Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia, điểm gặp gỡ giữa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc và thế giới

2010-05-04

Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia, điểm gặp gỡ giữa âm nhạc truyền thống Hàn Quốc và thế giới
Nhạc truyền thống Hàn Quốc mang đầy đủ các yếu tố như tinh thần yêu thương dân chúng, tư tưởng trung với vua, hiếu với cha mẹ và lòng kính sợ trước thiên nhiên của con người. Những giai điệu được trau chuốt, chứa đầy cảm hứng, vẻ đẹp và tâm hồn nghệ thuật càng làm cho nó trở nên cao nhã. Thật quý giá khi có được cơ hội nghe, cảm nhận thể loại âm nhạc này và nơi có thể thưởng thức chúng không đâu khác chính là Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia Hàn Quốc. Hôm nay chúng ta sẽ đến Trung tâm tọa lạc tại phường Seocho thành phố Seoul để tìm hiểu về âm nhạc của Hàn Quốc.

[Cơ quan nghiên cứu âm nhạc có lịch sử phát triển hơn 1400 năm]

Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia Hàn Quốc được mở cửa từ năm 1951 với mục đích ban đầu nhằm phát triển, kế thừa âm nhạc truyền thống. Sang năm đã là dịp kỷ niệm 60 năm ra đời của Trung tâm... Tuy nhiên, nhìn từ góc độ một cơ quan nghiên cứu âm nhạc tầm cỡ quốc gia thì phải nhắc tới Trung tâm này như một sự tiếp nối cho lịch sử của hơn 1400 năm. Ju Jae-geun, chuyên viên nghiên cứu nghệ thuật của Trung tâm âm nhạc giải thích: “Từ thời Silla (từ năm 57 trước công nguyên đến năm 935 sau công nguyên), đã có một cơ quan âm nhạc của quốc gia gọi là "Âm thanh thự". Qua các thời Goryeo có "Đại nhạc thự", thời Joseon có "Chưởng nhạc viện". Lịch sử của nơi đây tiếp nối qua các triều đại của Hàn Quốc từ thời kỳ Silla như vậy và có thể nói đây là điều hiếm thấy trên thế giới.”

Như vậy, có thể xem đây như một bảo tàng quốc gia tiếp nối cho lịch sử phát triển 1400 năm của cơ quan âm nhạc hàng đầu tại Hàn Quốc. Bắt đầu từ "Âm thanh thự" dưới triều Chân Đức Vương (Vua Jin Deok) thời Silla, tới "Đại nhạc thự" và "Quản huyền phòng" của thời Goryeo, "Chưởng nhạc viện" của thời Joseon, rồi "Nhã nhạc bộ" thuộc cơ quan phụ trách việc trong cung là "Lý vương chức" dưới thời thống trị của thực dân Nhật, và cho đến ngày 10 tháng 4 năm 1951, Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia đã được 13 nghệ sĩ âm nhạc truyền thống đứng ra thành lập ở Busan. Có thể nói lịch sử và truyền thống lâu dài của một cơ quan về âm nhạc như vậy là điều mà các nước như Nhật Bản và Trung Quốc đều mong muốn có. Chuyên viên Ju Jae-geun giới thiệu tiếp: “Nhật Bản vốn không có cơ quan bảo tồn cho sự phát triển truyền thống của âm nhạc một cách có hệ thống. Trong khi đó, Hàn Quốc lại tồn tại Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia và nhờ đó có thể tiến hành đào tạo một cách hệ thống, biểu diễn nhiều chương trình đa dạng và phổ cập được âm nhạc này ra nước ngoài. Ngay cả trên sách giáo khoa, âm nhạc truyền thống cũng được đề cập nhiều, và điều này chính là thành quả đạt được của Trung tâm Âm nhạc truyền thống.Đối với trường hợp của Trung Quốc, trước đây Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo từ Trung Quốc, theo đó, nhiều hình thức âm nhạc cũng đã vào Hàn Quốc. Tuy nhiên có những thứ vào Hàn Quốc mà hiện giờ ở Trung Quốc lại không còn nữa, và vì thế, hiện nay họ phải học lại từ Hàn Quốc và chúng ta đang xuất ngược lại cho họ. Vì thế, có thể nói Hàn Quốc đang ở vị trí độc tôn trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, và trong đó có vai trò của Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia.”

