Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

“Thăm làng nhà truyền thống Bukchon”

2010-06-15

“Thăm làng nhà truyền thống Bukchon”
Với hơn 10 triệu dân, Seoul luôn cho thấy sự ồn ào và hối hả hàng ngày. Thế nhưng, có ai biết mỗi ngõ phố của thủ đô đều ẩn chứa những câu chuyện của 600 năm lịch sử. Hôm nay chúng ta hãy cùng đến thăm Bukchon ở quận Jongno của Seoul, nơi ta có được cảm nhận đầy đủ về cuộc sống xưa của người Hàn. Xuống ga Anguk thuộc tuyến tàu điện ngầm số 3 và ra khỏi cửa số 4, bạn sẽ thấy có nhiều người đang tập trung để được nghe và xem những điều còn ẩn giấu trong lòng Seoul.

[Dự án bảo tồn nhà truyền thống Hanok]

Bukchon, tiếng Hán là "Thôn Bắc", nơi đây đúng như cái tên của nó, nằm phía Bắc của trung tâm Jongno và suối Cheonggye, ở vị trí giữa cung điện Gyeongbok và Changdeok. Bukchon nổi tiếng là khu vực còn giữ lại được nhiều nhà truyền thống Hanok, 900 ngôi nhà, trải rộng trên diện tích khoảng 113 ha gồm có phường Gahoe và 5 phường khác. Giới quý tộc và quan viên thời Joseon xưa đã chọn sống ở Bukchon vì nơi này gần với hoàng cung và vì môi trường sống thuận lợi. Hướng dẫn viên về di sản văn hóa Eom Hong-ryeol giới thiệu: “Lấy suối Cheonggye làm ranh giới thì khu này nằm ở phía Bắc, do đó mới gọi là Bukchon. Đây là nơi các quan lại hay người giàu có sinh sống. Vì nó nằm ở giữa cung Gyeongbok và cung Changdeok nên họ để có thể nhanh chóng vào chầu trong cung mỗi khi vua gọi đến. Ở phía đằng sau có núi Bukak nên hệ thống thoát nước tốt. Bây giờ có thể đào riêng ống nước ngầm nhân tạo, nhưng ngày xưa thì không được như vậy, phải đi lên trên, nền cao thì nước mới thoát được. Còn đây là hướng Nam, cảnh rất đẹp, có thể ngắm núi Namsan và nơi đây luôn tràn ngập ánh nắng.”
Bukchon bắt đầu được biết đến là một điểm tham quan vào năm 2001, khi chính quyền thành phố Seoul thực hiện dự án về nhà truyền thống Hanok. Trong 10 năm qua, 303 ngôi nhà truyền thống đã được tu bổ, cải tạo. Một ngõ phố nhà truyền thống kéo dài hơn 4 km đã được chỉnh trang lại, tạo nên đường tản bộ ở Bukchon. Chủ nhiệm Choi Yong-hun phụ trách phát triển du lịch của Chính quyền thành phố Seoul cho biết: “Khi đó từng ngôi nhà một dần dần biến mất. Năm 2000, chúng tôi đã khởi động dự án xây dựng làng Bukchon. Đến năm 2006, làng được xây dựng theo kế hoach phát triển dài hạn khu Bukchon và đến năm 2008 thì Seoul đã ra tuyên bố chính thức về nhà truyền thống Hanok. Thành phố đã tiến hành cơ chế đăng ký nhà Hanok, hỗ trợ kinh phí xây mới và tu bổ. Số tiền hỗ trợ khoảng hơn 10 triệu USD, cùng với số tiền để mua và đưa vào sử dụng các ngôi nhà có nguy cơ sắp mất là hơn 23 triệu USD. Qua một loạt chương trình như dự án tu bổ phố nhà truyền thống, tổ chức giảng dạy văn hóa truyền thống, hoạt động trải nghiệm văn hóa cho người nước ngoài, hay lên kế hoạch xây dựng các cụm nhà truyền thống. Thành phố Seoul đã cố gắng để nhà Hanok không bị mai một.”
Những nỗ lực gìn giữ lịch sử của Chính quyền thành phố Seoul đã được đền đáp vào năm 2009, khi dự án cải tạo Buchon được UNESCO trao giải xuất sắc về bảo tồn di sản văn hóa châu Á Thái Bính Dương. Những ngôi nhà Hanok hiện còn lại ở Bukchon đa phần được xây dựng vào những năm 1930. Sở dĩ do trải qua thời kỳ Nhật thuộc, nhiều ngôi nhà cổ và nguy nga của Bukchon đã bị phá hủy hoặc bị chia nhỏ ra để bán. Hướng dẫn viên Eom Hong-ryeol giải thích: “Năm 1910 là thời kỳ mất nước, những người quyền cao chức trọng phải bán nhà mà bỏ đi chỗ khác. Mua lại nhà ở đây chính là các tay buôn nhà đất người Nhật. Họ mua lại, phá bỏ toàn bộ, đem cột kèo và xà nhà ra bán, rồi xây lên những tòa nhà khoảng từ hơn 150 đến 250 mét vuông, chưa gọi đây là nhà truyền thống được... Lúc đó, đây thường là nhà của tầng lớp trung lưu.”
Những con phố phản ánh lịch sử của Hàn Quốc hồi đầu thế kỷ 20. Triều đại Joseon sụp đổ, chủ nhân của Bukchon mất hết chức tước, họ khó duy trì được những dinh cơ, phải để cho gia khách, kẻ hầu người hạ ra đi và bán hết mọi thứ có giá trị để chuyển đến nơi khác. Các cửa hàng đồ cổ tại phường Insa (Insa-dong), đối diện với Bukchon cũng xuất hiện vào thời điểm này. Sự suy thoái của Bukchon chính là khởi nguồn của phường Insa.

[Cung Unhyeon]

Du lịch tản bộ trên đường Bukchon sẽ thuận tiện hơn nếu bạn tham gia Chương trình tour du lịch xanh của thành phố Seoul cùng với hướng dẫn viên về di sản văn hóa. Chương trình có hướng dẫn bằng tiếng Hàn, Nhật, Trung và tiếng Anh vào 10 giờ sáng và 2 giờ chiều các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu. Cuối tuần và ngày nghỉ lễ có thêm tour vào 3 giờ chiều. Mỗi tour kéo dài trong khoảng 2, 3 tiếng. Chương trình tham quan Bukchon đã trở nên nổi tiếng đến mức năm ngoái có tới hơn 7.300 người tham gia.
Những câu chuyện thú vị nào đang chờ đợi du khách tại Làng nhà truyền thống Bukchon? Chúng ta nên bắt đầu từ cung Unhyeon. Cung Unhyeon Hán âm là “Vân Hiện” vốn là tư gia của Hưng Tuyên Đại Viện Quân, cha của vua Gojong (Cao Tông) giai đoạn cuối thời Joseon. Vua Gojong đã sinh ra và lớn lên tại đây cho đến khi 12 tuổi, lên làm vua thứ 26 của triều Joseon. Là tư gia của nhà quyền thế, nên từ cổng ra vào ở đây cũng đã khác thường... Người dẫn chương trình ở đây cho biết: “Đây là cung Unhyeon, cổng vào cao vọt hẳn lên. Đến khu nhà truyền thống Hanok xưa, nếu bạn thấy nhà có cổng cao nhô lên so với hai bên thì ít nhất đó cũng là nhà của quan Tham phán trở lên, như cấp thứ trưởng bây giờ vậy. Đó là vì họ thường phải đi lại bằng kiệu và có lúc phải đi kiệu Diêu Hiên là kiệu cho quan nhị phẩm trở lên. Kiệu này giống 1 xe đẩy có 1 bánh và cao. Vì thế cổng phải đủ cao và rộng để cho ngựa, kiệu đi qua.”
Nhà cửa nơi đây vốn nguy nga tráng lệ không khác gì cung điện, nhưng một phần đã bị sụp đổ. Hiện chỉ còn lại khu nhà ngoài tiếp khách là "Lão An Đường" cùng với khu nhà trong là "Nhị Lão Đường" và "Lão Lạc Đường". Hướng dẫn viên Eom Hong-ryeol giải thích: “Chủ nhà ngủ, đọc sách và tiếp khách và thậm chí giải quyết các công việc chính trị trong nước. Các việc chính sự được hội họp ở đây, sau đó mới tới cung Changdeok để tâu lên vua.”

[Trung tâm Văn hóa Bukchon]

Qua khỏi cung Unhyeon, địa điểm khởi đầu của hành trình là Trung tâm Văn hóa Bukchon. Đây vốn là nhà của một viên quan tài vụ họ Min, một gia đình quyền thế cuối thời Joseon. Jo Yeong-hee, hướng dẫn viên du lịch của thành phố Seoul giới thiệu: “Trung tâm văn hóa Bukchon vốn là nhà con dâu chắt của Min Byeong-seok, cháu của hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành), vợ của vua Gojong. Khi Lee Gi-suk về làm dâu ở đây, Hoàng hậu Myeongseong đã ủng hộ hết mình, xây dựng nhà to hơn nhà của quan sĩ đại phu. Tòa nhà này có quy mô bằng Diễn Khánh Đường ở hậu viên của cung Changdeok. Đây là điểm xuất phát của Bukchon.”
Tại Trung tâm văn hóa Bukchon, một loại nhà khách xưa (Sarangbang), mọi người có thể nghe những câu chuyện về Bukchon, trải nghiệm thực tế về nhà ở Hanok và tìm hiểu thông tin về tour du lịch tại đây. Ngồi ở khoảng sân trước của Trung tâm và chụp ảnh lưu niệm cùng nhà truyền thống, thực chẳng khác nào trở về thời Joseon xưa.

[Phường Gye-dong, cửa ngõ vào Bukchon và những trường học nổi tiếng]

Như lời của hướng dẫn viên, qua trung tâm văn hóa, vừa vào phường Gye-dong, đoạn đầu của khu Bukchon, trước mắt du khách đã hiện ra nhà Hanok với mái ngói màu tro, nối đuôi nhau thành dãy dài, như càng được tôn lên trên nền trời trong xanh.
Theo lời của hướng dẫn viên thì nơi đây có những trường tiểu học có lịch sử khá lâu đời: “Ở phía sau các bạn là trường tiểu học Jaedong, trường tiểu học thứ hai ở Hàn Quốc và đã được hơn 100 năm tuổi rồi. Trường đầu tiên là trường tiểu học Gyodong, từ cung Unhyeon ban nãy đi xuống về phía Nam sẽ thấy. Ở cổng vào có bảng đồng ghi là từ năm 1895, là trường tiểu học quan lập đầu tiên của Hàn Quốc. Còn đây là trường thứ hai, được xây dựng cho con em những người có địa vị, giàu sang...”
Tiếng các em nhỏ nô đùa trên sân trường, xem ra chẳng khác gì so với trước đây. Gye-dong được coi là phường có hình ảnh ấm cúng, gần gũi nhất trong số các phường ở Bukchon. Phường này có một nhà tắm công cộng tiêu biểu gọi là “Nhà tắm Chungang”. Nằm giữa các khu nhà Hanok là những tiệm làm đầu, trung tâm giới thiệu nhà đất nhỏ nhắn, cửa hàng xay ngũ cốc, bán dầu vừng hay đồ sắt.... Những mái nhà truyền thống nằm sát với các cửa hàng, tạo nên khung cảnh hết sức bình dị, níu chân du khách.
Theo con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, đi lên đến đỉnh dốc là trường Trung học Chungang. Nơi đây nổi tiếng bởi từng là nơi quay bộ phim "Bản tình ca mùa Đông" và đến giờ rất nhiều du khách Nhật Bản vẫn tìm tới. Từ đây, mọi người có thể đưa tầm mắt ngắm được toàn cảnh của thành phố Seoul.

