Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Hong-min và chặng đường 10 năm quảng bá văn học giả tưởng

2016-08-23

8 giờ tối Chủ nhật ngày 14/8 vừa qua, nhiều người mang theo ba lô cùng với đồ ăn nhẹ và túi ngủ, tập hợp trước thư viện Gyoha, thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi. Thư viện Gyoha giờ này đã đóng cửa như thường lệ. Một số người cho biết: “Tôi đã mang sẵn chăn và rất nhiều đồ ăn. Trước đây tôi chưa từng được đến thăm một thư viện sau giờ đóng cửa. Thật thú vị khi được ngồi nghe giảng và cùng thức thâu đêm với mọi người tại đây để đọc sách.” “Đây thực sự là một trải nghiệm đặc biệt thú vị vì thông thường sẽ chẳng có chuyện được thức đêm tại thư viện.”

Những người tham gia đặt mục tiêu thức thâu đêm và cùng đọc sách tại thư viện trong vòng hai ngày một đêm vào ngày 14/8 và 15/8. Những cuốn sách được lựa chọn thuộc thể loại kinh dị sởn tóc gáy hay khoa học viễn tưởng, huyền bí, mang lại cảm giác hồi hộp, gay cấn khiến người đọc tạm quên đi cái nóng rực của mùa hè. Họ nói: “Tôi thích đọc truyện khoa học viễn tưởng. Tôi đến đây vì tò mò muốn gặp và nói chuyện với những người có cùng sở thích.” “Tôi có sở thích đọc những câu truyện bí ẩn, ví dụ như tuyển tập truyện ma. Tôi đã rủ bạn của mình cùng tới đây. Đọc truyện ma vào đêm khuya sẽ khiến cảm giác hồi hộp, sợ hãi tăng gấp bội.”

Sự kiện thú vị thu hút những người đam mê văn học thể loại này có tên gọi “Buổi họp mặt chấn hưng văn học giả tưởng” diễn ra từ tám giờ tối đến 10 giờ sáng ngày hôm sau. Suốt thời gian này, những người tham gia chỉ đọc sách, thảo luận và nghe các bài giảng về văn học giả tưởng.

Buổi họp mặt được bắt đầu bằng bài giảng kéo dài năm tiếng, nối tiếp theo sau là những hoạt động thú vị như đố vui về văn học giả tưởng, các trò chơi, chiếu phim khoa học viễn tưởng. Sau những hoạt động này, người tham gia dành thời gian đắm chìm trong thế giới sách và cùng nhau thảo luận về cuốn sách đã đọc. Một thành viên tham gia cho biết: “Em thích đọc truyện khoa học viễn tưởng, truyện kinh dị hay truyện trinh thám giống bố nên muốn trò chuyện và thảo luận cùng ông về thể loại này. Lần này em và bố sẽ đọc những cuốn sách giống nhau. Vì mỗi người có suy nghĩ khác nhau nên sẽ thật thú vị khi được trò chuyện, thảo luận về cùng một cuốn sách.”



Booksfear khơi nguồn đam mê văn học giả tưởng
“Buổi họp mặt chấn hưng văn học giả tưởng” đã được tổ chức suốt ba năm qua. Số người đăng ký tham gia sự kiện ngày càng tăng lên cho thấy thể loại văn học giả tưởng, một nhánh từng không gây được sự chú ý trong nền văn học chính thống, đã bắt đầu phục hồi và đang phát triển. Người châm ngòi cho sự hồi sinh của dòng văn học này tại Hàn Quốc là Kim Hong-min, giám đốc nhà xuất bản văn học giả tưởng Booksfear (Nỗi sợ của sách). Trong suốt 10 năm qua, anh đã cho xuất bản hơn 120 cuốn sách văn học thể loại khoa học viễn tưởng, kinh dị giả tưởng, vốn không mấy được ưa chuộng. Theo đuổi chuyên ngành văn học và ước mơ trở thành tiểu thuyết gia, Kim Hong-min lại trở thành giám đốc của một nhà xuất bản văn học giả tưởng. Anh giải thích: “Tôi xin vào làm tại một công ty xuất bản sau khi tốt nghiệp vì nghĩ rằng công việc này sẽ giúp tôi gặp được các tác giả mà mình yêu mến. Đó là công ty chuyên xuất bản sách khoa học xã hội nhưng đã bị đóng cửa khoảng hai năm sau đó vì sách chúng tôi xuất bản không bán chạy. Sau đó tôi thành lập công ty riêng khi chỉ mới 29 tuổi.”

