Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải quyết thắc mắc về vấn đề thực hiện nghĩa vụ quân sự của nam giới Hàn Quốc.

2012-09-23

Câu hỏi 1Mình mới sang Hàn Quốc được 2 tuần để bắt đầu khóa học trao đổi sinh viên. Vì là lần đầu tiên tới Hàn Quốc nên mọi thứ mình đều cảm thấy vô cùng mới lạ. Tuy nhiên thì mình cũng đã thích nghi khá nhanh với cuộc sống mới, khá hài lòng với trường lớp, bạn bè và không khí học tập nơi đây. Mặc dù đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa tiếng Hàn ở một trường Đại học tại Việt Nam nhưng tiếng Hàn của mình vẫn chưa thực sự tốt lắm. Mình hy vọng qua khóa học trao đổi này mình sẽ tiến bộ hơn. Mình nhận thấy đa số các bạn nam cùng năm thứ 3 với mình ở Hàn Quốc đều hơn mình vài tuổi, hỏi ra mới biết là họ đều đã đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thật ngạc nhiên, hóa ra tất cả nam giới Hàn Quốc đều phải đi lính nghĩa vụ, trừ các trường hợp nhất định được quy định miễn giảm. Mình muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này. Mong chương trình giải đáp giúp.

Trả lời 1
Không chỉ có bạn, mà rất nhiều người Việt Nam cũng đã rất ngạc nhiên khi nghe nói, tất cả nam giới của Hàn Quốc đều phải trải qua thời kỳ huấn luyện, phục vụ trong quân đội, với thời gian đầu là 3 năm, sau đó được rút ngắn nhiều lần và chỉ còn 2 năm như hiện nay. Lý do là vì trên thực tế, Hàn Quốc vẫn đang trong tình trạng đình chiến chứ không phải đã kết thúc chiến tranh với Bắc Triều Tiên. Điều đó đồng nghĩa với việc, chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ khi nào, vậy nên chính phủ Hàn Quốc đặc biệt chú trọng tới việc huấn luyện quân sự, sẵn sàng đối phó với những tình huống an ninh bất ngờ xảy ra.

Nếu như ở Việt Nam, các bạn nam giới thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học hoặc trung học chuyên nghiệp sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự thì ở Hàn Quốc điều đó là không tưởng. Thông thường, học sinh sau khi thi đỗ đại học sẽ học khoảng 1,2 kỳ, sau đó bảo lưu kết quả học tập, thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi mới trở về trường học tiếp. Vì thế mà như bạn thấy, các bạn học cùng khoá học với bạn nhưng hầu hết đều hơn bạn 2~3 tuổi là điều hết sức bình thường. Đối với người Hàn Quốc, việc nam giới đi lính nghĩa vụ là điều hiển nhiên. Nhiều người cho rằng đó là nghĩa vụ nhưng đồng thời cũng là niềm tự hào khi được đóng góp công sức vào việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu cho đất nước. Thực tế cho thấy, tất cả nam thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều trở nên rắn rỏi và trưởng thành lên rất nhiều. Sự luyện tập khắt khe, gian khổ cùng kỷ luật thép trong quân đội được coi là môi trường lý tưởng để rèn luyện thể lực cùng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm.

Không phân biệt tôn giáo, nghề nghiệp, vị trí xã hội...tất cả nam thanh niên Hàn Quốc từ 18~35 tuổi đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt được miễn giảm. Đối tượng được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự là người có vấn đề về sức khoẻ như người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần, truyền nhiễm, không có khả năng lao động.

Ở Hàn Quốc, việc từng nhập ngũ hay không cũng là một trong các yếu tố được báo chí và dư luận đem ra mổ xẻ, nhất là đối với các chính trị gia trong những thời điểm nhạy cảm như tranh cử. Điều đó được coi như tiêu chí để đánh giá về lòng yêu nước, lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm. Nếu ứng cử viên đang tranh cử mà bị phát hiện từng trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc có tiểu sử bất minh liên quan đến vấn đề này thì sẽ bị chỉ trích nặng nề và khó tránh khỏi thất bại. Nhiều ngôi sao ca nhạc, diễn viên, các nhân vật đang nổi tiếng trên truyền hình...cùng từng vướng phải những vụ việc tiêu cực do tìm cách lẩn trốn, thoái thác nghĩa vụ quân sự.

Trước đây, những người thuộc diện con lai hay nói cách khác là con em của các gia đình đa văn hoá được miễn nhập ngũ. Nhưng từ năm 2009 trở lại đây, luật nghĩa vụ quân sự đã được sửa đổi, nếu là công dân mang quốc tịch Hàn Quốc thì tất cả nam thanh niên đều phải thực hiện nghĩa vụ này. Vì phục vụ trong quân ngũ là nghĩa vụ và quyền lợi cơ bản của công dân đối với đất nước. Những thanh niên con lai Hàn cũng là thành viên của xã hội Hàn, nên cần phải bình đẳng như mọi thanh niên khác. Chính vì thế, lời tuyên thệ nhập ngũ của thanh niên Hàn Quốc cũng được chỉnh sửa từ “vì quốc gia dân tộc” thành “vì quốc gia nhân dân”

Tuy nhiên, vấn đề thời gian phục vụ trong quân ngũ đã và đang trở thành đề tài tranh luận của nhiều người. Nếu được Quốc hội Hàn Quốc thông qua thì có khả năng thời gian này sẽ giảm xuống còn 19 tháng thay vì 24 tháng như hiện nay. Trong các cuộc họp chính phủ cũng như là các kỳ họp quốc hội về nội dung này, giới chức Hàn Quốc thường hướng tới mục tiêu hiện đại hoá lực lượng quân đội mang tính chuyên nghiệp hơn dựa vào số lượng quân lính. Trên thực tế, chính vì mất thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự nên nam thanh niên Hàn Quốc bị gián đoạn quá trình học tập, nghiên cứu khoa học hay lao động sản xuất. Xét về mặt kinh tế, điều này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà cả nền kinh tế quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập