Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chợ chính thống của Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-12-06

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS News
Người mua hàng qua lại tấp nập, các thương lái mời gọi khách mua những chiếc bánh gạo Tteok, hay bánh rán Jeon nóng hổi mới làm với nụ cười rạng rỡ. Đó là những khung cảnh chúng ta hay bắt gặp tại chợ đầu mối truyền thống. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của các siêu thị và trung tâm mua sắm, chợ đầu mối truyền thống đang dần mất đi sự nhộn nhịp vốn có. Không chỉ ở Hàn Quốc mà cả Bắc Triều Tiên cũng đang cho thấy xu hướng thay đổi này. 
Khi nhắc đến “chợ” tại Bắc Triều Tiên, người Hàn hay liên tưởng tới chợ tư nhân Jangmadang. Có thể nói đây là “hạt giống” của nền kinh tế thị trường ở miền Bắc, nơi người dân có thể tìm mua mọi thứ. Tuy nhiên, gần đây, Bắc Triều Tiên đang mở rộng phát triển chợ chính thống hơn là chợ tư nhân. Vậy sự khác biệt giữa hai mô hình chợ này là gì? 

Chợ tư nhân Jangmadang thực ra là một khái niệm rất rộng, bao gồm nhiều loại chợ như chợ trong hẻm, chợ châu chấu Mettuki (tức khu bán hàng rong), chợ bán lẻ. Có thể nói chợ chính thống cũng là một phần của chợ tư nhân Jangmadang. Sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990, chế độ bao cấp bị sụp đổ, chợ tư nhân Jangmadang mọc lên như nấm sau mưa. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un đã cho triển khai cơ cấu lại chợ tư nhân một lần sau khi lên nắm quyền vào năm 2012. Vào năm 2003, chính quyền miền Bắc cũng từng ra chính sách về chợ tổng hợp, kiến thiết lại chợ theo kiểu tập trung, với hệ thống trang thiết bị thống nhất tại một không gian nhất định. Đối với những thương nhân bán hàng tại nhiều nơi thì chính quyền đã thu phí sử dụng gian hàng và thuế kinh doanh. 

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô vào năm 1991 làm cho nguồn viện trợ chính của Bắc Triều Tiên bị cắt đứt. Thêm vào đó, hạn hán và lũ lụt xảy ra đồng thời đã dẫn đến chế độ bao cấp của nước này bị sụp đổ. Nạn thiếu lương thực trầm trọng khiến người lao động miền Bắc phải nghỉ làm và đi lang thang khắp nơi để tìm kiếm thực phẩm. 
Khi chế độ bao cấp chấm dứt do khủng hoảng kinh tế, chợ tư nhân Jangmadang được hình thành tự phát ở nhiều nơi. Kể từ đó, chợ Jangmadang gắn liền với sự sống còn của người dân Bắc Triều Tiên và không thể tách rời. Tuy nhiên, sau khi chính quyền miền Bắc chính thức thành lập chợ tổng hợp vào năm 2003, mô hình chợ tại miền Bắc được chia thành hai loại là chợ chính thống và chợ không được cấp phép. Trên thực tế, Jangmadang là một từ lóng để chỉ khu buôn bán bất hợp pháp tự phát. Vậy nhưng chính quyền Bắc Triều Tiên đã hợp pháp hóa chợ tư nhân này bằng cách đổi tên chúng thành chợ tổng hợp và mở rộng quy mô theo thời gian. 

Nhìn từ hình ảnh vệ tinh có thể thấy hơn 400 chợ lớn nhỏ ở miền Bắc với tổng diện tích tương đương hai phần ba diện tích của Yeouido (Seoul), tức khoảng 194 triệu m². Mỗi quận ở Bình Nhưỡng có ít nhất một chợ chính thống hoặc chợ tổng hợp. Tại một số thành phố lớn có 4 đến 5 chợ. Tại nông thôn, luôn có hơn một chợ tại các huyện. Chợ ở Bắc Triều Tiên được quy hoạch có hệ thống. Ở chợ không chỉ có nhà vệ sinh mà còn có kho chứa hàng, kho hậu cần, văn phòng quản lý chợ, hay cả khu vực để xe đạp.

Tính đến năm 2022, Bắc Triều Tiên có tất cả 414 chợ chính thống, mỗi tỉnh có trung bình 45,5 chợ. Trong đó, tỉnh Nam Pyongan có 65 chợ, tỉnh Bắc Hamgyong và Nam Hamgyong lần lượt có 46 và 48 chợ, thành phố Bình Nhưỡng (Pyongyang) có 30 chợ. Đại đa số đều được tu sửa rộng rãi và có tên riêng, tổng diện tích cũng tăng thêm 107.000 m² so với năm 2016. Diện tích trung bình của mỗi chợ khá rộng, tương đương khoảng 4.500 m². Trong đó, chợ Sunam tại thành phố Chongjin tỉnh Bắc Hamgyong là nơi có diện tích lớn nhất. 

Qua dữ liệu vệ tinh có thể thấy diện tích của chợ Sunam rộng gấp đôi chợ Dongdaemun ở Seoul. Tính đến năm 2019, nơi đây có tổng 17.000 gian hàng. Nói cách khác đây là nơi buôn bán của khoảng 17.000 thương nhân. Chợ Sunam ở thành phố Chongjin, tiếp giáp với các thành phố gần khu vực biên giới Bắc Triều Tiên và Trung Quốc có điều kiện giao thông thuận tiện và dân số đông nên có thể coi đây là một thành phố lớn. Hàng hóa từ các khu vực biên giới giữa miền Bắc và Trung Quốc đến các thành phố như Rason, Hoeryong, Musan, Hyesan đều phải tập kết ở chợ Sunam. 

Chợ Sunam có lợi thế là thành phố cảng, gần biên giới Trung Quốc và Nga, nằm ở trung tâm thành phố Chongjin. Ban đầu, nơi đây chỉ có chợ ở Chongam, một quận cách xa thành phố. Sau đó, chợ Sunam được xây dựng ở khu vực gần trung tâm thành phố hơn. Chợ Sunam rộng hơn 30.000 m², bao gồm các chợ chuyên biệt chẳng hạn như chợ công nghiệp, chợ thịt và hải sản, chợ quần áo cũ hay các tạp hóa khác. Đặc biệt, chợ quần áo ở đây được so sánh ngang hàng cùng với chợ Okjon ở thành phố Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan, nơi sản xuất quần áo lớn nhất tại miền Bắc. Ngoài chợ Sunam, có thể kể đến chợ Hyesan là nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Bắc Triều Tiên. 

Những năm 1990, Hyesan vẫn còn là khu vực rất nghèo nàn. Không giống như Sinuiju, ở thành phố Hyesan lòng sông rất hẹp, phù hợp cho việc buôn lậu. Do đó, kể từ những năm 1990 khi chế độ bao cấp bị sụp đổ, việc buôn bán, trao đổi hàng hóa ở đây cũng diễn ra rất sôi nổi. Hàng hóa từ khu vực biên giới Trung-Triều được tập kết ở Hyesan. Có thể nói, từ sau những năm 1990, đây là một trong những thành phố có tốc độ trăng trưởng bậc nhất tại miền Bắc. 

Thành phố Hyesan thuộc tỉnh Ryanggang, nơi có chợ Hyesan, là một thành phố biên giới nằm ở thượng nguồn sông Amnok (Áp Lục). Đặc biệt, khi miền Bắc bắt đầu dự án tái thiết thành phố Samjiyon cùng tỉnh, chợ Hyesan đã cho thấy sự phát triển bùng nổ. Một người tị nạn Bắc Triều Tiên cho biết, họ được những thương lái dẫn đến nhà để lựa chọn hàng hóa. Có vô số mặt hàng được bày la liệt trong những căn nhà ở đây. Hyesan là nơi có hoạt động thương mại sôi động đến mức những ngôi nhà gần chợ tư nhân Jangmadang được sử dụng làm cửa hàng bí mật. 

Có thể nói thành phố Hyesan đã được hưởng lợi từ việc tái thiết thành phố Samjiyon. Tại Bắc Triều Tiên, khi nhà nước chỉ định thực hiện dự án xây dựng quy mô lớn, vật tư hay nguồn vốn từ các khu vực kinh tế tư nhân, như các doanh nghiệp hay cá nhân sẽ được đổ vào khu vực này. Điều này thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa và tiêu dùng tại Hyesan, thành phố lớn giáp với Samjiyon. 

Samjiyon thuộc tỉnh Ryanggang, tọa lạc phía Đông Nam núi Baekdu (Bạch Đầu). Đây cũng là nơi mà cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) tham gia phong trào chống Nhật và là nơi cố Chủ tịch Kim Jong-il chào đời. Samjiyon, nơi mà Bắc Triều Tiên coi là “thánh địa cách mạng”, bắt đầu nhận được sự chú ý của nước ngoài sau khi người cháu của ông Kim Nhật Thành là Kim Jong-un lên nắm quyền. Với mục tiêu đưa Samjiyon trở thành “đặc khu du lịch quốc tế đẳng cấp thế giới”, vào năm 2016 dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Jong-un, huyện Samjiyon với dân số không quá 40.000 người, được nâng cấp lên thành phố và hoàn thành hệ thống đường sắt tại đây. Đường sắt Hyesan-Samjiyon kết nối thành phố Hyesan và huyện Samjiyon khi đó nhằm phục vụ cho việc du lịch núi Baekdu (Bạch Đầu). Tuyến đường sắt này hoàn công cũng khiến cho chợ Hyesan càng thêm đông đúc hơn. 
Ngoài ra, chợ phường Namjung ở Sinuiju, thành phố thương mại lớn nhất và là trung tâm thương mại, giao thông và phân phối hàng hóa quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên, cũng đóng vai trò như một hành lang lưu thông hàng hóa toàn quốc đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chợ Tongilgori (con đường Thống nhất) và chợ ở quận Jung, thành phố Bình Nhưỡng, nơi chủ yếu bán các sản phẩm nhập khẩu cao cấp, cũng là những chợ chính thống tiêu biểu ở Bắc Triều Tiên. 

Để có thể bán hàng ở chợ chính thống, thương nhân cần đăng ký kinh doanh với chợ nhưng các yêu cầu được đặt ra khá khó khăn. Ví dụ, họ phải thuộc gia đình không có người lao động chính và có một số ràng buộc về độ tuổi. Mặc dù theo quy định, một người chỉ được sở hữu một gian hàng, nhưng trên thực tế, nhiều người có thể mượn tên người khác để mua thêm. Diện tích mỗi gian hàng tương đối hẹp, chưa đến 1m. Điều này tạo ra hạn chế đối với việc trưng bày và bán hàng. Do đó, nơi đây khá phổ biến việc có nhiều người phải mượn tên người thân để mua thêm một hoặc hai gian hàng. 

Sau khi bắt đầu đi vào hoạt động, phòng quản lý chợ sẽ thu phí từ các thương lái theo nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, phí sử dụng gian hàng là một khoản thu nằm trong ngân sách của Chính phủ Bắc Triều Tiên thông qua các chợ chính thống. Dựa trên quy định mỗi người một gian hàng, số lượng những người buôn bán chính thức trên chợ đã vượt quá 1,1 triệu người, chiếm khoảng 4,7% dân số miền Bắc; và ước tính tổng thu từ phí sử dụng gian hàng trên toàn quốc vào năm 2020 là khoảng 290 triệu USD. 

Chợ ở từng khu vực được quản lý dưới thẩm quyền của chính quyền địa phương. Ví dụ, chợ Sunam của thành phố Chongjin sẽ thuộc quyền quản lý của các cơ quan hành chính và đảng ở quận Sunam. Mặc dù một phần phí sử dụng gian hàng được chuyển vào ngân sách của Chính phủ trung ương, nhưng phần lớn lại được sử dụng để cung cấp nguồn tài chính cho các địa phương trực thuộc. Chẳng hạn, khi cần xây dựng đường ở quận Sunam, nguồn tài chính sẽ được huy động thông qua việc thu thuế từ chợ. Nhìn từ quan điểm của chính quyền địa phương, chợ trở thành một nguồn tài chính quan trọng. Nhận thức này đã dẫn đến việc cơ sở hạ tầng của chợ liên tục được hiện đại hóa. Nếu muốn xóa bỏ sự tồn tại của chợ hay nói cách khác là nền kinh tế thị trường ở Bắc Triều Tiên, chính quyền phải khôi phục lại chế độ bao cấp với nguồn tài chính đầy đủ. Tuy nhiên, do thiếu nguồn tài chính, việc dựa vào chợ để duy trì cuộc sống là không thể tránh khỏi.

Sau khi chính quyền Bắc Triều Tiên chấp nhận sự tồn tại của chợ, chợ trở thành nguồn thu tài chính quan trọng cho đất nước. Thời gian gần đây, các trung tâm thương mại đã bắt đầu xuất hiện, nơi mà sản phẩm được sắp xếp theo từng chủng loại, nâng cao hiệu quả trưng bày. 
Chợ chính thống được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ở Bắc Triều Tiên sau khi được công nhận và trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế ở miền Bắc, và được chính quyền trung ương và địa phương sử dụng cho mục đính thi hành chính sách.

Lựa chọn của ban biên tập