[Bảo tàng âm nhạc truyền thống]

Địa điểm đầu tiên du khách thăm quan là Bảo tàng âm nhạc truyền thống. Nơi đây có trưng bày các tài liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống, giúp cho mọi người có được cái nhìn tổng quát về âm nhạc và lịch sử âm nhạc của Hàn Quốc. Chuyên viên Ju Jae-geun giới thiệu về bảo tàng: “Bảo tàng âm nhạc truyền thống được xây dựng vào năm 1994. Có thể xem đây là bảo tàng duy nhất trên toàn quốc về âm nhạc truyền thống. Tại đây có phòng lịch sử âm nhạc truyền thống, phòng trưng bày nhạc cụ, phòng trình chiếu, phòng trải nghiệm thực tế và có nhiều nội dung văn hóa đa dạng. Có cả những nhạc phổ của tổ tiên người Hàn sử dụng hay những bức tranh về yến tiệc trong cung từ 300 đến 400 năm trước … Mọi người được ngắm những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống, được thấy những bộ quần áo mà các nghệ nhân nổi tiếng xưa từng mặc, nhạc cụ mà họ từng biểu diễn. Ở đây còn có Khu giảng, nơi khách tham quan có thể trải nghiệm thực tế về trống phong yêu Janggu hay học về các nhạc cụ mà mình muốn như đàn nhị Haegeum, sáo ngắn Danso, sáo dọc Piri...”

Có lẽ được khách tham quan yêu thích hơn cả là phòng trải nghiệm thực tế về âm nhạc truyền thống, nơi khách tham quan chỉ cần bấm nút là có thể nghe được giai điệu của loại nhạc cụ mình muốn. Tại đây họ có thể thưởng thức âm thanh của kèn Taepyeongso, loại nhạc cụ luôn đi đầu trong các cuộc vui, rồi tiếng tiêu Danso với âm thanh du dương, trong trẻo và tao nhã, đàn Yanggeum - một loại tam thập lục của Hàn Quốc hay sáo ngang Daegeum… Tất cả các nhạc cụ, mỗi loại đều có thời gian nghe thử âm thanh là 1 phút 30 giây. Bên cạnh hình dáng tĩnh lặng của nhạc cụ truyền thống trưng bày tại gian đại sảnh và trong các buồng kính là sự kết hợp hài hòa với những hình ảnh và âm thanh sinh động được trình chiếu, phục vụ theo nhu cầu của du khách. Tất cả đều nhằm đem lại những cảm nhận sâu sắc về âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc.


[Không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống]

Ra khỏi bảo tàng âm nhạc truyền thống, ngay ở sân trước của tòa nhà là không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống được bài trí hết sức thanh nhã. Nơi đây, khách tham quan có thể đánh thử 4 loại nhạc cụ gõ của nông nhạc Hàn Quốc là trống buk, trống phong yêu janggu, phèng kkwaenggwari và chiêng jing. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như Tuho - trò ném tên trúng ống, trò đá cầu, trò lăn vòng sắt Gulleongswe, trò kéo co v.v...
Du khách tỏ ra rất phấn khởi vì vừa được ngắm các nhạc cụ truyền thống ở bảo tàng và vừa được chơi những trò chơi dân gian ngoài sân của trung tâm âm nhạc truyền thống: “Tôi đến từ Nhật Bản để thăm quan văn hóa của Hàn Quốc. Tới đây tôi thấy rất hay vì có thể tiếp cận được với âm nhạc truyền thống một cách rất đơn giản.”; “Tôi tới trung tâm âm nhạc truyền thống vì cho rằng nó sẽ tốt cho bọn trẻ. Ở đây rất hay vì có nhiều trống phong yêu Janggu cho mọi người đánh. Đây dường như là một không gian vui chơi tốt cho bọn trẻ, chúng có thể đánh trống phong yêu, đánh chiếng, đánh phèng, đá cầu, phóng tên trúng ống, và quan trọng là cho chúng biết về yếu tố truyền thống.”


