Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Byung-yeon, nghệ nhân phục chế cung tre truyền thống Hàn Quốc

2016-08-30

Các em thanh thiếu niên mang theo mình ống tên, trên tay cầm cung tên đang ngồi quỳ gối, nhắm mắt và tận hưởng cảm giác thư thái trong giai điệu sáo trúc ngang Daegeum du dương. Khoảng năm phút sau, họ được đánh thức bởi hiệu lệnh của thầy.

Theo tiếng hô của thầy, tất cả cùng hành lễ chào người đứng bên cạnh mình. Sau khi hiệu lệnh “balsi”, có nghĩa là “bắn”, được phát ra, các em quay trở lại vị trí, giương cung và ngắm bắn hướng về tấm bia đặt phía xa.

Những chiếc cung tên lao vun vút, trúng ngay hồng tâm của tấm bia. Các em tâm sự: “Em rất vui vì đã bắn trúng hồng tâm. Thật là vui sướng.” “Được nghe nhạc khiến em trở nên bình tĩnh hơn khi bắn cung, mũi tên bắn đi cũng có độ chính xác cao hơn. Khi bắn cung, tâm trạng của em rất thoải mái, giống như mọi căng thẳng đều tan biến hết vậy.”



Cung tre – vũ khí ưu việt thời đại Joseon
Vừa rồi là một lớp học bắn cung được tổ chức bởi ông Kim Byung-yeon, đại diện Tổ chức trải nghiệm cung tre truyền thống, tọa lạc ở chân dãy núi Palgong thuộc thành phố Daegu, tỉnh Gyeongsang. Tại đây, ông Kim Byung-yeon trực tiếp làm ra những chiếc cung tre, hướng dẫn cách làm cung tre và bắn cung cho các em học viên ở độ tuổi mới lớn. Nhiều người cho rằng cung tre, đúng như tên gọi của nó, được làm từ tre, nguồn nguyên liệu có mặt ở hầu khắp các khu vực trên Hàn Quốc, là một loại cung phổ biến. Tuy nhiên, cho tới nay, Kim Byung-yeon là người duy nhất có thể làm ra những chiếc cung tre truyền thống tại Hàn Quốc cũng như trên toàn thế giới. Bắt đầu chơi bắn cung vì sở thích cá nhân, khoảng 10 năm trước đây, khi chạm ngưỡng 40 tuổi, Kim Byung-yeon lại bất ngờ trở thành người làm cung từ nguyên liệu tre truyền thống. Ông giải thích: “10 năm trước, thầy của tôi có nói rằng Gakgung, loại cung nổi tiếng của Hàn Quốc được làm từ sừng trâu, chỉ chiếm khoảng 3-5% số lượng cung tại Hàn Quốc. 95% còn lại là loại cung được làm từ sợi carbon. Thầy có chiếc Jukgung (cung tre) được tặng từ thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc muốn cho tôi xem và mong tôi có thể phục chế lại nó. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến cung tre.”

Với ước nguyện của người thầy, ông Kim Byung-yeon từ đó mải mê với công việc phục chế lại cung tre truyền thống. Thầy ông cho rằng Gakgung, binh khí mạnh nhất thời đại Joseon, được làm từ phức hợp gỗ và sừng trâu, đến một ngày sẽ biến mất. Ông Kim Byung-yeon nói: “Gakgung có tính năng vượt trội, nhưng có nhược điểm là khi trời mưa, độ ẩm cao, thì bị lệch, khiến mũi tên không thể bay xa. Việc chế tạo Gakgung rất phức tạp và khó có thể sản xuất đại trà.”

Cung tre chính là loại cung có thể khắc phục được nhược điểm của Gakgung. Ghi chép đầu tiên về cung tre được tìm thấy trong cuốn Joseon Wangjo Sillok (Joseon vương triều thực lục) ngày 18/5/1516, tức năm Bính Tý, năm thứ 11 đời vua Jungjong (Trung Tông). Trong đó có ghi: “Binh Tào Phán Thư Go Jong-san dâng lên vua một chiếc cung tre và tâu rằng: “Chiếc cung này chắc gấp đôi cung gỗ, có thể bắn ở tầm xa hơn 80 bộ. Bệ hạ thấy sao nếu ta cho thợ làm giống chiếc cung này để quân lính sử dụng ạ? Thần ở chốn biên cương đã lâu, thấy rằng Gakgung dễ bị hỏng do nước mưa, còn tre dù có bị thấm nước mưa cũng không hề hấn gì. Thần đã sử dụng qua và mạn phép tâu lên bệ hạ.”
Nhà vua bèn đáp lại: “Quả nhiên đây là loại cung tốt. Giờ Gakgung cũng trở nên quý hiếm do khó làm. Khanh hãy sai thợ làm theo mẫu cung này và dùng thử, nếu thấy được thì tăng số lượng rồi đem lưu vào kho vũ khí cho quân lính sử dụng.”


Ghi chép ngày 6/2/1655 trong thư tịch Joseon vương triều thực lục đời vua Hyojong (Hiếu Tông) năm thứ sáu, tức năm Ất Mùi, cho biết vùng Daegu là cái nôi làm ra cung tre.

Phủ sứ Daegu Yi Jeong sau khi lập bản vẽ thiết kế cung tre đã được nhà vua khen ngợi hết lời và phong làm quan Tongjeonggye (Thông Chính Giai).

Lập kế hoạch viễn chinh lên phía Bắc, vua Hiếu Tông khi đó rất quan tâm đến cung tre của Phủ sứ Daegu Yi Jeong và phổ biến sử dụng trên toàn quốc cho đến những năm cuối của triều đại Joseon. Tuy nhiên, trải qua hơn 300 năm lịch sử, cung tre chỉ còn được tìm thấy trong các văn kiện cổ, và cũng không còn ai có thể làm ra nó. Chiếc cung tre mà người thầy của Kim Byung-yeon sở hữu là chiếc cung duy nhất còn sót lại. Nghệ nhân Kim Byung-yeon muốn phục chế lại cung tre để khôi phục lại danh tiếng của Daegu, nơi làm ra những chiếc cung tre đầu tiên tại Hàn Quốc. Đầu tiên, ông cố gắng mô phỏng theo chiếc cung tre của thầy mình. Ông Kim Byung-yeon cho biết: “Tôi bắt đầu phục chế lại cung tre với những ký ức xưa, khi được bố làm cung cho chơi khi còn nhỏ. Nhưng cung do bố tôi làm có kết hợp phương thức của Nhật Bản. Tôi tiến hành làm và bắn thử nhưng mũi tên chỉ đi xa không quá 30m thay vì 100m như tôi kỳ vọng. Tôi đã rất thất vọng khi mũi tên rơi xuống ngay trước mặt tôi.”

Đặc tính chất liệu tre, nhân tố quyết định chất lượng cung
Không người chỉ bảo, không tài liệu hướng dẫn, ông Kim Byung-yeon đã không thể tìm ra nguyên nhân vì sao chiếc cung do ông làm lại không thể bay xa. Thế rồi ông chợt nghĩ tre chính là yếu tố quyết định đến chất lượng cung. Ông quyết định nghiên cứu về chất liệu tre để làm cung và tìm đến huyện Damyang, tỉnh Nam Jeolla, nơi có rừng tre bạt ngàn. Ông cho biết: “Tôi đã đến Damyang, vùng đất trồng tre, sau đó mang rượu gạo tìm đến những người am hiểu về tre và quỳ gối xin được chỉ giáo. Ban đầu, tôi muốn tìm hiểu về chất lượng của tre, và đã tìm gặp một người chuyên làm kiếm tre, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Khi tôi yêu cầu sự trợ giúp, ông ấy ngay lập tức khước từ, nói rằng có thể dạy, nhưng muốn tôi tự tìm hiểu. Vì thế mà tôi chỉ đến uống tách trà ngũ vị tử và ra về. Khi tôi quay bước đi, ông ấy còn nói với theo, khuyên tôi tìm hiểu về đặc tính chất liệu của tre.”

