Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhà văn Hwang Sun-mi của truyện thiếu nhi “Cô gà mái xổng chuồng”

2016-02-16


Nhạc kịch truyền thống “Cô gà mái xổng chuồng”
Vở nhạc kịch truyền thống mang tên “Cô gà mái xổng chuồng” còn được biết đến với tựa đề tiếng Anh “The hen who dreamed she could fly” đang diễn ra tại Nhà hát Yeakdang của Trung tâm Âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc. Trong một phân đoạn của vở kịch, Cô gà mái mang tên “Mầm Lá” ngậm ngùi nhìn vịt trời mang tên “Đầu Xanh”, đứa con do chính cô ấp trứng và nuôi nấng, gia nhập bầy đàn của mình. Một bên có thể bay còn một bên thì không. Hai số phận khác biệt đã khiến cho gà mái Mầm Lá và vịt trời Đầu Xanh phải xa cách nhau.

Sau khi gửi gắm Đầu Xanh cho bầy vịt trời, Mầm Lá hy sinh tính mạng của mình, trở thành miếng mồi ngon cho chồn mẹ đói khát để con mình được an toàn. Đây là phân cảnh gây xúc động cho toàn bộ khán giả có mặt tại khán phòng. Khán giả sau khi xem vở kịch cho biết: “Vở kịch này rất cảm động, giúp cho thế hệ các em nhỏ cũng như bản thân phụ huynh chúng tôi hiểu hơn về bố mẹ mình.” “Bản thân tôi cũng là một người mẹ nên tôi rất xúc động khi xem đến phân cảnh miêu tả quá trình từ khi gà mái nuôi dưỡng vịt trời cho đến khi hai mẹ con phải đi đường ai nấy đi.”. Một bé gái cũng cho hay: “Cảnh cô gà mái giao nộp mình cho chồn ăn thịt tuy buồn nhưng rất đẹp.”

Luôn mơ ước một ngày được thoát khỏi chuồng gà, trực tiếp ấp trứng và nuôi dạy những đứa con, cô gà mái Mầm Lá đã thực hiện được ước nguyện cháy bỏng của mình khi nuôi nấng Đầu Xanh lớn khôn. Đầu Xanh vốn là chú vịt trời bị bầy đàn ghét bỏ ngay từ khi ra đời. Và rồi, sau khi cưu mang một sinh mệnh, Mầm Lá trở về với mẹ Thiên nhiên theo quy luật tự nhiên. Vở nhạc kịch “Cô gà mái xổng chuồng” xoay quanh câu chuyện về tình mẫu tử sâu đậm và sự trưởng thành đã mang lại cho khán giả từ người lớn đến trẻ nhỏ bài học về ý nghĩa của cuộc sống.

Truyện thiếu nhi “Cô gà mái xổng chuồng”
“Cô gà mái xổng chuồng” là vở nhạc kịch được chuyển thể từ truyện thiếu nhi cùng tên xuất bản vào năm 2000 và bán được hơn 1.600.000 bản. Tính đến nay, cô gà mái Mầm Lá trong truyện cũng đã tròn 16 tuổi. Hiện nay, Mầm Lá vượt ra khỏi Hàn Quốc và đang có chuyến du ngoạn đến 25 quốc gia trên toàn thế giới. Tác giả Hwang Sun-mi, người mang nhân vật Mầm Lá đến với độc giả nhí chắc hẳn cũng cảm thấy rất tự hào. Chị bày tỏ: “Tôi thấy rất đáng quý. Đây là một tác phẩm giúp tôi nhận ra rằng sách cũng là một vật thể sống có tâm hồn. Chưa biết chừng nó còn bay cao vượt ra tầm với của tôi.”

Hwang Sun-mi là nhà văn chuyên viết truyện dành cho thiếu nhi với 20 năm kinh nghiệm trong nghề. Hai cuốn truyện của chị là “Phiếu bé hư” và “Cô gà mái xổng chuồng” là những tác phẩm đầu tiên của tác giả còn sống lập kỷ lục bán được triệu bản trong lịch sử văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Đặc biệt, truyện “Cô gà mái xổng chuồng” đã giúp Hwang Sun-mi được nhận danh hiệu “Tác giả thời nay” tại Hội chợ sách quốc tế London năm 2014, đồng thời trở thành nhân vật đáng chú ý của năm thông qua Hội chợ sách quốc tế Seoul năm 2015. Truyện “Cô gà mái xổng chuồng” được đưa vào nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa tiểu học lớp 5 tại Hàn Quốc. Đây là tác phẩm văn học Hàn Quốc đầu tiên được nhà xuất bản Penguin (Chim cánh cụt) của Mỹ xuất bản và xếp vào thể loại tiểu thuyết chứ không phải là truyện thiếu nhi. Tháng 2 năm 2013, “Cô gà mái xổng chuồng” trở thành truyện của năm 2012 do Granice, trang web về văn học của Ba Lan bình chọn. Thêm vào đó, truyện được bình chọn là tác phẩm mới đáng chú ý của tháng và là sách hay nhất tháng 11 năm 2013 trên trang web Amazon.com, hiệu sách trực tuyến lớn nhất nước Mỹ.

