Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Văn hóa cà phê tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-11-22

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank
Cà phê là một thức uống không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay. Có nhiều người thay thế bữa sáng bằng một ly cà phê kèm với bánh mì, hay có người trên đường đến công ty luôn phải mang ly cà phê trong tay. Trên thực tế, một khảo sát vào năm 2020 cho thấy Hàn Quốc là nước đứng thứ hai thế giới về lượng tiêu thụ cà phê bình quân trên đầu người, chỉ sau Pháp. Thế còn văn hóa cà phê tại Bắc Triều Tiên thì sao? Cà phê thường hiếm khi xuất hiện trong văn học miền Bắc. Tuy nhiên, tác phẩm “Tình là mãi mãi” của nhà văn người Bắc Triều Tiên Ri Hye-ryon đã có những câu văn so sánh cà phê như sau.

“Vừa ngọt lại vừa đắng, thật đắng mà lại cũng thật ngọt
Những kẻ tham vọng quyền lực bảo rằng quyền lực mang vị cà phê
Thứ ngon hơn cả đậu tương. Cớ gì mà ngăn mà cấm?
Yun-yong dứt khoát tuyệt giao, với những kẻ thì thầm sau lưng
Bắt chước từ giày dép, quần áo, đến cả khẩu vị.”

Cà phê ít khi được nhắc đến trong văn học miền Bắc, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong bối cảnh tác phẩm là thời Liên Xô cũ và được miêu tả như văn hóa của nước đó một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi bối cảnh tác phẩm là Nhật Bản hoặc một nền xã hội chủ nghĩa tư bản thì món này được ví như món ưa thích của những nhân vật tha hóa, làm ăn bất chính. Hình ảnh người Bắc Triều Tiên uống cà phê cũng được dùng để khắc họa những nhân vật mang tính tiêu cực, gặm nhấm xã hội. Có thể nói, việc cà phê được xuất hiện như một đề tài văn học là một điều ý nghĩa vì câu trích dẫn vừa nói trên là “Vừa ngọt lại vừa đắng, thật đắng mà lại cũng thật ngọt” nói đến vị của cà phê hòa tan, không phải vị của miền Bắc, mà là vị ngoại lai. Có thể thấy đây là cách dùng để phê phán những người tham vọng quyền lực theo đuổi những thứ từ nước ngoài.

Văn hóa thưởng thức cà phê bắt đầu được hình thành từ sau những năm 1990 trong tầng lớp thượng lưu, bao gồm cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il, và các quan chức được cử đi nước ngoài. Được biết, cựu Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc Kim Yong-nam thường dùng bữa sáng là sữa, bơ, bánh mì và cà phê. Cà phê được xem như “hương vị tượng trưng cho chủ nghĩa tư bản” chứ không đơn thuần là một loại thực phẩm được yêu thích. 

Miền Bắc vốn bài trừ chủ nghĩa tư bản. Các quán cà phê có thể xem là địa điểm cho những cuộc gặp tình cờ, cũng là không gian nội thất đương đại có thể giúp tăng thêm cơ hội trao đổi thông tin. Thành phố Paris (Pháp) chính là khởi nguồn biến quán cà phê thành nơi để trò chuyện và thảo luận. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những không gian tiêu dùng mới như quảng trường cà phê ven đường lớn của thành phố. Vì thế, việc uống cà phê ở các quán xá như thế cũng được cho là văn hóa suy đồi của xã hội chủ nghĩa tư bản.

Theo một báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), lượng cà phê được nhập khẩu vào Bắc Triều Tiên đã tăng mạnh từ những năm 2000. Trong vòng 10 năm từ năm 1990-1999, lượng nhập khẩu cà phê bình quân mỗi năm của miền Bắc dưới 1.000 bao tải, 60 kg/bao. Tuy nhiên, con số này bắt đầu tăng dần từ năm 2000, đến năm 2012 là 19.000 bao tải mỗi năm. Xét theo việc mỗi ly cà phê cần 7g hạt cà phê, thì có thể hiểu là người dân Bắc Triều Tiên uống khoảng 7 cốc cà phê trong vòng một năm. Mặc dù đã tăng so với những năm 1990, nhưng nếu so với các nước khác thì vẫn ở mức thấp. Đặc biệt, lượng tiêu thụ cà phê bình quân trên đầu người của miền Bắc chỉ bằng 1/40 so với Hàn Quốc trong cùng kỳ.
Quy mô nhập khẩu cà phê tăng vọt là do đã xuất hiện nhiều quán cà phê có thực đơn mới gồm cà phê pha thủ công (hand drip) ở Bình Nhưỡng và các thành phố lớn. Các quán cà phê tại miền Bắc xuất hiện nhiều từ thời Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền. Vào năm 2012, ông Kim cũng đã tới thăm một nhà hàng mang tên “Haemaji” (Đón năm mới) tại phố Changjon ở thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang). 

Nhà hàng “Haemaji” tại phố Changjon nổi tiếng là nơi mà Chủ tịch Kim Jong-un đã từng ghé qua để thưởng thức cà phê. Nhà hàng này có cà phê mang vị độc đáo và dịu ngọt. Ngoài ra, cà phê cũng bán ở các trung tâm phức hợp có nhà hàng, cửa hàng, công viên nước, nhà tắm công cộng. Tầng 6 của trung tâm thương mại Haedang Hwagwan (Hải đường hoa quán) được quảng bá là nơi có bầu không khí nhẹ nhàng phù hợp cho những cuộc trò chuyện tình cảm. Nơi đây còn nổi tiếng với hàng chục loại cà phê, trà, nước hoa quả và món ngọt. Bên cạnh đó là quán nước ngọt “Cầu Mansu” nằm ở bờ sông Potong (Phổ Thông) độc đáo với hình dạng hoa nở, hay phòng phục vụ cà phê trên tàu tham quan “Mujige” (Cầu vồng) ở sông Taedong (Đại Đồng). Bắc Triều Tiên đã phát triển nhiều tour du lịch quốc tế để mở rộng thị trường du lịch, trong đó có tour du lịch Bình Nhưỡng-Wonsan. Tại giao lộ đi vào Wonsan từ Bình Nhưỡng có nhà hàng Sinpyong Kumkang bán cappucino, espresso, cà phê mocha và trà xanh Kangryong, một sản phẩm được miền Bắc thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài.

Vào năm 2013, hãng du lịch chuyên đi Bắc Triều Tiên của Mỹ là Uri Tour đã viết một bài blog giới thiệu 4 quán cà phê nên ghé qua trong nội thành Bình Nhưỡng. Trong đó có quán cà phê trên đài viễn vọng khách sạn Bình Nhưỡng, ở ven sông Taedong, ở trung tâm thương mại Haedang Hwagwan, và quán ở sân bay Sunan. Giá mỗi ly cà phê ở đây là 3-4 USD, thuộc dạng khá đắt đỏ so với vật giá miền Bắc. Do đó, người ghé qua những nơi này thường là tầng lớp thượng lưu, giới nhà giàu, hay những người trẻ đi hẹn hò.
Lý do món thức uống xa xỉ của riêng tầng lớp thượng lưu là cà phê bắt đầu trở nên phổ biến với công chúng bắt nguồn từ Khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Vào thời điểm đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đặt nhà máy tại khu này từng phân phát món bánh Chocopie như đồ ăn vặt cho công nhân miền Bắc và món này rất được ưa chuộng. Cà phê hòa tan cũng không hề kém cạnh. Cà phê hòa tan được đóng gói theo dạng dùng một ly, gồm cà phê, đường và kem, hòa tan với nước để uống. Thức uống này đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới. 

Ưu điểm của cà phê hòa tan là có thể nạp đường và caffeine trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó còn có loại cà phê hòa tan có lượng calo giảm một nửa để ăn kiêng. Mặc dù cũng có loại cà phê hòa tan cao cấp với hương vị ngon hơn, nhưng việc tất cả các vị ngọt, đắng và béo tập trung trong một gói cà phê cho ta cảm giác như hộp bánh kẹo mà ta nhận khi bé. Đây cũng là điểm thu hút của cà phê hòa tan.

Người dân Bắc Triều Tiên cũng thể hiện sự yêu thích dành cho cà phê hòa tan. Tại miền Bắc, cà phê hòa tan được gọi là “cà phê que” và được xem như một món quà vặt quý hóa dùng để đãi khách hoặc tặng kèm tiền thưởng. 

