Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Han Gil-woo, tác giả của những ý tưởng lễ hội mới lạ, độc đáo

2016-08-09

“Chơi dưới nước rất mát và thú vị, đặc biệt là cầu trượt nước.” “Vì có các ống trượt nước nên trẻ nhỏ cũng có thể tham gia. Trông thật mát mẻ khiến tôi cũng muốn chơi cùng.”

Chẳng phải đi lại xa xôi đến tận hồ bơi hay công viên nước, những trò chơi dưới nước giúp giảm nhiệt trong mùa hè nóng nực nay đã có mặt ngay tại Quảng trường thành phố Seoul.

Những ống nước và cầu trượt cỡ lớn được lắp đặt ngay giữa trung tâm quảng trường tạo nên một bể bơi rộng lớn trên nền cỏ xanh. Đặc biệt hơn, nước được sử dụng tại khu vui chơi này không phải nước máy thông thường mà là nước mưa. Với ý tưởng này, Lễ hội nước mưa lần thứ nhất mở cửa chào đón người dân thành phố từ ngày 28/7 đến ngày 31/7 vừa qua tại Quảng trường trước Tòa thị chính Seoul mong muốn truyền tải thông điệp “nước mưa là tài nguyên nước quý giá” thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị. Ghé thăm triển lãm nước mưa tại đây, khách tham quan sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Một số khách tham quan chia sẻ: “Đây là triển lãm rất bổ ích, giúp tôi hiểu thêm về cách tái sử dụng nguồn nước mưa.” “Trước đây tôi chỉ sử dụng nước máy thôi chứ chưa từng nghĩ đến việc tận dụng nước mưa. Khi đến đây, tôi mới nhận thấy rằng tôi có thể hứng nước mưa để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như tưới cây hoặc chăm sóc vườn hoa.”

Hiệu ứng mưa rơi với những cảnh mưa trong phim tại lễ chiếu phim về nước mưa hay niềm thích thú được mua sắm tại hội chợ mưa là những điểm nhấn hấp dẫn tại lễ hội lần này.



Sự hiếu kỳ khơi nguồn sáng tạo
Người đã làm phép biến hóa quảng trường rộng lớn thành công viên nước mưa và đưa lễ hội nước mưa đến với người dân thành phố chính là Giám đốc Han Gil-woo của công ty “Mueonga”, tạm dịch là “Cái gì đó”. Giống như chính cái tên của công ty mình, người giám đốc trẻ tuổi luôn không ngừng đặt ra câu hỏi “Có nên thử làm gì đó, vào lúc nào đó, và ở đâu đó?”. Những lễ hội độc đáo chỉ có tại Hàn Quốc như Lễ hội bắn súng nước, Olympic nhóm máu, Cuộc thi chạy đôi, Lễ hội bia, Lễ hội đắp chăn xem phim sông Hàn,… đều là những sản phẩm sáng tạo của Han Gil-woo. Vậy những ý tưởng này xuất phát từ đâu? Anh giải thích: “Tôi là người hiếu kỳ. Thực ra quá trình chuẩn bị cho những sự kiện như thế rất khó khăn và tốn nhiều sức lực. Nhưng tôi lại cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc mỗi khi hoàn thành xong sự kiện và nhận ra rằng sự hiếu kỳ đã giúp tôi hoàn thành tốt công việc và cuối cùng lại trở thành niềm vui cuộc sống của tôi. Sự hiếu kỳ cộng thêm mong muốn thỏa mãn nhu cầu của người dân sẽ dẫn đến nhiều ý tưởng sáng tạo, khiến cuộc sống người dân thành phố thêm phần thi vị.”

