Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Thần đồng âm nhạc truyền thống, danh ca tài năng Yu Taepyungyang

2016-10-04

Ngày 23/9 vừa qua, vở nhạc kịch theo phong cách nhạc truyền thống “Truyện L’orfeo” của đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã ra mắt khán giả tại Nhà hát Haeoreum (Mặt trời mọc) thuộc Trung tâm Nhà hát quốc gia, phường Jangchung, thủ đô Seoul. Qua vở diễn được biến tấu từ câu chuyện về nhân vật Orpheus trong thần thoại Hy Lạp, đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã lần đầu tiên mang đến sự kết hợp độc đáo, mới lạ giữa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc và thể loại nhạc kịch opera.

Không chỉ đơn thuần là những giai điệu, âm thanh hoặc cách tấu Chuimsae đệm bài hát trong thể loại âm nhạc kể chuyện Pansori, sân khấu lần này như bùng nổ với những điệu múa, bài hát với sự kết hợp giữa Changgeuk (Xướng kịch), một thể loại nhạc kịch truyền thống của Hàn Quốc, và thể loại âm nhạc hip hop hiện đại. Một vài khán giả bày tỏ cảm nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi được xem vở nhạc kịch truyền thống Changgeuk và hoàn toàn bị hấp dẫn bởi loại hình nghệ thuật tuyệt vời này. Thật khó để so sánh Changgeuk với thể loại nhạc kịch phương Tây. Sân khấu hoành tráng và các yếu tố kịch tính của vở diễn đã khiến tôi rất ngạc nhiên.” “Vở kịch rất thú vị, khiến khán giả vô cùng thích thú. Sân khấu được đầu tư hoành tráng hơn rất nhiều so với những vở diễn tôi đã từng xem. Tôi vẫn nghĩ buổi biển diễn âm nhạc truyền thống sẽ nhàm chán và không có gì mới, nhưng ngược lại, vở diễn lần này lại rất thú vị. Vở kịch này dễ nghe, và chắc chắn cũng sẽ được thế hệ trẻ yêu thích.” “Vở kịch mang tính đại chúng, pha chút opera hiện đại nhưng vẫn giữ được nét hấp dẫn truyền thống. Vở kịch này sẽ khiến những người lâu nay có định kiến với Changgeuk phải thay đổi suy nghĩ.”



Vở kịch kể câu chuyện về thanh niên Hàn Quốc với nhân vật Orpheus trong thần thoại Hy Lạp được biến thành Ol-pe, và vợ Orpheus là Eurydice được đặt tên là E-ul. Sau một tai nạn bất ngờ, Ol-pe mất đi người yêu là E-ul và rơi vào tuyệt vọng. Cơ hội gặp gỡ dưới âm phủ được mở ra cho đôi tình nhân. Để cùng E-ul quay trở lại trần gian, Ol-pe tuyệt đối không được quay đầu lại cho đến khi đã hoàn toàn lên trên mặt đất. Nhưng cuối cùng Ol-pe đã ngoảnh lại nhìn E-ul…

Sân khấu hoa lệ, ánh đèn ảo diệu trên nền nhạc hoành tráng hoàn toàn lôi cuốn khán giả, đưa họ vào thế giới tưởng tượng đầy màu sắc. Trên sân khấu ấy, chàng nghệ sĩ Yu Taepyungyang, thần đồng nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak trước đây, đã gặp lại khán giả trong vai nam chính Ol-pe. Hai khán giả nữ cho biết: “Yu Taepyungyang không chỉ hát Xướng kịch hay mà còn rap giỏi nữa. Vở diễn thật tuyệt vời. Tôi đã hoàn toàn bị cuốn hút.” “Tôi vốn không mấy quan tâm đến thể loại hát kể chuyện Pansori, nhưng phải công nhận là nghệ sĩ Taepyungyang hát rất hay. Phần biểu diễn của nhân vật nam chính là sự kết hợp hài hòa giữa opera và Xướng kịch.”

