Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thắc mắc về việc đăng ký “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách cư trú”

2012-09-16

Câu hỏi 1Mình hiện là du học sinh năm thứ 2 hệ cao học tại một trường Đại học ở Seoul. Hồi ở Việt Nam mình đã học chuyên ngành tiếng Hàn, cộng với kinh nghiệm và năng lực tích luỹ được trong thời gian ở Hàn Quốc nên có thể nói tiếng Hàn của mình khá ổn. Muốn được ứng dụng vào thực tế và cũng để có thêm thu nhập nên sắp tới mình sẽ xin làm thêm ở một công ty của Hàn Quốc. Thế nhưng mình nghe nói du học sinh nếu muốn đi làm thêm thì phải đăng ký tại Cục quản lý xuất nhập cảnh để được phép làm thêm. Mình có tự tìm hiểu trên mạng nhưng không thấy nhiều thông lắm. Hỏi bạn bè và những người xung quanh thì đều nói, hầu hết chỉ làm thêm ngắn hạn hoặc người sử dụng lao động là cá nhân nên cũng không làm thủ tục đăng ký này. Vậy cho mình hỏi, mình phải làm gì để đăng ký thủ tục này. Không biết có phức tạp lắm không, và giả sử mình không đăng ký thì có ảnh hưởng gì không? Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời 1
Thủ tục đăng ký để được phép đi làm thêm như bạn đề cập có tên gọi chính xác bằng tiếng Hàn là 체류자격외활동허가, tức là ‘Giấy phép hoạt động ngoài tư cách cư trú’ bạn ạ. Nội dung này dành cho những người nước ngoài hiện đang lưu trú ở Hàn Quốc mà muốn có hoạt động khác thực hiện song song với hoạt động đã được quy định trong visa vốn có của mình. Ở Hàn Quốc, có quy định khá rõ ràng về từng loại hình visa dành cho người nước ngoài đang lưu trú tại Hàn Quốc. Nếu bạn sở hữu visa loại nào thì phải chấp hành đúng quy định của loại visa đó. Chẳng hạn, bạn có visa thăm thân thì chỉ được phép lưu trú, không được phép đi làm và có những phát sinh thu nhập. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn có visa D-2 tức là visa du học sinh thì nhiệm vụ của bạn là đi học chứ không được phép đi làm đâu bạn ạ.

Tuy nhiên, chúng tôi nói ‘đi làm’ ở đây là làm chính thức tại các cơ quan, công ty hay tổ chức nào đó. Còn bạn hoàn toàn có thể đi làm thêm với điều kiện phải xin Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú là du học sinh. Thật sự là rất đơn giản đúng không nào. Thời hạn dài nhất cho mỗi lần cấp giây phép này là 1 năm và phụ thuộc vào thời hạn visa của người đi đăng ký xin giấy phép. Xin đưa ra ví dụ cụ thể để bạn dễ hình dung nhé. Nếu bạn định đăng ký giấy phép này 1 năm nhưng thời hạn visa ghi trên chứng mình thư người nước ngoài của bạn chỉ còn 6 tháng thì bạn chỉ được đăng ký giấy phép hoạt động ngoài tư cách cư trú cũng chỉ 6 tháng mà thôi. Điều này cũng rất dễ hiểu và hợp lý đúng không nào. Rồi sau thời hạn đó nếu bạn có nhu cầu làm thêm nữa thì bạn phải đăng ký xin gia hạn visa và làm lại thủ tục đăng ký giấy phép này.

Thủ tục đăng ký cũng không có gì rườm rà đâu bạn ạ. Trước hết, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau: Hộ chiếu và chứng minh thư người nước ngoài, Giấy xác nhận đồng ý của người đại diện nơi bạn sẽ làm thêm, Giấy xác nhận đồng ý của giáo sư hướng dẫn và của người quản lý du học sinh tại trường mà bạn đang học, theo mẫu, Đơn xin cấp giấy phép hoạt động ngoài tư cách cư trú cũng theo mẫu có sẵn. Sau khi đã hoàn tất giấy tờ và điền đầy đủ thông tin vào đơn xin đăng ký rồi thì bạn nộp tại Cục quản lý xuất nhập cảnh.