Cuốn sách đầu tiên được xuất bản tại Booksfear là tác phẩm “Avalon ký sự” do tác giả người Pháp Jean Markale chấp bút sáng tác trong suốt 40 năm. Do những nội dung thần thoại gây được sự chú ý lớn sau thành công của bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” được chuyển thể từ truyện cùng tên, Booksfear đã mạnh tay đầu tư xuất bản bộ truyện dài kỳ “Avalon ký sự” gồm tám tập. Bộ truyện này đã nhận được sự yêu mến của độc giả ngay sau khi ra mắt và trở thành một trong những bộ truyện bán chạy nhất khi đó. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu khi suốt ba năm sau đó, những cuốn sách do công ty của Kim Hong-min xuất bản đều thất bại, khiến anh lâm vào cảnh nợ nần. Anh kể lại: “Lúc đó, khi nhà xuất bản của tôi mới thành lập được hai năm, tôi đã tốn gần 100 triệu won (khoảng 90.000 USD) cho chi phí xuất bản và 20 triệu won (khoảng 18.000 USD) cho phí dịch sách. Những cuốn sách tôi xuất bản đều là do những người xung quanh giới thiệu. Họ còn chắc chắn rằng chúng sẽ được chuyển thể thành phim. Tôi thất bại hoàn toàn và chỉ thu hồi được khoảng 10 triệu won (khoảng 9.000 USD) chi phí xuất bản. Tôi đã phải mất khoảng ba năm để trả hết nợ. Sau lần vấp ngã này, tôi nghiệm ra rằng việc ai đó khen “cuốn sách này hay và độc giả chắc chắn sẽ thích nó” mang ý nghĩa rất mơ hồ. Không ai có thể biết được độc giả có thích cuốn sách đó hay không trước khi sách được tung ra thị trường. Chỉ có cảm giác thích thú đối với những cuốn sách nhất định là điều chắc chắn, và do đó tôi đã chỉ xuất bản những cuốn sách mà tôi thích.”

Booksfear do Kim Hong-min sáng lập đề ra phương châm “sẽ là vô nghĩa nếu không thú vị”. Vào giai đoạn công ty mới thành lập, Kim Hong-min sau khi đọc cuốn “Lý do” của nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám hàng đầu của Nhật Bản là Miyuki Miyabe và thấy nội dung thú vị đã quyết định xuất bản cuốn sách của bà. Do nhà văn này chưa được nhiều độc giả Hàn Quốc biết đến, Kim Hong-min đã sử dụng các phần mềm dịch và trực tiếp viết thư cho tác giả. Cuối cùng, anh đã thành công ký hợp đồng mua bản quyền của nhà văn Miyuki Miyabe. Kể từ sau đó, Booksfear đã xuất bản tới 38 truyện của tác giả Miyuki và dần tạo được chỗ đứng trong giới xuất bản sách văn học giả tưởng.

Tương tác với độc giả
Chiến thuật thứ hai mà Kim Hong-min lựa chọn là giao lưu với độc giả. Để bắt kịp trào lưu mạng xã hội, anh lập một trang blog cá nhân và kể về những trải nghiệm cuộc sống của chính mình hay những câu chuyện đời thường để độc giả hiểu rõ hơn về con người của anh thay vì tập trung vào các chương trình quảng bá sách như các nhà xuất bản khác thường làm. Giám đốc Kim Hong-min chia sẻ: “Điều đầu tiên tôi thực hiện sau khi thành lập công ty là giả làm độc giả và viết nhận xét về sách trên các cộng đồng mạng. Đến lần thứ ba thì tôi bị phát hiện và bị cho ra khỏi diễn đàn. Tôi thấy xấu hổ không phải vì tôi bị phát hiện mà vì tôi đã không dám nói rằng đó là sách do chính tôi xuất bản. Sau đó tôi nghĩ rằng mình cần một kênh khác để nói với công chúng rằng tôi chính là người xuất bản sách. Đó là lý do tôi đã lập blog vào bảy năm trước. Ban đầu tôi chỉ viết những thông tin liên quan đến sách mà công ty mình xuất bản nhưng chẳng ai thèm truy cập vào đọc cả. Những thông tin đó chẳng có gì thú vị đối với độc giả. Về sau, tôi không nói về sách nữa mà kể cho độc giả những câu chuyện thú vị, những thất bại của tôi trong quá trình xuất bản sách. Thế rồi một ngày có đến hàng trăm người ghé thăm blog của tôi và chia sẻ những chuyện tôi kể trên trang cá nhân của họ. Số độc giả ghé thăm blog của tôi ngày càng tăng lên sau khoảng ba năm.”

Với nhiều hoạt động khác nhau, từ xuất hiện trên truyền hình, viết báo, giảng dạy cho đến viết blog, Kim Hong-min đã tạo nên tầm ảnh hưởng của riêng mình. Từ đây, anh chính thức bắt tay vào thực hiện các sự kiện “thú vị” và “chưa ai nghĩ đến”.

Tác giả của những ý tưởng “thú vị” và “chưa ai nghĩ đến”
Trong số nhiều sự kiện do Kim Hong-min lên ý tưởng, có thể kể đến sự kiện Trứng Phục Sinh (Easter Egg), yêu cầu độc giả tìm những lời nhắn nhủ ẩn chứa trong nội dung cuốn sách mới xuất bản. Hay như khi tổ chức cuộc thi ảnh Extreme Reading ghi lại những khoảnh khắc đọc sách trong điều kiện khó khăn, anh đã trực tiếp cầm sách và ngâm mình dưới nước biển lạnh vùng Gangneung vào tháng 4. Anh còn dành tặng món quà đặc biệt là tờ phụ lục được anh đặt tên là Le Zirashi cho những ai đặt mua sách mới xuất bản. Anh Kim Hong-min cho biết: “Khi chuẩn bị xuất bản sách của nhà văn Nhật Bản Seicho Matsumoto, tôi thấy tiểu sử về ông rất thú vị với những thông tin như ông mới chỉ tốt nghiệp cấp một và có nhiều câu chuyện về ông mà mọi người chưa biết đến. Nghĩ rằng cuốn sách sẽ trở nên thú vị hơn nếu những câu chuyện đó được giới thiệu tới độc giả, tôi đã đưa ra ý tưởng làm thêm phần phụ lục. Phụ lục mà các nhà xuất bản khác từng làm không có gì đặc sắc nên tôi quyết định thiết kế phụ lục giống như một tờ báo. Phụ lục được chia thành nhiều mục dành cho cả quảng cáo và tin xã luận. Lúc này, tờ phụ lục trở thành một tờ báo với những mẩu tin thú vị về cuộc đời của tác giả Seicho, câu chuyện về văn học giả tưởng, chuyện phiếm về “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Tờ phụ lục được tặng cùng sách được xuất bản mới của tháng. Thậm chí có người đã đặt sách chỉ để nhận được tờ phụ lục.”

Tờ Le Zirashi số đầu tiên được phát hành vào tháng 2 năm 2012 và tới nay đã phát hành được 12 số. Đây là tờ phụ lục dạng báo về văn học giả tưởng đầu tiên tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, do thời gian và vốn đầu tư xuất bản không hề nhỏ nên Le Zirashi không phải là ấn phẩm được phát hành đều đặn. Chính vì thế mà chúng càng trở nên quý giá hơn.

Nếu là độc giả của Kim Hong-min, chắc hẳn ai cũng muốn tham gia vào sự kiện đặc biệt do anh tổ chức mang tên “Hiệu đính trên tàu dành cho những độc giả lãng mạn”.

Ngồi trên chuyến tàu chạy trong khoảng sáu tiếng, độc giả sẽ có cơ hội đọc bản thảo của cuốn sách sắp ra mắt và tìm lỗi sai cho đến khi tàu vào bến. Sau khi đến địa điểm định trước, độc giả sẽ được thỏa sức vui chơi trong hành trình kéo dài hai ngày một đêm. Anh Kim, người lên ý tưởng chia sẻ: “Tôi đã bắt đầu chương trình này với ý tưởng nếu ta đưa cho độc giả đọc qua bản thảo sách thì sẽ thế nào. Mặc dù bản thảo đã được sửa bởi biên tập viên có kinh nghiệm 10 năm trong nghề, độc giả vẫn phát hiện ra rất nhiều lỗi sai. Ban đầu chúng tôi mời độc giả đến văn phòng để sửa lỗi. Về sau, tôi quyết định tổ chức kỳ nghỉ hai ngày một đêm dành cho họ. Trong sáu tiếng đồng hồ đi từ ga Cheongnyangni đến Gangneung, mỗi độc giả lại tìm ra được những lỗi sai khác nhau. Có người còn đòi xem cả bản gốc để so sánh khi phát hiện câu văn lạ, hoặc có người không tin vào bản dịch. Khi đến khách sạn đã thuê, chúng tôi vừa nghỉ ngơi vừa cùng bàn luận về cuốn sách sắp xuất bản.”

Kể từ năm ngoái, một phiên bản nâng cấp của mô hình hiệu đính trên tàu ra đời. Đó chính là mô hình sửa lỗi trên máy bay có tên gọi Đội khám phá lỗi sai của Booksfear.

Điểm đến đầu tiên của Đội khám phá lỗi sai là New Zealand. Trên chuyến bay đến New Zealand, những độc giả của Booksfear sẽ cùng nhau hiệu đính bản thảo của cuốn sách sắp ra mắt và dạo quanh địa điểm quay bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn”. Vào tháng 7 năm nay, Kim Hong-min đã dẫn đội đi Canada, và toàn bộ chi phí cho hành trình này đều do giám đốc Kim chi trả. Tại sao anh lại làm công việc này? Anh Kim bày tỏ: “Các nhà xuất bản khác có hỏi tôi “anh tốn mất hàng chục nghìn đô-la để cho họ đến tận Canada, rồi sau đó anh có bán sách được khoảng từng đó tiền không?”. Tất nhiên là sách không bán được từng đó tiền. Nhưng tại sao tôi làm việc này ư? Đơn giản vì những nhà xuất bản khác không làm, vì đây là một trải nghiệm rất thú vị. Dù sách có thể không hay và không bán được, nhưng mỗi lần như thế tôi lại rút ra được nhiều kinh nghiệm. Dù có thất bại, tôi vẫn muốn thực hiện những ý tưởng của mình để sau này không phải hối hận.”

Chắp cánh ước mơ của độc giả
Kim Hong-min còn là người giúp biến những ước mơ của độc giả trở thành hiện thực. Nếu đã là một người đam mê đọc sách, chắc hẳn ai cũng muốn được gặp gỡ tác giả mà mình yêu mến. Năm 2013, Giám đốc Kim Hong-min đã cùng độc giả của mình đến Nhật Bản để gặp nhà văn Miyuki Miyabe. Với số lượng 40 tác phẩm được xuất bản tại Booksfear, Miyuki Miyabe không còn là cái tên xa lạ đối với những người đam mê sách tại Hàn Quốc. Anh Kim Hong-min nói: “Nhà văn Miyuki Miyabe không đi được máy bay, bà chỉ loanh quanh ở nhà và phòng làm việc. Tôi rất muốn để bà gặp các độc giả. Tôi tập hợp các độc giả biết nói tiếng Nhật, đã đọc sách của tác giả Miyuki và phải là độc giả trung thành của Booksfear. Chúng tôi tổ chức cuộc thi, sau đó lựa chọn ra ba người và hỗ trợ toàn bộ chi phí cho họ sang Nhật. Nhà văn Miyuki đã rất vui khi được gặp các độc giả Hàn Quốc và cho chúng tôi phỏng vấn rất lâu. Bà còn trực tiếp tặng quà cho độc giả. Tất cả chúng tôi đã khóc vì vui sướng.”