Hwang Sun-mi, người phụ nữ đa tài vượt lên số phận
"Tôi vừa nướng mấy củ khoai lang mà tôi trồng. Mời bạn dùng thử. Khoai vẫn còn nóng”. Đó là câu nói đầu tiên của tác giả Hwang Sun-mi khi tiếp đón đoàn phóng viên của KBS World Radio. Chị hiện nay đang sống và làm nông nghiệp cùng với chồng mình tại thành phố Dangjin, tỉnh Nam Chungcheong, phía Tây Hàn Quốc. Vào những ngày thường, chị viết lách tại phòng làm việc ở Seoul và trở về Dangjin làm đồng áng vào cuối tuần. Người phụ nữ xuất thân là con gái nông dân ấy, nếu như bố chị không bảo lãnh nợ cho bạn, đã không phải lang thang nơi đất khách và bị ăn hiếp ở xứ xa lạ ấy. Chị Hwang Sun-mi nhớ lại: “Tôi cảm thấy như mình bị bỏ rơi ở chính quê hương, nơi tôi từng nghĩ là điểm tựa lý tưởng. Gia đình tôi trong phút chốc trở nên khánh kiệt và phải khăn gói rời quê đến vùng đất xa lạ. Khi đó tôi chỉ mới bảy tuổi, còn anh trai tôi chín tuổi, vì thế thật chẳng dễ dàng để hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa. Tôi bị bạn bè tẩy chay, còn anh tôi chỉ biết đấu tranh bằng việc đánh nhau tay bo với chúng bạn mỗi tối. Dù là trẻ con nhưng cuộc sống của chúng tôi không hề bình yên.”

Bố của Hwang Sun-mi đã phải đi kiếm tiền ở phương xa, còn mẹ chị một mình vất vả chăm lo từng bữa ăn cho năm anh chị em khiến tình cảm mẹ con ấm áp trở thành thứ xa xỉ. Cuộc sống đầy mệt mỏi và bế tắc đã khiến mẹ chị trở thành người vô tâm với con cái. Bà đã sai cả cô con gái đầu là Hwang Sun-mi đi làm giúp việc kiếm tiền và nhẫn tâm đem cặp sách của con mình đốt trong bếp lửa. Vết thương lòng chất chứa từ năm bảy tuổi ấy đã được Hwang Sun-mi hàn gắn bằng những lời văn chị viết. Chị trải lòng: “Tôi đã quen một mình. Đây không phải là do tôi lựa chọn mà do hoàn cảnh sống tạo nên. Cuộc sống tự lập hình thành kể từ khi tôi bắt đầu viết lách. Tôi thực sự muốn viết. Đó là hướng giải quyết tốt nhất để một đứa trẻ sống nội tâm và cô đơn như tôi biết cách sử dụng thời gian một cách hữu ích.”



Cuộc sống tự lập và những bước ngoặt
Bắt đầu viết văn từ năm 13 tuổi, nhà văn Hwang Sun-mi viết từ nhật ký cho đến bài tiểu luận, truyện thiếu nhi hay tiểu thuyết mà không phút nào ngơi tay. Trải qua 20 năm sống mâu thuẫn với mẹ ruột mình, cuối cùng chị quyết định ra ở riêng. Nhờ câu nói của một người bạn rằng “Cậu chắc hẳn sẽ rất hợp với nghề sáng tác văn học” mà Hwang Sun-mi đã theo học Khoa sáng tác văn học của Trường nghệ thuật Seoul. Năm 27 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, chị kết hôn như một sự trốn chạy khỏi gia đình. Hwang Sun-mi trở thành mẹ của hai đứa trẻ và thấm thoắt chạm ngưỡng cửa của tuổi 30. Rồi đến một ngày, chị bất ngờ nhận được lời mời viết bài. Tác giả Hwang Sun-mi kể lại: “Con trai lớn của tôi khi đó đang học mẫu giáo nhưng rất rụt rè. Điều đó khiến tôi lo lắng, nên mỗi khi gói đồ ăn cho con, tôi đều gửi kèm một bức thư cho cô giáo. Bỗng dưng một ngày, cô giáo nhờ tôi viết bài để đăng trên tạp chí kiến thức nuôi dạy trẻ xuất bản hàng tháng. Tôi đã gửi nhật ký nuôi con mà tôi từng viết trước đó. Từ đó, Ban biên tập tạp chí đã nhờ tôi tiếp tục viết nhật ký và cứ thế bài của tôi được đăng trong khoảng 15 tháng.”