[Rát hát truyền thống lớn nhất và các chương trình biểu diễn sôi động]

Chỉ với bảo tàng âm nhạc truyền thống và chương trình trải nghiệm thực tế văn hóa dân gian cũng đã khiến cho mọi nẻo đường đến Trung tâm Âm nhạc truyền thống luôn đông vui nhộn nhịp. Tuy vậy, sẽ rất tiếc nếu bạn kết thúc chuyến viếng thăm tại đây. Tại trung tâm có rạp hát truyền thống lớn nhất Hàn Quốc với tên gọi Yeakdang và một rạp nhỏ là Umyundang. Hàng ngày tại hai rạp này đều có các chương trình biểu diễn. Chuyên viên Ju Jae-geun giới thiệu: “Kinh nghiệm tốt nhất là ban ngày cảm nhận và trải nghiệm thực tế về nhạc cụ tại bảo tàng, còn tối đến thì xem biểu diễn. Thứ bảy hàng tuần, cứ 4 giờ là có biểu diễn âm nhạc truyền thống. Thời gian biểu diễn độ chừng 1 tiếng 20 phút, và do đây là chương trình tổng hợp, có cả âm nhạc cung đình, nhạc dân gian, múa, nhạc sáng tác nên có nhiều khách nước ngoài tới. Vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm hàng tuần cũng có biểu diễn.”

Đặc biệt, không gian biểu diễn tại đây đang phục vụ, giúp cho khán giả có thể chọn lấy buổi diễn phù hợp với sở thích và mức độ thưởng thức của mình. Các buổi diễn của mỗi ngày trong tuần đều có đặc thù riêng biệt. Ông Ju Jae-geun tiếp tục giải thích: “Thứ ba hàng tuần chúng tôi tổ chức các chương trình biểu diễn tao nhã, lấy tài sản văn hóa phi vật thể làm đối tượng chính để diễn. Các ngày như thứ 5 thì có buổi diễn của các nhóm nhạc truyền thống kết hợp với nhạc hiện đại, giúp cho giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc truyền thống hơn.”

Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia không chỉ là nơi đưa mọi người đến với âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Ngay sau bảo tàng âm nhạc, có một không gian được sắp sẵn làm địa điểm dã ngoại ngoài trời. Nơi đây nối liền với núi Umyun có rừng rậm um tùm và đã trở thành điểm nghỉ ngơi lý tưởng của nhiều người dân trong thành phố.


[Một cơ sở giảng dạy đa dạng về âm nhạc truyền thống Hàn Quốc]

Viện bảo tàng âm nhạc và những buổi diễn thường kỳ đã đưa khách tham quan đến với âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Song, không chỉ có vậy, Trung tâm Âm nhạc truyền thống còn là nơi đem đến cơ hội học tập cho mọi người. Tại đây đang có chương trình giảng dạy đa dạng về âm nhạc truyền thống Hàn Quốc cho các đối tượng gia đình, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người nước ngoài. Trong số đó, trường học văn hóa âm nhạc truyền thống dành cho người nước ngoài sống tại Hàn Quốc đang ngày càng nổi tiếng. Lee Bae-won của Ban Phát triển Âm nhạc truyền thống cho biết: “Chương trình này được bắt đầu từ năm 1993. Ban đầu chúng tôi thực hiện dưới hình thức hội thảo, mời những người nước ngoài quan tâm đến âm nhạc truyền thống tới để giới thiệu về âm nhạc Hàn Quốc. Sau đó, từ năm 1998 chương trình này đã chuyển sang phục vụ đối tượng người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc. Chúng tôi hệ thống hóa và chuyên môn hóa chương trình hội thảo trước đây, giúp cho đối tượng người nước ngoài bình thường cũng có thể tham gia, xây dựng nên những buổi giảng dạy cho người nước ngoài có thể biết thêm về Hàn Quốc. Hiện nay chúng tôi có 4 lớp dạy trống Janggu, đàn Gayageum, đàn Haegeum và nhạc cụ nông nhạc Samullori.”

Trường học văn hóa âm nhạc truyền thống cho người nước ngoài tại Hàn Quốc khai giảng vào tháng 3 và tháng 9. Số học viên tham gia theo quy định là 80 người, học vào thứ Bảy hàng tuần và tổng thời gian học là 12 tuần. Trong số các lớp học ở đây, lớp học được biết đến nhiều nhất chính là lớp học về 4 nhạc cụ gõ của nông nhạc Samullori luôn đem lại hấp dẫn và hứng thú. Học viên lớp Samullori cho biết: “Nét đặc biệt của nông nhạc Samullori là nó vốn tồn tại và được truyền lại từ xưa. Chúng tôi biểu diễn cùng nhau nên rất phấn khởi. Biểu diễn với nhau thì mới thấy được sự kết hợp bằng trái tim chứ không phải bằng cái đầu. Chúng tôi có được cảm nhận rất hay và mãnh liệt.”

Cảm nhận mà học viên có được chính là sự hòa nhập làm một của 4 loại nhạc cụ khác nhau! Khi say mê vào biểu diễn nông nhạc họ mới thấy bừng lên trong lòng bầu nhiệt huyết. Cảm nhận cuồng nhiệt, mạnh mẽ này lại càng làm cho người ta dần cuốn hút vào Samullori. Chứng kiến học viên nước ngoài cuốn hút vào sức hấp dẫn của nông nhạc, giáo viên cũng thấy phấn khởi và cảm động. Giáo viên Oh Gwang-ryeol tâm sự: “Thật không dễ khi người nước ngoài còn chưa biết tiếng Hàn mà lại học về âm nhạc truyền thống. Họ học thật sự hơn cả người Hàn, không chỉ học về nhịp điệu, mà học cả cách đánh sao cho có âm thanh hay và càng phải bỏ ra nhiều thời gian. Tôi thật cảm ơn họ về điều đó và thấy công việc có ý nghĩa hơn. Thật quý khi người nước ngoài có văn hóa phương Tây lại muốn học về phương Đông, học về Hàn Quốc, văn hóa và âm nhạc của Hàn Quốc. Có những người học xong, khi trở về nước vẫn tiếp tục theo đuổi và ở nước ngoài cũng đã hình thành khoa nông nhạc Hàn Quốc ở bậc đại học. Tôi xúc động khi nghĩ tới những người học ở đây, rồi sẽ có người xây dựng được địa điểm như vậy ở nước ngoài.”

Nếu như nông nhạc Samullori đem đến cho ta sự hấp dẫn và niềm hứng khởi thì đàn Gayageum lại là một nhạc cụ chứa đựng nỗi niềm tình cảm trong lòng con người. Gayageum là loại đàn có hình thức gần giống như đàn tranh của Việt Nam. Hai học viên người Trung Quốc và người Mỹ đã cho biết về cảm tưởng của họ khi tham gia khóa học về Gayageum: “Gayageum có thể chuyển tải được sự sôi động, hoạt bát trong lòng và cũng có thể đem lại cảm giác buồn khi đánh những bản như dân ca Arirang. Đánh kèm với nhạc đệm thì âm của nó cũng khác, điều này thật ấn tượng. Tôi nghĩ rằng học đàn Gayageum sẽ cảm nhận được tâm tình của người Hàn và có thể biết được sâu sắc hơn về văn hóa của Hàn Quốc.”; “Đàn Gayageum có âm hệ khác với nhạc cụ nước ngoài, việc lên dây cũng khác, và bản thân âm thanh cũng rất là khác lạ. Vì thế chúng tôi cần phải có thời gian để làm quen với nó. Tuy vậy, bây giờ tôi đã có thể chơi Gayageum tốt, và tôi rất thích biểu diễn đàn này. Tôi nghĩ điều này giúp tôi nhiều để có hứng thú và hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc. Trước đây tôi không quan tâm lắm về nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc. Bây giờ thì tôi đã quan tâm nhiều hơn, và đặc biệt là nhiều hơn về âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.”
Đàn nhị Haegeum là nhạc cụ có âm thanh rất giống với đàn vi-ô-lông, và nhiều người nước ngoài cũng đã chọn loại đàn này để học. Một học viên người Anh từng học đàn Gayageum 2 năm trước và hiện nay lại đang say mê với đàn Haegeum tâm sự: “Nhạc cụ cho ta những âm thanh rất gần gũi với thiên nhiên. Và vì thế tôi càng cảm thấy âm thanh từ nhạc cụ của Hàn Quốc là hay hơn cả. Âm nhạc của Hàn Quốc rất khác về kiểu loại so với Nhật Bản và Trung Quốc. Tôi thấy thú vị hơn ở điểm là nó luôn đem lại cảm giác buồn. Riêng về cá nhân, đến từ khu vực văn hóa phương Tây, được tiếp cận với một loại âm nhạc hoàn toàn khác với âm nhạc phương Tây vốn được thế giới biết đến, nên tôi thấy rất hứng thú. Tôi cho rằng việc học tập âm nhạc của một quốc gia khác trong quan hệ với âm nhạc của toàn thế giới là quan trọng.”

Nằm trên dải núi Umyun và đón nhận nhịp thở của thiên nhiên, Trung tâm Âm nhạc truyền thống Quốc gia Hàn Quốc là địa điểm chúng ta có thể gặp gỡ với quá khứ, hiện tại và tương lai của âm nhạc truyền thống, nơi chúng ta được học về nghệ thuật múa và âm nhạc của Hàn Quốc. Đây là không gian thuận tiện nhất đưa văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đến với chúng ta.

Lựa chọn của ban biên tập