Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Jeong-seung, đạo diễn nghệ thuật của Cung biểu diễn nhạc truyền thống Donhwamun, Seoul

2016-09-20

Đối diện Donhwamun (Đôn Hóa môn), cổng chính của cung điện Changdeok (Xương Đức), một ngôi nhà Hanok truyền thống mang nét đẹp sang trọng, thanh cao được xây mới phía bên đường.

Đi qua cánh cửa lớn rộng mở hướng về phía cổng Donhwa của cung Changdeok, hiện ra trước mặt bạn sẽ là một thảm cỏ xanh vuông vắn, thoáng đãng, mang đậm nét đặc trưng của một căn nhà Hanok truyền thống. Mảnh sân ấm cúng mang tên “vườn Gukak” (vườn Nhạc truyền thống Hàn Quốc) là không gian thiết kế dành cho những buổi tiệc biểu diễn ngẫu hứng vào bất cứ lúc nào. Một số người chia sẻ: “Không gian thật ấm cúng khiến cho tôi có cảm giác như đang ở quê nhà. Thiết kế không gian ở đây mang nét tinh tế và tao nhã.” “Làn gió mùa thu cùng ánh sáng mờ ảo chiếu vào không gian nhà hát tạo nên một đêm thu thật hoàn hảo.” “Một ngôi nhà Hanok truyền thống nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng trong lòng thành phố tạo nên sự độc đáo. Tôi cảm thấy yên bình và hoàn toàn hòa mình trong khung cảnh đêm thu lãng mạn khi nghe nhạc truyền thống tại đây.”

Ngôi nhà mang tên Cung biểu diễn nhạc truyền thống Donhwamun này là không gian lý tưởng cho các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống. Phải chăng vì thế mà tuy mới xây dựng chưa lâu, nhưng nhà hát dưới tầng hầm là nơi thường xuyên diễn ra các buổi biểu diễn nhạc truyền thống. Đặc biệt, nơi đây đang ngập tràn không khí tưng bừng của lễ hội khánh thành.



Donhwamun – ngôi nhà ấm cúng mang âm nhạc đến gần với khán giả
Với không gian ấm cúng được bố trí 140 ghế ngồi, nhà hát của Cung biểu diễn nhạc truyền thống Donhwamun mang đến cho khán giả không khí giống với một buổi yến tiệc tổ chức tại sàn Maru (khoảng sàn nối giữa các căn phòng) của nhà quý tộc xưa.

Trong không gian nhà hát tận dụng hiệu quả âm thanh tự nhiên mà không sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ. Do đó, người nghệ sĩ phải phát huy hết tài năng bản thân để truyền cảm hứng âm nhạc đến khán giả. Song, dù có áp lực đến đâu thì những nghệ sĩ nhạc truyền thống vẫn vô cùng yêu sân khấu biểu diễn này. Nghệ sĩ sáo trúc dọc ngắn Danso Lee Yong-gu tâm sự: “Âm thanh biểu diễn của các nghệ sĩ được truyền trực tiếp đến tai người nghe do không sử dụng micro. Đây giống như Sarangbang, căn phòng tiếp khách nhỏ trong gia đình thời xưa, nơi các vị cao tuổi thường tụ tập biểu diễn nhạc cụ cùng nhau. Không sử dụng hiệu quả kỹ thuật để truyền tải âm nhạc, Cung biểu diễn Donhwamun giúp âm nhạc chạm tay đến gần hơn với khán giả.”

Phía sau sự hài lòng của người biểu diễn cũng như người thưởng thức, luôn có một người quan sát thầm lặng và tự hào về những thành quả có được. Đó chính là anh Kim Jeong-seung, đạo diễn nghệ thuật của Cung biểu diễn âm nhạc truyền thống Donhwamun. Cung biểu diễn âm nhạc truyền thống Donhwamun được ra đời tại nơi từng là cái nôi của nền âm nhạc truyền thống nước nhà. Nơi đây, giờ đã trở thành một nhà hát lý tưởng để nghệ sĩ và khán giả thỏa sức đắm chìm trong những giai điệu âm nhạc truyền thống. Anh cho biết: “Tôi cảm nhận được trọng trách nặng nề đặt trên vai. Hội nghiên cứu thanh nhạc Joseon, Trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc - tiền thân là viện đào tạo âm nhạc cung đình thuộc Cơ quan nội chính hoàng gia là các cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ truyền thống âm nhạc nước nhà. Trong đó, Hội nghiên cứu thanh nhạc Joseon, nơi hội tụ nhiều danh ca trên toàn quốc, đã sáng tạo ra thể loại nghệ thuật mới là Changgeuk (Xướng kịch), một thể loại nhạc opera truyền thống. Có thể nói, nơi đây từng là trung tâm của văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc. Tôi mong rằng Cung biểu diễn âm nhạc truyền thống Donhwamun sẽ là sự khởi đầu trên hành trình tìm lại sức sống vốn có, thông qua đó, nghệ thuật truyền thống nước nhà được biết đến rộng rãi và khởi sắc trong tương lai không xa”