Trước đây, khi làm thủ tục đăng ký này bạn sẽ phải nộp 30.000won, tương đương 26USD nhưng giờ thì được miễn phí hòan tòan rồi. Cục quản lý xuất nhập cảnh sau khi tiếp nhận hồ sơ của bạn sẽ trình lên Bộ tư pháp để xét duyệt xem có thể cấp phép cho bạn hay không. Thời gian chờ đợi ít nhất là 1 tuần. Bạn sẽ có giấy hẹn cụ thể để quay lại lấy. Nếu bạn không có thời gian và ngại đi lại thì bạn có thể đăng ký dịch vụ chuyển qua bưu điện. Dịch vụ này rất tiện lợi mà chỉ mất khoảng 4.000 won, chỉ hơn 3USD thôi. Đây là hình thức đã được rất nhiều du học sinh lựa chọn vì sự tiện lợi của nó.

Sinh viên quốc tế du học tại Hàn Quốc muốn làm thêm phải tuân thủ quy định của Bộ Tư pháp. Những sinh viên nước ngoài đang được đào tạo chính quy tại Hàn Quốc trong học kỳ được phép làm thêm 20 giờ/tuần và không bị giới hạn thời gian làm thêm trong các kỳ nghỉ. Những sinh viên muốn đi làm thêm phải có visa du học loại D-2, được giáo sư hướng dẫn giới thiệu. Phải đang học tại các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp trở lên, đã học xong tối thiểu một học kỳ tức là 6 tháng.

Đó là những lưu ý mà bạn cần nhớ khi chuẩn bị hồ sơ nhé. Vì nếu bạn đăng ký quá số giờ làm thêm được phép thì bạn sẽ không được chấp nhận đâu. Và chúng tôi nghĩ “cửa ải” đầu tiên mà bạn phải vượt qua đó là giáo sư hướng dẫn của bạn. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho việc làm thêm thì còn đâu thời gian và sức khoẻ để học tập nữa đúng không nào? Theo như kinh nghiệm mà chúng tôi thường thấy thì các giáo sư chỉ chấp nhận cho học sinh của mình đi làm thêm 1 hoặc 2 buổi trong tuần thôi. Gần như không có các trường hợp ngoại lệ đâu bạn ạ.

TN: Nếu được Cục quản lý xuất nhập cảnh chấp thuận thì mặt sau chứng minh thư người nước ngoài của bạn sẽ có ghi dòng chữ rất cụ thể biểu thị việc cho phép bạn hoạt động ngoài tư cách lưu trú. Trong đó cũng ghi rõ thời hạn cho phép, tên cơ quan mà bạn sẽ làm việc. Điều đó có nghĩa là nếu hết thời hạn đăng ký bạn sẽ phải đi làm lại và bạn đăng ký làm thêm ở đâu thì làm ở đó nếu chuyển cơ quan khác thì phải đi đăng ký lại. Nếu có gì thắc mắc hoặc muốn hỏi thêm về vấn đề này, bạn có thể gọi điện thoại trực tiếp tới Cục quản lý xuất nhập cảnh ở Seoul theo số: 02-2110-3454 hoặc vào trang web: www.immigration.go.kr.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là nếu bạn không đăng ký hay đã đăng ký nhưng hết thời hạn hoặc đổi chỗ làm thì có ảnh hưởng gì không? Có đấy bạn ạ. Trước hết, những cơ quan hoặc công ty hoạt động nghiêm túc sẽ không tiếp nhận bạn vào làm việc nếu bạn không đăng ký thủ tục này. Vì khi bạn đăng ký xin phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú tức là bạn đã được giáo sư trực tiếp hướng dẫụ, cơ quan quản lý trực tiếp bạn là phòng quản lý du học sinh ở trường, rồi được pháp luật cho phép tức là được sự đồng ý cấp phép của Cục quản lý xuất nhập cảnh rồi.

Xin được nói rất rõ ràng để các bạn hiểu nhé. Nếu bị phát hiện sử dụng lao động trái phép, các cơ quan, công ty, tổ chức của Hàn Quốc sẽ gặp rất nhiều phiền hà. Còn bạn thì cũng sẽ bị ít nhất là cảnh cáo, xử phạt hành chính, thông báo đến trường học và người trực tiếp chịu trách nhiệm về bạn ở Hàn Quốc hoặc thậm chí còn bị tước visa. Nói chung là sẽ không hay ho chút nào cả. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chấp hành đúng quy định của pháp luật nhé. Chúc bạn có những ngày tháng học tập và làm việc bổ ích,vui vẻ trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại gửi câu hỏi đến chương trình bạn nhé.

Lựa chọn của ban biên tập