Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Jambinai - Nhóm nhạc rock kết hợp nhạc truyền thống Hàn Quốc được thế giới công nhận trước

2016-01-05

Ngày 28/12/2015, nhóm nhạc Jambinai đã tìm đến phòng tập để chuẩn bị cho buổi biểu diễn âm nhạc cuối năm. Đây là thời điểm các nhóm nhạc tài năng rất bận rộn với lịch trình kín mít của mình. Đặc biệt, năm vừa qua, tức năm 2015 đánh dấu 20 năm chặng đường hình thành và phát triển của các nhóm nhạc đường phố, không phụ thuộc vào công ty giải trí còn gọi là nhóm nhạc Indie tại Hàn Quốc. Trong những năm gần đây, các ban nhạc xuất chúng đầy cá tính xuất hiện ngày càng nhiều góp phần làm phong phú hơn cho dòng nhạc Indie. Trong số đó, nhóm Jambinai kết hợp dòng nhạc truyền thống với nhạc rock đã tỏa sáng xa hơn thế và khẳng định được tên tuổi của mình trên sân khấu quốc tế.

[Jambinai – quá trình lập nhóm và tỏa sáng]
Jambinai gồm ba thành viên từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành âm nhạc dân tộc. Đây là ban nhạc truyền thống Hàn Quốc đầu tiên giành được giải thưởng âm nhạc đại chúng quốc gia với album đầu tay của mình. Và đặc biệt hơn khi họ là đại diện đầu tiên của Hàn Quốc góp mặt tại Đại nhạc hội mùa hè Glastonbury tổ chức tại Anh, một sân khấu mơ ước của những người làm âm nhạc trên toàn thế giới. Năm 2014, Jambinai đã thực hiện tour lưu diễn châu Âu với 56 buổi trình diễn tại 38 thành phố thuộc 14 quốc gia như Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha… Jambinai đã thổi làn gió mới vào dòng nhạc truyền thống cũng như âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc.



Ba thành viên của Jambinai là Lee Il-woo, Shim Eun-yong và Kim Bo-mi đều sinh năm 1982 và tốt nghiệp Học viện âm nhạc truyền thống thuộc Trường nghệ thuật tổng hợp Seoul năm 2009. Lee Il-woo học chuyên ngành sáo trúc dọc Piri, Shim Eun-yong học đàn tranh sáu dây Geomungo và Kim Bo-mi chuyên đàn nhị Haegeum. Trong những năm đầu hoạt động âm nhạc, họ luôn luôn trăn trở làm thế nào để có thể đưa dòng nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng. Anh Lee Il-woo cho biết: “Tôi cũng như những người theo đuổi âm nhạc truyền thống đều thấy rằng dòng nhạc dân tộc rất kén khán giả. Thường khán giả là giáo sư ngành âm nhạc truyền thống, bạn bè cùng chuyên ngành hay gia đình, người thân. Vì thế, với tư cách là một người làm âm nhạc, tôi mong muốn được đến gần hơn với công chúng. Sau khi tốt nghiệp và hoạt động riêng trong vài năm, tôi đã đưa ra đề xuất cùng thành lập ban nhạc với hai bạn kia”.

Khi Lee Il-woo đưa ra đề nghị, chị Shim Eun-yong và Kim Bo-mi đã lập tức đồng ý mà không chút do dự. Nhưng họ đã phải mất rất thời gian để tìm ra dòng nhạc có thể chinh phục được đại chúng. Về điều này, Nghệ sĩ sáo trúc Piri Lee Il-woo chia sẻ: “Khác với nhạc cụ phương Tây vốn đã rất quen thuộc với khán giả về phong cách biểu diễn hoặc kỹ thuật chơi, còn đối với nhạc cụ dân tộc thì rất khó để có thể tạo ra giai điệu mới lạ mà vẫn giữ được những đặc trưng vốn có của nó. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi. Thêm vào đó, cũng không hề dễ dàng để khắc phục được sự khác biệt về âm lượng khi kết hợp nhạc cụ dân tộc với trống hay các nhạc cụ phương Tây khác”.