Kim Hong-min từng nói Booksfear là nhà xuất bản lấy độc giả làm gốc, làm trụ cột. Và mọi độc giả của Booksfear đều thấu hiểu tấm lòng cao cả ấy. Nhờ có Kim Hong-min, giới văn học có cơ hội được thưởng thức nền văn học giả tưởng đầy màu sắc, đứa con rơi của văn học chính thống. Một độc giả cho biết: “Tôi thích thể loại khoa học viễn tưởng. Trước kia, những người thích văn học chính thống không đánh giá cao văn học giả tưởng và chỉ một số ít người đam mê nó. Nhưng gần đây, văn học giả tưởng đang phát triển mạnh mẽ và chúng tôi có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với lĩnh vực này qua nhiều cuốn sách nước ngoài được dịch sang tiếng Hàn để phục vụ nhu cầu độc giả.”

Chỉ cần Kim Hong-min kêu gọi, những độc giả trung thành sẽ sát cánh bên anh vô điều kiện. Cũng từ đây, quỹ độc giả đầu tiên trong giới xuất bản được ra đời, hoạt động theo hình thức nhận hỗ trợ từ độc giả để sử dụng làm kinh phí quảng bá sách mới. Anh Kim Hong-min cho hay: “Chúng tôi đặt mục tiêu gây quỹ là 50 triệu won (khoảng hơn 44.000 USD) với lời kêu gọi “Chúng tôi có kế hoạch quảng bá sách. Đây là một cuốn sách hay và chúng tôi muốn chúng bán chạy hơn. Để làm được điều đó chúng tôi muốn huy động tiền quảng cáo sách”. Mục tiêu ban đầu là quyên góp số tiền đó trong hai tháng, nhưng chỉ sau 10 ngày, toàn bộ số tiền đã được quyên góp. Tôi đã thông báo ngay cho độc giả biết trên blog cá nhân của mình. Mỗi ngày, chúng tôi nhận được khoảng 5 triệu won tiền quyên góp từ nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ các bà nội trợ tiết kiệm từng bó rau, các du học sinh nhịn ăn từng bữa, hay các chú cảnh sát chắt chiu từng đồng tiền lương hưu. Với số tiền đó, chúng tôi quảng cáo sách trên đài phát thanh trong khoảng hai tháng.”

Niềm tin của độc giả - bí quyết thành công
50 triệu won quyên góp chỉ sau 10 ngày chính là thành quả có được từ lòng tin của độc giả mà Giám đốc Kim Hong-min đã dày công gây dựng trong suốt 10 năm qua. Anh chia sẻ: “10 năm là quãng thời gian hạnh phúc của tôi. Nhìn lại chặng đường đã qua, có rất nhiều người nghĩ tôi rỗi hơi khi thực hiện những sự kiện vô bổ ấy. Thế nhưng ngày càng có nhiều nhà xuất bản làm theo phương thức của chúng tôi. Họ đã chịu khó đưa ra nhiều ý tưởng mới thay vì làm ra những sản phẩm quảng bá đơn điệu như trước. Những sự thay đổi ấy sẽ góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng thay đổi văn hóa xuất bản.”

Những độc giả đã sát cánh cùng Kim Hong-min trong suốt thời gian qua cũng đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn sách. Những cuốn sách do độc giả hiệu đính được đánh giá cao và là những cuốn bán chạy. Nhà xuất bản của Kim Hong-min đến nay đã hoạt động được hơn 10 năm và đang định hình nền văn hóa tương tác cùng độc giả. Không chỉ dừng lại ở những thành công ban đầu, Booksfear muốn đem lại nhiều niềm vui hơn nữa cho độc giả. Anh cho biết thêm: “Hiện thực hóa ý tưởng không bao giờ là việc dễ dàng. Những việc tưởng đơn giản cũng đều yêu cầu nỗ lực bền bỉ để đi đến thành quả. Tôi ngủ ít đi và dành thời gian xem biểu diễn, đọc tạp chí, đi du lịch để lấy cảm hứng, từ đó đưa ra được nhiều ý tưởng mới. Công ty xuất bản của chúng tôi lấy độc giả làm trung tâm. Độc giả quay lưng với nhà xuất bản cũng đồng nghĩa với việc thất bại. Phải không ngừng đưa ra những ý tưởng để phục vụ độc giả, và rồi tìm thấy hạnh phúc trong hành trình nỗ lực tìm kiếm những ý tưởng ấy. Tôi đang nỗ lực hết mình vì mục tiêu đặt ra và tôi tin mình sẽ làm được.”

Lựa chọn của ban biên tập