Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Công nghiệp mùi hương tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-11-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News
Các bạn đã từng nghe đến từ “scent-tech” chưa? Đây là từ chỉ khái niệm đưa công nghệ kỹ thuật số (digital technology) như trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) vào mùi hương (scent). Điển hình là việc pha trộn hương bằng kỹ thuật số, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ khứu giác số để tìm ra tập hợp hương liệu. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng đang được nghiên cứu để áp dụng vào lĩnh vực y tế như sử dụng “mũi điện tử” để chẩn đoán ung thư. Khi thời gian ở trong không gian kín tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thị trường mùi hương đã trở nên sôi nổi. Có dự đoán rằng thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng với sự phát triển kỹ thuật ngay cả sau khi COVID-19 chấm dứt. 
Đầu năm 2023, loại nước hoa đặc biệt do một số sinh viên Hàn Quốc pha chế đã thu hút sự chú ý của công chúng. Nước hoa này pha trộn giữa mùi vị mát dịu của gỗ cây cùng với mùi cỏ tươi mát. Khi ngửi mùi hương này, có người sẽ nhớ đến cảm giác như thể đang dạo bước tại núi Baekdu (Bạch Đầu). Trong những người tị nạn miền Bắc, có người đã hồi tưởng lại kỷ niệm khi đi dã ngoại tại ngọn núi này. Qua đó có thể thấy nước hoa mang một ý nghĩa quan trọng về cảm xúc. Vậy thì số người dùng nước hoa ở Bắc Triều Tiên có nhiều không? Trước hết, hãy cùng lắng nghe tiến sĩ Lee Ji-soon đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc nói về nước hoa trong văn học miền Bắc.

Trong văn học Bắc Triều Tiên, nước hoa thường gắn liền với sự tiêu cực. Đặc biệt, nước hoa là công cụ biểu đạt sự tham lam và thối nát của các nhân vật xấu xa trong xã hội phương Tây mà miền Bắc xem như thù địch, thường được miêu tả là “sặc mùi nước hoa”. Thêm vào đó, nước hoa ngoại nhập đậm mùi và lạ lẫm là một biểu tượng hết sức tiêu cực trong văn học miền Bắc. Chẳng hạn, tác phẩm “Cảm giác văn minh” đăng trong số tháng 8 năm 2000 của tạp chí Văn học Triều Tiên có xuất hiện một nhân vật hàng ngày xịt lên mình loại nước hoa của Pháp nổi tiếng toàn thế giới. Nhân vật này thường là biểu tượng của nữ giới Hàn Quốc bắt chước văn hóa Mỹ. Ngoài ra, trường hợp xịt nước hoa nồng nặc mùi cũng được miêu tả như gián điệp trong ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có tác phẩm mà trong đó nhân vật chính sử dụng nước hoa là nam chứ không phải nữ, cụ thể là tác phẩm “Tôi yêu người” của nhà văn Ryom Ye-song phát hành năm 2018. Tác phẩm này kể về câu chuyện của nhân vật chính tên là Yu-jong. Khi Yu-jong vừa định bước vào giai đoạn sản xuất thử nghiệm thuốc uốn tóc mới phát triển, thì tân trưởng phòng tại viện nghiên cứu là Jong-in đã xuất hiện và hoãn việc sản xuất. “Tôi yêu người” là tác phẩm thể hiện quan điểm chính sách của Bình Nhưỡng về việc nội địa hóa sản phẩm của nền công nghiệp nhẹ. Kể từ khi lên nắm quyền, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã chú trọng vào “nội địa hóa”. Trong chuyến thăm nhà máy Mỹ phẩm Bình Nhưỡng vào năm 2015, ông Kim cũng từng đưa ra chỉ thị phải nâng cao chất lượng mỹ phẩm trong nước lên tầm cỡ thế giới. Trong bài phát biểu đón năm mới 2016 và Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 báo cáo tổng kết các dự án vào cùng năm, lãnh đạo miền Bắc cũng đưa ra khẩu hiệu “chủ nghĩa tự lực cánh sinh” và khuyến khích dốc toàn sức để chiến thắng khó khăn.
Hình ảnh nhân vật chính Yu-jong trong tác phẩm “Tôi yêu người” nỗ lực vượt khó để phát triển thuốc uốn tóc nội địa cũng được phân tích là để tuyên truyền chính sách của Chính phủ miền Bắc. 

Văn học Bắc Triều Tiên khá bảo thủ nếu xét về mặt ứng phó một cách linh hoạt trước các biến đổi thực tế. Cho dù các sản phẩm và kỹ thuật mới có dần xuất hiện đi nữa thì văn học miền Bắc vẫn giữ thái độ thận trọng đối với những thay đổi này. Ví dụ như việc giới nhà giàu mới nổi hoặc tầng lớp trung lưu miền Bắc uống cà phê tại các quán cà phê ở Bình Nhưỡng, cũng như mua nước suối tinh khiết để uống thay vì nước máy. Những hình ảnh này thường không xuất hiện trong văn học Bắc Triều Tiên. Thêm vào đó, số người dân sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng, văn hóa đặt mua và nhận hàng qua điện thoại thông minh cũng dần xuất hiện, nhưng cũng không được đề cập mấy trong văn học. Bên cạnh đó, những yếu tố gây ra sự phân chia tầng lớp hoặc văn hóa tiêu dùng của một tầng lớp nhất định, nội dung vi phạm luân lý chủ nghĩa tập thể thường không được nhắc đến. Tuy nhiên, tư tưởng chính sách của đảng cần tuyên truyền đến người dân thì lại được truyền đạt bằng những câu chuyện mang tính thuyết phục trong văn học.

