nhiên cho món nước sốt.

Cách đây hơn 100 năm, món ăn này được người Trung Quốc đưa vào Hàn Quốc và trở nên vô cùng phổ biến. Mặc dù Jajangmyeon được biết đến là món ăn của vùng Sơn Đông, Trung Quốc nhưng lại rất hợp với khẩu vị của người dân xứ Hàn. Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày cứ 8 người Hàn Quốc thì có 1 người ăn món mì này. Hiện nay, tại xứ sở kim chi, có khoảng 24 nghìn quán ăn Trung Quốc và 1 ngày trung bình bán được 6 triệu bát mì trộn sốt đen thì đủ thấy nó phổ biến đến thế nào. Tuy có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng Jajangmyeon là món ăn ngoại duy nhất lọt vào danh sách 100 đặc trưng văn hóa của Hàn Quốc.

Theo tài liệu ghi chép được thì vào năm Nhâm Ngọ quân loạn (1882), theo chân quân nhà Thanh, nhiều người Trung Quốc đã tới Hàn Quốc và giới thiệu nhiều món ăn đa dạng của Trung Quốc. Và tới đầu những năm 1920, ở vùng Incheon, hải cảng phát triển mạnh nên cũng có nhiều thương nhân nhà Thanh tới cư trú khiến giao thương giữa hai nước ngày càng phát triển. Vì vậy, vô số các quán ăn đã mọc lên để phục vụ những người qua lại giao lưu, buôn bán này.

Sau giải phóng năm 1945, Chính phủ Hàn Quốc tăng cường chế tài với thương nhân Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Hàn Quốc, cấm thương nhân Trung Quốc qua lại buôn bán. Bị mất nguồn thu nhập từ việc giao thương giữa hai nước nên nhiều người Trung Quốc đã mở nhà hàng kinh doanh tại đây. Vào thời điểm bấy giờ số lượng quán ăn Trung Quốc tăng đột biến gấp 5 lần so với trước đó. Khách hàng chủ yếu là những người lao động ở bến cảng nên đồ ăn cần phải nhanh và rẻ. Jajangmyeon chính là món ăn đáp ứng được yêu cầu đó. Người Trung Quốc đã sử dụng loại mì chuyên dụng để tạo nên món Jajangmyeon hợp khẩu vị với người Hàn cùng loại nước sốt tương đen trong đó bao gồm các loại rau như hành tây, càrốt, bí nếu sang hơn thì có thêm vài miếng nhỏ thịt lợn.

Sau khi cuộc nội chiến hai miền Nam Bắc ngừng chiến, một trong những thứ mà Mỹ viện trợ cho Hàn Quốc nhiều nhất để khắc phục hậu quả chiến tranh đó chính là bột mì. Món nước sốt được làm từ nguyên liệu dễ kiếm cộng với mì viện trợ này rất thích hợp để làm món mì Jajang vừa rẻ vừa dễ ăn. Và kể từ đó thì Jajangmyeon được phổ biến hơn, ngày càng trở nên đa dạng và được người Hàn Quốc yêu thích.

Tuy nhiên cũng theo các tài liệu phân tích thì từ những năm 1960, món Jajangmyeon không phải là món ăn rẻ tiền. Mặc dù được làm từ mì viện trợ của Mỹ và các rau củ trong nước nhưng thời kỳ đầu mới kết thúc chiến tranh nó không phải là món ăn dành cho dân thường. Vì thế, trước đây ở Hàn Quốc vào các ngày tương đối đặc biệt như ngày nhập học hay tốt nghiệp của học sinh sinh viên thì cả gia đình thường tới các quán ăn Trung Quốc và thưởng thức món Jajangmyeon. Nếu là người Hàn Quốc thì hầu như ai cũng có ký ức về món mì trộn sốt đen Jajangmyeon. Chính vì thế có thể nói rằng đó là món ăn gần gũi với người dân xứ Hàn.

Trải qua nhiều thời gian sau đó, món mì này mới dần dần được bình dân hoá. Đến thời điểm hiện nay khi giá cả của nhầu hết các mặt hàng đều tăng thì Jajangmyon cũng chỉ tăng đôi chút và vẫn giữ được mức bình dân khoảng từ 5.000~6.000won một bát. Không khó để tìm thấy món Jajangmyeon tại Hàn Quốc, từ những nhà hàng sang trọng cho đến các quán ăn bình dân. Đặc biệt, như bạn thấy đấy, món này rất được ưa dùng này mỗi khi cần gọi mang đến tận nhà là các nhà hàng đều sẵn sàng phục vụ. Thông thường khi phải gọi cơm hộp mang đến là khi không có thời gian để đi ra ngoài hoặc không phải là bữa chính. Vì vậy món Jajangmyeon đáp ứng được việc ăn nhanh, không cần thêm thức ăn kèm, hoặc chỉ có thể vài miếng củ cải muối là được.

Có một điểm rất thú vị là ở Hàn Quốc, ngày 14/4 được gọi là Black day, ngày đen, một ngày đặc biệt chỉ dành riêng cho những người độc thân, nhằm làm dịu bớt nỗi buồn của những ai chưa tìm được nửa kia của mình. Vào ngày này, họ thường ăn Jajangmyeon và hy vọng rằng nửa bên kia của mình đang còn ở một nơi nào đó sẽ đến với mình sau ngày này. Những người còn lẻ loi này thường mặc đồ đen, dùng bữa trưa là một tô mì Jajangmyeon. Hình ảnh này bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp trên phim ảnh của Hàn Quốc đấy.

Ngày nay với sự phát triển và lan rộng của làn sóng Hallyu trên thế giới, món mì Jajangmyeon không chỉ là món ăn ưa thích của người dân Hàn Quốc nữa mà được tất cả những ai yêu mến nền văn hóa ẩm thực xứ sở kim chi ưa chuộng. Hiện nay, Jajangmyeon cũng có rất nhiều loại tuỳ theo nhân nước sốt khác nhau mà có tên gọi khác nhau. Về cơ bản, loại nước sốt đặc trưng này được nấu lẫn với hành tây, khoai tây, càrốt, bí xanh hoặc là thịt lợn, tôm, bào ngư, nấm, hải sâm …xào mỡ sao cho chín và ngậy. Nhờ sự phổ biến của nó mà cũng nhiều người thích tự làm món này ở nhà. Thật đáng tiếc là bạn Hằng lại không thích món mì này, Tuy nhiên, nếu quan tâm bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về nguyên liệu và cách làm trên các trang web vì biết đâu có một ngày đẹp trời nào đó bạn lại mê nó hoặc bạn có thể làm cho bạn bè hay người thân của mình thưởng thức.

2. Thông tin về ngày lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ 6/6 của Hàn Quốc

Câu hỏi 2 Mình hiện đang làm việc tại Hàn Quốc. Thấy mọi người trong công ty nói thứ Tư tuần tới tức ngày 6/6 là ngày nghỉ. Ở Hàn Quốc, nếu các ngày lễ mà trùng vào Thứ Bảy hay Chủ Nhật thì không được nghỉ bù như ở Việt Nam đâu. Chính vì thế mọi người rất vui khi thấy lịch đỏ lại rơi vào 1 ngày giữa tuần. Mình hỏi đó là ngày gì mà được nghỉ thì bạn mình giải thích và mình hiểu đại ý đó là ngày tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc. Theo suy đoán, mình nghĩ chắc nó giống ngày thương binh liệt sĩ 27/7 của Việt Nam. Mình rất tò mò muốn biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này tại Hàn Quốc. Và không biết đó còn có phải là ngày ghi nhớ công lao của các thương binh nữa hay không nhỉ? Hãy giúp mình giải đáp thắc mắc này với nhé. Xin cảm ơn chương trình rất nhiều.”

Trả lời 2
Chúng tôi rất vui được trả lời câu hỏi của bạn vì chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 6/6 rồi. Thật tình cờ phải không ạ? Qua thư bạn viết thì chúng tôi nhận thấy bạn cũng đã hiểu đúng phần nào về ngày lễ này rồi đấy. Chính xác thì tên gọi tiếng Hàn của ngày này là현충일-Hyeonchung-il, có thể hiểu là “Ngày Thương binh liệt sỹ” - ngày tôn vinh lòng trung thành và tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ đã quên thân vì nước. Nhưng nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi là ngày lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc nội chiến Nam-Bắc mà dành cho tất cả các linh hồn liệt sĩ đã quên thân để giữ gìn đất nước từ xưa tới nay.

Trong quá trình tồn tại, mỗi quốc gia đều ít nhiều trải qua những cuộc chiến loạn và mỗi cuộc chiến loạn đều lấy đi sinh mạng của không ít người. Vì thế ở hầu hết các nước đều quy định một ngày nào đó trong năm để tưởng niệm những con người đã xả thân vì nước. Nếu như ở Việt Nam là ngày 27/7 thì ở Hàn Quốc là 6/6. Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 ở Việt Nam đã trở thành một ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi cả về vật chất lẫn tinh thần để giúp gia đình con em những người đã hi sinh, mang thương tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trở lại với với ngày 6/6 của Hàn Quốc thì như chúng ta đã biết, sau khi giành độc lập chưa được bao lâu thì bán đảo Hàn Quốc xảy ra nội chiến hai miền Nam-Bắc vào ngày 25/6/1950. Cuộc chiến đẫm máu này đã cướp đi sinh mạng của trên 400 nghìn binh sĩ. Đến năm 1953 Hiệp định đình chiến và chia cắt hai miền Nam-Bắc mới được ký kết. Mấy năm sau khi tạm ngưng tiếng súng, trong quá trình tìm kiếm sự ổn định về chính trị và kinh tế thì tháng 4 năm 1956 Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định ngày 6/6 hàng năm là ngày tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Phải đến năm 1970 mới chính thức được quy định là ngày nghỉ lễ của toàn quốc để tưởng nhớ tất cả những binh tướng từ thủa dựng nước đã ngã xuống vì tổ quốc.

Cũng có những ý kiến thắc mắc không hiểu tại sao lại lấy ngày 6/6 làm ngày tưởng nhớ các linh hồn liệt sĩ. Điều này trước hết là do có liên quan tới thời điểm xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu là vào tháng 6 năm 1950 vẫn còn hiển hiện trong lòng mỗi người dân Hàn Quốc. Biết bao nhiêu con người đã mãi mãi không được trở về sau cuộc chiến ấy. Ngoài ra, theo tính toán và kinh nghiệm của người Hàn thì ngày 6/6 cũng là ngày thuộc tiết Mang chủng, một trong 24 tiết trong năm. Đối với người làm nông nghiệp thì việc nắm vững 24 tiết là vô cùng quan trọng để quyết định việc đồng áng. Ngày 6/6 được coi ngày thuận lợi trong nông nghiệp, là ngày lành tháng tốt để thực hiện nghi lễ cúng giỗ. Với những lý do này thì ngày 6/6 đã được chọn làm ngày cả nước tổ chức tưởng nhớ cho những chiến binh đã hi sinh trên chiến trường.

Lễ tưởng niệm được diễn ra trang nghiêm với lòng thành kính vô hạn tại nghĩa trang quốc gia ở Seoul. Vào ngày này cả nước tiến hành nhiều hoạt động để tượng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đích thân Tổng thống và những nhân vật chính yêu của chính phủ cũng như toàn thể người dân cùng tham gia vào lễ tưởng niệm. Vào đúng 10 giờ sáng, người dân cả nước sẽ dành 1 phút mặc niệm cầu phúc cho linh hồn của các liệt sĩ. Tất cả các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đoàn thể tổ chức, trường học và ở mỗi gia đình... đều treo cờ và làm lễ kéo cờ buổi sáng sớm để tỏ lòng tôn kính với người đã khuất và nêu cao tinh thần quả cảm “vì nước quên thân”.

Mà câu hỏi của bạn còn có một ý nữa đúng không nhỉ? Bạn đã hỏi là ngày này còn có phải là ngày tôn vinh những đóng góp của những người thương binh không. Như chúng tôi đã giải thích thì đây là ngày tưởng niệm các liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì tổ quốc bạn ạ. Tuy nhiên cũng giống như Việt Nam thì với các trường hợp là thương bệnh binh hoặc người thân như cha mẹ hoặc vợ con của liệt sĩ đã và đang được Chính phủ Hàn Quốc hết sức quan tâm. Hy vọng sẽ có dịp chúng tôi được trả lời những thông tin liên quan đến vấn đề này một cách chi tiết và đầy đủ hơn.

Lựa chọn của ban biên tập