Lớn lên cùng nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak
Nhắc đến Yu Taepyungyang, mọi người sẽ nhớ ngay đến cậu bé thần đồng Pansori trong giới nhạc truyền thống Hàn Quốc, người đã thể hiện xuất sắc bản trường ca kể chuyện “Anh em nhà Heungbo” vào năm 1988, khi mới chỉ sáu tuổi. Hoàn thành bản trường ca kéo dài ba tiếng đồng hồ mà không chút rụt rè, sợ hãi, kỷ lục này của cậu bé sáu tuổi Yu Taepyungyang hiện vẫn chưa ai có thể vượt qua. Giờ đây, khi đã trở thành chàng thanh niên 24 tuổi, Taepyungyang muốn thể hiện cho khán giả thấy hình ảnh của một danh ca trưởng thành, chín chắn của dòng hát nhạc kể chuyện Pansori. “Truyện L’orfeo” kết hợp nhạc kịch truyền thống Changgeuk và opera, sự thử nghiệm mới lạ đầu tiên của đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia, là sân khấu mà danh ca Yu Taepyungyang ra mắt khán giả trong vai nam chính. Anh cho biết: “Truyện L’orfeo” là tác phẩm đầu tiên tôi đảm nhận vai nam chính kể từ khi gia nhập đoàn kịch nên tôi rất hồi hộp, căng thẳng, nhưng cũng có chút kỳ vọng. Có thể trong mắt nhiều khán giả, tôi vẫn còn là cậu bé cấp một nhỏ tuổi, nên nhiều người không nhận ra tôi. Đến phần giới thiệu diễn viên, khán giả rất ngạc nhiên khi thấy tôi đã lớn. Hình ảnh về cậu bé thần đồng Yu Taepyungyang đã ăn sâu vào tâm trí của khán giả. Tôi muốn thoát khỏi cái bóng của chính mình năm sáu tuổi đó, và đang nỗ lực để khán giả nhớ đến tôi như một nghệ sĩ trẻ để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc Hàn Quốc.”

Yu Taepyungyang học hát kể chuyện Pansori từ năm lên ba và đã có 21 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật này. Những giai điệu âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc đã trở nên thân quen quá đỗi với Yu Taepyungyang ngay từ khi còn chưa lọt lòng. Bố của Taepyungyang từng theo học luật đã bắt đầu tiếp xúc với lối hát kể chuyện ở ngưỡng tuổi 30, và say mê với những giai điệu của Pansori kể từ đó. Với Taepyungyang, nhạc truyền thống Gukgak được ví như hơi thở, lẽ sống thường ngày. Chàng nghệ sĩ trẻ tài năng chia sẻ: “Gukak gắn bó với tôi mỗi ngày khi tôi thức dậy. Tôi theo dõi mọi bộ phim cổ trang, bất kể là phim truyền hình hay điện ảnh, và khóc cùng tiếng đàn tranh Ajaeng trong phim. Tôi được nghe nhạc Gukak từ khi chưa lọt lòng. Vì sinh ra trong môi trường gia đình yêu thích nhạc truyền thống, Gukak đối với tôi tự nhiên như lẽ sống vậy.”

Tài năng thiên bẩm
Đối với bố Taepyungyang, không gì vui sướng hơn khi nhìn đứa con trai bé bỏng mới chỉ ba tuổi đã thể hiện niềm yêu thích với nhạc truyền thống. Ông dẫn cậu tìm đến người thầy của mình là danh ca dòng hát kể chuyện Pansori Jo Tong-dal để theo học. Những buổi học hát của Taepyungyang bắt đầu từ đây. Ba năm sau, một đứa trẻ sáu tuổi còn chưa làm quen hết với mặt chữ cái tiếng Hàn Hangeul đã thuộc lòng trường ca hát kể chuyện Pansori Heungboga (Anh em nhà Heungbo).

Bản trường ca biểu diễn kết hợp với động tác xòe ra gấp lại rồi vung vẩy chiếc quạt cầm trên tay đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Một cậu bé sáu tuổi làm chủ cả sân khấu, ngân nga trường ca “Anh em nhà Heungbo” trong ba giờ đồng hồ đã khiến cả những danh ca nổi tiếng phải ngả mũ thán phục. Nhà bình luận âm nhạc Yoon Jung-gang nói: “Trước khi chứng kiến Yu Taepyungyang biểu diễn trọn vẹn một bản trường ca Pansori, cả xã hội Hàn Quốc vẫn nghĩ không có một đứa trẻ nào có thể hát được thể loại này. Khi đó tôi cũng cho rằng Pansori chỉ dành cho người lớn tuổi, nhưng rốt cuộc đã có một đứa trẻ thể hiện loại hình âm nhạc này một cách vô cùng xuất sắc. Thông thường, khi một đứa trẻ hát, chúng chỉ có thể áp dụng kỹ năng âm nhạc cơ bản, chứ không thể hiện được cái hồn đặc trưng của môn nghệ thuật Pansori này. Nhưng khi nghe Taepyungyang biểu diễn, tôi phải công nhận cậu bé là một thần đồng vì cậu có thể lột tả được chân thực cả cảm xúc và âm thanh nguyên bản của nghệ thuật Pansori.”



Thử thách và rèn luyện bản thân ở vùng đất mới
Kể từ đó, Yu Taepyungyang được công chúng yêu mến đặt tên “thần đồng nhạc truyền thống”. Năm 12 tuổi, Taepyungyang một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi thể hiện thành công trọn vẹn bản trường ca “Sugungga” (Thủy cung ca). Thế rồi bất ngờ, Taepyungyang quyết định lên đường đến Nam Phi du học. Quyết định này của cậu đã trở thành chủ đề bàn tán xôn xao trong giới nhạc truyền thống Gukak. Anh Yu Taepyungyang cho biết: “Nhiều người phao tin rằng tôi từ bỏ Pansori và chuyển hẳn đến Nam Phi sinh sống, hay tôi buộc phải từ bỏ Pansori do vỡ giọng. Tuy nhiên sự thật là khi còn học cấp một, trong một dịp biểu diễn ở Ấn Độ, tôi đã bắt gặp một người biểu diễn nhạc cụ gõ truyền thống của Ấn Độ trên phố và nói bâng quơ với bố rằng tôi cũng muốn thử. Bố tôi lại suy nghĩ rất nghiêm túc về lời nói đó và có ý định một lúc nào đó sẽ cho tôi học nhạc cụ gõ. Một ngày bố hỏi tôi có muốn đến châu Phi không. Ông nói rằng nếu tôi muốn học nhạc cụ gõ thì hãy đến quê hương sản sinh ra nó là châu Phi. Tôi đồng ý và bố tôi đã lập tức đặt vé máy bay cho tôi chỉ ba, bốn ngày sau đó.”

Vì đam mê của con trai, bố của Taepyungyang đã không chút đắn đo, nghĩ ngợi khi gửi cậu đến học tập tại đất nước Nam Phi xa xôi. Trong một tháng, Taepyungyang sống tại khách sạn, tiến hành tìm hiểu trường học và nơi ở. Cậu đã bắt đầu hành trình âm nhạc tại châu Phi với buổi học đầu tiên với trống Djembe.

Trống Djembe có hình dạng giống chiếc chén thánh, được sử dụng trong các buổi diễu hành hay các buổi tiệc chúc mừng. Đôi bàn tay chạm vào mặt trống tạo ra những âm thanh to nhỏ, nhanh chậm như thể phát ra từ chính tâm hồn của Taepyungyang. Thi thoảng, cậu còn ngân nga mấy câu hát Pansori theo nhịp điệu trống vang. Thế rồi cuối cùng, cậu cũng có cơ hội giới thiệu nghệ thuật Pansori của Hàn Quốc ngay tại trường học ở Nam Phi. Yu Taepyungyang tâm sự: “Tôi mang theo trống phong yêu Janggu và xin biểu diễn tại một sự kiện tổ chức tại trường. Tôi biểu diễn đoản ca “Ssukdaemori” trong trường ca Chunhyangga (Xuân Hương ca). Đây là lần đầu tiên mọi người được nghe nhạc truyền thống của Hàn Quốc, nên lúc đầu ai cũng cảm thấy lạ lùng, nhưng đến khi phần biểu diễn gần kết thúc, mọi người đều mải mê theo dõi và nói họ cảm thấy “Ssukdaemori” là một đoản ca buồn. Thật là kỳ diệu. Họ chẳng hiểu lời bài hát và cũng chưa từng nghe trước đó, mà lại cảm thấy được nỗi buồn trong tác phẩm? Tôi nhận ra âm nhạc là cầu nối lý tưởng đưa con người ở mọi miền đất nước xích lại gần nhau hơn. Trải nghiệm đó đã giúp ích rất nhiều cho tôi trong quá trình học tập. Tôi có thể tự tin nói rằng nhạc truyền thống của Hàn Quốc không thua kém bất cứ thể loại âm nhạc nào trên thế giới. Không những thế, Gukak còn có thể tạo nên sự kết hợp hoàn hảo với bất cứ thể loại âm nhạc nào khác.”