[Ngõ 31 phường Gahoe, toàn cảnh Seoul bên những mái nhà Hanok]

Qua trường Trung học Chungang, địa điểm tiếp theo du khách gặp là ngõ số 31 phường Gahoe, nơi được coi là có nhiều nhà truyền thống Hanok nhất. Cái tên Gahoe, có nghĩa là hội họp vui vẻ, và đúng như tên gọi, nhà truyền thống ở đây thật rất hữu tình. Giữa một con đường nhỏ dốc, hai bên là hai dãy nhà chạy dọc, có khoảng cách vừa phải, cổng nhà bên này và bờ tường bên kia đối nhau hợp lý. Hướng dẫn viên di sản văn hóa Lee Gyeong-sun cho biết: “Nhà truyền thống ngõ số 31 là khu bảo tồn. Trên con đường đồi hai bên có những mái nhà truyền thống san sát nhô ra. Bạn thử tưởng tượng xem nếu nhìn xuống tháp Namsan qua dãy mái nhà đó thì sẽ thế nào? Đi xuống phía dưới là nơi được ví như đồi Montmartre của phường Samcheong. Đến đó ngắm, bạn sẽ phải trầm trồ.”
Theo ngõ 31 phường Gahoe lên hết dốc, lúc này ngoảnh lại phía sau bạn sẽ được thấy toàn cảnh đường chân trời và tháp N. Seoul. Hướng dẫn viên Eom Hong-ryeol giới thiệu: “Ngôi nhà lớn đằng kia là Phủ tổng thống. Các bạn hãy nhìn ra phía này. Đây là cung Gyeongbok, thì núi này là núi Bukak. Núi Inwang ở phía Tây, còn phía Nam là núi Namsan, phía Đông là Naksan. Cả 4 phía đều có núi, và có 4 vị thần trấn giữ. Phía Đông có Thanh Long, phía Tây, núi Inwang có Bạch Hổ, còn núi NamSan có Chu tước, núi Bukak có Huyền Vũ. Và như thế, cũng sẽ thấy được 4 cửa thành, cửa Nam là cửa Sungnye (Sùng Lễ Môn), phía Đông là cửa Heungin (Hưng Nhân Môn), phía Tây là cửa Donui (Đôn Nghĩa Môn), phía Bắc là cửa Sukjeong (Túc Tĩnh Môn)...”
Càng đi lại càng thấy sức hấp dẫn của khu làng nhà truyền thống Bukchon. Bạn nghĩ sao nếu ghé vào uống một chén trà hay cà phê trong một quán nhỏ ở cuối đường đồi ngõ 31 phường Gahoe này?

["Tông Thân Phủ" tài sản văn hóa vật thể của thành phố Seoul]

Điểm kết thúc của chuyến du lịch tản bộ Bukchon là Jongchinbu nghĩa là "Tông Thân Phủ" nằm trong khuôn viên của Thư viện Jeongdok thuộc Hwa-dong. Dưới thời Joseon đây là nơi thành viên hoàng tộc hội họp để phân ngôi thứ, cấp bậc. "Tông Thân Phủ" được chỉ định là tài sản văn hóa vật thể số 9 của thành phố Seoul. Hướng dẫn viên Eom Hong-ryeol tiêp tục giới thiệu: “Kia là nhà quản lý các vấn đề gia đình hoàng tộc gọi là Jongchinbu. Các thành viên của hoàng tộc như anh chị em họ và cháu trai không được phép tham gia vào chính trị. Thay vào đó, họ được giao cho các công việc như chăm sóc gia phả hoàng tộc, tranh ảnh của vua, lăng vua.”
"Tông Thân Phủ" vốn nằm đối diện Kiễn Xuân Môn ở phía Đông của cung Gyeongbok, nhưng năm 1981, ở đây xuất hiện bênh viện Thủ đô Lục quân nên Phủ đã phải dời về địa điểm hiện nay.

Seoul là đô thị phát triển hiện đại một cách chóng mặt... thế nhưng đến với Bukchon, nơi lưu giữ những mái ngói và bờ tường liền nhau của nhà truyền thống Hanok, bạn sẽ cảm thấy thời gian như ngừng trôi. Những ngõ phố ngang dọc như mê cung ở Bukchon đều có dấu vết lịch sử của 600 năm về trước.

Lựa chọn của ban biên tập