Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến huyện Samjiyon (tỉnh Ryanggang) trước hạn chót cuối năm của đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều

2019-12-05

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự một buổi lễ cắt băng khánh thành công trình xây dựng huyện Samjiyon (tỉnh Ryanggang), gần núi Baekdu (Bạch Đầu). Mỗi khi chuẩn bị đưa ra các quyết định chính trị hoặc ngoại giao quan trọng, Chủ tịch Kim đều đến thăm ngọn núi linh thiêng nằm ở cực Bắc của Bán đảo Hàn Quốc. Thời hạn cuối năm Bắc Triều Tiên đặt ra cho đàm phán hạt nhân với Mỹ đang đến gần, nên dư luận đang quan tâm liệu nhà lãnh đạo miền Bắc sẽ đưa ra quyết định quan trọng gì. Ông Shin Beom-chul, giám đốc Trung tâm An ninh và Thống nhất tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan phân tích sâu hơn.


Tôi nghĩ Chủ tịch Kim đến thăm khu biểu tượng chính trị để gửi thông điệp tới Mỹ là miền Bắc sẽ chọn “hướng đi mới” nếu Mỹ không chịu nhượng bộ thêm. Việc ông Kim đến thăm Núi Baekdu, nơi nhà sáng lập Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành đã lãnh đạo các chiến binh du kích kháng Nhật, thường ngụ ý rằng ông đã lấy lại được tinh thần chiến đấu. Chuyến thăm lần này cho thấy nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể sẽ có cách tiếp cận “hiếu chiến” với Mỹ trong thời gian tới. Trong chuyến thăm huyện Samjiyon, nhà lãnh đạo Kim hoan nghênh việc hoàn thành xây dựng thị trấn mới, nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch và xây dựng đối với nền kinh tế tự lực tự cường. Để làm được điều này, Chủ tịch Kim phải tìm cách tăng cường đoàn kết nội bộ. Tôi đoán ông Kim sẽ áp dụng lập trường cứng rắn đối với Mỹ, tạo các mối đe dọa quân sự với Hàn Quốc khi cần thiết, và củng cố khả năng tự lực của nền kinh tế trong nước.


Chuyến đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến núi Baekdu trước thời hạn cuối năm của đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều phần nào ngụ ý rằng ông sẽ tìm kiếm giải pháp mới nếu đối thoại song phương không đạt kết quả nào đến hết năm nay. Chủ tịch Kim cũng tham dự lễ hoàn công ở huyện Samjiyon, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt, để thể hiện quyết tâm thắt chặt đoàn kết nội bộ thông qua tự lực tự cường.

Huyện Samjiyon nằm gần Núi Baekdu, nơi linh thiêng tượng trưng cho chế độ lãnh đạo “cha truyền con nối” của gia đình quyền lực họ Kim, gọi là dòng máu Baekdu. Chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong-un đến địa điểm này cho thấy ông chuẩn bị có sự thay đổi lớn về chính sách.


Núi Baekdu là nơi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành thiết lập căn cứ quân sự cho cuộc chiến du kích chống Nhật trong thời kỳ thuộc địa, và Bắc Triều Tiên tin rằng căn cứ này là minh chứng cho tính hợp pháp của chế độ miền Bắc. Đó là lý do tại sao ông Kim Jong-un đến ngọn núi biểu tượng này mỗi khi cần đưa ra quyết định quan trọng. Ông đã đến đó vào tháng 11/2013, ngay trước khi hành quyết người chú ruột quyền lực Jang Song-thaek, và vào tháng 12/2017, trước khi mở ra bầu không khí đối thoại liên Triều đầu năm 2018.

Chuyến thăm mới nhất của nhà lãnh đạo cho thấy miền Bắc sẽ theo đuổi đường hướng tự lực cả về kinh tế và an ninh. Bằng cách phô trương năng lực hạt nhân, Bắc Triều Tiên muốn khẳng định với thế giới rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân. Quan hệ của miền Bắc với Mỹ và Hàn Quốc có thể xấu đi, nhưng Bình Nhưỡng sẽ cố gắng tìm kiếm đột phá thông qua hợp tác với Trung Quốc và Nga.


Chuyến thăm huyện Samjiyon gần đây của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngụ ý rằng ông sẽ sớm đưa ra quyết định quan trọng. Ông Kim đã đến thăm nơi này hồi tháng 10 khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang đình trệ. Ngày 23/10, một tuần sau chuyến thăm, nhà lãnh đạo đã ra lệnh tháo dỡ các cơ sở do Hàn Quốc xây dựng tại núi Geumgang, với hàm ý ngăn chặn hợp tác và trao đổi xuyên biên giới. Dựa vào những tiền lệ trước đó, có thể thấy Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng chính sách mới bằng nhiều động thái khiêu khích hơn và những biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Trong bối cảnh này, thông báo gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề Mỹ của Bắc Triều Tiên Ri Thae-song nhằm vào Mỹ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt.


Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ đưa ra các đề xuất mới trong đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều đến hết tháng 12 này. Thứ trưởng Ri Thae-song nói rằng mọi sự đều phụ thuộc vào quyết tâm của Mỹ, rằng Mỹ sẽ lựa chọn món quà nào cho dịp Giáng sinh. Bình luận này ám chỉ miền Bắc có thể sẽ có động thái khiêu khích dịp Giáng sinh này.

Kịch bản tốt nhất đối với Bình Nhưỡng là Washington nhượng bộ. Thời hạn do chính Bắc Triều Tiên đưa ra đang đến gần, nên nước này đang chịu áp lực thời gian. Do đó miền Bắc dường như đang gây sức ép mạnh hơn để Mỹ nhanh chóng nhượng bộ. Nhưng trên thực tế, rất ít khả năng nước này sẽ đạt được những gì họ muốn.


Món quà Giáng sinh Bắc Triều Tiên đề cập là rất đáng lưu tâm. Tháng 7/2017, Chủ tịch Kim Jong-un gọi vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bình Nhưỡng là “món quà quốc khánh cho nước Mỹ kiêu ngạo”. Rõ ràng, các động thái gần đây của Bắc Triều Tiên có mục đích hối thúc Mỹ thay đổi thái độ. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên có vẻ cũng ngày càng cứng rắn hơn. Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông có mối quan hệ cá nhân rất tốt với Chủ tịch Kim Jong-un, song cũng để ngỏ khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Bắc Triều Tiên nếu cần thiết.


Tôi nghĩ bình luận của Tổng thống Trump chính là câu trả lời cho thông điệp quà Giáng Sinh của Bắc Triều Tiên, nghĩa là ông Trump sẽ không lung lay trước sức ép của Bình Nhưỡng. Người đứng đầu Nhà Trắng vẫn muốn tiếp tục đối thoại, và kêu gọi Bắc Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa theo thỏa thuận trong Hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhưng ông vẫn có thể xem xét lựa chọn quân sự nếu cần thiết. Ông Trump cũng một lần nữa gọi ông Kim là “gã tên lửa”, thuật ngữ ông này từng sử dụng năm 2017, ngụ ý rằng ông sẽ không bao giờ bị Bắc Triều Tiên làm dao động. Do đó, triển vọng đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều đang ngày càng mong manh, thậm chí ít hơn nhiều so với triển vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.


Thời hạn cuối năm đang đến gần, căng thẳng Mỹ-Triều lại càng gia tăng. Tổng thống Trump đã kiềm chế không đề cập đến biện pháp quân sự với Bắc Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông với Chủ tịch Kim tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Nhưng giờ đây, ông đã phải phản ứng mạnh mẽ với các hành động khiêu khích của miền Bắc, gồm những cuộc phóng thử nghiệm pháo phản lực siêu lớn gần đây và lời ngỏ về món quà Giáng Sinh. Trong một diễn biến liên quan, đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên sẽ triệu tập một cuộc họp cuối tháng này.


Bắc Triều Tiên sẽ tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương đảng Lao động vào cuối tháng 12. Cuộc họp trước đó diễn ra ngày 9/4 năm nay, hai ngày trước cuộc họp của Hội đồng nhân dân tối cao. Trong phiên họp đảng sắp tới, Bắc Triều Tiên có thể sẽ công bố một quyết định quan trọng. Đó có thể là chính sách cứng rắn đối với Mỹ hoặc động thái khiêu khích cấp độ thấp hơn như phóng vệ tinh. Dù là thông điệp gì, dự kiến phiên họp này sẽ hé lộ ý định của ông Kim cũng như “hướng đi mới” của nước này. Tôi nghĩ nội dung cụ thể sẽ được công bố trong bài phát biểu chào mừng năm mới của nhà lãnh đạo miền Bắc ngày 1/1 tới.


Ủy ban trung ương đảng Lao động thường tổ chức một cuộc họp toàn thể khi quyết định các chiến lược hoặc chính sách quan trọng. Sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2, Bắc Triều Tiên đã tổ chức cuộc họp đảng vào tháng 4 và thông qua chính sách xây dựng nền kinh tế tự lực. Thế giới vẫn phải chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ đưa ra quyết định gì trong cuộc họp tháng 12, và căng thẳng có thể sẽ lại leo thang trên Bán đảo Hàn Quốc thêm một lần nữa.

Lựa chọn của ban biên tập