Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Dàn hợp xướng Thanh xuân, điểm hẹn văn hóa của tầng lớp cao niên Hàn Quốc

2016-09-13

Cứ mỗi thứ Ba hàng tuần, vào lúc hai giờ chiều, các thành viên của một dàn hợp xướng đặc biệt lại bắt đầu buổi luyện thanh tại phòng tập của Trung tâm văn hóa thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeongi.

Chỉ sau một thời gian ngắn khởi động, cả dàn hợp xướng đã kết hợp ăn ý, nhịp nhàng tạo nên những âm điệu mượt mà. Liệu bạn có tin rằng, dàn hợp xướng này bao gồm các thành viên có độ tuổi trung bình là 65?

Dàn hợp xướng mà chúng ta vừa nói đến là Dàn hợp xướng Thanh xuân, gồm các thành viên từng tham gia chương trình truyền hình thực tế “Tư cách đàn ông” của Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc KBS, được phát sóng vào năm 2011. “Thanh xuân” là dàn hợp xướng gồm 40 thành viên ưu tú xuất sắc vượt qua gần 3.000 đối thủ cạnh tranh. Tất cả những thành viên này đều từ 52 tuổi trở lên.



Sau khi Chương trình truyền hình “Tư cách đàn ông” kết thúc vào năm 2013, cùng với sự thay đổi nhỏ về thành viên, dàn hợp xướng Thanh xuân vẫn mang tiếng hát căng tràn sức sống để cống hiến cho khán giả. Họ nói: “Tuổi thanh xuân là mãi mãi. Vì luôn nghĩ như vậy nên tôi có thể tự tin hát ở bất cứ đâu, và vào bất kỳ lúc nào.” “Dù đã ở tuổi 80 và không còn được khỏe mạnh như xưa, tôi vẫn đang tận hưởng quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời. Thanh xuân là thời gian chúng ta tự cảm nhận, khám phá và tô vẽ cuộc sống của chính mình.” “Tôi ước mơ một lần được độc diễn trên sân khấu. Tôi muốn trở thành giọng nữ cao soprano lừng danh tại Gimhae quê hương tôi.”

Dàn hợp xướng Thanh xuân đã từng biểu diễn tại trụ sở Liên hợp quốc, điều mà chưa một dàn hợp xướng nào tại Hàn Quốc làm được, đồng thời góp mặt trên sân khấu của Trung tâm nghệ thuật Seoul, ước mơ của biết bao nghệ sĩ. Không những thế, lời mời biểu diễn từ nhiều tổ chức, đoàn thể trên toàn quốc dành cho dàn hợp xướng vẫn luôn dồn dập không ngớt, khiến chúng ta thêm ngạc nhiên về sức lan tỏa của dàn hợp xướng với các thành viên ở độ tuổi trung bình là 65.

Nơi hội tụ những tài năng cao niên

Trong thời gian phát sóng chương trình “Tư cách đàn ông” của Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS2 từ ngày 3/7 đến 9/10/2011, quá trình tham gia của thành viên dàn hợp xướng Thanh xuân, từ buổi thử giọng, luyện thanh cho đến khi tham gia Liên hoan hợp xướng, đều được chia sẻ trên truyền hình, mang đến cho khán giả những giây phút với nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn cùng các thành viên trong đoàn. Từ những bản hợp xướng xúc động lòng người, đến những giai điệu trẻ trung, sôi động của thế hệ ca sĩ trẻ, không một bản nhạc nào có thể làm khó những thành viên của Thanh xuân. Dàn hợp xướng Thanh xuân đã trở thành biểu tượng của hy vọng, của tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua chính mình của thế hệ người cao tuổi Hàn Quốc.

Những tưởng sau khi chương trình “Tư cách đàn ông” ngừng phát sóng, sân khấu rực rỡ không còn thì Dàn hợp xướng Thanh xuân cũng sẽ tan rã. Nhưng các thành viên một lần nữa đã níu giữ được tuổi thanh xuân của mình. Dàn hợp xướng được tái lập ngay sau khi chương trình truyền hình thực tế ngừng phát sóng. Ông Kwon Dae-wook, người đứng đầu Dàn hợp xướng Thanh xuân, đồng thời là Giám đốc khách sạn Accor Ambassador Korea, cho biết: “Dù chương trình đã kết thúc, chúng tôi đều chưa sẵn sàng để chia tay. Không ai bảo ai, tất cả đều đề xuất tái lập dàn hợp xướng. Sau đó, chúng tôi định ngày và bắt đầu tiến hành ngay trong khi không hề có một kế hoạch cụ thể nào.”



