Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về cách phiên âm tên riêng của tiếng Hàn sang tiếng Việt và việc chuyển đổi từ visa lao động sang visa du học tại Hàn Quốc

2012-07-15

1. Giải đáp thắc mắc về cách phiên âm tên riêng của tiếng Hàn sang tiếng Việt

Câu hỏi 1Mình mới tốt nghiệp đại học tháng trước và rất may mắn đã xin được vào làm việc ở một cơ quan nghiên cứu về văn hóa khu vực. Hiện nay, mình đang tiếp cận nghiên cứu văn hóa Hàn Quốc. Khái niệm văn hóa thật vô cùng rộng lớn, bao trùm nhiều mảng màu cuộc sống. Chính vì thế, mình đã đọc rất nhiều tài liệu cũng như các bài báo viết về văn hóa Hàn Quốc nhưng có một điểm mình thắc mắc là cách phiên âm tên riêng của tên người hay tên địa danh chẳng thống nhất gì cả. Mỗi văn bản, mỗi người lại có cách phiên âm khác nhau, nếu không xem kỹ có thể nhầm lẫn. Cùng một người mà có khi tưởng là 2,3 người khác nhau. Cùng một địa danh có khi lại nghĩ là nhiều địa danh khác nhau. Vì thế chương trình cho mình hỏi, liệu có quy chuẩn phiên âm nào trong tiếng Hàn không? Xin chân thành cảm ơn và chúc chương trình ngày càng phát triển.

Trả lời 1
Cảm ơn bạn với lời chúc tốt đẹp của bạn dành cho chương trình. Vấn đề bạn hỏi cũng là vấn đề chung mà nhiều người Việt Nam học tiếng Hàn gặp phải, nhất là những người không học ngôn ngữ này thì càng cảm thấy hoang mang hơn. Như các bạn đều biết, tên của một người, một địa danh, một đất nước được gọi chung là tên riêng nhằm phân biệt người này với người khác, địa danh này với địa danh khác, nước này với nước khác. Nguyên tắc đầu tiên của việc viết tên riêng là phải viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có. Trên thế giới hiện có khoảng 50 bảng chữ cái khác nhau. Có hệ chữ viết ghi âm, có hệ ghi ý. Mỗi dân tộc ghi tên riêng theo hệ chữ viết của mình. Và đương nhiên, trong quá trình giao tiếp, giao lưu, chúng ta có nhu cầu đọc tên riêng của các nước và hiển nhiên dẫn đến nhu cầu cần phiên âm từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác hoặc chuyển từ chữ viết này sang chữ viết khác.

Mỗi ngôn ngữ đều có những đặc trưng ngữ âm riêng, có bảng chữ cái riêng nên cũng có những hiện tượng ngữ âm và chính tả khác nhau. Trong thứ tiếng này lại không có âm và chữ viết tương đương của thứ tiếng khác. Ngòai ra, do năng lực thẩm âm mỗi người mỗi khác, và mỗi người lại đọc theo tiếng Anh, tiếng Pháp hay theo thứ tiếng nào đó, nên tất yếu xảy ra hiện tượng mỗi người phiên âm một kiểu và phiên âm luôn luôn không đạt được sự đồng âm giống hệt như âm gốc. Chính điều này đã trở thành đề tài tranh luận và gây khó khăn cho không ít người sử dụng, đặc biệt là việc đi tìm sự thống nhất khi phiên âm tên riêng từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Vốn dĩ mỗi quốc gia lại có cách phiên âm tên riêng của tên người và địa danh khác nhau. Một ví dụ rất phổ biến là tên thủ đô nước Nga nguyên bản là MOCKBA, được người Anh phiên âm thành Moscow, người Pháp phiên thành Moscou, người Trung Quốc lại phiên theo cách riêng và được người Việt đọc theo âm Hán - Việt là Mạc Tư Khoa. Có một thời nhiều người Việt học tiếng Nga nên thủ đô Nga cho đến nay còn được viết theo cách đọc tiếng Nga thành Mát-xcơ-va. Quả là rất đa dạng đúng không nào các bạn? Không chỉ mỗi quốc gia có cách phiên âm khác nhau cho cùng một tên riêng mà ngay trong một quốc gia cũng có nhiều cách phiên âm khác nhau tuỳ theo mỗi người.

Trở lại với ý kiến của bạn trong việc phiên âm tên riêng từ tiếng Hàn sang tiếng Việt nhé. Chúng tôi sẽ lấy một ví dụ cụ thể để các bạn dễ hình dung. Hẳn là chúng ta đều biết tên của cố tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là Lee Seung-man đúng không nào? Trong tiếng Việt hiện nay tồn tại ít nhất 3 cách phiên âm là: Lý Thừa Vãn, Rhee Syng-man, Yee Sung-man...Nếu là một người không biết về lịch sử Hàn Quốc, không biết về nhân vật này thì chắc tưởng đây là 3 người hoàn toàn khác nhau. Nhiều khi chính người Hàn sẽ cảm thấy ngạc nhiên về cách phiên âm đó nhưng người Việt thì lại hoàn toàn chấp nhận được. Đó chính là lý do vì sao mà người ta thường nói rằng để học tốt ngôn ngữ một người cần phải hiểu rõ được văn hóa của nước đó.

Đúng thế, sở dĩ có sự khác nhau này là vì người viết có thể sử dụng phiên âm theo âm Hán - Việt, hoặc phiên âm theo âm đọc, hoặc tham khảo các tài liệu nước ngoài. Tôi còn nhớ có một người bạn đang du học bên Nhật từng ghé thăm Hàn Quốc. Người bạn ấy đã đề nghị tôi đưa đến một số nơi như chợ Nam Đại Môn, chợ Đông Đại Môn, Khánh Châu, Thuỷ Nguyên...Mới nghe tôi thực sự không biết rõ đó là những nơi nào. Với những từ dễ hiểu, dễ đoán như chợ Namdaemun, Dongdaemun thì tôi còn biết chứ những địa danh khác thì chịu. Chả là bạn ấy có đọc tài liệu bằng tiếng Nhật nên biết về mấy địa danh nổi tiếng của Hàn Quốc, vì chúng được viết bằng tiếng Hán nên bạn ấy đã đọc theo âm tiếng Hán. Sau khi nghe giải thích tôi mới luận được ra rằng Khánh Châu chính là Gyeongju, còn Thuỷ Nguyên là Suwon.

Trước đây người Việt Nam chúng ta chịu ảnh hưởng rất nhiều cách đọc chữ Hán nên nhiều từ tên riêng được Hán hoá rồi lại Việt hoá. Có nhiều từ đã quen thuộc và dùng phổ biến, coi như quy chuẩn nhưng cũng nhiều từ còn lạ lẫm với chúng ta hiện nay. Đông Kinh chính là Tokyo thì hẳn là đa số đều hiểu nhưng chắc chắn sẽ có không ít bạn không biết rằng Nã Phá Luân là Napoleon đúng không ạ? Xem lại nhiều tài liệu về Hàn Quốc trước đây thì chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều từ mà thậm chí những người học về Hàn Quốc cũng không rõ đó là ai, đó là đâu như các trường hợp mà chúng tôi đã đề cập ở trên.

Ngay cả tên của Tổng thống Lee Myung-bak hiện nay cũng được phiên âm khá đa dạng: theo âm Hán Việt là Lý Minh Bắc, theo cách đọc từ tiếng Anh là Ly Miêng Bác, và theo cách đọc trực tiếp từ tiếng Hàn là Y Miêng Bắc...Ngay như thủ đô của Hàn Quốc là Seoul cũng được phiên âm thành Hán Thành, rồi Sê-un, Xơ-un...gây ít nhiều hoang mang cho người sử dụng. Vậy khi phiên âm các tên riêng từ tiếng Hàn sang tiếng Việt chúng ta nên theo quy tắc nào cho hợp lý nhất? Đối với những từ đã quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức cũng như được các phương tiện truyền thông sử dụng rộng rãi như cố Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành chẳng hạn thì chúng ta giữ nguyên và các tên riêng còn lại thì phiên âm theo quy chuẩn phiên âm tiếng Anh của Hàn Quốc là hợp lý hơn cả.

Tức là khi tên riêng của chữ Hàn được phiên âm sang chữ Latinh thế nào thì chúng ta theo như vậy. Đôi khi cũng không hẳn là hòan tòan theo tiếng Anh – Anh hay tiếng Anh – Mỹ vì người Hàn cũng có những cách phiên âm riêng....Trở lại với ví dụ về thủ đô Seoul, nếu chúng ta học ngôn ngữ Hàn, nghiên cứu văn hóa Hàn thì nên theo phiên âm kiểu Hàn tức là không nên dùng là Hán Thành, hay Lee Myung-bak thì không nên phiên âm thành Lý Minh Bác. Và khi phiên âm theo cách đọc của người Hàn thì chúng ta cần chú ý, dù nói rằng tiếng Hàn được phiên âm sang hệ thống chữ viết Latinh nhưng chẳng hạn như địa danh Daegu thì lại đọc theo kiểu tiếng Hàn là Thê-gu...Rõ ràng như vậy là “D” theo tiếng anh đọc là ‘đi”, theo tiếng Việt đọc là “đờ” và tiếng Hàn thì đọc như chữ “thờ” của tiếng Việt đúng không nào. Đó chính là sự khác biệt về hệ thống chữ viết, âm thanh, văn hóa ngôn ngữ các bạn ạ. Vậy tóm lại, khi nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa của đất nước nào đó chúng ta cần theo những đặc trưng riêng của họ.

2. Giải đáp thắc mắc về việc chuyển đổi từ visa lao động sang visa du học tại Hàn Quốc

Câu hỏi 2Em đến Hàn Quốc làm việc đã được 4 năm, visa của em là visa E9-2. Tuy ban ngày làm việc ở công xưởng vất vả nhưng buổi tối em vẫn tranh thủ tự học tiếng Hàn. Ngày Chủ Nhật thì em tới trung tâm dạy tiếng Hàn miễn phí cho người nước ngoài. Em vẫn nuôi ước mơ chưa thực hiện được từ hồi còn ở Việt Nam là trở thành sinh viên. Với vốn tiếng Hàn không tệ cùng ước mơ cháy bỏng này em dự định sẽ tiếp tục con đường học vấn của mình tại Hàn Quốc. Không biết em có phải thi không hay chỉ cần đăng ký nộp hồ sơ xin học thôi? Và điều quan trọng nữa là em có thể xin đổi sang visa du học mà không cần phải về Việt Nam không? Theo em được biết thì thủ tục xin visa du học Hàn Quốc theo diện tự túc như em khá phức tạp nên em muốn chuyển đổi luôn ở Hàn Quốc cho tiện. Hiện tại visa E9-2 của em vẫn còn thời hạn gần 1 năm nữa. Nếu em chuyển sang di học trong thời gian visa còn hiệu lực mà không đổi visa ngay thì có bị coi là bất hợp pháp hay không? Mong các anh chị tư vấn giúp em.

Trả lời 2
Chúng tôi rất khâm phục sự ham học hỏi và ý chí quyết tâm của bạn. Không để bạn chờ lâu, chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn ngay đây. Nhưng có một vài điều chúng tôi muốn trao đổi lại với bạn để có câu trả lời chính xác hơn cho bạn. Bạn không nói rõ với chúng tôi là bạn sẽ xin học chương trình Đại học luôn hay sẽ phải trải qua khóa đào tạo tiếng Hàn trước khi vào học Đại học. Hai loại hình này visa khác nhau bạn ạ. Nếu là visa học tiếng thì có ký hiệu D-2, visa du học các chương trình từ đại học trở lên có ký hiệu là D-4.

Tuy trong suốt 4 năm qua bạn đã rất chăm chỉ học tiếng Hàn nhưng vì chủ yếu là tự học nên chúng tôi không biết trình độ tiếng Hàn của bạn đang ở cấp mấy, liệu có thể theo học chương trình Đại học luôn được không. Chắc bạn cũng biết tiếng Hàn được chia theo 6 cấp thuộc các trình độ sơ cấp, trung cấp, và cao cấp. Nếu muốn học chương trình đại học thì tối thiểu phải thi được Topik trình độ từ cấp 3 trở lên. Trước đây, người ta chỉ tổ chức thi Topik 1 năm 2 lần nhưng hiện giờ đã tăng lên thành 3 lần. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên trang web: www.topik.co.kr nhé.

Nếu chưa có bằng Topik và muốn học tiếng Hàn một cách bài bản thì bạn cần đăng ký khóa học tiếng tại các trường Đại học. Tuy không phải tất cả nhưng hầu hết các trường Đại học ở Hàn Quốc đều có chương trình đào tạo tiếng. Nếu bạn xin học tiếng thì hồ sơ khá đơn giản vì bạn đang ở Hàn Quốc rồi. Bạn chỉ cần nộp đơn xin học, giấy chứng nhận tốt nghiệp trình độ từ Phổ thông trung học trở lên, bảng kết quả học tập của trình độ tương ứng, hộ chiếu hoặc chứng minh thư người nước ngoài...Có thể có chút khác nhau tùy vào mỗi trường nhưng về cơ bản chỉ cần mấy loại giấy tờ đó thôi.

Còn xin học Đại học thì phức tạp hơn nhiều. Ngoài các giấy tờ trên bạn còn phải có giấy chứng nhận tài chính chứng minh bạn có đủ điều kiện để theo học, sổ hộ khẩu gia đình chứng minh quốc tịch và quan hệ gia đình của bạn, bằng Topik từ cấp 3 trở lên...Phần này chúng tôi cũng đã có lần đề cập trong chương trình Hỏi đáp cuối tuần rồi. Bạn tìm đọc lại và có thể tham khảo trên trang web của chính trường mà bạn định nộp hồ sơ vì có thể mỗi trường lại có những yêu cầu khác nhau.

Bạn muốn biết là để vào học thì có phải thi không? Đối với các trường hợp là người nước ngoài thì hầu hết đều không phải thi, chỉ xét hồ sơ thôi bạn ạ. Tuy nhiên nếu bạn học Đại học thì sẽ có phỏng vấn đấy. Phỏng vấn để xác nhận lại những thông tin mà bạn đã kê khai và nộp giấy tờ nhưng quan trọng hơn là sẽ kiểm tra thực chất trình độ tiếng Hàn của bạn. Còn bạn đăng ký khóa học tiếng Hàn thì không cần thi. Sau khi bạn được chấp nhận vào học rồi, sẽ trải qua một bài thi nhỏ do trường tổ chức để phân lớp. Nhà trường sẽ dựa vào kết quả bài thi để sắp xếp cho các học viên vào học lớp nào cho hợp với trình độ của mỗi người

Với cả hai trường hợp xin học này bạn đều có thể xin đổi loại hình visa ngay tại Hàn Quốc ở Cục xuất nhập cảnh gần nhất. Chỉ cần bạn có giấy mời nhập học hoặc giấy chứng nhận là sinh viên thì bạn có thể lên Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tại địa phương để làm thủ tục chuyển đổi visa. Chú ý nếu trường hợp bạn xin được học bổng từ trường học thì phải mang theo bộ hồ sơ chứng nhận học bổng, còn nếu tự túc thì phải cầm theo giấy chứng nhận đã nộp học phí, giấy chứng nhận tài chính có ít nhất khoảng 3.000USD trong tài khoản do ngân hàng cấp, và dĩ nhiên phải kèm theo hộ chiếu, chứng minh thư người nước ngoài.

Theo bạn nói thì hiện tại visa của bạn vẫn còn thời hạn tương đối dài nhưng nếu đã nhập học thì bạn cần phải chuyển đổi loại hình visa bạn ạ. Vì nếu không làm như vậy thì cơ quan, công ty hiện đang quản lý bạn sẽ báo với sở di trú hoặc cục xuất nhập cảnh về việc tự ý bỏ việc của bạn để chính thức không chịu trách nhiệm gì với bạn trước pháp luật trong trường hợp có điều gì đó xảy ra liên quan đến bạn. Vì vậy trong thời hạn nhất định nếu bạn không trình báo chuyển chỗ làm khác hay đi học thì sẽ gặp rắc rối đấy. Tuy không bị coi là bất hợp pháp nhưng đi học với visa E9-2 cũng là một hoạt động nằm ngoài quyền hạn. Bạn có thể bị phạt hành chính hoặc gặp khó dễ khi chuyển đổi visa. Vì thế tốt nhất hãy làm theo đúng quy trình nhé. Chúc bạn thành công.

Lựa chọn của ban biên tập