Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul Kim Hong-hui và những nỗ lực biến bảo tàng thành khu vui chơi của người dân

2016-09-06

Chiến tranh, khủng bố, tự tử,… những hiểm họa mang tính toàn cầu mà nhân loại ngày ngày phải đối mặt đang được thể hiện qua tác phẩm điêu khắc, âm thanh, các thước phim và những màn biểu diễn vô cùng sống động tại Triển lãm SeMA Biennale Media City Seoul năm 2016 được tổ chức lần thứ 9 với chủ đề: “Neriri Kiruru Harara”.



“Neriri Kiruru Harara” do Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul đặt tên là ngôn ngữ của người Sao Hỏa trong tưởng tượng, được trích từ một câu thơ trong bài thơ “Sự cô độc của 2 triệu năm ánh sáng” của thi sĩ người Nhật Shuntaro Tanikawa. Triển lãm hiện đang trưng bày các tác phẩm nghệ thuật truyền thông về tương lai của thế giới và nhân loại. Với chủ đề về thảm họa dưới góc nhìn truyền thông, triển lãm gồm 76 tác phẩm của 61 tác giả đến từ 24 quốc gia, cảnh báo người xem về một tương lai bất ổn qua những thảm họa đã diễn ra trong quá khứ. Đạo diễn nghệ thuật của triển lãm, bà Baek Ji-sook, cho biết: “Các nghệ sĩ đương đại muốn tập trung nhấn mạnh thông điệp “Con người là nạn nhân của thảm họa”, cũng như các phương thức tiếp cận phân tích hậu quả của thảm họa. Thay vì thể hiện thông điệp bằng những công cụ, ngôn ngữ, phương thức đã nhàm chán, các tác giả tham gia triển lãm lần này thể hiện các tác phẩm theo phương thức, ngôn ngữ mới nhưng vẫn giúp người xem nắm rõ được các sự kiện, tình huống ập đến.”

Triển lãm Biennale do Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul tổ chức là nơi các nghệ sĩ truyền thông tụ hội, thông qua nghệ thuật tổng hợp giữa hình ảnh, sự sắp đặt, âm thanh, gửi gắm thông điệp đến người xem, đồng thời tìm kiếm giải pháp cho tương lai. Một số khách thăm quan triển lãm chia sẻ: “Các tác phẩm ở đây không chỉ thể hiện sự bất an về tương lai mà còn khiến người xem suy nghĩ phải làm thế nào để giải quyết bất ổn đó.” “Các tác giả đến từ nhiều đất nước và hoàn cảnh khác nhau đã thể hiện chủ đề thảm họa dưới nhiều màu sắc, bằng các phương tiện, kỹ thuật đa dạng như video, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật sử dụng đèn neonsign. Bản thân là một nghệ sĩ, tôi đã rất có nhiều cảm hứng thông qua triển lãm này.” “Các tác phẩm nói về những thảm họa, thiên tai ở những nơi khác, với những nạn nhân xa lạ, nhưng tôi lại có cảm giác như mình đang trực tiếp đối mặt với thảm họa đó. Đó chính là dụng ý của triển lãm.”

Đặc biệt hơn, với sự phát triển của kỹ thuật hiện đại, triển lãm năm nay giúp người xem mãn nhãn với các tác phẩm kết hợp sử dụng kỹ thuật quay phim chụp ảnh trên không, kính thực tế ảo VR, ứng dụng trên điện thoại thông minh, in ảnh 3D,…Sự thành công của triển lãm Biennale về nghệ thuật truyền thông phải kể đến sự cống hiến của bà Kim Hong-hui, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul, người được truyền cảm hứng từ Paik Nam-june, cha đẻ của nghệ thuật video.