Biến điều không thể thành có thể

Ông Kwon mượn được một phòng tập tại Trung tâm văn hóa thành phố Gwacheon để các thành viên có thể luyện tập vào thứ Ba hàng tuần. Trong thời gian này, dàn hợp xướng có cơ hội biểu diễn nhờ danh tiếng có được từ chương trình truyền hình tham gia trước đây. Tuy nhiên, do hoạt động mà không có mục tiêu rõ ràng, ngọn lửa tinh thần của các thành viên không còn được cháy bỏng như trước. Trước tình hình này, ông Kwon Dae-wook đã đưa ra quyết định táo bạo, đặt mục tiêu đưa nhóm tới biểu diễn tại trụ sở của Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Ông nói: “Chỉ chăm chỉ luyện tập thôi cũng không đủ để tạo nên bước đột phá cho dàn nhạc nếu không đặt ra mục tiêu rõ ràng. Tôi cho rằng một khi đã đặt ra mục tiêu thì phải đặt mục tiêu cao nhất. Vì vậy mà tôi đã tuyên bố nhóm sẽ đến Liên hợp quốc, dù chúng tôi chẳng có mối quen biết và cũng không biết phải làm thế nào để được trình diễn tại đó. Ban đầu ai cũng nghĩ đây là điều không thể. Họ không tin một dàn hợp xướng không tên tuổi như chúng tôi có thể làm được điều này.”

Đó là một nhiệm vụ không hề khả thi. Ông Kwon Dae-wook đã cố gắng tận dụng mọi mối quan hệ quen biết để liên lạc với Liên hợp quốc, nhưng câu trả lời họ nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu. Với niềm tin ước mơ sẽ thành hiện thực nếu theo đuổi đến cùng, cánh cửa hy vọng cuối cùng cũng mở ra với dàn hợp xướng Thanh xuân. Phái đoàn đại diện thường trực Hàn Quốc tại Liên hợp quốc đã tạo cơ hội cho họ được biểu diễn nhân “Ngày quốc tế phòng chống ngược đãi người cao tuổi” 15/6/2016. Phó đoàn ông Yoon Hak-soo, tổng phụ trách buổi công diễn tại Liên hợp quốc, chia sẻ: “Ông Kwon Dae-wook đề xuất dự án đưa nhóm đến Liên hợp quốc biểu diễn và giao cho tôi phụ trách. Lúc đó tôi đã nghĩ đây là điều không tưởng. Nhưng dần dần, con đường đến biểu diễn tại Liên hợp quốc ngày càng ngắn lại. Đại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Oh Joon có nói với tôi rằng ông đã rất cảm động khi chúng tôi thực hiện được ước nguyện này. Được đứng trên sân khấu của Liên hợp quốc biểu diễn, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Phải đến khi chương trình kết thúc và chúng tôi bước ra khỏi cánh cửa của trụ sở Liên hợp quốc, tôi mới định thần lại được.”

Mãi mãi tuổi thanh xuân

Ngay khi nghe đến câu hát “Cuộc đời phải đến 70 tuổi mới gọi là bắt đầu!”, các vị đại sứ có mặt tại buổi biểu diễn đã hưởng ứng nhiệt liệt và không ngớt vỗ tay. Giống như lời bài hát, cuộc đời của dàn hợp xướng Thanh xuân đến 70 tuổi mới gọi là bắt đầu. Những giọng ca ở tuổi 70 đã trình diễn thành công hơn cả sự mong đợi tại Liên hợp quốc, một sân khấu mà ngay cả những nghệ sĩ trẻ ở độ tuổi 20 và 30 cũng không dám mơ tới. Chính nhiệt huyết cháy bỏng chỉ có ở dàn hợp xướng Thanh xuân đã giúp họ biến điều không thể thành có thể.

Thanh xuân cũng là dàn hợp xướng duy nhất của Hàn Quốc gồm các thành viên đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Bà Yang Song-ja, nay đã 82 tuổi, là thành viên lớn tuổi nhất của dàn hợp xướng. Bà không quản ngại đường xa, vẫn đều đặn hàng tuần đổi tàu tổng cộng 12 lần để từ huyện Wanju, tỉnh Bắc Jeolla (miền Tây Nam Hàn Quốc) đến phòng tập ở Gwacheon. Bà Kim Sam-soon cũng không hề kém cạnh khi đi theo lộ trình từ Gimhae, tỉnh Nam Gyeongsang (miền Đông Nam Hàn Quốc), đến Gwacheon vào thứ Ba hàng tuần. Với nụ cười luôn nở trên môi, chẳng một ai than thở mệt nhọc khi phải vượt đường xa đến tham dự buổi luyện thanh. Bà Kim Sam-soon tâm sự: “Riêng thời gian ngồi trên xe buýt là năm tiếng, tổng cộng tôi ngồi khoảng sáu tiếng trên ô tô để đến luyện tập cùng mọi người. Trong sáu tiếng đó, tôi tận dụng thời gian ôn luyện thanh nhạc. Tôi thấy hạnh phúc vì được làm điều mình thích.”

Không có bất kỳ sự ưu đãi nào dành cho người già, dàn hợp xướng Thanh xuân luôn luyện tập vô cùng nghiêm túc. Nhạc trưởng Kim Sang-gyung cho biết: “Việc tự mình đặt mục tiêu thử hát liền ba bài mà không uống một ngụm nước nào rất quan trọng. Khi luyện tập, người biểu diễn cần chinh phục được những giới hạn của bản thân, ví dụ như luyện cả một bản nhạc 15 phút không được ngắt quãng. Ở đây, sự tự tin rất quan trọng. Dù bạn có hát hơi lệch tông cũng không sao, vì mục tiêu cao nhất là là sự tập trung khi biểu diễn.”

Dù có những lúc mải luyện tập mà không kịp uống một giọt nước nào, sự nhẫn nại và chăm chỉ của các thành viên dàn hợp xướng Thanh xuân đã tạo nên bản hòa âm tuyệt vời. Giọng nữ trầm alto, bà Park Hyun-ran chia sẻ: “Nhạc trưởng Kim Sang-gyung cực kỳ nghiêm khắc và luôn góp ý mỗi khi chúng tôi làm chưa đúng. Đến tuổi này, chúng tôi hầu như không có cơ hội bị mắng mỏ nữa, nhưng tôi lại thích được phê bình để tự điều chỉnh bản thân cố gắng hơn nữa. Trước đây tôi không biết cách điều chỉnh hơi khi hát. Sự chỉ bảo của ông ấy khiến tôi thêm tự tin về năng khiếu ca hát của mình. Tôi tự thấy mình đã có nhiều tiến bộ.”

Dàn hợp xướng Thanh xuân – liều thuốc tinh thần kỳ diệu

Chăm chỉ luyện tập để vượt qua giới hạn của bản thân, các thành viên thậm chí đã tìm thấy được ánh sáng trong tâm hồn. Thành viên Shim Yang-soon bị mù do bệnh lý về võng mạc và ung thư, nhưng nhờ có dàn hợp xướng Thanh xuân, thế giới lại một lần nữa hiện ra trước mắt bà. Bà tâm sự: “Dàn hợp xướng là cửa sổ giúp tôi nhìn ra thế giới. Với sự cố gắng của bản thân, tôi hy vọng đã phần nào mang lại dũng khí cho không chỉ người tàn tật mà cả những người bình thường khác, động viên họ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Trước đây, mọi người trong gia đình không cho tôi ra ngoài vì sợ tôi quá ốm yếu về cả thể chất lẫn tinh thần. Mọi người dặn dò nhau không được để cho tôi ra ngoài một mình. Khi đó tôi suy sụp tinh thần và khóc rất nhiều. Nếu không có dàn hợp xướng Thanh xuân, có lẽ giờ này tôi vẫn đang thu lu một góc ở nhà. Cuộc sống của tôi đã có nhiều thay đổi. Giờ đây, mỗi ngày với tôi đều là một ngày vui.”