Bắt đầu từ những năm tháng còn là học sinh cấp ba, Han Gil-woo đã xây dựng ý tưởng cho các cuộc gặp gỡ giao lưu văn hóa dành cho những người bạn chưa biết cách tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Cứ thế, đến khi học tập tại trường Đại học Chonnam và giữ chức hội trưởng của câu lạc bộ liên kết văn hóa, Han Gil-woo tổ chức chương trình âm nhạc tại khu vực gần trường và biến chúng thành khu vui chơi náo nhiệt. Anh cũng đã tổ chức “Lễ hội nhỏ Daehakno” và lên kế hoạch cho buổi biểu diễn độc đáo dành cho sinh viên ký túc xá trong trường. Anh chia sẻ: “Khi học đại học, tôi nhận thấy rằng các lễ hội của trường chẳng có gì thú vị cả. Từ đó, tôi băn khoăn về đặc trưng của ký túc xá là gì? Chẳng phải là chỗ để ngủ sao? Và Lễ hội đắp chăn xem phim được thực hiện cũng xuất phát từ suy nghĩ đó. Ban đầu tôi hô hào mọi người trong ký túc xá trải chăn ra cùng xem phim nhưng bị phản đối. Thế rồi tôi đề nghị trước hết chỉ cần trải khoảng năm chiếc chăn. Sau khi nhìn thấy chúng tôi làm vậy, các sinh viên khác bắt đầu làm theo và dần dần có tới khoảng 500 người mang theo chăn của mình đến cùng tham gia. Đó là cảnh tượng mà tôi không bao giờ quên. Sau đó, tôi tiếp tục tổ chức đều đặn nhiều chương trình như chợ trời, cuộc thi nhảy b-boy đường phố, Lễ hội nhạc rock… trong suốt 15 năm.”

Tích cực hoạt động trong các phong trào văn hóa sau khi tốt nghiệp, Han Gil-woo cũng là người mở quán cà phê sách đầu tiên ở Gwangju tại phía cổng sau của trường Đại học Chonnam. Anh không ngừng đưa ra những ý tưởng văn hóa mới lạ, độc đáo và rồi đến năm 2013, Han Gil-woo khiến mùa hè thực sự bùng nổ khi biến con phố Sinchon, quận Mapo sầm uất, thành chiến trường đấu súng nước. Anh cho biết: “Một trong số những người kinh doanh tại Sinchon đã tìm đến tôi và nói rằng Sinchon đang dần bị lép vế so với khu phố trường đại học Hongik hay phố Tây Itaewon, và liệu tôi có ý tưởng nào giúp mang lại sức sống cho khu phố này hay không. Đề án tôi nộp để xin giấy phép ban đầu là tổ chức cắm trại nhưng bị từ chối với lý do không đảm bảo được an ninh. Khi chỉ còn 28 ngày là đến ngày tổ chức sự kiện, tôi và những người làm cùng đã đi uống rượu với nhau và lên ý tưởng tổ chức trò bắn súng nước vì đang vào hè. Ban đầu chúng tôi không dám chắc nhiều người sẽ đến và tham gia trò chơi, nhưng thật bất ngờ là đã có 8.000 người đăng ký khi chúng tôi đăng tải thông tin trên facebook. Lễ hội đông ngoài sức tưởng tượng và trở thành kỷ niệm không thể nào quên.”



Lễ hội bắn súng nước xua tan cái nóng mùa hè
Lễ hội bắn súng nước năm 2016 đã vượt ngưỡng hơn 30.000 người tham gia. Những người tham gia, với cây súng nước trên tay, đã trở thành đội quân siêu anh hùng đối mặt với đội quân hải tặc chiếm lĩnh Sinchon để giành lại chính nghĩa. Lễ hội còn có sự xuất hiện của vòi phun nước với sự hỗ trợ của các lính cứu hỏa. Người lên ý tưởng lễ hội, anh Han Gil-woo chia sẻ: “Vòi phun nước thường được cảnh sát sử dụng để giải tán đám đông tụ họp biểu tình đã lần đầu tiên được yêu thích đến vậy. Những người lính cứu hỏa đã rất vất vả hỗ trợ cho lễ hội lần này. Trước khi sự kiện diễn ra, họ còn làm mẫu cho chúng tôi xem kỹ thuật CPR (hồi sức tim phối) và diễn tập hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa. Nhờ sự kiện này hình ảnh về người lính cứu hỏa được cải thiện và trở nên gần gũi hơn đối với người dân.”

Sau sự thành công của Lễ hội bắn súng nước Sinchon, Han Gil-woo đã thấy được tiềm năng có thể biến cả thành phố thành khu vui chơi. Anh nói thêm: “Seoul không có nhiều khu vui chơi để lớp thanh niên, trẻ em có thể tụ tập và chơi đùa thoải mái. Mỗi con đường quen thuộc của mọi người giờ đây đã trở thành các khu vui chơi. Mọi người đều cảm thấy phấn khởi về ý tưởng này vì con đường họ hay lui tới đã trở thành không gian của những lễ hội náo nhiệt.”

Thi đấu hết mình với Olympic nhóm máu
Chơi hết mình trong mùa hè với Lễ hội bắn súng nước lần thứ nhất, Han Gil-woo tìm đến với Quảng trường Gwanghwamun vào cuối thu và tổ chức cuộc thi Olympic theo nhóm máu. Cuộc thi này đã trở thành sự kiện văn hóa đầu tiên do người dân thành phố lên ý tưởng và thực hiện trên con phố đi bộ Sejong. Anh Han Gil-woo cho biết: “Olympic theo nhóm máu là là lễ hội mà chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn và thấy hứng thú như trò leo thang, đua ghế, thi nhảy dây,… Chúng tôi tự nghĩ ra các cuộc đấu và tổ chức thi theo nhóm, nhưng do việc chia nhóm gặp nhiều phiền toái, chúng tôi quyết định chia nhóm theo nhóm máu O, A, AB và B.”

Được thực hiện với đầy đủ các bước như một kỳ Olympic thực sự, Olympic nhóm máu gồm lễ rước đuốc, châm đuốc, và cuối cùng là vận động viên diễu hành vào lễ đài. Với sự tham gia của hơn 5.000 người bao gồm cả người xem và hơn 1.200 vận động viên là người dân, cuộc thi Olympic nhóm máu đã kết thúc thành công rực rỡ.

Lễ hội đắp chăn xem phim sông Hàn
Trong tuần sắp tới đây, lễ hội do Han Gil-woo ấp ủ đang chờ đón người dân thành phố tại sông Hàn. Đó là lễ hội đắp chăn xem phim sông Hàn, được chia thành khu vừa thưởng thức phim vừa tổ chức tiệc vui nhộn, khu chiếu phim ma xua tan cái nóng mùa hè bằng những bộ phim ma sởn tóc gáy, khu dành cho các cặp đôi, và khu chiếu phim thâu đêm nơi người xem được lựa chọn phim theo sở thích với 100 màn hình cỡ lớn được lắp đặt sẵn sàng. Khán giả sẽ thỏa thích lựa chọn không gian cũng như bộ phim mà mình yêu thích. Không còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được đến với không gian mặc đồ ngủ pijama và tổ chức tiệc pijama, mang đến cho bạn cảm giác như đang ở trong chính nhà mình. Chỉ tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 22.000 người đăng ký tham gia sự kiện đặc biệt thú vị này. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 8 sắp tới, sông Hàn sẽ trở nên náo nhiệt với các bữa tiệc pijama. Về lý do số lượng người tham gia ngày một đông, anh Han Gil-woo giải thích: “Nhiều người tưởng như thỏa mãn với cuộc sống giản đơn thường nhật của họ, nhưng chắc hẳn sẽ có lúc mong muốn thoát ra khỏi guồng quay, tìm tòi, khám phá cái mới, và thậm chí đối đầu mạo hiểm.



Vượt qua sóng gió, vươn tới tầm cao
Người dân thành phố đều cảm thấy thích thú với những không gian vui chơi do Han Gil-woo tạo nên. Song, cũng đã có những lúc anh không thể thực hiện kế hoạch theo ý muốn, như vụ đắm tàu Sewol thương tâm xảy ra vào năm 2014 hay Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) xảy ra năm 2015. Anh chia sẻ: “Những người kinh doanh du lịch hay tổ chức lễ hội sẽ khốn đốn nếu như phát sinh những vấn đề môi trường hay xã hội không thể lường trước. Năm 2015 là năm khó khăn do đại dịch MERS bùng phát khiến người dân sợ tụ tập đám đông. Tôi cũng gặp nhiều rắc rối trong việc tổ chức lễ hội. Thêm nữa, vụ cháy văn phòng làm việc vào mùa hè năm 2015 đã biến tất cả thành tro bụi, khiến tôi đã phải vất vả trả nợ trong suốt mùa đông năm đó.”

Vụ cháy văn phòng năm đó là đợt khủng hoảng nặng nề nhất xảy đến với cuộc đời Han Gil-woo, người vốn coi cuộc sống mỗi ngày đều là lễ hội. Nhưng không vì thế mà anh từ bỏ những dự định vốn ấp ủ từ lâu. Dù phải chật vật trả nợ, anh vẫn dặn lòng giữ lời hứa với bản thân.

Vượt qua sóng gió, Han Gil-woo đã có thêm mục tiêu mới cho mình. Anh không chỉ tổ chức lễ hội mà còn muốn cho mọi người thấy rằng lễ hội cũng là một nghề, rằng bất cứ ý tưởng nào cũng có thể được dùng để tổ chức lễ hội và ai cũng có thể trở thành đạo diễn lễ hội. Anh bày tỏ: “Tôi đã đặt thêm mục tiêu mới là nâng cao nhận thức của mọi người về mô hình kinh doanh dựa trên yếu tố văn hóa nghệ thuật lễ hội. Ngay tháng 7 năm 2016, lễ hội nước mưa đã mang lại doanh thu 800 triệu won (720.000 USD). Dù lợi nhuận chưa phải là cao nhưng các lễ hội như vậy đang cho chúng ta thấy tiềm năng kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người dân. Mục tiêu doanh thu năm nay của công ty chúng tôi là 2,5 tỷ won (2,25 triệu USD) và tôi đang tạo thêm công việc cho khoảng 20 người.”

Han Gil-woo muốn mở ra cơ hội kiếm sống cho những người yêu thích lễ hội bằng chính các lễ hội đó. Do đó, anh muốn thành lập một trường chuyên đào tạo về tổ chức lễ hội. Anh nói tiếp: “Trong bộ truyện Harry Potter của tác giả J. K. Rowling có trường phép thuật Hogward, là nơi tập trung những người đam mê và có tài năng ma thuật. Trường lễ hội cũng như vậy, sẽ là nơi tập trung những người đam mê lễ hội, định hướng tương lai của Hàn Quốc sau hàng trăm năm, và từ đó sáng tạo ra những lễ hội độc đáo. Đây sẽ là nơi bồi dưỡng thế hệ đạo diễn, nhà tổ chức lễ hội chuyên môn. Tại đây, khoảng 100 sinh viên sẽ miệt mài đem trí tưởng tượng phong phú của mình tham gia vào những cuộc tranh luận nảy lửa, đối chiếu với những cuộc hành trình trải nghiệm thực tế. Tôi sẽ là người đưa ra những nhiệm vụ cho các em sinh viên qua trải nghiệm lễ hội thực tế hoặc thực hành áp dụng trong thực tiễn.”

Trường lễ hội vẫn còn là một kế hoạch trên giấy của Han Gil-woo. Với nỗ lực đem sự hiếu kỳ và trí tưởng tượng phong phú áp dụng vào thực tiễn, trường lễ hội sẽ là đích đến không còn xa với anh. Giám đốc Han Gil-woo tin rằng nếu Hàn Quốc có 365 ngày trong năm đều là lễ hội, tất cả người dân sẽ có một diện mạo mới với tâm trạng phấn khởi hơn. Vì lễ hội là cơ hội để giải phóng những cảm xúc kìm nén thường ngày, đây sẽ là nơi lý tưởng để mọi người tìm đến, đánh thức cảm xúc còn ngủ quên và cảm nhận sự thanh thản trong tâm hồn, là cách để con người ta tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực như ghen ghét, giận hờn, đau thương. Và Han Gil-woo đang cho mọi người thấy những cách thức mới để giải phóng tâm hồn thông qua những không gian vui chơi cảm xúc mang tên “lễ hội”.

Lựa chọn của ban biên tập