Khởi nguồn đam mê về lịch sử mỹ thuật
Giám đốc Kim Hong-hui là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật truyền thông và nghệ thuật nữ quyền tại Hàn Quốc. Chuyên về mỹ thuật ứng dụng, Kim Hong-hui là người xây dựng phòng trưng bày Ssamji Space trên phố Insadong và bắt đầu dẫn dắt Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul từ năm 2012 đến nay. Trong suốt năm năm qua, với nỗ lực bền bỉ, bà đã khơi nguồn dòng chảy mới cho các dự án triển lãm của bảo tàng. Với chuyên ngành đại học về ngôn ngữ và văn học Pháp, bà Kim Hong-hui dường như không có liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật mà chỉ đơn thuần quan tâm đến đồ cổ tại phường Insa. Thế rồi, khi chồng bà được cử đi nước ngoài làm việc, Kim Hong-hui đã chuyển đến sống tại New York, Mỹ và bắt đầu mối nhân duyên với bảo tàng từ đây. Bà chia sẻ: “Khi đến New York, tôi bị sốc vì hoàn toàn mù tịt về mỹ thuật. Tôi thường đến bảo tàng vào cuối tuần và chỉ biết đến Picasso, Henri Matisse, những họa sĩ nổi tiếng tôi từng được học ở cấp một. Tôi cũng được chiêm ngưỡng những bức tranh của Jackson Pollock, Andy Warhol,… những tác giả mà tôi chưa từng biết đến. Từ đó, tôi bắt đầu học thêm về lịch sử mỹ thuật.”

Trong quá trình nghiên cứu, bà Kim Hong-hui không chỉ tìm hiểu về mỹ thuật mà còn tích lũy được lượng kiến thức chuyên sâu về bối cảnh lịch sử, chính trị - xã hội khi tác phẩm ra đời cũng như triết lý nhân sinh của tác giả. Nhờ đó, bà có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về thế giới xung quanh. Bà giải thích: “Lịch sử mỹ thuật giống như ô cửa sổ mà thông qua đó, tôi được mở rộng tầm mắt và có cái nhìn rộng hơn về thế giới. Lịch sử mỹ thuật là một lĩnh vực tổng hợp, giúp ta tìm hiểu về lịch sử, hoặc biết thêm về Thiên Chúa giáo thông qua nghệ thuật thời trung cổ, và đặc biệt, thay đổi những giá trị về nhân sinh quan của chúng ta, dù không theo học chuyên sâu.”

Nguồn cảm hứng từ Paik Nam-june – cha đẻ của nghệ thuật video
Say sưa tìm hiểu về mỹ thuật, bà có cơ hội gặp được Paik Nam-june, một nghệ sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Hàn. Nhận được lời mời từ người bạn, bà Kim Hong-hui đến thăm Trung tâm nghệ thuật tiên phong “Kitchen” và gặp gỡ Paik Nam-june tại đây. Bà kể lại: “Tôi được xem buổi biểu diễn của nghệ sĩ Paik, người mà trước đây tôi chỉ mới được nghe danh. Ông cho quay cảnh ông đập vỡ đĩa than, đàn vi-ô-lông và chiếu cho người xem, mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ. Sau khi phần trình diễn kết thúc, tôi đã nhặt lại những mảnh vỡ của đĩa than và đàn vi-ô-lông rồi xin chữ ký của ông. Ông ấy đã rất ngạc nhiên và gọi tôi vào phòng thu. Ông đã ký tên lên tất cả những mảnh vỡ tôi cầm theo, để vào một chiếc hộp rồi bảo tôi hãy giữ gìn nó thật kỹ. Có lẽ nghệ sĩ Paik đã cảm động trước những hành động của tôi.”

Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 1980, và những mảnh vỡ có chữ ký của nghệ sĩ Paik Nam-june vẫn được bà Kim Hong-hui nâng niu trong hộp đồ cổ cho đến nay. Với bà, những mảnh vỡ ấy là báu vật số một trong vô vàn kho báu bà đang sở hữu. Cuộc gặp gỡ với Paik Nam-june khi đó đã khiến bà hoàn toàn bị nghệ thuật video mê hoặc và quyết định chọn nghệ thuật video của Paik Nam-june làm đề tài khóa luận thạc sĩ của mình. Sau 10 năm học tập tại New York, Đan Mạch và Canada, Kim Hong-hui trở lại Hàn Quốc và hoàn thành khóa tiến sĩ về lịch sử mỹ thuật tại trường Đại học Hongik. Kể từ năm 1992, bà hoạt động với vai trò là người quản lý triển lãm kiêm nhà phê bình mỹ thuật và chính thức bước chân vào giới mỹ thuật trong nước.

Nhờ có Paik Nam-june, bà Kim Hong-hui học được cách thích nghi và không ngại đối đầu với sự thay đổi của thời đại, luôn tìm tòi cái mới. Kim Hong-hui trở thành cái tên gây được sự chú ý trong giới nghệ sĩ trẻ cấp tiến. Năm 2000, cùng với việc thành lập không gian văn hóa tổng hợp tư nhân Ssamji Space, bà được bổ nhiệm làm giám đốc và bắt đầu làm việc với các tác giả trẻ tuổi. Bà Kim Hong-hui tâm sự: “Tôi có mối quan tâm đến mỹ thuật thế hệ mới nên đã biến Ssamji Space làm không gian nghệ thuật ứng dụng khi khái niệm này còn chưa được biết đến tại Hàn Quốc. Mỹ thuật cần có tính ứng dụng để thay đổi và phát triển. Mỹ thuật có lịch sử lâu đời nên rất khó để thoát khỏi sự ảnh hưởng của tính chính thống, nhưng khi có sự thay đổi, mỹ thuật hiện đại vẫn có thể phát triển mạnh mẽ. Vì thế mà mỹ thuật thế hệ mới đóng vai trò rất quan trọng. Tư duy mới chắc chắn sẽ tạo nên nền mỹ thuật mới. Nhìn các tác giả mỹ thuật thế hệ mới thành công và trưởng thành từng ngày, trở thành các tác giả hàng đầu trong lĩnh vực từ mái nhà Ssamji Space, tôi cảm thấy thực sự tự hào và mãn nguyện.”

Những nghệ sĩ mỹ thuật hiện đại hàng đầu tại Hàn Quốc như Lee Bul, Jung Yeon-doo, Park Chan-kyong, Park Mee-na, đều là những nghệ sĩ đã trải qua những tháng ngày ý nghĩa làm việc cùng Kim Hong-hui tại ngôi nhà chung Ssamji Space. Nhạy bén trước thời đại với con mắt nhìn sắc sảo cùng nhiệt huyết với sự phát triển của mỹ thuật, Giám đốc Kim Hong-hui để lại tiếng vang lớn sau mỗi triển lãm mà bà tổ chức. Đến năm 2005, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí đạo diễn nghệ thuật tại Triển lãm quốc tế Biennale, tổ chức tại thành phố Gwangju, tỉnh Nam Jeolla. Tại triển lãm Biennale khi đó, bà là người dồn nhiều tâm huyết hơn bất kỳ ai, và đây cũng chính là không gian giúp người xem có góc nhìn toàn cảnh về mỹ thuật hiện đại. Bà Kim Hong-hui cho biết thêm: “Biennale là sự kiện tầm cỡ quốc tế giới thiệu về sự thay đổi của mỹ thuật. Hơn nữa, triển lãm này là cơ hội để các nước không thuộc phương Tây giới thiệu về văn hóa nghệ thuật của nước mình. Sau những năm 1990, triển lãm Biennale trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia. Nếu coi Biennale là không gian giao lưu quốc tế thì đây là nơi lý tưởng để quốc tế hóa bảo tàng của chúng tôi.”

Cống hiến cho nền mỹ thuật lấy con người làm trọng tâm
Sau triển lãm Gwangju Biennale, bà Kim Hong-hui bắt đầu dồn tâm huyết cho triển lãm Biennale Media City Seoul kể từ khi bà đảm nhận vị trí Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul vào năm năm trước. Điều mà bà cân nhắc đầu tiên khi tổ chức triển lãm là hạ thấp tiêu chuẩn của bảo tàng. Bảo tàng mà Giám đốc Kim Hong-hui chủ trương xây dựng là một bảo tàng mỹ thuật lấy con người làm trọng tâm, là một không gian giống như khu vui chơi, thu hút mọi người ghé thăm thường xuyên. Bà cho biết: “Tôi hạ thấp tiêu chuẩn của bảo tàng để ai cũng có thể ghé thăm dù không am hiểu nhiều về triển lãm. Tôi đặt những chiếc ghế sô-fa êm ái để mọi người có thể nhắm mắt thư giãn, nghỉ ngơi. Họ sẽ coi bảo tàng giống như phòng ngủ của mình và ghé thăm thường xuyên, dần dần sẽ nảy sinh mối quan tâm đối với mỹ thuật. Thay vì hạ tiêu chuẩn của triển lãm và đại chúng hóa, tôi vẫn duy trì tiêu chuẩn cũ, đồng thời cố gắng bổ sung chú thích để người xem hiểu hơn về tác phẩm. Bảo tàng phải lấy người xem làm trung tâm, là không gian lấy con người làm gốc. Bảo tàng không phải là nơi thể hiện nghệ thuật trong tháp ngà mà là mạng lưới kết nối xã hội, nơi mọi người tìm đến để cùng nhau sẻ chia, từ đó nâng cao ý thức xã hội thông qua mỹ thuật.”

Với mục tiêu xây dựng bảo tàng lấy con người làm trung tâm, Giám đốc Kim Hong-hui luôn giới thiệu đến người xem những triển lãm mang tính đột phá. Năm 2012, Triển lãm Tim Burton của bà đã thu hút đông đảo người xem ở nhiều độ tuổi.

Năm 2015, Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul đã hợp tác với ca sĩ G-Dragon của nhóm nhạc Bigbang tổ chức triển lãm mỹ thuật mang tên “PEACEMINUSONE: Beyond the Stage” với mục tiêu mở rộng đối tượng người xem. Không những thế, bảo tàng còn mở rộng cửa chào đón các nhân viên công sở gần đó ghé thăm vào giờ ăn trưa. Bà Kim Hong-hui cho biết: “Tôi tổ chức “chương trình hộp cơm trưa của nghệ sĩ”. Có rất nhiều người làm việc gần bảo tàng. Thay vì gọi cơm trưa ở nhà hàng, tôi muốn mời họ đến vừa ăn trưa vừa thưởng thức nghệ thuật tại bảo tàng. Ngoài ra, họ có thể trò chuyện cùng các nghệ sĩ và đến gần hơn với nghệ thuật. Hộp cơm trưa của nghệ sĩ được thực hiện đến nay đã được ba năm, mỗi đợt có 50 người được tham gia và số lượng đăng ký trên mạng luôn hết ngay lập tức. Chương trình đã và đang nhận được sự ủng hộ từ mọi người.”

Bà Kim Hong-hui cũng mở ra con đường đào tạo cho những cá nhân muốn trở thành người chỉ đạo tổ chức triển lãm, mang đến cho họ cơ hội tổ chức triển lãm thực tế. Bà nói thêm: “Ai cũng có thể trở thành Curator, nhà quản lý tổ chức triển lãm tại bảo tàng hoặc viện bảo tàng mỹ thuật. Tôi đã tổ chức lớp đào tạo cho những người chưa có kinh nghiệm hoặc người muốn tích lũy kinh nghiệm về mảng tổ chức triển lãm. Trong số đó, tôi chọn ra khoảng 10 người có năng lực và cho họ thực hành tổ chức triển lãm thực tế bằng kinh phí do bảo tàng cung cấp. Những kinh nghiệm thực tế này đã mang đến cho những cá nhân hay tổ chức tham gia rất nhiều trải nghiệm quý báu. Chương trình này đã được tổ chức lần thứ hai sau lần đầu tiên diễn ra vào năm ngoái và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.”

Phát động cuộc cách mạng vì một nền văn hóa dân chủ
Hạ thấp tiêu chuẩn và yêu cầu về trình độ của người xem, số lượng khách tham quan tìm đến Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul ngày càng tăng, triển lãm Biennale cũng gặt hái được thành công nổi bật. Triển lãm Biennale năm nay được tổ chức với phạm vi rộng hơn, thu hút sự tham gia của cả Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul tại Seosomun, Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul phía Nam, Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul phía Bắc và phòng sáng tác Nanji. Đạo diễn nghệ thuật của triển lãm, bà Baek Ji-sook, chia sẻ: “Triển lãm năm nay có thể được mở rộng là nhờ Giám đốc Kim Hong-hui đã lên kế hoạch triển lãm phản ánh đặc trưng của mỗi không gian, củng cố kết nối với người xem. Theo tôi được biết, các triển lãm trước đây thường do tự các cá nhân tác giả lên ý tưởng tổ chức và trưng bày, khó phản ánh được đặc trưng của bảo tàng. Những triển lãm do bà Kim lên kế hoạch thường phân tích kỹ lưỡng bối cảnh văn hóa của khu vực đặt bảo tàng, phản ánh rõ nét đặc trưng của bảo tàng cũng như khu vực trong triển lãm, mang đến nhiều ý tưởng mới lạ cho người xem.”

Phương thức tổ chức các hoạt động bảo tàng vừa độc đáo vừa mang tính đột phá của Giám đốc Kim Hong-hui đang tạo nên cuộc cách mạng dân chủ của nền văn hóa. Nhà báo Kim Yeong-sun của trang báo mạng Oh My News cho biết: “Giám đốc Kim Hong-hui là người xuất chúng, có tầm nhìn rộng, đoán trước tương lai. Không ngoa khi gọi đây là một cuộc cách mạng dân chủ của nền văn hóa, mang đến cơ hội tham gia cho tất cả mọi người trong xã hội. Họ có thể đến xem triển lãm, xua tan những nhọc nhằn, lo toan của cuộc sống, được tiếp thêm sức mạnh để khi quay trở về với thường nhật, họ lại có những sáng tạo mới. Bà Kim Hong-hui đồng thời cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm nhiều hơn và tìm kiếm nhiều cách tiếp cận với công chúng. Qua đó, bà tạo nên tầm ảnh hưởng để thay đổi từng người, và khi họ quay trở về thực tại, họ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống.”

Thoát khỏi hạn chế và lỗi mòn cũ của các bảo tàng, bà Kim Hong-hui quyết tâm nỗ lực phổ biến mỹ thuật rộng rãi hơn nữa trong công chúng. Với mục tiêu và tầm nhìn của mình, bà Kim đang từng bước đưa Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul trở thành một bảo tàng cấp tiến mà bà hằng mơ ước. Giám đốc Kim Hong-hui tâm sự: “Với mục tiêu đặt người xem vào vị trí trung tâm và nâng cao ý thức xã hội, Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul đang khẳng định vai trò của một bảo tàng mang tầm quốc tế nhưng vẫn đậm nét đặc trưng khu vực, từng bước trưởng thành để hướng đến mục tiêu trở thành bảo tàng được người dân yêu mến. Mục tiêu của tôi là biến Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul thành bảo tàng đẹp, thông minh và thân thiện, tức là đẹp trong cách truyền tải cái đẹp đến người xem, thông minh trong chia sẻ thông tin, kiến thức về mỹ thuật, và thân thiện chào đón tất cả mọi đối tượng người xem.”

Lựa chọn của ban biên tập