Gần đây, thành viên Song Gyung-ae của dàn hợp xướng Thanh xuân đã đứng ra thành lập nhóm hợp xướng Thanh xuân khác tại thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, và đảm nhận vị trí nhạc trưởng dàn hợp xướng này. Năm nay, bà đã cùng dàn hợp xướng của mình tham gia Cuộc thi hợp xướng thế giới lần thứ chín, tổ chức tại Sochi, Nga, và giành giải vàng của cuộc thi. Bà cho biết: “Dàn hợp xướng Thanh xuân của thành phố Chuncheon có các thành viên đều là những ca sĩ nghiệp dư. Với 46 người đều ở độ tuổi trung bình là 70 tuổi, thì ngay việc di chuyển quãng đường xa bằng máy bay cũng đã là điều khó khăn, chứ chưa nói đến những việc khác. Song chúng tôi đã cùng lên đường, ngồi trên chuyến bay đến Mát-xcơ-va suốt tám tiếng đồng hồ, rồi ngày hôm sau mất thêm ba tiếng 40 phút để đến Sochi. Đây quả thật là một kỳ tích. Chúng tôi chuẩn bị tám bài biểu diễn mang đến dự thi. Nhờ tham gia dàn hợp xướng Thanh xuân từ những ngày đầu mà tôi mới có thể làm được điều này.”

Quản lý Lee Man-duk, người từng mang theo túi truyền dịch sau phẫu thuật ghép gan và thận đến đăng ký buổi thử giọng tuyển thành viên cho dàn hợp xướng Thanh xuân, nay đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Ông quan điểm rằng con người chỉ già đi khi người ta tự đặt giới hạn cho bản thân. Ông nói: “Tôi hy vọng dàn hợp xướng Thanh xuân sẽ giúp những người về hưu có thêm niềm hy vọng vui sống. Tuổi trung bình của thành viên dàn hợp xướng là 65 tuổi. Nhờ có dàn hợp xướng mà chúng tôi tìm được niềm vui cuộc sống, cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có thể chạm đến tâm hồn của mọi người với nỗ lực của bản thân. Tôi mong mọi người đừng dễ dàng từ bỏ niềm vui sống chỉ vì mình đã về hưu. Niềm hy vọng rằng mình có thể làm bất cứ điều gì và được làm những điều mình thích sẽ giúp cuộc sống của bạn thêm hạnh phúc và ý nghĩa.”

Lan tỏa niềm vui tuổi già tới muôn nơi

Vượt qua khó khăn, chinh phục những thử thách mới, dàn hợp xướng Thanh xuân đã tỏa sáng trên sân khấu biểu diễn của Trung tâm nghệ thuật Seoul vào ngày 6/5 vừa qua. Từ ý tưởng của dàn hợp xướng Thanh xuân, những con người của ba thế hệ gồm thanh thiếu niên, trung niên và cao niên, đã cùng hòa âm trong bản đại hợp xướng lần này.

Trong mùa thu này, ngoài việc chuẩn bị cho các buổi công diễn, các thành viên dàn hợp xướng Thanh xuân còn có những bài tập cho riêng mình. Họ sẽ đem tài năng trau dồi và tích lũy trong suốt một năm qua, trình diễn trước các thành viên khác trong buổi thử giọng diễn ra vào cuối năm. Vươn tới ước mơ qua những bài hát, mục tiêu hiện tại của dàn hợp xướng Thanh xuân là trở thành dàn hợp xướng cao niên hàng đầu thế giới. Bánh xe thời gian đã ngừng quay trước sức sống dẻo dai của dàn hợp xướng Thanh xuân. Với họ, không gì là không thể. Cuối cùng, ông Kwon Dae-wook chia sẻ: “Bước ra thế giới và khẳng định bản thân là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi muốn trở thành dàn hợp xướng giúp nâng cao vị thế và hình ảnh của Hàn Quốc trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những dàn hợp xướng dành cho người cao tuổi trên khắp mọi miền tổ quốc. Tại đây, mỗi người không chỉ tận hưởng niềm vui cuộc sống, mà còn được đóng góp cho xã hội. Nhờ những hoạt động như thế này, Hàn Quốc sẽ trở thành một đất nước vui tươi và hạnh phúc. Hãy cùng nhau tạo nên làn sóng mới của dàn hợp xướng cao niên.”

Lựa chọn của ban biên tập