Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh

2010-06-22

Bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh
[Trình diễn của đội nghi lễ quân đội và quân nhạc]

Cứ 2 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần lại diễn ra buổi lễ của đội danh dự và quân nhạc tại quảng trường Hòa Bình của Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh, đường số 1 phường Yongsan, quận Yongsan, trung tâm thành phố Seoul.
Đội nghi lễ của hải quân, lục quân và không quân thực hiện thao tác biểu diễn quay súng đồng loạt trong vòng 3, 4 giây rất đều, chính xác và khẩu lệnh dõng dạc của những người lính đã làm mê mẩn khách tham quan: “Rất đẹp, cả 100 người đều tăm tắp như một. Là đàn ông, là người lính mà tôi nhìn cũng thấy mê.”; “Rất tuyệt. Họ cho thấy những hình ảnh mới về người lính.”
Hơn 200 chiến sỹ đã tham gia buổi trình diễn của quân nhạc và đội danh dự trong vòng 50 phút. Bắt đầu với phần biểu diễn của Đội quân nhạc truyền thống sau đó là các màn võ nghệ truyền thống, trình diễn của đội nghi lễ quân đội nữ, và kết thúc với phần biểu diễn tổng hợp của 3 lực lượng hải lục không quân. Lee Gyeong-eun, trưởng ban Thông tin quảng bá của Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh giới thiệu: “Biểu diễn nghi lễ quân đội, có màn thể hiện kiếm pháp của đội nghi lễ truyền thống, biểu diễn của đội quân danh dự nữ, và của 3 lực lượng hải lục không quân. Hoạt động này cho thấy khí thế oai phong, lẫm liệt của quân đội Hàn Quốc. Theo điều tra trước đây của cơ quan Du lịch Hàn Quốc, khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất tại Hàn Quốc, nhiều người nước ngoài đã trả lời là chương trình biểu diễn nghi lễ quân đội ở Bảo tàng tưởng niệm Chiến tranh. Mỗi năm ở đây có khoảng 300 nghìn người tới tham quan. Nhìn những động tác đều đặn, chính xác đến từng li mà du khách không khỏi thốt lên hoan hô, thán phục...”
Tại Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh, du khách được biết thêm về quân nhân Hàn Quốc, về nhiều người đã hy sinh cho tổ quốc qua hàng nghìn năm lịch sử. Cũng tại bảo tàng này, du khách sẽ có thêm thông tin về những người lính và lịch sử chiến tranh của Hàn Quốc. Năm nay đã là năm thứ 60 kể từ khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Chúng ta hãy cùng đến với bảo tàng, nơi trưng bày và lưu lại lịch sử của chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc từ thời tiền sử đến nay.

[Một bảo tàng về quân sự, phản ánh 5000 năm lịch sử của dân tộc Hàn]

Ra khỏi cửa số 1 của ga Samgakji, ga giao cắt giữa tuyến tàu điện ngầm số 4 và số 6 của Seoul, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh. