Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về việc gia hạn lao động và quyền được đến trường của trẻ em nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

2012-08-19

1. Giải đáp thông tin về việc gia hạn lao động

Câu hỏi 1Em xin tự giới thiệu, em sang Hàn Quốc làm việc tại một xưởng muối và đóng gói kimchi đã được hơn 4 năm. Em thích công việc này và thu nhập tuy không cao nhưng ổn định, các chế độ cho người lao động nước ngoài cũng đảm bảo. Em ngại thay đổi công việc và không thích mạo hiểm nên từ khi sang Hàn Quốc em chỉ làm ở đây thôi. Mới đây, em có nghe nói những trường hợp người lao động nước ngoài làm việc chăm chỉ liên tục tại một xưởng như em sẽ được gia hạn thêm. Chỉ còn mấy tháng nữa là em hết hạn hợp đồng rồi nhưng em vẫn muốn ở lại Hàn Quốc thêm vài năm nữa mà không phải sống bất hợp pháp nên biết được thông tin này em mừng lắm. Không biết thực hư ra sao ạ. Mong các anh chị giải đáp giúp em. Em xin chân thành cảm ơn. Mong sớm nhận được tin từ các anh chị.

Trả lời 1
Cảm ơn bạn đã gửi thư đến chương trình. Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đang không ngừng tăng nhanh. Việc hợp tác cung ứng lao động Việt Nam cho Hàn Quốc bắt đầu từ năm 1993. Và hiện nay có khoảng 75 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (EPS) và chương trình cung ứng lao động thuyền viên cho các tàu cá Hàn Quốc. Nhờ vậy mà đã giải quyết được việc làm cho các lao động Việt Nam và tạo thu nhập đáng kể cho các đối tượng này.

Tuy nhiên, gần đây xã hội Hàn Quốc phải gánh chịu nhiều hệ luỵ từ việc những lao động ngoại quốc sau khi đã hết hạn hợp đồng không chịu về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp. Điều này khiến Chính phủ Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát số lượng người nước ngòai cư trú, không thu được thuế từ các xưởng sử dụng lao động bất hợp pháp, xử lý các vấn đề xã hội do những đối tượng này gây ra …Dĩ nhiên, người lao động bất hợp pháp cũng phải chấp nhận nhiều thiệt thòi như không được hưởng các chế độ bảo hiểm, có thể không được trả lương và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác.

Để hạn chế tình trạng này và cũng nhằm thu hút nguồn nhân lực lao động nước ngoài có tay nghề vốn đang làm việc tại Hàn, các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã thay đổi một số các quy định áp dụng đối với người lao động ngoại quốc. Tháng 12/2011 Chính phủ Hàn Quốc ban hành “Luật lao động dành cho những người lao động trung thành” và chính thức áp dụng từ 2/7/2012. Nội dung của luật này nêu rõ: người lao động nước ngoài về nước đúng thời hạn hợp đồng, trong quá trình làm việc ở Hàn Quốc chỉ làm việc cho một công ty duy nhất trong suốt 4 năm 10 tháng, tuân thủ các quy định của công ty, không vi phạm pháp luật Hàn Quốc thì sau khi hết hạn hợp đồng tự nguyện về nước sẽ được quay lại công ty cũ làm việc sau 3 tháng. Thời gian hợp đồng sẽ được kéo dài thêm tối đa 4 năm nữa và dĩ nhiên là phải được sự đồng ý của chủ sử dụng lao động. .

Quy định cũng nêu rõ là trong trường hợp phải chuyển chỗ làm do các công ty bị phá sản hoặc không có việc làm thì người lao động chỉ cần có hơn 1 năm làm việc cho xưởng cuối cùng thôi cũng thuộc đối tượng được áp dụng chính sách này. Ngoài ra, nếu như bạn là người lao động trung thành trong các ngành sản xuất chế tạo có quy mô dưới 30 lao động không phân biệt lao động ngoại quốc hay lao động Hàn Quốc, quy mô dưới 50 người với các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, ngành nghề truyền thống như đúc khuôn, gia công chất dẻo, hàn, xử lý bề mặt…thì cũng thuộc diện được xét tiếp tục gia hạn làm việc.

Một đối tượng khác cũng được hưởng lợi từ quy định này là những người lao động đã ký kết với chủ sử dụng lao động thời gian làm việc trên một năm và đã tái nhập cảnh Hàn Quốc nhưng trong thời gian đó vì một lý do khách quan ví dụ như chủ sử dụng lao động bị phá sản, không trả lương, tranh chấp hợp đồng lao động mà lỗi do chủ sử dụng lao động đã được toà phân xử. Một điểm thuận lợi nữa của luật này, là các đối tượng được xét quay trở lại Hàn Quốc thì không cần thi năng lực tiếng Hàn cũng như giáo dục định hướng trước và sau khi xuất cảnh.

Đây thực tế là chính sách khuyến khích và giữ chân những người lao động hợp pháp mà trong thời gian sống và làm việc ở Hàn Quốc đã luôn biết tuân thủ các quy định của luật pháp Hàn Quốc, chăm chỉ và nhiệt huyết với công việc. Đặc biệt, với kinh nghiệm làm việc nhiều năm liền tại một công xưởng hay nhà máy thì mức độ thành thục sẽ hơn hẳn những lao động mới vào nghề. Hơn nữa, những người này cũng đã biết giao tiếp tiếng Hàn và am hiểu phần nào các phong tục tập quán của xã hội Hàn Quốc nên rất thuận tiện cho các công ty, các nhà chức trách quản lý.

Vậy là bạn hoàn toàn yên tâm rồi nhé. Xin lưu ý với bạn là với quy định này thì bạn cần phải về Việt Nam rồi quay lại chứ không gia hạn visa ngay tại Hàn Quốc được. Trước khi xuất cảnh khỏi Hàn Quốc bạn cần phải có hợp đồng lao động của công ty mình đang làm việc có nội dung ký kết với bạn thời hạn sử dụng lao động từ một năm trở lên. Đây là điều kiện bắt buộc bạn nhé. Phải có giấy này cũng những một số giấy tờ khác theo quy định làm visa thì bạn mới được cấp lại visa ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.

Nhân đây, xin bổ sung thêm một chút về quy định dành cho các đối tượng không thuộc diện hưởng chính sách của “Luật lao động dành cho người lao động trung thành” nhưng cư trú hợp pháp. Cụ thể, những người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và không vi phạm pháp luật trong thời gian lưu trú ở Hàn Quốc thì cũng sẽ có cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, những đối tượng này cần phải thi năng lực tiếng Hàn và tự liên hệ với các chủ sử dụng lao động tại Hàn Quốc thì mới có thể tái nhập cảnh được.

2. Trẻ em nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc có được đi học hay không.

Câu hỏi 2Vợ chồng mình đều là người Việt Nam, tuy chưa đăng ký kết hôn chính thức nhưng đã tổ chức đám cưới tại Hàn Quốc và chung sống cùng nhau hơn 8 năm ở Hàn Quốc rồi. Bọn mình có một bé gái 6 tuổi. Nếu ở Việt Nam thì tháng 9 này cháu sẽ nhập học, còn ở Hàn Quốc thì thời gian nhập học vào tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, vì cả hai vợ chồng mình đều đang sinh sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc nên cháu cũng không có thẻ cư trú người nước ngoài. Cháu có đi nhà trẻ và mẫu giáo từ khi bắt đầu 1 tuổi, không được hưởng chính sách ưu đãi gì nhưng cũng không gặp phải vấn đề rắc rối gì về giấy tờ. Hiện tại, vợ chồng mình chưa có ý định về nước ngay, cũng không thể gửi một mình cháu về Việt Nam được vì thủ tục phức tạp và tốn kém, và hơn cả là mình không muốn cháu sống xa bố mẹ nên dự định sang năm cho cháu đi học lớp 1 ở bên này. Mình không biết trường hợp như của con mình có được tiếp nhận vào học không và cháu cần những giấy tờ gì để được nhập học. Rất mong chương trình giải đáp giúp.”

Trả lời 2
Vấn đề mà bạn đang chia sẻ với chúng tôi thiết nghĩ cũng không phải là trường hợp cá biệt, đó là tâm sự mà không ít người lao động bất hợp Việt Nam cũng như người nước ngoài khác đang gặp phải. Đây cũng là một trong các vấn đề xã hội của Hàn Quốc, khiến những nhà xây dựng luật pháp và chính sách xã hội quan tâm, trăn trở. Trên thực tế, vì mọi thứ đều đang trong quá trình hoàn thiện nên ở mỗi thời điểm các quy định về chính sách dành cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là với các đối tượng là con cái của người lao động bất hợp pháp như gia đình bạn cũng có những thay đổi, cải thiện nhất định.

Như bạn biết, thì cả hai vợ chồng bạn đều thuộc diện cư trú bất hợp pháp nên mặc nhiên con gái của bạn cũng bị xếp vào diện cư trú bất hợp pháp ngay từ khi sinh ra. Về mặt pháp lý thì con gái bạn không được đăng ký công nhận là người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, tức là không có thẻ cư trú dành cho người nước ngoài, chỉ có duy nhất giấy khai sinh do bệnh viện cấp. Vì luật Hàn Quốc quy định rõ: “Người được gọi là người nước ngoài đang sống ở Hàn Quốc là những người có mục đích cư trú và đang cư trú hợp pháp ở Hàn Quốc mà chưa có quốc tịch Hàn Quốc”.

Theo quy định mà Chính phủ Hàn Quốc đưa ra dựa trên Hiệp ước quản lý trẻ em của Liên hợp quốc vào năm 1991 thì không phân biệt trẻ em có bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp hay không, không biệt biệt màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hoặc dân tộc, xã hội.... nếu được sinh ra và đang sinh sống trên đất Hàn Quốc thì đều được chính phủ Hàn Quốc bảo vệ, hưởng các quyền cơ bản về con người.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế, do người mẹ không có tư cách cư trú hợp pháp, không được hưởng các chính sách về sinh sản và sức khoẻ nên ngay cả đứa trẻ sinh ra cũng không được hưởng chế độ đãi ngộ chăm sóc y tế, không có bất cứ ưu đãi gì khi đi học nhà trẻ mẫu giáo như các gia đình đa văn hoá. Vì không được thừa nhận vào nhóm người nước ngoài trong gia đình đa văn hoá. Trong luật hỗ trợ gia đình đa văn hóa (2008), có ghi “Gia đình đa văn hóa là gia đình được cấu thành bởi người chồng hoặc người vợ mang quốc tịch Hàn Quốc với người chồng hoặc vợ là người ngoại quốc".

Nếu sinh ra từ một người mẹ đang cư trú bất hợp pháp mà bố cũng là người cư trú bất hợp pháp hoặc không được công nhận danh tính thì đứa trẻ ấy cũng không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào về mặt xã hội. Đây thực sự là một thiệt thòi đối với trẻ em. Và vấn đề này cũng đã được đưa ra làm đề tài tranh luận về các vấn đề xã hội ở Hàn Quốc trong nhiều năm. Hơn ai hết, chắc bạn hiểu những bấp bênh và khó khăn mà mình đã và đang gặp phải khi cả nhà cư trú bất hợp ở đây đúng không nào?

Con gái của bạn tuy đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nhưng điều đó không thuộc quyền lựa chọn của cháu. Không được hưởng các chính sách ưu đãi nhưng cháu hoàn toàn được hưởng các quyền cơ bản về con người, không bị đối xử như “người vi phạm pháp luật”, cháu có quyền được đến trường học. Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc miễn phí với giáo dục tiểu học nên trường hợp của con bạn cũng không cần phải đóng học phí mà chỉ có các khoản đóng góp phục vụ cho quá trình học tập và sinh hoạt ở trường học giống như bất kỳ học sinh nào khác. Khi đăng ký xin học cho con, bạn cần đem theo giấy khai sinh của cháu và giấy tờ chứng minh gia đình bạn nằm trong khu vực mà trường học tiếp nhận học sinh, ví dụ như giấy tờ thuê nhà chẳng hạn. Cũng có thể có những khác biệt tuỳ theo mỗi trường nên bạn cần đến tận trường để hỏi cho rõ hơn nhé.

Lựa chọn của ban biên tập