[Những bước đi đầu tiên]
Các thành viên của nhóm Jambinai làm việc cùng nhau không kể ngày đêm, nhưng vẫn chưa hài lòng về sự kết hợp giữa ba nhạc cụ là sáo trúc dọc Piri, đàn nhị Haegeum và đàn tranh sáu dây Geomungo. Vì thế, ba người quyết định đưa vào nhiều nhạc cụ hơn thế. Cụ thể, ngoài sáo trúc dọc Piri, Lee Il-won còn biểu diễn đàn ghita, kèn bầu Taepyeongso và kèn Saenghwang; Kim Bo-mi đảm nhận đàn nhị Haegeum, đàn xylophone, kẻng ba góc; và Shim Eun-yong biểu diễn đàn tranh sáu dây Geomungo, đàn organ điện tử và đàn xylophone. Sau sáu tháng nỗ lực, cuối cùng nhóm Jambinai cũng cho ra đứa con tinh thần đầu tiên của mình mang tên ‘Naburak’



Tiếp nối bản nhạc đầu tiên mang tên Naburak, Jambinai lần lượt cho ra đời các tác phẩm mới. Đến tháng 1 năm 2010, Lee Il-woo lúc đó đang hoạt động cho cả một nhóm nhạc rock khác nhận được lời mời biểu diễn, đánh dấu bước tiến đầu tiên trên con đường chinh phục công chúng yêu nhạc. Nhưng khi đó ngay cả ban tổ chức buổi biểu diễn cũng như chính Jambinai đều hoài nghi về sự tiếp nhận của khán giả. Ông Kim Hyung-gun, Giám đốc của The Tell Tale Heart, công ty đại diện và lên kế hoạch cho buổi biểu diễn đầu tiên của nhóm Jambinai cho biết: “Bài đầu tiên nhóm biểu diễn mang tên ‘Từ ngón tay đến ngón tay’ kéo dài trong 10 phút có giai điệu nhẹ nhàng, trầm lắng. Trong phút đầu tiên, tôi đã nghĩ màn biểu diễn của họ có thể gây nhàm chán cho người nghe. Thế nhưng, toàn bộ 120 khán giả khi đó đều như nín thở lắng tai nghe. Các thành viên đã có màn biểu diễn xuất sắc thu hút mọi ánh nhìn, và ngay cả bản thân tôi cũng phải cẩn trọng trong từng bước đi mặc dù khi đó tôi phải đi lại rất nhiều để chỉ đạo chương trình. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Seo Jung Min-gap nói: “Nhóm đã thổi hồn nhạc rock như dòng hardcore hay metal vào nhạc cụ dân tộc, nhưng cũng đồng thời không làm mất đi nét đẹp và giai điệu vốn có của các loại nhạc cụ truyền thống này”.

[Jambinai trên con đường chinh phục thế giới]
Buổi biểu diễn đầu tiên ấy đã kết thúc thành công. Bảy tháng sau, nhóm Jambinai cho ra đời album mini đầu tay và bắt đầu hoạt động chính thức. Năm 2012, nhóm trình làng videoclip đầu tiên mang tên ‘Thời gian đánh mất’ và đăng tải trên trang chia sẻ video trực tuyến Youtube, mở ra một cơ hội mới. Giám đốc Kim Hyung-gun của The Tell Tale Heart cho biết: Sau khi được đăng tải trên Youtube, videoclip của nhóm đã thu hút hơn hàng chục nghìn lượt xem. Tin tức này bất ngờ được lan truyền đi nhanh chóng. Khi đó đại diện Jerome Williams của một công ty cung cấp dịch vụ âm nhạc tại Hà Lan mang tên “Earth Beat” đã xem MV của nhóm và liên lạc với chúng tôi thông qua mối quen biết tại Hàn Quốc. Và chúng tôi có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên.

Điều gì ở Jambinai đã hấp dẫn được ông Jerome Williams của Earth Beat đến vậy? Jerome Williams nói về nhóm Jambinai như sau: “Các thành viên không chỉ biểu diễn thành thục các nhạc cụ mà còn sáng tác những bản nhạc vô cùng mới lạ. Những tác phẩm của họ không chỉ đẹp mà còn đưa dòng nhạc dân tộc của Hàn Quốc lên một tầm cao mới. Âm nhạc của họ thực sự độc đáo”.



Với lời mời của đại diện công ty âm nhạc Hà Lan, nhóm Jambinai đã giành được tấm vé tham dự Lễ hội làng nhạc thế giới được tổ chức tại Phần Lan vào tháng 5 năm 2013. Sự kiện này được tổ chức hàng năm tại thủ đô Helsinki, cũng là mở màn cho Đại hội âm nhạc Phần Lan. Nhóm Jambinai lên đường đến nước Bắc Âu này trong sự hồi hộp và niềm háo hức mong chờ. Chị Kim Bo-mi, người chơi đàn nhị Haegeum cho biết: “Tôi đã đến Phần Lan với nỗi lo rằng liệu chúng tôi có đạt được thành quả như mong đợi chỉ bằng âm nhạc trong khi bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn đối với nhóm. Về sau, khi tôi xem lại đoạn video quay lại màn biểu diễn, tôi thấy đầu mình lắc lư không ngừng. Tôi đã bị thương trước khi đến Phần Lan và vì thế không thể chuyển động cơ thể nhiều. Nhưng trước sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả, tôi hoàn toàn quên đi vết thương đó. Chúng tôi kết thúc phần biểu diễn của mình bằng bản nhạc “Connection” (Kết nối) trầm lắng và mang tính tự sự. Mặc dù đây không phải là bản nhạc vui nhộn nhưng chúng tôi nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía khán giả. Điều đó khiến tôi thực sự vui sướng. Tôi cảm thấy Phần Lan là một thị trường đầy tiềm năng mà nhóm có thể hướng tới”. Anh Lee Il-woo cho biết thêm: “Số lượng CD mà chúng tôi mang theo được bán hết chỉ trong vài phút. Ngay cả những nhân viên hậu trường ban đầu lạnh nhạt về sau cũng đối xử thân thiện hơn với chúng tôi. Ban đầu tôi rất lo lắng, nhưng nhờ chương trình kết thúc thành công mà tôi tự tin lên rất nhiều. Nó không quá khó như tôi nghĩ. Buổi biểu diễn lần này cho tôi thấy rằng chỉ cần tự tin thì mọi nỗi sợ hãi, lo lắng sẽ tan biến”.

[Thành công tiếp nối thành công]
Màn biểu diễn của nhóm Jambinai tại Lễ hội làng nhạc thế giới Phần Lan năm 2013 đó đã gây ấn tượng mạnh đối với giới sản xuất âm nhạc châu Âu. Từ đó, Jambinai muốn được khẳng định tên tuổi của mình trên thế giới hơn nữa. Tháng 10 năm 2013, thử thách mới mở ra cho họ tại Triển lãm âm nhạc thế giới WOMEX.

Với nỗi lo lắng tột độ, Jambinai đã biểu diễn bản nhạc ‘Thời gian đánh mất’ từng nổi tiếng thông qua bản videoclip được đăng tải trên Youtube. Bản nhạc là sự kết hợp hài hòa bởi những âm thanh mạnh mẽ, dứt khoát của đàn tranh Geomungo trên nền giai điệu chính của đàn nhị Haegeum. Anh Lee Il-woo bày tỏ: Vì đây là hội chợ nên có sự tham gia của đông đảo những người làm âm nhạc. Tôi được nghe bảo rằng nếu như dòng nhạc nào không hợp gu hay không phù hợp để tham gia, họ sẽ lập tức rời khỏi chỗ ngồi, ngay cả khi phần biểu diễn chưa kết thúc. Nhưng thật may mắn, nhân viên kỹ thuật của đoàn chúng tôi đứng ở lối cửa ra vào nói rằng chỉ có người đi vào chứ không hề thấy người ra. Sau khi sự kiện WOMEX kết thúc, chúng tôi nhận được lời mời biểu diễn nhiều đến mức không ngờ.

Được biết đến rộng rãi hơn thông qua hội chợ âm nhạc WOMEX, nhóm nhạc Jambinai có cơ hội được đứng trên những sân khấu lớn của thế giới. Có thể kể đến như Lễ hội âm nhạc, nghệ thuật và khiêu vũ WOMAD, Lễ hội nhạc Rock Roskilde tại Đan Mạch, hay Lễ hội âm nhạc lớn nhất Bắc Mỹ South by Southwest (SXSW). Trong đó, ba thành viên của Jambinai cho biết màn biểu diễn tại Lễ hội nhạc Rock Roskilde tại Đan Mạch với hơn 120.000 khán giả là tuyệt vời nhất trong sự nghiệp âm nhạc của họ. Khoảnh khắc khi bước lên sân khấu chính của lễ hội lúc đó vẫn còn đọng lại rõ nét trong kí ức. Chị Shim Eun-yong kể lại: Bản nhạc “Thời gian đánh mất” bắt đầu bằng phần độc tấu đàn tranh Geomungo. Ngay từ lúc đó, chúng tôi đã nhận được sự hưởng hứng nhiệt liệt từ phía hàng nghìn khán giả bên dưới như thể họ đã biết chúng tôi và biết đến âm nhạc của nhóm từ trước đó vậy. Điều này gây xúc động mạnh cho tôi trong suốt phần biểu diễn. Chị Kim Bo-mi cũng bày tỏ cảm xúc của mình như sau: “Buổi biểu diễn giúp tôi nhận ra rằng, những nỗ lực trong thời gian qua chính là để mình có được giây phút này. Tất cả đều rất hoàn hảo. Có rất nhiều khán giả đứng bên ngoài và phải ra về vì không được vào bên trong”.



