Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tình yêu hàng hiệu của tầng lớp quyền lực Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-12-13

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Kể từ sau khi Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un lên nắm quyền, gia đình ông mỗi khi xuất hiện trong các sự kiện công khai thường đeo đầy hàng hiệu trên người. Trong số đó có thể kể đến cô con gái Kim Ju-ae, người đã cùng xuất hiện với ông Kim Jong-un trong lần thị sát cuộc phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hồi 18/11 năm 2022. Trong một năm qua, cô con gái Kim Ju-ae của Chủ tịch Kim đã tích cực xuất hiện trước công chúng. Đặc biệt, trong lần theo dõi vụ phóng thử nghiệm tên lửa ICBM Hwasong-17 vào tháng 3/2023, Kim Ju-ae đã mặc chiếc áo khoác được cho là của một hãng đồ hiệu Pháp. 

Con gái của Chủ tịch Kim Jong-un là Kim Ju-ae được cho là đã mặc áo khoác thuộc thương hiệu Christian Dior của Pháp trong lần thị sát vụ phóng tên lửa ICBM hôm 16/3. Chiếc áo gắn mũ này có họa tiết hình tứ giác trùng với hình thoi, là điểm đặc trưng của Dior và giống với mẫu áo phao lông vũ có mũ dành cho trẻ em của Dior, được bán với giá 1.900 USD.

Em gái của ông Kim là Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng lao động Bắc Triều Tiên Kim Yo-jong cũng đã mang chiếc túi xách của Pháp khoảng 7.000 USD khi đến thăm nhà máy sản xuất máy bay của Nga vào tháng 9/2023. Tình yêu dành cho đồ hiệu của gia đình họ Kim không chỉ dừng lại ở đó. 

Chủ tịch Kim Jong-un là một tín đồ của đồng hồ Thụy Sĩ. Ông Kim có vốn hiểu biết uyên bác về đồng hồ Thụy Sĩ do đã từng du học ở thành phố Bern của quốc gia này. Thêm vào đó, lãnh đạo miền Bắc cũng thường xuyên mua đồng hồ Rolex để tặng cho các quan chức cấp cao. Trang nhật báo Jing Daily của Trung Quốc cũng đã đưa tin Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju rất thích các thương hiệu thời trang nước ngoài. Hiệu đồng hồ mà bà Ri hay dùng là Movado của Thụy Sĩ, là thương hiệu đồng hồ cao cấp đầu tiên được trưng bày ở Bảo tàng nghệ thuật New York (Mỹ). Đệ nhất phu nhân Bắc Triều Tiên cũng từng đeo đồng hồ đôi với chồng mình.  

Chủ tịch Kim Jong-un sử dụng đồng hồ hàng hiệu của Thụy Sĩ từ thời mới nhậm chức, từ Patek Philippe, cho đến Movado, IWC. Đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju cũng thường hay dùng túi xách và vòng cổ đắt tiền, mặc áo hàng hiệu. 
Chủ tịch Kim thường hay mua những mặt hàng xa xỉ để tặng cho các cán bộ vào mỗi sự kiện đặc biệt, ông cũng từng đề ra kế hoạch tặng nhà đắt tiền cho người lao động gương mẫu vào năm 2021. Đây được xem là phương thức thống trị tận dụng “chính trị quà cáp” để chiếm lòng trung thành của cấp dưới. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 9/2023, Ngoại trưởng miền Bắc Choe Son-hui đã xách một chiếc túi da đà điểu của một thương hiệu Ý. Mẫu túi quý hiếm này hiện đã ngừng sản xuất, được bán trên các trang web bán đồ cũ với giá 10.000 USD. Hơn nữa, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc có quy định nghiêm cấm việc giao dịch đồ hiệu với Bắc Triều Tiên trên diện rộng.
Được biết, Thụy Sĩ đã cấm xuất khẩu những món hàng xa xỉ mà Chủ tịch Kim yêu thích theo lệnh trừng phạt riêng vào năm 2016. Vậy thì miền Bắc có thể nhập hàng hiệu vào trong nước theo phương thức nào? 