Nhà văn Hwang Sun-mi đã trải qua 15 tháng viết trong niềm hứng khởi và nỗi căng thẳng do phải nộp bài đúng hạn. Một hôm, chị để ý đến một mẩu quảng cáo tuyển người hướng dẫn nâng cao văn hóa đọc đăng trên một tờ báo, và chị muốn đăng ký theo học nhằm tích lũy kinh nghiệm cũng như trải nghiệm xã hội. Từ đó, chị theo học khóa đào tạo người hướng dẫn nâng cao văn hóa đọc và có cuộc gặp gỡ định mệnh với thế giới truyện thiếu nhi. Tác giả Hwang Sun-mi cho biết: “Trong thời gian tôi tham gia khóa đào tạo thì có một học viện sáng tác truyện thiếu nhi do một nhà thơ thiếu nhi lão thành giảng dạy trong vòng khoảng sáu tháng. Thế rồi tôi nghe được thông tin Trung tâm văn hóa đọc Hauri đang tuyển giáo viên. Tôi bèn gửi đơn đăng ký dự tuyển và được họ gọi đến ngay sau đó. Nhờ thế mà tôi vừa dự khóa đào tạo hướng dẫn nâng cao văn hóa đọc, vừa học về sáng tác truyện thiếu nhi.”

Thành công bước đầu trong sự nghiệp
May mắn thay, nhờ tìm được việc tại Trung tâm văn hóa đọc mà chị Hwang Sun-mi có cơ hội tham gia khóa học tại Học viện sáng tác truyện thiếu nhi, trong giai đoạn gặp khó khăn về kinh tế. Nhà văn Hwang Sun-mi đã bước qua một năm bước ngoặt khi cùng một lúc giữ bốn vai trò khác nhau, từ người nội trợ, người mẹ đến khi đi học rồi được giảng dạy. Một năm học tập và làm việc hăng say đó đã mở ra cho chị con đường trở thành nhà văn viết truyện thiếu nhi. Chị đã được nhận giải Văn học nông dân năm 1995 do báo Nông dân tổ chức với truyện “Bông hoa trong tâm hồn”. Trong cùng năm đó, chị giành được Giải thưởng văn học trẻ của giới bình luận văn học thiếu nhi với tác phẩm “Viên bi màu”. Những tưởng thành công chỉ dừng lại ở đó, khi Hwang Sun-mi liên tục đem nộp tác phẩm dự thi nhưng đều bị loại ở phút chót. Rồi đến một ngày, truyện “Phiếu bé hư” khi đó được đăng dài kỳ trên một tờ báo dần chiếm được cảm tình của độc giả cũng như giới chuyên môn. Và sáu tháng sau, truyện “Cô gà mái xổng chuồng” ra mắt độc giả và giành được chiến thắng vang dội trên mặt trận văn học nghệ thuật. Đây thực sự là một kỳ tích khi tác phẩm này trước đó từng bị loại khỏi cuộc thi văn học.

Mối nhân duyên với cô gà mái Mầm Lá
Tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” ra đời từ ý tưởng bộc phát, xuất phát từ một câu trích trong cuốn truyện tranh mà tác giả Hwang Sun-mi vô tình đọc được và một cảnh phim tài liệu mà chị xem. Từ sự tình cờ đến bất ngờ ấy mà nhân vật cô gà Mầm Lá đã ra đời. Khi đến nhà bạn, tôi đọc được cuốn truyện tranh giải thích các câu thành ngữ cổ Trung Quốc trong vòng bốn đến tám phân cảnh, trong đó có câu chủ đề là ‘Vịt nhà không ấp trứng”. Nó đã gây ấn tượng mạnh và làm tôi nhớ mãi. Sau đó, tôi xem được đoạn phim tài liệu trên truyền hình nói về gà ta, rằng lông ngực của chúng sẽ rụng đi khi ấp trứng. Đây cũng là một thông tin mới mẻ đối với tôi và tôi đã đối chiếu với nội dung câu thành ngữ mà tôi đọc được trong truyện tranh vài ngày trước đó. Ấn tượng về hai thông tin đó làm tôi không tài nào ngủ được và cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi.

Dựa trên ý tưởng như vậy, nhà văn Hwang Sun-mi bắt tay vào xây dựng nhân vật, bố cục truyện và đặt tên cho các nhân vật. Từ đó “Cô gà mái xổng chuồng” ra đời. Liên tục nhận được tình cảm yêu mến từ độc giả, đến năm 2011, tác phẩm văn học “Cô gà mái xổng chuồng” được chuyển thể thành phim hoạt hình với tên “Leafie, cô gà mái thích phiêu lưu”.

Các nhân vật gà mái Mầm Lá, vịt con Đầu Xanh, vịt trời có tên Kẻ Lang Thang, rái cá Dal-su và chồn mẹ chỉ được biết đến qua những trang sách nay được ra mắt với đầy đủ dáng vẻ qua bộ phim hoạt hình chiếu rạp. Và khán giả một lần nữa bị hút hồn. “Cô gà mái xổng chuồng” là phim hoạt hình Hàn Quốc đầu tiên đạt kỷ lục phòng vé với hơn 2 triệu người xem.

Lần đầu tiên được thử nghiệm trên sân khấu kịch năm 2002, tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” cho đến nay đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, nhạc kịch, nhạc kịch truyền thống. Đạo diễn Song In-hyun đồng thời là Giám đốc đoàn kịch Bồ công anh cho biết lý do chuyển thể: “Tôi đã yêu thích và bị cuốn hút với truyện “Cô gà mái xổng chuồng” từ khi tác phẩm mới xuất bản. Nhờ nó mà tôi nhận thấy sức mạnh của văn học lớn đến chứng nào. Nội dung cuốn truyện không của riêng ai mà chứa đựng giá trị sống cơ bản của cả nhân loại. Đó là lý do mà tôi muốn tiếp tục giới thiệu tác phẩm này đến khán giả thông qua nhiều thể loại nghệ thuật khác nhau.”

Truyện “Cô gà mái xổng chuồng” mang thông điệp ý nghĩa cuộc sống
Truyện “Cô gà mái xổng chuồng” miêu tả về tình mẫu tử sâu đậm, nhưng chủ đề chính mà tác giả Hwang Sun-mi muốn đề cập đến là “cuộc đời”. Giống với cái tên Mầm Lá, đây là câu chuyện về vòng đời của chiếc lá non trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Vì thế mà cái chết của Mầm Lá không phải là kết thúc buồn, bởi vì mầm non mới sẽ lại mọc lên khi mùa xuân đến. Phải chăng vì thế mà vịt trời Đầu Xanh đã không khóc khi phải rời xa mẹ. Diễn viên Won Sung-joon đảm nhận vai vịt Đầu Xanh trong vở kịch âm nhạc truyền thống cùng tên cho biết: “Phần cuối vở kịch có cảnh Đầu Xanh dẫn dắt cả đàn vịt trời di chuyển đến vùng đất ấm áp hơn. Khi đó Đầu Xanh phải chia tay người mẹ của mình là Mầm Lá. Cảm xúc giống như khi bố mẹ phải tiễn con mình về nhà chồng vậy. Phận làm cha mẹ không còn cách nào khác phải rời xa con cái mình để chúng đi tìm cuộc sống mới. Nhưng Đầu Xanh khi đó không thấy buồn. Vì nó nghĩ rằng mặc dù bây giờ phải rời xa mẹ, nhưng đến một lúc nào đó chắc chắn nó sẽ lại được đến bên mẹ mình. Mặc dù cũng đau buồn, tiếc nuối, nhưng Đầu Xanh nuôi trong mình niềm hy vọng mới.”

Nguồn cảm hứng lớn nhất để nhà văn Hwang Sun-mi tạo ra nhân vật gà mái Mầm Lá là người bố bị mắc bệnh nan y. Bố chị đã hy sinh cả cuộc đời mình vì con cái. Ông chính là động lực mãnh liệt nhất để chị viết nên những dòng văn đầy xúc động trong truyện “Cô gà mái xổng chuồng”. “Bố tôi từng mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Và tôi muốn ghi chép lại những ký ức về ông. Bố tôi không được học hành tử tế và đã vất vả cả một đời, mặc dù vậy ông vẫn vươn lên để sống. Con gà là loài động vật hết sức bình thường và thường không được để ý đến. Bố tôi không phải là một ngôi sao và đa số chúng ta cũng không ai là ngôi sao cả. Nhưng chúng ta tuyệt đối không khuất phục trước thất bại hay trở nên tầm thường. Mà mỗi người chúng ta ai cũng là một ngôi sao sáng của cuộc đời mình. Đó là điều mà tôi muốn nhắn nhủ tới độc giả.”

Truyện “Cô gà mái xổng chuồng” có thể coi là truyện thiếu nhi dành cho người lớn, và tâm tư tình cảm mà tác giả gửi gắm trong đó đã kết nối sự đồng cảm của mọi người. Và nhân vật cô gà mái vốn không thể bay đang tung cánh vươn ra toàn thế giới nhờ sự tiếp sức của nhà văn Hwang Sun-mi.

Lựa chọn của ban biên tập