Dù vậy, trong tác phẩm “Tôi yêu người” có bối cảnh nói về nội địa hóa ngành công nghiệp nhẹ lại xuất hiện nhân vật nam chính xịt nước hoa.

Người anh ấy phảng phất hương nước hoa. Mùi hương lạ lẫm mà tôi chưa từng ngửi thấy thời đại học. Nhìn thấy nhãn hiệu chiếc ô lòng tôi chợt đau nhói. Thật buồn làm sao khi thấy những con người đi du học trở về, hít khí trời Tây khiến họ chỉ nhìn thấy những thứ ngoại lai và khinh thường hàng trong nước. Những món đồ nước ta mà khó khăn lắm mới làm ra được.

Yu-jong đã thể hiện sự thất vọng khi ngửi thấy mùi nước hoa từ Jong-in.

Hương nước hoa của nam chính đã trở thành một bằng chứng rằng nhân vật này đã trở thành người ưa thích đồ ngoại nhập, mang ham muốn hư vinh, khinh thường hàng nội địa, khiến nữ chính hiểu lầm. “Mùi hương lạ lẫm” này có thể là nước hoa, nhưng trên thực tế cũng có thể là pheromone, tức mùi hương tự nhiên quyến rũ phát ra từ đối phương. Mùi hương này chính là cầu nối khiến Yu-jong cảm nhận sự thu hút từ Jong-in, đồng thời cũng là yếu tố gây ra mâu thuẫn nội tâm của nhân vật nữ chính. 

Trong tác phẩm “Tôi yêu người” có sự xuất hiện của một mùi hương khác đối lập với mùi nước hoa, chính là mùi thuốc uốn tóc thử nghiệm nồng nặc mà Yu-jong đang phát triển. Mùi thuốc uốn tóc được phân tích là tượng trưng cho trình độ kỹ thuật của Bắc Triều Tiên. 

Trái ngược với mùi nước hoa quyến rũ của Jong-in, người Yu-jong phát ra mùi thuốc uốn tóc nồng nặc, có thể nói gần như là mùi hôi. Đây có thể xem là bằng chứng cho thấy chất lượng sản phẩm của miền Bắc thua kém xa so với nước ngoài. Nếu vấn đề này không được giải quyết, thì mùi hôi nồng nặc này sẽ mang ý nghĩa tượng trưng cho việc Bắc Triều Tiên không thể bắt kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới, và mùi thơm từ nước hoa của Jong-in đại diện cho nước ngoài mang kỹ thuật hiện đại. Thông qua sự đối lập này, tác giả đã thể hiện tầm quan trọng của bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước để sánh kịp với thế giới.

Trong tác phẩm cũng có đoạn mẹ của Yu-jong đã xịt nước hoa vào áo con gái để xua đi mùi thuốc uốn tóc. Việc mùi hương của Jong-in và cảnh xịt nước hoa xuất hiện trong văn học miền Bắc đã cho thấy những thay đổi trong nhận thức và nền công nghiệp của nước này về mùi hương.
Vào năm 2012, sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên cầm quyền, Bình Nhưỡng đã thành lập công ty thương mại hương liệu có phương hướng xúc tiến giao lưu và hợp tác về kỹ thuật kinh tế với doanh nghiệp hương liệu của Pháp là Jean Niel, nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nhẹ. Thêm vào đó, nhu cầu về mùi hương ở miền Bắc cũng đang ngày càng tăng. 

Mùi hương trong thời của ông Kim Jong-un đã trở thành một thứ thiết yếu hỗ trợ cho cuộc sống văn minh. Đây không phải là món đồ cần cho sự sinh tồn, mà là công cụ để cảm nhận bầu không khí hoặc tâm trạng. Do đó, nhu cầu nước hoa cao cũng có thể được xem là sự xuất hiện của văn hóa tiêu dùng mang đặc thù của chủ nghĩa tư bản. Mặt khác, hiện tượng này cũng thể hiện nhận thức rằng mùi hương đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Trên thực tế, ngành công nghiệp mùi hương không chỉ bao gồm nước hoa, mà còn ở trong đa phần các sản phẩm mà ta sử dụng hàng ngày như xà phòng, mỹ phẩm, dầu gội. Những mặt hàng chủ lực trong công nghiệp mùi hương của miền Bắc còn có lĩnh vực khử mùi và các sản phẩm liệu pháp hương thơm (aromatherapy). 