Tài năng thừa hưởng từ ông nội
Đảm nhận trọng trách chấn hưng Cung biểu diễn nhạc truyền thống Donhwamun trong giai đoạn đầu, Kim Jeong-seung là người đầu tiên hoàn thành khóa tiến sĩ chuyên ngành biểu diễn sáo trúc ngang Daegeum tại Trường Đại học quốc gia Seoul. Anh từng tham gia biểu diễn cho Đoàn chính nhạc Trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống quốc gia Hàn Quốc trong suốt 16 năm, sau đó giảng dạy tại Trường Đại học nghệ thuật tổng hợp Seoul.

Kim Jeong-seung có hiểu biết sâu rộng về nhạc cung đình và được các nghệ sĩ hàng đầu Hàn Quốc đánh giá cao về tài năng. Anh đã tìm tòi khám phá kỹ thuật biểu diễn nhạc cụ truyền thống mang phong cách hiện đại, từ đó mở rộng phạm vi biểu diễn của nhạc cụ truyền thống. Những nỗ lực mà anh cống hiến bắt nguồn từ cuộc sống có phần ảnh hưởng từ người ông của mình. Kim Jeong-seung chia sẻ: “Ông tôi thường luyện nhạc cụ đến tận sáng sớm và có thói quen sinh hoạt điều độ, chính xác về thời gian. Ông hoạt động như một chiếc đồng hồ, thức dậy vào lúc bốn giờ sáng, chơi nhạc Pungryu (phong lưu), sau đó ăn sáng đúng nửa bát cơm vào thời gian đã định trong vòng từ 10 đến 15 phút không hơn không kém. Ngày ngày, ông đi dạo, đọc sách vào cùng một giờ. Ngay cả việc tập nhạc, ông tôi cũng rất nghiêm khắc với bản thân. Ông lấy âm nhạc để tự rèn luyện bản thân, giống như bao người thuộc giới tri thức thời Joseon.”



Kim Mu-gyu, ông ruột của Kim Jeong-seung được truyền thụ lại kỹ thuật đánh đàn tranh sáu dây Geomungo từ nghệ sĩ dòng nhạc phong lưu lừng danh Kim Yun-deok và sáo trúc dọc Danso từ nghệ sĩ Jeon Yong-sun.

Ông Kim Mu-gyu tuy không lấy âm nhạc làm nghề, nhưng vì đam mê nhạc phong lưu nên phòng khách trong nhà ông ở huyện Gurye, tỉnh Nam Jeolla luôn tấp nập người đến nghe và trình diễn nhạc phong lưu, dần dần trở thành điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ lừng danh khắp cả nước. Cũng nhờ thế, Kim Mu-gyu trở thành nghệ sĩ kế thừa và bảo tồn nghệ thuật nhạc phong lưu được tấu bằng đàn huyền cầm Julpungryu vùng Gurye, di sản văn hóa phi vật thể quan trọng quốc gia số 83.

Lớn lên trong tiếng nhạc Pungryu, thật dễ hiểu khi bản thân Kim Jeong-seung cũng bị cuốn hút bởi những giai điệu truyền thống. Anh bày tỏ: “Được nghe nhạc truyền thống tại nhà ông là một điều tuyệt vời đối với tôi. Gurye là vùng quê hẻo lánh nên không có nhiều sự kiện văn hóa. Có lẽ vì thế tôi lại càng thích nghe nhạc truyền thống hơn. Ban đầu tôi thường học lỏm, nhưng sau đó sự chăm chỉ của tôi đã thuyết phục ông truyền dạy cho tôi những kỹ thuật chơi nhạc. Ông phản đối việc coi âm nhạc là một nghề để kiếm sống, vì như thế, con người không thể cảm thụ, khám phá hết cái hồn và bản chất của âm nhạc. Nhưng cuối cùng tôi vẫn được ông ủng hộ khi quyết định theo đuổi âm nhạc truyền thống.”

Sứ giả gắn kết truyền thống và hiện đại
Sở hữu tố chất và tài năng chơi nhạc Pungryu, cùng với nỗ lực và sự kiên trì, Kim Jeong-seung đã trở thành nghệ sĩ sáo trúc ngang Daegeum số một của Hàn Quốc. Ngoài ra, luôn hiếu kỳ với cái mới, anh đã bắt đầu tham gia biểu diễn tại Đức, cái nôi của nền âm nhạc cổ điển. Bởi anh tin rằng, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc có thể bay cao, bay xa đến trời Âu, nơi con người quan tâm nhiều đến nền văn hóa của các quốc gia khác. Kim Jeong-seung nói tiếp: “Nhạc truyền thống Hàn Quốc không quá xa lạ đối với người phương Tây, đặc biệt là Đức và các nước châu Âu. Họ luôn quan tâm và sẵn sàng tiếp nhận nền văn hóa mới, thể loại mới, nghệ thuật mới. Việc khám phá âm điệu mới lạ của nhạc cụ phương Đông và kết hợp với nhạc cụ đất nước họ giúp họ thỏa mãn nhu cầu đào sâu tìm hiểu nền văn hóa mới của một quốc gia khác. Điều này cũng có thể xảy ra ở Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng cần có những hoạt động như vậy. Chắc hẳn nó sẽ rất thú vị. Sự nghiệp của tôi xuất phát từ niềm hy vọng đó. Đó cũng là lý do tôi đã biểu diễn tại Đức suốt thời gian dài.”

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian hoạt động tại Đức, Kim Jeong-seung đã thành lập nhóm nhạc Hàn Quốc hiện đại (CMEK) chuyên biểu diễn nhạc hiện đại đầu tiên trong giới âm nhạc truyền thống. Sau nhiều ngày trăn trở làm thế nào để có thể biểu diễn 12 thang âm của phương Tây bằng năm thang âm của nhạc truyền thống Hàn Quốc, cuối cùng Kim Jeong-seung đã tìm ra kỹ thuật chơi nhạc hiện đại và hiện thực hóa ý tưởng qua nhóm nhạc Hàn Quốc hiện đại.

Được thành lập đã 18 năm, nhóm nhạc hiện đại Hàn Quốc giờ đây được đánh giá cao khi sử dụng nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc để biểu diễn âm nhạc cổ điển phương Tây, tạo nên sự đa dạng trong nội dung biểu diễn của nhạc cụ truyền thống. Kim Jeong-seung đã góp phần nâng cao tính đại chúng của nhạc truyền thống thông qua việc biểu diễn nhạc cụ truyền thống theo phong cách hiện đại. Bên cạnh đó, anh Kim Jeong-seung cũng không quên sứ mệnh kế tục truyền thống vốn có của dân tộc và còn nhận được nhiều lời khen ngợi về tầm hiểu biết cũng như tài năng biểu diễn nhã nhạc. Kim Jeong-seung hiện là thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn nghệ thuật Chính nhạc Jeongnong-akhoe (Chính nông nhạc hội). Đây là nhóm biểu diễn nhạc cung đình gồm các nghệ sĩ lừng danh của Hàn Quốc. Anh giải thích: “Jeongnong-akhoe là nhóm biểu diễn nhạc truyền thống uy tín nhất tại Hàn Quốc, gồm các nghệ sĩ gạo cội của dòng nhạc nhã nhạc Jeongak (Chính nhạc). Jeongnong-akhoe có nghĩa là “Nuôi trồng những mầm giống âm nhạc chính thống tác động tâm tính con người”. Các thành viên vốn là những người dày dặn kinh nghiệm và được công chúng mến mộ nên những người trẻ tuổi như tôi khó có thể gia nhập. Nhưng về sau, nhóm đã mở rộng đối tượng thành viên. Để được kết nạp vào nhóm, cần phải nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên. Trong các bậc tiền bối gia nhập nhóm, cũng từng có vài người trẻ tuổi và tôi cũng vinh dự khi được giới thiệu vào nhóm.”

