Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chế độ bầu cử tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-12-20

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News
Vào ngày 12/12, Hàn Quốc rậm rịch bước vào giai đoạn đăng ký ứng cử viên theo khu vực cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 10/4 năm tới. Như vậy, cuộc đua cho Bầu cử Quốc hội khóa XXII đã bắt đầu. Năm 2024 còn là năm có hơn 70 nước tiến hành bầu cử, bao gồm cả Bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Do đó, sẽ có khoảng 4,2 tỷ dân trên toàn thế giới đi bỏ phiếu. 
Một trong những phương thức để người dân tham gia vào việc chính trị tại các quốc gia dân chủ là bầu cử. Bầu cử là công cụ để người dân có thể trực tiếp chọn ra người sẽ đại diện cho mình. Thế còn Bắc Triều Tiên thì sao? Nước này tiến hành bầu cử như thế nào? 

Nhiều người sẽ nghĩ Bắc Triều Tiên không tổ chức bầu cử vì là nước theo chế độ độc tài, nhưng ở nước này cũng có hệ thống bầu cử dựa theo luật pháp. Quốc hiệu đầy đủ của miền Bắc là Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, do đó cũng có thực hiện bầu cử. Thế nhưng nội dung và thủ tục bầu cử thì lại khác một chút so với các nước mang chủ nghĩa dân chủ tự do. Ở Bắc Triều Tiên, cuộc bầu cử chọn ra đại biểu Hội đồng nhân dân tối cao là tiêu biểu nhất, tương đương với bầu cử nghị sĩ tại Hàn Quốc. Trước đây, cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Kim Jong-il cũng đã từng trực tiếp ứng cử và trở thành đại biểu. Chủ tịch Kim Jong-un cũng từng là đại biểu vào thời gian đầu khi mới lên cầm quyền. Người lao động, nông dân, quân nhân hay công nhân viên tại miền Bắc rõ ràng cũng có thể bỏ phiếu. 

Trên danh nghĩa thì Bắc Triều Tiên vẫn là một nước chủ nghĩa dân chủ. Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un cũng từng được chọn làm đại biểu thông qua cuộc bầu cử năm 2014. Tỷ lệ bỏ phiếu tán thành cho Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tối cao là 100%. Nước này cũng bầu chọn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thông qua bầu cử. Từ đó cho thấy miền Bắc có cả Bầu cử địa phương và Tổng tuyển cử, nhấn mạnh Bắc Triều Tiên có được những đại biểu, trong đó có ông Kim Jong-un do người dân trực tiếp chọn ra. 

Ở Hàn Quốc, công dân đủ 25 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, 40 tuổi trở lên có thể ứng cử Tổng thống. Trong khi đó, độ tuổi tối thiểu tại miền Bắc là đủ 17 tuổi trở lên. Thêm một điểm đặc biệt nữa là cả người có quốc tịch Bắc Triều Tiên cư trú ở nước ngoài cũng có quyền được bỏ phiếu và được ứng cử. Công dân Hàn Quốc ở nước ngoài thì có thể bầu cử ở Đại sứ quán nước sở tại, song công dân miền Bắc thì phải về nước để bỏ phiếu. Những nguyên tắc bầu cử như phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín và mỗi người chỉ được một phiếu cũng giống như miền Nam. 

Hiến pháp Bắc Triều Tiên ghi rõ việc bầu cử được tiến hành theo 4 nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quy trình bỏ phiếu cũng tương tự gồm thành lập ủy ban bầu cử, ủy ban này sẽ lập danh sách cử tri và công bố. Ứng cử viên đại biểu sẽ được người dân hoặc đảng và tổ chức xã hội đề cử. Sau đó, những ứng cử viên này sẽ trải qua quy trình thẩm tra tư cách và được đăng ký chính thức. Những cuộc bầu cử tại miền Bắc thường diễn ra khá nhộn nhịp. 
Trong thời gian bầu cử, truyền thông miền Bắc liên tục khuyến khích người dân tham gia bỏ phiếu thông qua các chương trình phát sóng đặc biệt và những bài xã luận. Vào ngày bầu cử, nam giới mặc âu phục, nữ giới khoác trên mình bộ quần áo truyền thống Hanbok và đi đến nơi bỏ phiếu. Người dân còn nhảy múa và ca hát ngay trước điểm bầu cử.
Nhiều hãng tin như Đài Phát thanh trung ương Triều Tiên (KCBS) và Đài Phát thanh Bình Nhưỡng (PBS) đã tìm đến điểm bỏ phiếu ở từng địa phương và phỏng vấn người dân nơi này. Mặc dù nhìn chung thì không một điều lạ nào về chế độ hay quy trình bầu cử, song lại có một lý do không thể công nhận đây là chế độ bầu cử mang tính dân chủ đích thực.

Một vấn đề căn bản trong phương thức đăng ký ứng cử viên và bầu cử chính là đảng chỉ chọn ra một ứng cử viên cho từng chức vị, và cử tri trên thực tế chỉ có thể bỏ phiếu thuận hoặc phiếu chống với ứng cử viên này chứ không phải lựa chọn một người trong số nhiều. Việc bỏ phiếu cũng không hẳn là bí mật khi mà các nguyên tắc không được tuân thủ. Cụ thể, nếu tán thành thì cử tri không cần phải vào phòng bỏ phiếu mà sẽ cho ngay phiếu bầu vào thùng. Nếu ai đó đi vào phòng bỏ phiếu thì sẽ bị cho là có ý định phản đối, bỏ phiếu trắng hoặc làm phiếu không hợp lệ; từ đó bị xem là thành phần chống đối xã hội. Nói cách khác, những người muốn bỏ phiếu chống phải đi vào phòng bỏ phiếu để gạch tên ứng cử viên, mà đó là một việc hầu như bất khả thi đối với một xã hội như miền Bắc. Đây là lý do việc bầu cử ở Bắc Triều Tiên không hề mang tính dân chủ.

Vấn đề của chế độ bầu cử ở miền Bắc là cử tri không được tự do lựa chọn. Khác với những cuộc vận động tranh cử khốc liệt giữa ứng cử viên các đảng tại Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên chỉ có duy nhất một ứng cử viên do đảng chỉ định cho mỗi khu vực bầu cử. Cử tri chỉ được bỏ phiếu tán thành hoặc phản đối với người đó.
Các hãng phát thanh truyền hình ở miền Bắc thậm chí còn công khai động viên người dân bỏ phiếu thuận. Người dân cũng thẳng thắn nói về việc bỏ phiếu thuận trên truyền hình. Kết quả là những cuộc bầu cử ở miền Bắc luôn đạt tỷ lệ tán thành là 100%. Thế nhưng, cuối năm 2023, một làn gió mới đang thổi vào đất nước này.

Cuộc bỏ phiếu chọn ra đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương hồi 26/11 có nhiều ứng cử viên là một số điểm khác với trước đây. Cử tri có thể chọn ra một ứng cử viên để phản ánh ý dân, ứng cử viên cũng có thể bày tỏ chính kiến của mình. Điều này gần tương tự với việc vận động tranh cử. Sự thay đổi này có được nhờ Luật bầu cử đại biểu được sửa đổi vào tháng 8/2022. Từng khu vực bầu cử đã mở cuộc họp cử tri và chọn ra một trong số nhiều ứng cử viên thuộc đảng Lao động để tiến tới vòng bầu cử đại biểu cuối cùng. Nói chung thì sự thay đổi này có giới hạn do đây chỉ là cuộc tranh cử nội bộ chọn ra một ứng cử viên duy nhất, nhưng cũng có thể xem là khác với trước đây từng là do đảng chỉ định ứng viên.

Cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương được tiến hành gần đây tại Bắc Triều Tiên lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức bầu cử trong nhiều ứng cử viên và có vận động tranh cử. Người dân được trực tiếp chọn ra một trong số nhiều ứng cử viên, và người này sẽ gặp gỡ cử tri để trình bày kế hoạch và quyết tâm của mình. Ngoài việc đưa thêm tính cạnh tranh vào bầu cử, miền Bắc cũng thay đổi thùng bỏ phiếu. 

Nếu như trước đây người tán thành chỉ cần bỏ phiếu vào thùng màu trắng mà không cần vào phòng bỏ phiếu, và người phản đối thì lại vào phòng bỏ phiếu để gạch tên ứng cử viên bằng bút, thì hiện tại đã thay đổi thành hai thùng phiếu riêng biệt. Mặc dù vào lúc đó có thể biết là người này đã tán thành hay phản đối, nhưng khi mở hòm phiếu ra thì không thể xác nhận được ai là người bỏ phiếu chống hay thuận. Đây là có thể xem là một bước tiến bộ khi cử tri có thể thể hiện lập trường của mình.

Một ngày sau khi thực hiện cuộc bầu cử chọn ra đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương là ngày 27/11, KCTV đã phát sóng hình ảnh Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đi bỏ phiếu. Mặc dù nước này vẫn đưa tin ông Kim đã bỏ phiếu thuận cho ai, nhưng phương thức bỏ phiếu đã thay đổi thành phiếu thuận vào thùng xanh lá, phiếu chống vào thùng đỏ. Việc đặt thùng phiếu chống trong phòng bỏ phiếu là nhằm thông báo cho cử tri biết có thể thể hiện sự phản đối trên phiếu bầu. Trên thực tế, cuộc bầu cử lần này đã xuất hiện phiếu chống, lần đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử diễn ra vào những năm 1960. Trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân địa phương năm 2019, có khoảng 99,98% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ tán thành là 100%. Vậy thì lý do xuất hiện phiếu chống tại đất nước luôn đạt 100% phiếu thuận này là gì? 

Tỷ lệ bỏ phiếu của miền Bắc ngày xưa là 99% cử tri tham gia và 100% tán thành. Thế nhưng lần này đã có 0,09% phiếu bầu phản đối. Tại đơn vị huyện, tỷ lệ này tăng lên thành 0,13%. Từ đó cho thấy việc bầu cử của nước này đang có những biến chuyển. Đây là minh chứng lãnh đạo Kim Jong-un không thể theo dõi hết toàn bộ những diễn biến tại các địa phương và phân tán trách nhiệm của mình. Cộng với đó là việc chế độ bao cấp đã sụp đổ từ lâu, dẫn đến việc các địa phương tự chọn ra người làm việc cho mình, phù hợp với tình hình khu vực, những người năng lực kém sẽ bị phản đối. Trên thực tế thì 0,09% và 0,13% là những con số phản đối ít ỏi và chẳng hề hấn gì, nhưng đây là biểu hiện của việc hình thức bầu cử đang trở nên dân chủ hơn.

Những biến chuyển trong chế độ bầu cử Bắc Triều Tiên không có nghĩa là người dân nước này có thêm quyền lựa chọn về mặt chính trị. Người muốn trở thành ứng cử viên đại biểu miền Bắc vẫn phải thể hiện lòng trung thành với đảng và trải qua quy trình đánh giá tư cách. Tuy nhiên, việc người dân có thể được chọn lựa trong phạm vi do đảng đề ra dựa theo Luật bầu cử sửa đổi có thể xem là Chính phủ nước này đang muốn lấy lòng dân. 

Phải xem đây là sự thể hiện “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết” của chính quyền Kim Jong-un, tức là xoa dịu và lấy lòng dân. Vì vấn đề thiếu lương thực triền miên mà những cán bộ đảng liên tục bị khiển trách và cách chức, Chủ tịch Kim cũng phải trực tiếp đi thị sát tại các địa phương. Thế nhưng, ông Kim chỉ đến những nơi ổn định, còn những khu vực khác thì giao cho Thủ tướng Kim Tok-hun hoặc các bí thư đảng khác. Đây là hành động phân tán trách nhiệm mà ông Kim Jong-un hay làm. Việc tuyển chọn đại biểu địa phương cũng như vậy. Người dân tự chọn ra, tự phát triển lịch sử, tự thay đổi số phận mình. Tuy nhiên, khó có thể xác định đây là xuất phát điểm để chuyển đổi sang hệ thống dân chủ hay không, mà còn là vấn đề cần nhiều thời gian xem xét trong tương lai.

Chính quyền Bắc Triều Tiên đã sửa đổi chế độ bầu cử để lấy lòng dân trong tình hình kinh tế khó khăn tiếp tục kéo dài, những biến chuyển này được thế giới quan tâm liệu sẽ mang về kết quả như thế nào trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập