Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Tài năng dương cầm Son Yeol-eum

2016-10-11

Ngày 1/10 vừa qua, Lễ hội âm nhạc mùa thu của nghệ sĩ đàn piano Son Yeol-eum với chủ đề “Thu, gió và thơ ca” đã diễn ra tại sân khấu ngoài trời của Làng văn học Kim Yoo-jung, thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon.

Tại làng Sille, thành phố Chuncheon, quê hương của nhà văn chuyên viết truyện ngắn Kim Yoo-jung, người nghe thả hồn theo giai điệu của màn trình diễn đàn dương cầm do nghệ sĩ Son Yeol-eum thể hiện kết hợp với phần biểu diễn kèn clarinet và sáo flute. Một số khán giả cho biết: “Giai điệu vừa tinh tế lại vừa mạnh mẽ. Các đoạn ngắt âm nghe mềm mại trong khi phần hùng tráng lại được thể hiện vô cùng mạnh mẽ, tạo nên một buổi biểu diễn hoàn hảo.” “Tôi vẫn không thể tin vào mắt mình khi được gặp cả nghệ sĩ dương cầm Son Yeol-eum và nghệ sĩ kèn Clarinet Kim Han. Buổi biểu diễn thực sự tuyệt vời với màn trình diễn rất độc đáo và nhiều xúc cảm của Son Yeol-eum. Tôi như đu đưa theo cùng điệu nhạc và những chuyển động của cô ấy trên sân khấu.”



Buổi công diễn lần này được nghệ sĩ Son Yeol-eum lên kế hoạch như một món quà độc đáo, thể hiện tình yêu đối với tỉnh Gangwon, quê hương của chị. Nghệ sĩ Son chia sẻ: “Dù có đi đâu, tôi cũng vẫn luôn nhớ về quê hương của mình. Thành phố Wonju (tỉnh Gangwon), nơi tôi sinh ra, không phải là khu vực diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, nên tôi luôn muốn bằng cách nào đó đóng góp cho đời sống văn hóa của cộng đồng nơi đây. Tôi đã tận dụng cơ hội lần này để tổ chức một sự kiện thật ý nghĩa.”

Với tên gọi “Lễ hội âm nhạc chia sẻ của Son Yeol-eum”, một chuỗi các buổi công diễn của nghệ sĩ piano Son Yeol-eum đã bắt đầu từ ngày 30/9 tại thành phố Wonju, sau đó lần lượt được tổ chức tại Chuncheon ngày 1/10 và Gangneung vào ngày 2/10 vừa qua. Bà Kim Kyung-soon, Giám đốc Quỹ văn hóa Gangwon cho biết: “Nghệ sĩ Son Yeol-eum không chỉ biểu diễn mà còn đảm nhận lớp dạy đàn đặc biệt tại Gangwon. Các tài năng âm nhạc ở tỉnh Gangwon trên thực tế không có nhiều cơ hội được đào tạo giống như ở Seoul. Gần đây, chúng tôi có chốt lại danh sách các em tham gia lớp học đàn đặc biệt của Son Yeol-eum. Chúng tôi rất kỳ vọng vào lớp tài năng trẻ này. Từng lời của nghệ sĩ Son Yeol-eum có vai trò quyết định đối với tương lai của các em sau này.”

Son Yeol-eum –âm nhạc của sự sẻ chia
Chinh phục nhiều giải thưởng âm nhạc từ khi còn nhỏ, Son Yeol-eum đã trở thành biểu tượng nghệ sĩ trẻ tài năng trong giới nghệ sĩ dương cầm tại Hàn Quốc. Giờ đây, khi đã chạm ngưỡng tuổi 30, Son Yeol-eum đề cao sự sẻ chia trong âm nhạc, đưa âm nhạc đến gần hơn khán giả cũng như những người yêu nhạc.

Son Yeol-eum bắt đầu làm quen với piano lúc năm tuổi khi theo mẹ đến học tại trung tâm dạy đàn gần nhà. Cô bé Son Yeol-eum vốn luôn biết tự tìm niềm vui cho bản thân đã thể hiện tài năng cảm thụ âm nhạc và tiếp thu các bài học đàn rất nhanh. Đến năm 1997, khi mới 12 tuổi, Son Yeol-eum đã đạt giải nhì tại Cuộc thi nhạc thính phòng Tchaikovsky dành cho tài năng âm nhạc trẻ. Kể từ đó, Son Yeol-eum bắt đầu được giới nghệ thuật chú ý đến. Chị cho biết: “Tôi đạt giải khi đang là học sinh lớp năm và trước đó tôi chưa từng đạt giải ở cuộc thi trong nước. Tôi đã tham gia cuộc thi theo lời cô giáo bảo. Đó là cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky dành cho thí sinh nhỏ tuổi. Dù tham gia mà không đặt mục tiêu nào, tôi lần lượt vượt qua vòng một, vòng hai, rồi đạt giải ở vòng chung cuộc. Điều này khiến ngay cả tôi cũng không tin nổi.”

Được các nghệ sĩ âm nhạc hàng đầu thế giới lựa chọn trao giải, Son Yeol-eum sau đó theo học tại lớp dự bị Trường nghệ thuật tổng hợp Seoul, môi trường giáo dục âm nhạc chỉ dành cho những tài năng. Cứ thứ Bảy hàng tuần, Son Yeol-eum lại đi từ Wonju lên Seoul để tham gia lớp học. Chị nói thêm: “Lớp học rất thú vị vì tôi rất yêu thích và đam mê học nhạc. Tôi thích thú khi thấy bản thân trưởng thành từng ngày. Đến năm học cấp hai, tôi yêu thích cả nhạc pop, rock, jazz, nên tôi nghe nhạc mọi lúc mọi nơi, ngay cả ở trên lớp.”

Thể hiện tài năng biểu diễn piano xuất chúng, sau chiến thắng ở Cuộc thi Tchaikovsky cho tài năng âm nhạc nhí, Son Yeol-eum tiếp tục chinh phục cuộc thi piano quốc tế Orbelin tại Mỹ năm 1999, và là thí sinh nhỏ tuổi nhất giành chiến thắng tại cuộc thi piano quốc tế Viotti của Ý năm 2002. Từ đó, “xuất sắc nhất”, “nhỏ tuổi nhất” là những danh hiệu mà công chúng dành cho Son Yeol-eum mỗi khi nhắc đến cô. Song, chính điều này cũng khiến Son Yeol-eum cảm thấy bị áp lực. Chị tâm sự: “Tôi thấy bất an hơn là vinh dự, rằng liệu tôi có xứng đáng nhận được sự chú ý của công chúng, và sợ rằng một ngày nào đó mọi thứ sẽ sụp đổ. Ánh hào quang tạo cho tôi nhiều áp lực, và nhiều lúc khiến tôi cảm thấy rối bời.”

88 phím nhạc của chiếc đàn piano luôn là bài toán đối với cô bé tuổi teen Son Yeol-eum. Một tác phẩm âm nhạc sẽ có tốc độ khác nhau, mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau dưới bàn tay thể hiện của những nghệ sĩ khác nhau. Nắm rõ được điều này giúp Son Yeol-eum có khả năng phân tích tác phẩm xuất sắc, đến mức chị được gọi là nghệ sĩ dương cầm suy tư. Giám đốc Quỹ văn hóa tỉnh Gangwon, bà Kim Kyung-soon nói: “Son Yeol-eum thích văn thơ. Điều này giúp ích cho chị không chỉ trong quá trình phân tích tác phẩm âm nhạc mà còn cả trong giao tiếp với khán giả nghe nhạc. Có thể nói âm nhạc của Son Yeol-eum có đẳng cấp cao hơn các nghệ sĩ piano khác. Âm nhạc không chỉ coi trọng kỹ thuật biểu diễn mà quan trọng hơn là nó thể hiện được tâm tư, tình cảm, trí tưởng tượng, và toàn bộ cái hồn của người nghệ sĩ. Với sở thích đọc sách, Son Yeol-eum khiến âm nhạc của mình trở nên đặc biệt, thể hiện được vẻ đẹp của một tâm hồn nhân văn, yêu cái đẹp và rung động trước mọi xúc cảm của tự nhiên cũng như con người.”

Sở hữu kỹ năng biểu diễn xuất sắc cùng một tâm hồn vô cùng nhân văn, Son Yeol-eum đã trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt giải nhì tại Cuộc thi nhạc thính phòng quốc tế Tchaikovsky lần thứ 14 được tổ chức tại Nga vào năm 2011.

Phần dự thi ấn tượng với kỹ thuật hoàn hảo đã nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt từ hàng nghìn khán giả có mặt tại khán phòng, giúp Son Yeol-eum nhận thêm giải đặc biệt cho phần thể hiện xuất sắc khúc luyện của Rodin Shchedrin và bản hợp tấu đàn piano của Amadeus Mozart. Dù phải nhường giải nhất cho nghệ sĩ khác, nhưng Son Yeol-eum không hề hối tiếc, và sân khấu biểu diễn hôm ấy luôn là một kỷ niệm khó quên đối với chị. Nghệ sĩ Son Yeol-eum chia sẻ: “Tôi đã chuẩn bị tâm lý khá tốt. Đối với tôi, giải thưởng không quan trọng, chỉ cần được biểu diễn đã là một niềm hạnh phúc. Tôi tự tin rằng mình có thể “chơi” với đàn trước mặt khán giả. Tôi không hề có điều gì phải nuối tiếc trong màn trình diễn hôm đó.”

Mở rộng phạm vi hoạt động âm nhạc
Cuộc thi nhạc thính phòng Tchaikovsky đã trở thành sân khấu cuối cùng kết thúc chặng đường chinh phục các cuộc thi âm nhạc của Son Yeol-eum, và chị bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động biểu diễn của mình. Năm 2016, chị đảm nhận vai trò phó đạo diễn nghệ thuật của Lễ hội âm nhạc Pyeongchang, tiền thân là Lễ hội âm nhạc quốc tế Daegwalryeong. Chị có tình cảm đặc biệt đối với Lễ hội âm nhạc Daegwalryeong sau khi được tham dự một sự kiện âm nhạc vào năm 2004 dành cho các nghệ sĩ mới nổi. Trong lòng chị tràn ngập niềm vui khi chứng kiến lễ hội ngày một lớn mạnh. Chị cho biết: “Sân khấu năm nay có sự khác biệt với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ xuất sắc trên thế giới. Đặc biệt, với chủ đề 3B & Beyond (Johann Sebastian Bach, Johannes Brahams, Ludwig van Beethoven và hơn thế), lễ hội lần này không chỉ thể hiện các tác phẩm nối tiếng của ba nhà soạn nhạc nói trên là Bach, Brahms và Beethoven, mà còn giới thiệu đến khán giả các tác phẩm ít được biểu diễn trên sân khấu âm nhạc cùng nhiều tác phẩm của các nhà soạn nhạc chưa từng được biết đến.”

Trong khi bận rộn chuẩn bị cho Lễ hội âm nhạc Pyeongchang, Son Yeol-eum cũng đã thành lập công ty sản xuất chương trình âm nhạc mang tên YES M & ART với mục tiêu phổ biến nhạc thính phòng và đóng góp cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Chị chia sẻ: “Seoul luôn nhận được sự ưu ái về mọi mặt, đặc biệt là trong mảng sinh hoạt văn hóa. Trong khi đó, Đức là một đất nước có lịch sử nhạc thính phòng lâu đời cùng sự phát triển vô cùng mạnh mẽ của dòng nhạc này khiến tôi cảm thấy ghen tị khi đi đến đâu trên nước Đức cũng bắt gặp những dàn nhạc thính phòng và giao hưởng. Tôi muốn Hàn Quốc cũng sẽ giống như vậy.”

Dẫn dắt thế hệ tài năng trẻ
Nghệ sĩ Son Yeol-eum còn muốn tạo cơ hội cho các mầm non tài năng Hàn Quốc, những người chưa có nhiều cơ hội được tỏa sáng hơn nữa trên sân khấu trong nước. Chị tâm sự: “Tôi đang dồn sức cho mục tiêu này. Ngoài một số ít người được công chúng biết đến, Hàn Quốc còn có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng nhưng ít nhận được sự quan tâm nếu như không giành giải tại các cuộc thi danh tiếng. Tôi muốn tạo ra nhiều sân khấu để công chúng biết đến họ nhiều hơn.”

Son Yeol-eum luôn mang một trái tim biết ơn cuộc sống, luôn cố gắng đến gần hơn với khán giả và dành sự quan tâm đến lớp nghệ sĩ trẻ tuổi. Nghệ sĩ Kim Han chơi kèn Clarinet cho biết: “Mỗi lần kết hợp biểu diễn, chị Son Yeol-eum luôn phối hợp rất nhịp nhàng, như thể đoán trước được mọi ý đồ biểu diễn của tôi. Chị tạo điều kiện hết sức có thể để tôi có thể phô diễn toàn bộ tài năng của mình. Chị là một nghệ sĩ tuyệt vời, cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đặc biệt là với chương trình âm nhạc do chị tổ chức lần này. Chị có kiến thức âm nhạc vô cùng phong phú, và có rất nhiều điều tôi thấy cần phải học hỏi ở chị Son Yeol-eum.”

Son Yeol-eum là nghệ sĩ biểu diễn luôn hết mình vì khán giả, luôn coi trọng sự phối hợp với các nghệ sĩ khác mỗi khi lên kế hoạch biểu diễn. Không khí buổi biểu diễn hay trạng thái tự nhiên của sân khấu ngoài trời đều được chị quan tâm đặc biệt. Màn trình diễn bản Sonata “Ánh trăng” của nhà soạn nhạc Beethoven trên sân khấu ngoài trời ngày 1/10 vừa qua cũng xuất phát từ suy nghĩ coi thiên nhiên là một vị khán giả đặc biệt.

Trong không gian một tối thu mát mẻ, bản nhạc Sonata Ánh trăng của Beethoven vang lên trên sân khấu với giai điệu du dương, khiến thiên nhiên, khán giả và nghệ sĩ như cùng hòa vào làm một. Một nữ khán giả cho biết: “Màn biểu diễn để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Nhiệt huyết và nguồn năng lượng toát ra từ thân hình mảnh khảnh của Son Yeol-eum khiến tôi thực sự cảm động. Cô ấy là một thiên tài có thể điều khiển cảm xúc của khán giả bằng âm nhạc.”

Đam mê dẫn lối thành công
Cách đây không lâu, nghệ sĩ Son Yeol-eum đã cho ra mắt album “Modern Times” (Thời đại Tân kỳ), tám năm sau khi ra mắt album “Chopin, dạ khúc cho dương cầm và đàn dây” vào năm 2008. Dù vốn thích chơi nhạc trực tiếp hơn là ghi âm trong phòng thu, bản thu lần này của chị mang nét khác biệt, giúp chị nhận ra rằng album là nơi lưu giữ lại âm nhạc trong từng phút giây. Chị Son Yeol-eum tâm sự: “Tôi thích giao tiếp với người nghe, và thật khó chịu khi phải thu âm ở phòng thu mà không có khán giả. Nhưng lần này lại khác. Mỗi lần lặp lại một đoạn nhạc nào đó, tôi như khám phá rõ hơn ý đồ của nhạc sĩ. Khi biểu diễn trên sân khấu, người nghệ sĩ thường phải bao quát tác phẩm mà không thể đi sâu khám phá từng chi tiết nhỏ trong tác phẩm.”

Cùng một lúc đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn nghệ thuật Lễ hội âm nhạc Pyeongchang, thành lập công ty sản xuất âm nhạc, tổ chức biểu diễn các chương trình chia sẻ âm nhạc, Son Yeol-eum đã có một mùa hè thực sự nóng bỏng. Chị trải qua những tháng ngày bận rộn khi phải bay qua lại giữa Hàn Quốc và Đức trong nhiều tháng liền. Nhưng với Son Yeol-eum, chị thu được nhiều trái ngọt từ sự bận rộn, và đó chính là sự chia sẻ trong âm nhạc. Nghệ sĩ dương cầm Son Yeol-eum bày tỏ: “Tôi có rất nhiều suy nghĩ và trăn trở đối với cuộc sống. Âm nhạc hay bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng có sự sẻ chia để có thể trở nên có ý nghĩa thực sự. Mang các tác phẩm hay đến người nghe, người yêu nhạc là mục tiêu của âm nhạc. Tôi muốn dồn tâm huyết của mình vì mục tiêu đó, và hi vọng rằng sẽ có nhiều người cùng tôi bước đi trên con đường này.”

Lựa chọn của ban biên tập