Xây dựng nền âm nhạc mang tinh thần của thời đại
Để Kim Jeong-seung có thể truyền tải được nguyên vẹn cái hồn của chính nhạc, không thể không nói đến tầm ảnh hưởng từ người ông của anh, không chỉ trong công việc, trong âm nhạc mà cả trong đời sống sinh hoạt thường ngày. Anh nói: “Jeongak (Chính nhạc) không chỉ là âm nhạc mà còn là tinh thần chứa đựng trong đó. Chính nhạc là âm nhạc của tầng lớp trí thức thời Joseon. Để định nghĩa âm nhạc của lớp trí thức là gì, trước hết cần phải hiểu rõ về tầng lớp trí thức. Theo tôi, trí thức là tầng lớp luôn giữ được nhân phẩm, đồng thời là những người luôn trăn trở và nỗ lực để phát huy và giữ vững tinh thần của thời đại. Điều đó có nghĩa, tầng lớp trí thức phải mang trong mình tinh thần của thời đại, có nhân cách và có chí hướng. Âm nhạc mà họ hướng đến cũng là nền âm nhạc có giá trị sâu sắc.”

Âm nhạc của Kim Jeong-seung chứa đựng tinh thần của tầng lớp trí thức cao quý và tinh thần của thời đại. Tinh thần này đã tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Anh luôn sẵn sàng đối đầu với thử thách mới và không ngại thay đổi. Vì thế, chức Đạo diễn nghệ thuật Cung biểu biễn nhạc truyền thống Donhwamun được tạo ra là để dành cho Kim Jeong-seung. Nghệ sĩ sáo trúc dọc ngắn Danso Lee Yong-gu chia sẻ: “Kim Jeong-seung là nghệ sĩ tiên phong đón đầu thử thách mới. Anh ấy có tư tưởng cấp tiến ngay từ thời còn đi học và là người không ngừng học hỏi. Tôi tin rằng Kim Jeong-seung sẽ đưa Cung biểu diễn nhạc truyền thống Donhwamun lên một tầm cao mới.”

“Lên men” cuộc sống bằng âm nhạc truyền thống
Buổi công diễn “Hương vị của nhạc truyền thống” lấy ý tưởng từ các buổi yến tiệc tổ chức tại Cung Changdeok vào triều đại Joseon dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới sẽ là bước tiến tiếp theo giúp Kim Jeong-seung tỏa sáng. Khán giả sẽ không chỉ được thưởng thức giai điệu của nhạc cung đình, nhạc phong lưu, dòng nhạc Sanjo đầy tự do ngẫu hứng và hát kể chuyện Pansori, mà còn có cơ hội tham gia bữa tiệc với đầy đủ các loại bánh trái và món ăn truyền thống, giống như một buổi yến tiệc thực sự. Anh Kim Jeong-seung nói thêm: “Ẩm thực Hàn Quốc được ví như tác phẩm nghệ thuật của kỹ thuật lên men. Âm nhạc truyền thống cũng vậy. Tôi đã lên kế hoạch cho chương trình biểu diễn nhạc truyền thống “Hương vị nhạc truyền thống” tổ chức vào tháng 10 sắp tới. Tôi muốn đây sẽ trở thành một sân khấu nơi mọi người vừa thưởng thức nhạc truyền thống, vừa cảm nhận nét hấp dẫn trong hương vị lên men nồng say của ẩm thực Hàn Quốc.”

Duy trì nét hấp dẫn trong hương vị truyền thống và khoác chiếc áo rực rỡ sắc màu lên nền âm nhạc truyền thống nước nhà, Kim Jeong-seung mong ước chính cuộc sống của anh sẽ trở thành một nét nghệ thuật. Anh muốn chạm đến tâm hồn khán giả chỉ qua những cử chỉ, ánh mắt. Với nhiều tham vọng nhằm cống hiến cho sự nghiệp phát triển nền âm nhạc truyền thống, những câu chuyện, những màn biểu diễn có bàn tay chăm chút của Kim Jeong-seung sẽ hứa hẹn nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn. Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng một người nghệ sĩ cần mang theo nghệ thuật trong cả cuộc sống đời thường. Để ngay cả họ chưa biểu diễn, chỉ cầm nhạc cụ đứng trên sân khấu, ánh mắt và cử chỉ của họ cũng đủ khiến khán giả cảm động. Khi đó, âm thanh mà người nghệ sĩ tạo ra không còn quan trọng đối với khán giả nữa. Cần “lên men” cuộc sống để khiến khán giả say mê. Đó là đỉnh cao mà chắc hẳn ai cũng muốn đạt tới.”

Lựa chọn của ban biên tập