Người lao động Bắc Triều Tiên tại Khu công nghiệp liên Triều Gaesung khi mới nếm cà phê hòa tan lần đầu thường thấy lạ lẫm, song lại bị hớp hồn chỉ sau một lần thử. Có lời kể rằng người ta tranh nhau lấy cà phê hòa tan, khiến số lượng phân phát bị giới hạn thành hai gói mỗi ngày. Cà phê hòa tan của Hàn Quốc được xem như vật tượng trưng cho sự giàu có, nên món này lọt ra ngoài  thủ đô Bình Nhưỡng và một số thành phố lớn. Việc pha cà phê hòa tan đãi khách là một hành động vô cùng xa xỉ. Nhu cầu cao trong khi lượng cung thấp, khiến giá cà phê hòa tan cũng trở nên đắt đỏ. Món này cũng hay được dùng để làm quà hối lộ như thuốc lá.

Sau khi Khu công nghiệp liên Triều Gaesung bị đóng cửa vào năm 2016, cà phê hòa tan vẫn được bán ở chợ tư nhân Jangmadang do nhu cầu mua liên tục tăng, thậm chí còn có người bán hàng xách tay cà phê. Gần đây, miền Bắc đã tự sản xuất cà phê hòa tan. YouTuber người Bắc Triều Tiên tên Yumi đã giới thiệu cà phê hồng sâm Cao Ly Koryo Kaesong giống với cà phê hòa tan của Hàn Quốc. Công ty liên doanh Myohyang Sehui của miền Bắc cũng đang tự sản xuất cà phê “Sambok”. 

Cà phê Sambok giống cà phê hòa tan của Hàn Quốc từ hình dạng cho đến mùi vị. Cà phê Sambok chính thức được phân phối tại các thành phố lớn của miền Bắc như Bình Nhưỡng hay Sinuiju. Trong ấn phẩm sản phẩm tiêu biểu của miền Bắc năm 2018 còn có các mặt hàng khác như cà phê hòa tan và cà phê cốc nhãn hiệu “Sân vận động 1/5”. Mặt khác, cà phê hồng sâm Cao Ly Koryo Kaesong chính thức được giới thiệu trên trang chủ thương mại của Bắc Triều Tiên là loại cà phê có bổ sung công hiệu của hồng sâm, có ích cho việc khắc phục những cơn mệt mỏi về tinh thần và thể chất. Hồng sâm là đặc sản và mặt hàng thương mại đối ngoại mà miền Bắc tự hào, nên loại thuốc bổ này đã được sử dụng để làm cà phê hòa tan.

Ngày nay, việc người dân Bắc Triều Tiên pha cà phê đãi khách đến nhà đã trở nên phổ biết. Việc uống cà phê khi họp hành cũng thành một nét văn hóa quen thuộc. Món thức uống đã từng chỉ tập trung trong một số người thuộc tầng lớp thượng lưu giờ đây đã lan rộng ra cả những người dân thường. 

Một cách khác để đánh giá sự phổ biến của cà phê là xem có bao nhiêu loại đồ uống mang hương vị cà phê đã xuất hiện. Chẳng hạn như cà phê sữa dưới dạng hòa tan của Nhà máy thực phẩm Munhwa Daesong hay sữa vị cà phê chế biến tại Nhà máy chế biến tổng hợp 1/5 đang được bán rộng rãi. Nhiều loại thức uống có vị cà phê được sản xuất đã cho thấy phần nào độ nổi tiếng của cà phê tại nước này. Tuy nhiên, theo quan sát trên bản đồ Google thì các quán cà phê đã từng có tiếng tăm tại Bình Nhưỡng hiện đang trong tình trạng tạm nghỉ hoặc đóng cửa ngừng kinh doanh, cho thấy công việc làm ăn không mấy khả quan, đặc biệt là khi nguyên liệu cà phê thường là hàng nhập khẩu. Ngoài ra, do Bắc Triều Tiên nhấn mạnh vào lá trà sản xuất trong nước, nên có thể nói vị thế của cà phê không còn như trước. Tuy nhiên, cà phê sẽ không hoàn toàn biến mất tại nước này do vẫn cần phục vụ nhu cầu của khách du lịch nước ngoài sau khi mở cửa biên giới trở lại. 

Giờ là lúc thời tiết se lạnh thích hợp nhâm nhi một tách cà phê ấm áp. Hy vọng rằng sẽ có một ngày hai miền Nam-Bắc sẽ có thể trao nhau câu nói “Uống cà phê nhé” như một câu mời thân thiết giữa bạn bè.

Lựa chọn của ban biên tập