Năm 2021, các sản phẩm nước hoa, nến thơm, nguyên liệu thơm ăn được của Nhà máy Hương liệu Bình Nhưỡng đã xuất hiện tại Triển lãm mỹ thuật công nghiệp quốc gia Bắc Triều Tiên. Theo giới truyền thông nước này, đây là những sản phẩm được phát triển từ hương liệu tự nhiên như hoa lá, mầm non, hạt của các loài thực vật mọc trên núi và đồng ruộng. Hàng chục loại hương liệu như hương táo, đào, dâu, ngũ vị tử, nhân trần, lá thông đã được sử dụng để tạo ra các loại thực phẩm như nước ngọt có gas vị quýt, kẹo vị táo, bánh vị dâu, hay mỹ phẩm hương mùa xuân, nước khử mùi nhà vệ sinh, xà phòng rửa mặt. Đặc biệt, trang web tuyên truyền đối ngoại Naenara (Đất nước tôi) vào tháng 10 năm ngoái đưa tin hương liệu tự nhiên và nước hoa nhãn hiệu “Okryu” do Nhà máy Hương liệu Bình Nhưỡng sản xuất đã nhận được nhiều lời khen. 

Số tháng 1 của Tạp chí đối ngoại Bắc Triều Tiên “Foreign Trade of the DPRK” vào năm 2021 đã có bài báo về các nhà máy tinh dầu ở Bình Nhưỡng. Theo bài báo, Nhà máy Hương liệu Bình Nhưỡng nằm ở ven sông Taedong (Đại Đồng) đã nghiên cứu và sản xuất loại tinh dầu tự nhiên, có thể ăn được và dùng trong công nghiệp. Được biết, Viện nghiên cứu tinh dầu thuộc nhà máy này được trang bị nguồn nhân lực tài năng, các cuộc thí nghiệm hiện đại và máy móc phân tích, nhằm tạo ra sản phẩm chức năng sử dụng dầu thiên nhiên. Tờ tạp chí cũng dự đoán rằng hương liệu tự nhiên phong phú và không bị ô nhiễm của miền Bắc sẽ nhận được nhiều tình yêu từ người tiêu dùng quốc tế. Nước này có kế hoạch nâng cao nền tảng kỹ thuật và vật chất của công nghiệp hương liệu, giao lưu và hợp tác với những nước quan tâm đến sản phẩm từ hương liệu tự nhiên. Thông qua đó, giá trị về mặt xuất khẩu của sản phẩm Bắc Triều Tiên sẽ gia tăng và là một trong những yếu tố chủ chốt thúc đẩy phát triển kinh tế.

Mặt khác, các hãng truyền thông vào năm 2020 đã đưa tin miền Bắc đã xây dựng được công đoạn sản xuất mặt hàng xa xỉ là nước hoa. Cụ thể, báo Lao động và trang tuyên truyền đối ngoại "Meari" (Tiếng vọng) cho biết Nhà máy Mỹ phẩm Sinuiju đã thiết lập công đoạn sản xuất nước hoa mới, nhấn mạnh vào việc nhà máy này đã thành công tìm ra tỷ lệ pha trộn mùi hương hợp lý. Việc Bình Nhưỡng quảng bá về sự phát triển của kỹ thuật nước hoa được phân tích là nhằm nhấn mạnh chính sách “tự lực cánh sinh”. 

Nội địa hóa hương liệu khá phù hợp với cấu trúc kinh tế không thể dựa vào nhập khẩu của miền Bắc. Thông qua việc tạo ra nền tảng nội địa hóa bằng các nhà máy sản xuất hương liệu, miền Bắc đã dựng nên được khung sườn cơ bản để sản xuất nhiều mặt hàng đa dạng. Khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của nước này tăng, thì người ta sẽ chuyển từ tiêu dùng thiên về vị giác sang khứu giác. Việc xịt nước hoa có mối liên quan đến văn hóa tiêu dùng nhằm tạo ra sức hút của bản thân. Ngành công nghiệp mùi hương không chỉ có mỗi nước hoa, mà còn các sản phẩm công nghiệp nhẹ khác như xà phòng, mỹ phẩm. Do đó, ngành công nghiệp này có thể giúp ích cho rất nhiều lĩnh vực, từ đó mở rộng phạm vi theo sở thích và lựa chọn cá nhân hơn là chỉ tập trung vào chức năng sản phẩm. Để thực hiện được điều này, hương liệu đóng vai trò khá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hương liệu cũng giúp tăng thêm mùi vị cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Ngành công nghiệp mùi hương ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phát triển rộng rãi hơn nữa trong tương lai.

Ngành công nghiệp mùi hương hiện đang có xu thế mở rộng ra nhiều lĩnh vực đa dạng như thực phẩm, y tế, marketing, giải trí; quy mô thị trường cũng đang tăng trưởng toàn thế giới. Liệu công nghiệp mùi hương của miền Bắc có thể phát triển tiếp nữa trong bối cảnh nước này đang chịu sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế? Chúng ta nên tiếp tục dõi theo sự phát triển ngành công nghiệp này tại miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập