Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về điều kiện để người nước ngoài có quốc tịch Hàn Quốc, dự thi trở thành cảnh sát và quản giáo tại Hàn Quốc.

2012-11-18

1. Giải đáp thông tin về điều kiện để người nước ngoài có quốc tịch Hàn Quốc dự thi trở thành cảnh sát Hàn Quốc


Câu hỏi.Lần đầu tiên mình đến Hàn Quốc làm việc là theo con đường xuất khẩu lao động. Sau một thời gian, mình quen, yêu và lấy một anh Hàn Quốc là chồng mình hiện nay. Hồi còn ở Việt Nam, mình từng tốt nghiệp một trường Cao đẳng chuyên ngành xã hội học. Nhưng kể từ sau khi lấy chồng, mình nghỉ làm, chủ yếu ở nhà chăm sóc gia đình và học tiếng Hàn. Tiếng Hàn của mình khá tốt, mình không gặp khó khăn gì lớn trong giao tiếp. Mình cũng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc. Mình nghe nói, Tổng cục cảnh sát Hàn Quốc hàng năm có tuyển những người Hàn Quốc biết ngoại ngữ và cả người nước ngoài biết tiếng Hàn vào làm việc chính thức. Mình muốn tìm hiểu về vấn đề này để nộp đơn xin thi tuyển. Không biết phải đáp ứng các điều kiện như thế nào. Rất mong được chương trình giải đáp giúp mình. Xin chân thành cảm ơn!”

Trả lời.Theo thống kê mới nhất thì hiện nay ở Hàn Quốc có tới hơn 1 triệu người nước ngoài đang sinh sống, trong đó có tới gần 150 nghìn người Việt Nam chúng ta. Cụm từ đa văn hoá từng xa lạ với một quốc gia đơn dân tộc như Hàn Quốc nhưng giờ đây đã trở nên rất phổ biến, thậm chí còn trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống xã hội. Chính phủ cũng như người dân Hàn Quốc đã và đang dành nhiều nỗ lực cho các chương trình hướng tới một xã hội đa văn hoá, văn minh và hoà hợp.

Bản thân mỗi người nước ngoài sinh sống ở đất nước xứ sở kim chi cũng đều cảm nhận được rất rõ ràng về điều này và đang tích cực hoà nhập vào cuộc sống nơi đây. Và kể từ năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức áp dụng hàng loạt các chính sách đối với những người ngoại quốc. Năm 2006, Chính phủ ban hành luật cư trú dành cho người nước ngoài, năm 2008 cho ra đời luật dành cho các gia đình có yếu tố nước ngoài, và đặc biệt đến năm 2010, pháp luật Hàn Quốc cho phép người nước ngoài nếu đã nhận được quốc tịch Hàn Quốc thì có thể tham gia vào bộ máy chính quyền.

Đó thực sự là những thay đổi tích cực thể hiện thiện chí của Hàn Quốc dành cho người nước ngoài. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ, vào tháng 4 năm 2009, lần đầu tiên các thanh niên là con em của các gia đình đa văn hoá bắt đầu nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ công dân như bao thanh niên Hàn Quốc khác. Trước đó, theo quy định, thì những đối tượng này được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trước đây, không phải đi nghĩa vụ quân sự, những tưởng là một “đặc quyền” nhưng một chuyên gia xã hội học Hàn Quốc lại nhận định rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ và quyền lợi cốt lõi của một công dân chân chính. Vì vậy, những thanh niên con lai Hàn Quốc cũng là một bộ phận của xã hội Hàn nên cần nhập ngũ, bình đẳng như những thanh niên khác. Và gần đây, việc tuyển dụng người nước ngoài vào các vị trí nhân viên nhà nước chính thức như trường hợp của Tổng cục cảnh sát quốc gia Hàn Quốc mà bạn Ngọc Anh biết là một ví dụ điển hình.

Số lượng người nước ngoài sinh sống ở Hàn Quốc đang ngày một gia tăng, đó vừa là điều tích cực nhưng cũng mang lại không ít phức tạp, hạn chế trong việc quản lý của chính quyền các địa phương, cũng như sự thay đổi các chính sách cho phù hợp với bối cảnh hiện tại và đảm bảo quyền lợi, an ninh cho cả người nước ngòai và người dân bản địa. Đặc biệt, những tệ nạn xã hội liên quan tới nhóm người nhập cư này cũng không ngừng gia tăng.

TT: Những người nước ngòai có thể là người bị hại hoặc là người gây hại, với rất nhiều trường hợp cần đến sự can thiệp của cảnh sát và luật pháp Hàn Quốc. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho vấn đề này chính là ngôn ngữ giữa 2 bên. Mỗi khi có vụ việc liên quan đến người nước ngoài thì các cơ quan cảnh sát lại phải tìm người biết ngôn ngữ nước ngòai tương đương để làm thông dịch. Điều này gây ra nhiều bất lợi trong các khâu giải quyết vấn đề, đặc biệt là giải thích cho người nước ngòai biết họ sai ở đâu, vi phạm quy định, luật pháp nào của Hàn Quốc.

Mà trước hết là các cơ quan cảnh sát không thể chủ động được về nguồn nhân lực cho việc thông dịch. Thứ hai, những người thông dịch cũng là những người không chuyên nên ngôn ngữ trong ngành không được thông thạo, nắm bắt không tốt bản chất vấn đề, không diễn đạt được chính xác những điều cần thiết và đương nhiên không thể hiểu được tâm lý tội phạm để khai thác hỏi cung được.

TT: Chính vì vậy mà Tổng cục cảnh sát quốc gia đã xây dựng một chế độ tuyển dụng nhân viên đặc biệt nhằm tuyển dụng các viên chức cảnh sát biết ngoại ngữ. Như đã nói, đây là chế độ tuyển dụng đặc biệt, nên đối tượng tuyển dụng không nhất thiết phải qua trường lớp đào tạo về cảnh sát mà chỉ cần đáp ứng các yếu cầu về học lực, trình độ ngoại ngữ, thể lực, độ tuổi... được quy định rõ ràng và nghiêm ngặt trong thông báo tuyển dụng là có đủ tư cách dự thi.

Sau khi đã qua các vòng xét duyệt hồ sơ và thi tuyển cơ bản thì sẽ phải trải qua các đợt huấn luyện để trở thành cảnh sát chuyên nghiệp. Khoá huấn luyện kéo dài trong 34 tuần, tương đương khoảng 8 tháng, chủ yếu tham gia vào khoá học tâm lý tội phạm, kinh nghiệm sử dụng các đồ dùng nghiệp vụ, kỹ năng, võ thuật, luật pháp cũng như khả năng chịu đựng trong các hoàn cảnh khắc nghiệt...

Trước hết, để có tư cách dự tuyển thì bạn phải tốt nghiệp đại học ở Việt Nam hay Hàn Quốc hệ đào tạo chính quy 4 năm và có chứng chỉ tiếng Hàn cao cấp. Dĩ nhiên là bạn phải có quốc tịch Hàn Quốc, là công dân chính thức của Hàn Quốc thì mới có quyền dự tuyển. Chúng tôi không biết bạn đã nhập quốc tịch Hàn Quốc chưa và có chứng chỉ tiếng Hàn loại gì rồi nhưng bạn mới chỉ tốt nghiệp cao đẳng thì không đủ điều kiện rồi. Rất lấy làm tiếc vì điều này nhưng nếu bạn vẫn quyết tâm thì có thể học lên đại học rồi dự tuyển sau hoặc tìm hiểu các ngành nghề khác mà bạn đáp ứng đủ điều kiện.

Nhân đây, chúng tôi cũng muốn lưu ý với các bạn rằng, số lượng tuyển dụng rất ít nên không dễ dàng đâu bạn ạ. Lượng tuyển dụng có khác nhau tuỳ theo các năm, theo từng khu vực và mỗi thứ tiếng. Thông báo tuyển dụng được tuyên truyền rộng rãi và đăng tải trên trang web của Tổng cục cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, www.police.go.kr. Bạn có thể vào phần thông báo tuyển dụng đặc biệt cho vị trí nhân viên cảnh sát để tìm hiểu thêm thông tin.

Mọi hướng dẫn về điều kiện cũng như cách thức nộp hồ sơ, thời gian và hình thức thi đều rất cụ thể. Tiếng Hàn của bạn tốt nên có lẽ chúng tôi không cần nói chi tiết hơn vì thời lượng của chương trình cũng có hạn. Những người làm chương trình chúng tôi mong bạn không nản chí với quyết tâm vươn lên khẳng định chính mình và mong muốn được giúp đỡ những người khác của bạn. Xin được thông báo cho bạn một thông tin để bạn tự tin hơn nhé.

Vào đợt tuyển dụng năm ngoái, lần đầu tiên đã có một người Việt Nam trúng tuyển đấy. Đó chính là bạn Phí Thị Ngọc Lan. Bạn Ngọc Lan tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, sang Hàn Quốc vào năm 2003 với vai trò là phiên dịch viên rồi lấy chồng Hàn Quốc và sinh sống ở đây từ năm 2005, năm 2009 bạn ấy đã chính thức nhập quốc tịch Hàn. Dù đã lấy chồng nhưng bạn Lan vẫn làm việc rất tích cực, tham gia các hoạt động xã hội. Bận rộn là thế, mà bạn đã xuất sắc vượt qua các kỳ thi đầy khó khăn để trở thành nữ cảnh sát gốc Việt đầu tiên tại Hàn Quốc.

Bởi vậy bạn Ngọc Lan không chỉ nổi tiếng với cộng đồng người Việt mà cả báo giới và người dân Hàn Quốc. Ai cũng khâm phục năng lực và ý chí của bạn ấy, thật xứng đáng là niềm tự hào cho cộng đồng người Việt của chúng ta ở Hàn Quốc đúng không nào các bạn?! Và Các bạn biết không, Chương trình tiếng Việt của chúng tôi sẽ phát sóng cuộc phỏng vấn với bạn Phí Thị Ngọc Lan vào ngày 23 tháng 11 tới. Các bạn hãy lắng nghe chuyên mục “Phóng sự từ Seoul” của tuần sau nhé! Hy vọng các bạn sẽ biết thêm nhiều điều thú vị!


2. Giải đáp thông tin về điều kiện để người nước ngoài có quốc tịch Hàn Quốc, dự thi trở thành quản giáo tại Hàn Quốc.


Câu hỏi.Không bao lâu nữa mình sẽ tốt nghiệp Khoa Báo chí và truyền hình tại một trường Đại học ở Việt Nam. Nhờ chương trình đào tạo có nhiều đổi mới với các chuyến thực tế, trải nghiệm cùng trang thiết bị học tập hiện đại nên mặc dù đang còn là sinh viên nhưng bọn mình cũng đã tự thực hiện rất nhiều các phóng sự hay phim tài liệu ngắn. Sắp tới nhóm mình có may mắn được đi thực tế ngắn ngày ở Hàn Quốc. Nhân chuyến đi này bọn mình muốn làm phóng sự về những trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc, đang sinh sống hạnh phúc và thành công trong việc hoà nhập với cuộc sống nơi xứ Hàn. Mình nhớ có lần đọc báo nói về trường hợp của một chị đã trở thành nữ quản giáo tại Hàn Quốc. Mình không biết đó có phải là sự kiện đặc biệt đáng được ghi nhận không và để thi vào đó có khó không với một người ngoại quốc? Mong chương trình giải đáp giúp.

Trả lời.Xin hoan nghênh kế hoạch tích cực của nhóm các bạn. Trên thực tế, đã có rất nhiều bài viết và phóng sự về các cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài nói chung và chồng Hàn Quốc nói riêng nhưng đại đa số là những trường hợp tiêu cực với các rủi ro, bất hạnh...gặp phải. Và cũng chính vì thế mà khiến nhiều người có những liên tưởng không mấy tốt đẹp về các đối tượng này. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Rất nhiều trường hợp đã tự tạo dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc, ổn định và thậm chí còn có những đóng góp không nhỏ cho cộng đồng nơi mình sinh sống.

So với người lao động, du học sinh hay người đang công tác và làm việc ở Hàn Quốc, các cô dâu người nước ngoài có đóng góp một phần đáng kể vào việc gia tăng số lượng người nước ngoài ở Hàn Quốc. Đại đa phần trong số đó là những người kết hôn qua con đường môi giới. Với nhiều hạn chế về sự khác biệt văn hoá, trình độ yếu kém và đặc biệt là khả năng tiếng Hàn rất thấp nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội. Chủ yếu họ làm việc nhà, chăm sóc con cái, sản xuất nông nghiệp hoặc làm việc lao động chân tay đơn giản trong các nhà máy hay những công việc có tính chất thủ công nhỏ lẻ, không cần kỹ thuật, kiến thức, hay trình độ cao.

Ở mức độ nào đó thì chúng ta cần đánh giá cao những nỗ lực của họ trong việc hoà nhập vào cuộc sống xã hội Hàn Quốc. Nhưng để tiến xa hơn nữa thì cũng cần khích lệ, tạo điều kiện và nêu gương các trường hợp thành công điển hình để cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc tự hào hơn, tự tin hơn về chính bản thân mình. Một trong số các trường hợp thành công mà chúng ta phải kể đến là trường hợp của chị Nguyễn Thị Trinh, nữ quản giáo gốc Việt đầu tiên tại Hàn Quốc.

Nhưng chị Trinh còn nổi tiếng hơn với tên gọi bằng tiếng Hàn là 윤서정 trên các trang báo và đối với cả người Hàn Quốc. Việc chị Trinh trở thành nữ quản giáo dĩ nhiên là một sự kiện rất đặc biệt. Điều đó đồng nghĩa với việc chị trở thành công chức nhà nước chính thức, được đảm bảo chế độ lương bổng và mọi ưu đại giống như bất cứ một nhân viên nhà nước nào khác của Hàn Quốc. Trở thành nhân viên nhà nước, mà theo tiếng Hàn gọi là 공무원 là điều không dễ dàng gì, là ước mơ của nhiều người Hàn Quốc. Chỉ tính riêng việc này thì thành tích của chị Trinh cũng đã xứng đáng được ghi nhận rồi.

Nhưng con đường đến với thành công hôm nay của chị Trinh cũng không hề dễ dàng. Từ những ngày đầu tiên đặt chân tới Hàn Quốc vào năm 2003 cho tới khi tốt nghiệp đại học và thi đậu kỳ thi tuyển công chức nhà nước để trở thành quản giáo vào năm 2011, chị đã trải qua rất nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, chị đã phải dành rất nhiều nỗ lực cho việc học tập và sinh hoạt. Chuyên mục Phóng sự từ Seoul của đài KBS chúng tôi cũng đã từng có bài phỏng vấn khá chi tiết với chị Trinh vào ngày 18 tháng 11 năm ngoái, bạn có thể vào nghe để biết thêm về chị nhé.

Trở lại với thắc mắc của bạn về việc làm thế nào để thi được vào vị trí quản giáo như chị Trinh. Qua tìm hiểu trên trang web của Bộ Tư pháp Hàn Quốc ở địa chỉ www.moj.go.kr, thì chúng tôi được biết, thi vào vị trí quản giáo có điểm khác biệt so với thi trở thành cảnh sát như phần đầu của chương trình là không đòi hỏi thí sinh dự thi phải tốt nghiệp đại học chính quy hệ 4 năm. Tư cách dự thi được ghi rõ trong công văn thông báo của Bộ tư pháp là không giới hạn học lực và nơi cư trú. Chỉ cần là công dân Hàn Quốc, ở bất cứ địa điểm nào trên đất nước Hàn Quốc và có độ tuổi từ 20~40 nếu có nguyện vọng đều có thể dự thi.

Sau khi đã nộp đơn dự thi đúng thời hạn và theo hướng dẫn thì thí sinh sẽ phải trải qua các kỳ thi như quy định. Tổng số có 3 vòng thi. Hai vòng đầu tiên là thi viết với các môn liên quan tới luật tố tụng hình sự, tâm lý học cũng như vị trí vai trò của người quản giáo. Sau khi đã đỗ 2 vòng thi này rồi thì mới đến vòng thi kiểm tra sức khoẻ và thi vấn đáp. Môn thi thể lực cũng được đánh giá rất quan trọng trong việc xét tư cách để trở thành quản giáo. Vòng thi vấn đáp là vòng cuối cùng để kiểm tra mức độ và năng lực phù hợp với công việc quản giáo của thí sinh. Xin được lưu ý là vòng thi này cũng bao gồm cả kiểm tra khả năng ngoại ngữ đối với người Hàn Quốc biết ngoại ngữ và người nước ngoài (đã có quốc tịch Hàn Quốc) biết tiếng Hàn.

Lựa chọn của ban biên tập