Sau nhiều ngày vắt óc suy nghĩ về lời khuyên cần tìm hiểu đặc tính của tre, Kim Byung-yeon bỗng nhớ đến hình ảnh bố ông phân biệt các âm thanh để tìm ra các bộ phận máy bị lỗi khi còn là kỹ sư. Ông chia sẻ: “Tôi chợt nghĩ tre cũng có thể được phân biệt bằng âm thanh. Thế rồi tôi phân loại tre có âm trong vào nhóm A, âm đục vào nhóm B rồi nhóm C,… Tôi chẻ chúng để đem làm cung thì phát hiện thấy rằng cung làm từ tre có âm trong có tính đàn hồi cao nên bay xa hơn cả. Khác với tre mọc ở vùng đất đồng bằng màu mỡ, tre ở vùng đất có địa hình mấp mô khô cằn phải vươn mình lên để sống nên rất chắc và bền. Cũng giống như loài cỏ dại, tre sống ở điều kiện khắc nghiệt có tính đàn hồi cao và chắc hơn.”

Sau nhiều gian nan, vất vả, Kim Byung-yeon đã tìm ra loại tre phù hợp để làm cung. Thế nhưng, đây mới chỉ là bắt đầu. Toàn bộ quá trình làm khô tre, luộc tre rồi bẻ cong đầu trên và dưới để làm cung khó vượt ngoài sức tưởng tượng của ông. Do dùng quá nhiều lực vào bàn tay để bẻ cong tre thành hình cánh cung, ông Kim Byung-yeon đã ba lần bị đứt dây chằng ở cổ tay. Dù vậy, ông vẫn không bỏ cuộc. Kim Soo-young, con gái ông, hiện là học sinh lớp chín, kể lại: “Khi cháu còn nhỏ, bố cháu làm việc không kể ngày đêm khiến mẹ cháu cũng mệt mỏi, dẫn đến những trận cãi vã giữa hai người. Bố cháu chỉ biết đến cung mà thôi. Mỗi khi thành công, ông lại đem đi khoe chúng, nhìn ông rất hạnh phúc. Ông nhìn nó cả ngày không chán. Bố cháu còn để chúng lên bàn ăn, khen chúng đẹp rồi còn bảo cháu kéo thử. Gương mặt ông như nở hoa mỗi khi nhìn những chiếc cung do chính tay mình làm ra.”

Cống hiến vì tương lai nghệ thuật bắn cung
Sống chỉ biết đến cung và say mê nghiên cứu về cung, đến năm 2008, ông đã thành công trong việc làm ra những chiếc cung tre đạt chuẩn. Năm 2011, cung tre của ông được sử dụng trong cuộc thi bắn cung truyền thống thế giới tổ chức tại huyện Cheonan, tỉnh Nam Chungcheong, với sự góp mặt của các vận động viên đến từ 31 nước trên thế giới. Cung tre từng biến mất suốt vài trăm năm, nay được hồi sinh nhờ Kim Byung-yeon. Ông chia sẻ: “Cung tre đã được sử dụng tại cuộc thi bắn cung truyền thống thế giới, và ngay cả người Hàn Quốc cũng thắc mắc không biết đây là loại cung gì. Khi đó, phía Malaysia và Nhật Bản bày tỏ mong muốn sử dụng cung tre do tôi làm ra để dạy tại lớp học bắn cung nhưng tôi đã từ chối. Dù là người làm ra nhưng tôi vẫn chưa thấy hài lòng. Người khác cũng đã công nhận cung tre tôi làm đạt chuẩn, nhưng bản thân tôi vẫn thấy còn thiếu điều gì đó.”

Phương châm của nghệ nhân Kim Byung-yeon là sẽ không bán cung cho bất kỳ ai cho đến khi ông hoàn toàn hài lòng về sản phẩm mình làm ra. Cung tre của Kim Byung-yeon vì thế càng trở nên có giá trị. Không dễ dàng bán cung ra bên ngoài, ông lại sẵn sàng đóng góp những chiếc cung quý giá ấy cho việc đào tạo thế hệ trẻ nghệ thuật bắn cung. Ông trực tiếp đến Sở Giáo dục bày tỏ mong muốn tổ chức lớp học về bắn cung truyền thống. Cung tre hiện đã được đưa vào sử dụng tại các lớp học bắn cung ở cả các trường chính quy lẫn mô hình trường Hyanggyo, chuyên dạy thanh thiếu niên Hàn Quốc về các nghi thức lễ nghĩa truyền thống, ở nhiều làng, xã trên cả nước.

Phương pháp bắn cung Byeongyeon
Học bắn cung với cung tre, các em học sinh cảm nhận bản thân đang dần thay đổi. Em Gu Dong-beom và Park Ki-hyuk cho biết: “Tính em vốn dĩ hay nóng vội nhưng giờ em đã trở nên điềm đạm, nhẫn nại hơn. Mỗi khi bắn cung, mọi bực dọc đều tan biến. Hơn nữa, được học môn mà ít ai thử qua khiến em thấy tự hào và thêm động lực để học hành chăm chỉ hơn nữa.” “Môn này đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiểm soát bản thân. Phải tự điều chỉnh tâm thế rồi mới bắn trúng bia được. Tôi thường thấy mệt mỏi khi học bài, nhưng bây giờ tôi đã có thể chịu đựng được những căng thẳng bài vở. Khi đến sinh hoạt câu lạc bộ và được bắn cung, mọi căng thẳng trong tôi hoàn toàn biến mất.”

Ông Kim Byung-yeon đã sáng lập nên phương pháp giảng dạy đặc biệt với mong muốn các em học sinh giữ được phẩm chất và lễ nghĩa khi bắn cung. Đó là phương pháp vừa nghe nhạc độc tấu đàn sáo trúc ngang lớn Daegeum, giúp tâm hồn thư thái, và từ tốn giương cung bắn từng mũi tên. Ông gọi phương pháp này bằng chính tên của mình, phương pháp bắn Byungyeon.

Trên mặt chiếu rơm, thầy Kim Byung-yeon đặt ngay ngắn khăn quấn đầu và mũi tên trước mặt, ngồi quỳ gối, thả lỏng toàn thân và thưởng thức nhạc sáo Daegeum. Sau đó, thầy lấy khăn quấn đầu, cài mũi tên vào đai ở hông, cầm cung đứng dậy. Thế rồi từng phát một, ông giương cung, kéo một cách thận trọng mà mạnh mẽ, trúng ngay giữa hồng tâm. Phương pháp Byungyeon kéo dài trong năm phút của thầy Kim Byung-yeon giống như một nghi lễ được thực hiện trước khi bắn cung. Học trò Nam Gyung-woo chia sẻ: “Tôi từng học trà đạo và thấy phương pháp của thầy Kim cũng tương tự như vậy. Việc kết hợp với âm nhạc truyền thống là sáo trúc ngang Daegum khiến tôi cảm thấy nó giống như một nghi lễ, mang lại cho tôi trải nghiệm rất mới mẻ. Sự tập trung sẽ loại bỏ những tạp âm xung quanh, giúp chúng tôi có tâm trạng thư giãn, thoải mái. Không đơn thuần chỉ là bắn cung, môn học này có sức mạnh tập hợp năng lượng, giúp con người tập trung và có tâm thái ổn định.”

Nghệ nhân cung tre ưu tú, nhân tố tiếp nối mạch truyền thống
Sau 10 năm say sưa nghiên cứu, nghệ nhân Kim Byung-yeon mơ ước một ngày xây dựng bãi bắn cung tre tổng hợp trong nhà và ngoài trời để phổ biến cung tre rộng rãi hơn nữa tại Hàn Quốc. Hiện nay, Hàn Quốc có khoảng 375 bãi bắn cung truyền thống trên cả nước nhưng vẫn chưa có sân bắn cung trong nhà yên tĩnh để những người đam mê môn thể thao bắn cung có thể hoàn toàn tập trung. Ông tâm sự: “Chưa nói đến khía cạnh phục chế cung truyền thống, thông qua cung tre, nếu tôi có thể đóng góp một phần sức lực nhỏ bé giúp cho sự nghiệp truyền bá tinh thần của môn bắn cung cho các em học sinh, không chỉ ở Daegu mà còn ở nhiều khu vực khác trên toàn quốc, tôi sẽ có thể yên tâm nở nụ cười và nhắm mắt sang thế giới bên kia mà không hối tiếc điều gì.”

Bằng tinh thần thép và quyết tâm tiếp nối mạch truyền thống, Kim Byung-yeon đã phục chế lại cung tre và đang bước trên con đường truyền tải tinh thần của nghệ thuật bắn cung cho thế hệ trẻ. Đó là lý do khiến ông mãi xứng đáng với danh hiệu nghệ nhân ưu tú đích thực.

Lựa chọn của ban biên tập