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hiện đang cấm đưa hàng xa xỉ vào Bắc Triều Tiên, bắt đầu từ Nghị quyết cấm vận số 1718 vào năm 2006. Tuy nhiên, chiếc xe ô tô chống đạn Mercedes-Benz Maybach mà Chủ tịch Kim sử dụng trong chuyến thăm Nga cũng là dòng xe nhập khẩu cao cấp bị chỉ ra là đã vi phạm quy định cấm vận. Điều này cho thấy, trên thực tế khó có thể ngăn chặn mọi mặt hàng đắt tiền vào miền Bắc. Đối với túi xách hay áo, những nhân viên trong lĩnh vực thương mại được cử sang nước ngoài và vợ/chồng của họ, hay thậm chí là người lao động tại nước ngoài cũng có thể trực tiếp mua và mang về nước. Hay nếu có đối tác thương mại người Trung Quốc, thì những người này cũng tặng hàng hiệu làm quà. Người dân ở miền Bắc rất thích nước hoa Chanel. Vì vậy, tầng lớp thượng lưu thường hay mua những loại hàng hiệu này và tặng lẫn nhau nhân dịp quan trọng như kết hôn.

Được biết, danh sách các mặt hàng xa xỉ cần mua được Phòng thư ký phụ tá ông Kim Jong-un hoặc tầng lớp thượng lưu chốt lại, sau đó những nhân viên ngoại giao hoặc thương mại được phái cử sang các nước thân Bắc Triều Tiên hoặc châu Âu đích thân mang hàng về. Người lao động miền Bắc tại nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuồn hàng hiệu về nước. Quy mô nhập khẩu hàng hiệu từ Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên trong tháng 7 năm nay là 40,64 triệu USD. Từ đó cho thấy nhu cầu sử dụng xa xỉ phẩm tại miền Bắc đã mở rộng ra những người giàu mới nổi. Trên thực tế, hàng xa xỉ còn được trưng bày ở các trung tâm thương mại ở Bình Nhưỡng. 

Bắc Triều Tiên có các trung tâm thương mại tại từng tỉnh thành. Ở Bình Nhưỡng thì có hơn 10 trung tâm thương mại như Trung tâm thương mại 1, Trung tâm thương mại 2, Trung tâm thương mại Yokjon Bình Nhưỡng, Trung tâm thương mại Nhi đồng Bình Nhưỡng, Trung tâm thương mại Đông Bình Nhưỡng. Trong đó, Trung tâm thương mại Daesong mở cửa vào tháng 8/2019 ở Bình Nhưỡng có bán các mặt hàng đắt tiền của thương hiệu Rolex, Omega, Tissot, Chanel, Ferragamo. Ngoài ra còn có Nike, Adidas, TV Philips, máy giặt Siemens. Trung tâm thương mại Nakwon do Văn phòng 39 thuộc đảng Lao động quản lý cũng có nhiều loại hàng hiệu của Chanel, Dior, Lancome.

Trung tâm thương mại Daesong là nơi giao dịch chủ chốt có bán hàng xa xỉ, cũng được cho là thuộc quyền quản lý Văn phòng 39 thuộc đảng Lao động, nơi phụ trách quỹ của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un. Các cửa hàng bán quần áo thể thao cũng có bán giày Nike. Ngoài ra, có thể thấy mỹ phẩm của hãng Chanel, máy hút bụi Dyson trong ảnh chụp Trung tâm thương mại Daesong do Tân báo Triều Tiên (Choson Sinbo) công bố vào năm 2022. 
Việc các cửa hàng bán đồ hiệu mở cửa tại các Trung tâm thương mại ở miền Bắc đã chứng tỏ nhu cầu mua sắm của những người đủ năng lực tài chính đang ngày càng gia tăng. 

Nền kinh tế Bắc Triều Tiên sau quá trình “thị trường hóa” có những bước tiến khá vượt trội, thương mại cũng tăng trưởng hơn trước kia. Trong quá trình này, có những người giàu ra nước ngoài nhiều hơn và tích lũy tiền bạc. Dĩ nhiên khi ra nước ngoài, họ sẽ muốn mua thứ này thứ kia, kể cả hàng hiệu, kéo theo hiện tượng mua đồ để phô trương trong giới nhà giàu mới nổi Donju. Cho dù không phải hàng hiệu đắt đỏ đi nữa, thì những người này cũng ưa thích thương hiệu nước ngoài, và ngày càng thích thú ánh nhìn của người khác. Việc thương hiệu thể thao nước ngoài thường xuất hiện trên phim ảnh và các chương trình truyền hình, hay việc các cửa hàng hàng hiệu mọc lên tại Bình Nhưỡng đã phản ánh nhu cầu mua sắm ngày càng tăng của giới nhà giàu. Đặc biệt, điện thoại di động đã được sử dụng rộng rãi hơn ở miền Bắc, chủ yếu là smartphone, dẫn đến thay đổi là người dân nước này đổi điện thoại mới khi điện thoại cũ vẫn còn dùng được.