“Ssukdaemori” hay còn gọi là “Ngục trung ca”, đoản ca trong trường ca hát kể chuyện “Xuân Hương ca”, là tiếng hát nhớ nhung của Xuân Hương trong ngục tù gửi đến chàng Lý Mộng Long. Yu Taepyungyang đã hóa thân thành nàng Xuân Hương, khóc than cho cảnh đời cay đắng bằng tiếng hát ai oán, làm rung động tất cả khán giả nước ngoài có mặt tại buổi biểu diễn ngày hôm đó. Để khám phá khả năng kết hợp của nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak với các thể loại âm nhạc khác, Taepyungyang vừa học nhạc cụ gõ vừa cùng lúc tham gia nhóm nhạc jazz và nhạc rock. Nhà bình luận âm nhạc Yoon Jung-gang cho biết: “Không luyện hát Pansori trong giai đoạn vỡ giọng và thay vào đó là tiếp xúc nhiều với nhạc cụ gõ, đến châu Phi tìm hiểu thêm nhiều thể loại âm nhạc đa dạng và gặp gỡ các nghệ sĩ ở nhiều thể loại khác nhau giúp cho Taepyungyang trưởng thành hơn trong âm nhạc. Các danh ca Pansori xưa thường chỉ mải mê luyện tập Pansori nên dù được biết đến là thần đồng khi còn nhỏ, hoặc nổi tiếng cho đến năm 10, 20 tuổi, nhưng đến năm 30, 40 tuổi thì chất lượng giọng hát của họ bị kém đi nhiều. Họ đã không duy trì sức khỏe cho giọng hát của mình, dẫn đến giai đoạn đỉnh cao của giọng hát bị rút ngắn, và về sau đa số đều trở thành nhạc công đánh trống Gosu trong nghệ thuật biểu diễn Pansori. Quá trình du học giúp Yu Taepyungyang bảo vệ chất giọng và hiểu thêm về Pansori trong một bức tranh toàn diện hơn của nền âm nhạc thế giới.”

Trưởng thành ở cả tâm hồn và giọng hát
Kết thúc bốn năm du học, Taepyungyang trở về Hàn Quốc cùng sự trưởng thành vượt bậc trong khả năng âm nhạc. Anh chia sẻ: “Khi còn ở Hàn Quốc, tôi chỉ biểu diễn nhạc truyền thống vì sở thích chứ không phải vì nhận thấy được tầm quan trọng của nó. Sau khi đi du học, thái độ của tôi đối với nền văn hóa quê nhà trở nên thay đổi. Tôi nhận thức được giá trị của văn hóa Hàn Quốc cũng như những bản sắc văn hóa khác nhau trên toàn thế giới. Tôi đã trưởng thành hơn. Tôi đã chăm chỉ, nỗ lực rất nhiều và tự nhủ cần phải làm tốt hơn nữa.”

Tiếp xúc với thế giới âm nhạc đa sắc màu, giọng ca Taepyungyang đã trở nên sâu lắng và cảm xúc hơn. Tài năng trẻ đã giành giải cao nhất trong cuộc thi nghệ thuật truyền thống toàn quốc được tổ chức tại Jeonju, tỉnh Bắc Jeolla, vào năm 2010 khi đang là học sinh cấp ba. Chỉ hai năm sau đó, Taepyungyang tiếp tục giành giải nhất tại hạng mục Pansori trong cuộc thi hát nhạc truyền thống Donga. Đến năm 2014, thần đồng Yu đã có thể xuất sắc thể hiện toàn bộ bản trường ca hát kể chuyện “Simcheongga” (Người con gái hiếu thảo Sim Cheong).

Danh ca tài năng và mong muốn phổ cập âm nhạc truyền thống
Yu Taepyungyang năm nay tốt nghiệp khoa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc tại trường Đại học Chonbuk, tỉnh Bắc Jeolla, và gia nhập đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia Hàn Quốc. Tiết mục đầu tiên của chàng thần đồng Gukak tại đoàn nghệ thuật chính là phần trình diễn toàn bộ một bản trường ca hát kể chuyện Pansori. Trình diễn toàn bộ trường ca Pansori trên sân khấu của đoàn nghệ thuật truyền thống quốc gia Hàn Quốc đã được thực hiện suốt 32 năm, kể từ năm 1984, với sự góp mặt của nhiều danh ca gạo cội như Park Dong-jin, Kang Do-geun, Oh Jeong-suk. Bản trường ca mà Yu Taepyungyang lựa chọn biểu diễn lần này chính là “Anh em nhà Heungbo”, bản trường ca từng được anh thể hiện vào năm sáu tuổi. Yu Taepyungyang muốn cho khán giả thấy một hình ảnh trưởng thành của thần đồng âm nhạc nhí năm xưa.

Phổ cập nhạc truyền thống Hàn Quốc Gukak là hướng đi mà danh ca trẻ tuổi Taepyungyang đang theo đuổi. Vì mục tiêu đó, anh sẽ không ngừng thách thức bản thân, tìm kiếm sự kết hợp mới giữa Gukak với các thể loại âm nhạc khác. Anh muốn khoác bộ cánh mới cho âm nhạc truyền thống qua sự kết hợp với kịch nói, nhạc kịch, nhạc thính phòng opera, và chứng minh cho mọi người thấy sự hóa thân của âm nhạc truyền thống là vô hạn.

Lựa chọn của ban biên tập