[Âm nhạc của Jambinai phù hợp thị hiếu người nước ngoài]
Một năm sau khi biểu diễn lần đầu tiên trên sân khấu quốc tế tại Phần Lan vào năm 2013, nhóm Jambinai đã được chào đón tại Lễ hội nhạc Rock châu Âu. Họ cũng là nghệ sĩ châu Á đầu tiên ký hợp đồng phát hành album với hãng thu âm Bella Union nổi tiếng thế giới của Anh. Chỉ trong mùa xuân năm sau thôi, đĩa nhạc của Jambinai sẽ được bày bán trên toàn thế giới. Vậy phải chăng nhóm nhạc Jambinai tiến vào thị trường châu Âu trước thị trường trong nước? Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Seo Jung Min-gap giải thích: “Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc không phải là dòng nhạc chính hiện nay. Vì thế dù có kết hợp với dòng nhạc rock hiện đại, thì việc biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc cũng sẽ không được chú ý nhiều từ trong nước. Nhưng khi mang dòng nhạc này ra nước ngoài, công chúng coi đây là một phong cách mới lạ khi nhạc rock vốn đã quen thuộc được biểu diễn bằng nhạc cụ chưa bao giờ được nhìn thấy. Lúc này, nhạc rock mang âm hưởng truyền thống Hàn Quốc trở nên thân quen, hứng thú bằng sự kết hợp độc đáo đó. Tôi cho rằng nhờ yếu tố đó mà Jambinai đang nhận được phản ứng tích cực tại nước ngoài”.

[Nhạc rock kết hợp nhạc truyền thống Hàn Quốc – trào lưu mới]
Thể loại âm nhạc vừa thân quen mà vừa xa lạ ấy khiến người nghe phải đong đưa theo giai điệu. Âm nhạc của họ không tuân theo một nguyên tắc nhất định nào khiến người nghe khó có thể đoán được phần tiếp theo. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn riêng của Jambinai. Kim Bo-mi định nghĩa về dòng nhạc của họ như sau: Âm nhạc của Jambinai mang tính thử thách vì nó thoát khỏi lối biểu diễn thông thường của những nghệ sĩ nhạc truyền thống khác. Nếu không có ý chí thử thách đó có lẽ chúng tôi đã không tạo ra được dòng nhạc của riêng mình như bây giờ. Còn với chị Shim Eun-yong: “Âm nhạc của nhóm Jambinai là chưa từng có và chưa từng thuộc về nơi nào trước đây”. Anh Lee Il-woo lại có cách định nghĩa khác: Âm nhạc của Jambinai là âm nhạc của sự phản kháng. Đây là giai điệu mạnh mẽ kết hợp giữa các loại nhạc cụ sôi động như trống, ghi-ta bass, ghi-ta điện tử, nhưng vẫn không lấn át đàn tranh sáu dây Geomungo trên nền giai điệu của đàn nhị Haegeum. Chúng tôi đang làm thứ âm nhạc mà người khác phản đối. Tôi gọi là âm nhạc phản kháng vì tôi cho rằng nó đại diện cho tiếng nói của thế hệ trẻ ngày nay”.

Tiếng đàn nhị Haegeum da diết hòa quyện với âm thanh hùng tráng của nhạc cụ phương Tây được điều tiết bởi sự réo rắt của đàn tranh Geomungo. Đây là thể loại âm nhạc chưa từng có tại Hàn Quốc cũng như trên thế giới, là sự kết hợp hoàn hảo khiến khán giả hòa cùng làm một. Bản nhạc “Grace Kelly” như nói lên nỗi niềm của nhóm Jambinai. Anh Lee Il-woo giới thiệu về bản nhạc “Grace Kelly” như sau: “Thông thường đàn tranh Geomungo tạo ra âm thanh bằng cách gảy các dây đàn, ngoài ra còn có phần ngăn cách để phân biệt âm vực. Phần này sẽ dùng thanh tre gảy để tạo nên giai điệu đa dạng. Trong khi đó ghi-ta sẽ tạo ra âm thanh đối nghịch với đàn Geomungo và Haegeum cũng như vậy. Bản nhạc Grace Kelly là sự kết hợp đối nghịch đó nhưng lại mang cái tên rất hoa mỹ. Chúng tôi đã lấy tên của vị công nương xinh đẹp Grace Kelly để đặt cho tác phẩm của mình. Qua đó, chúng tôi muốn nói rằng mặc dù âm nhạc của chúng tôi là âm nhạc sôi động nhưng bên trong nó chứa đựng cả thế giới yêu kiều. Đã đến lúc chúng ta cần phá vỡ những định kiến. Đó là thông điệp của bản nhạc Grace Kelly mà chúng tôi muốn nhắn nhủ tới người yêu nhạc”.

Phá bỏ những quan niệm cũ, nhóm nhạc Jambinai đã đem đến cho người nghe một dòng nhạc không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào. Giống như tên gọi mới lạ ‘Jambinai’ của nhóm, họ đã mở ra trào lưu mới. Sân khấu biểu diễn trong tương lai của nhóm chắc chắn sẽ không làm khán giả thất vọng.

Lựa chọn của ban biên tập