Hoạt động kinh tế thị trường ở Bắc Triều Tiên đã bắt đầu xuất hiện cùng với khủng hoảng kinh tế những năm 1990, hay còn gọi là “cuộc hành quân gian khổ”. Chế độ bao cấp sụp đổ do thiếu lương thực, khiến người dân phải tự tạo ra chợ để sinh tồn và nhanh chóng thích nghi với nguyên lý thị trường. Đồng thời dẫn tới sự xuất hiện của giới nhà giàu nhiều tiền được gọi là Donju, mang ý nghĩa là “Chủ tiền”. Donju đã tích góp tiền qua nhiều hoạt động đa dạng, từ sản xuất, dịch vụ, cho đến thương mại, xây dựng. Những người này có đến 3, 4 chiếc điện thoại di động, sống trong những căn hộ cao cấp, và rất coi trọng việc tiêu thụ hàng xa xỉ như một hình thức chứng tỏ năng lực của mình. Hình ảnh Donju phô trương việc mua sắm hàng hiệu mà không màng đến ánh nhìn của những người dân thường đã gây ra hiện tượng phân hóa giàu nghèo trong xã hội miền Bắc. 

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên vô cùng thiếu thốn lương thực. Có những tầng lớp lại không có lương thực để ăn, trong khi lại có những tầng lớp kiếm được nhiều tiền thông qua quá trình thị trường hóa. Khái niệm thị trường hóa ở miền Bắc nói cách khác là đô thị hóa, cũng có nghĩa là khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng rộng hơn. Theo đó, người thành thị có cuộc sống khá giả hơn người ở nông thôn, ngày càng có nhiều người ăn cơm gạo. Trái lại, người nông thôn khó có thể kiếm được một trái bắp ngô để ăn, mặc dù đang làm công việc sản xuất lương thực.

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) vào tháng 3/2023 đã xếp miền Bắc vào nhóm “quốc gia gặp khó khăn trong việc tiếp cận lương thực toàn diện”. Tuy nhiên, cuộc sống của tầng lớp quyền lực và giới nhà giàu nhờ hoạt động kinh tế thị trường thì lại khác hoàn toàn. Ở Bình Nhưỡng có những cửa hàng bán đồ ăn Nhật, nhà hàng Ý, cho đến các tiệm cà phê nổi tiếng có người pha chế cà phê, latte, sinh tố, cho đến bánh waffle. Đặc biệt, tình yêu dành cho hàng hiệu của tầng lớp quyền lực thường xuyên được thể hiện trên các phương tiện truyền thông. Vậy người dân Bắc Triều Tiên có suy nghĩ như thế nào về hiện trạng phân hóa giàu nghèo? 

Những hình ảnh của giới nhà giàu thường xuyên xuất hiện trên TV dần sẽ gây ra bất mãn. Ở miền Bắc, người ta không hay đem bất mãn ra thảo luận ở nơi công cộng, nhưng họ sẽ nói chuyện với những người có cùng chung suy nghĩ. Sự phân hóa giàu nghèo từ quá trình thị trường hóa ngày càng rõ rệt, khiến những người nghèo ngày càng có nhiều cảm xúc tiêu cực. Nếu những bất mãn này liên tục chồng chất trong thời gian dài, thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thể chế.

Trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đang đối mặt với nạn lương thực tồi tệ nhất. Tính đến tháng 7 đã có khoảng 240 vụ chết đói. Tầng lớp nghèo sống lay lắt vì nạn thiếu lương thực, trong khi tầng lớp quyền lực lại chìm ngập trong hàng hiệu. Đây là ví dụ điển hình cho thấy khoảng cách khổng lồ giữa tầng lớp quyền lực, giàu có với tầng lớp thường dân. 

Lựa chọn của ban biên tập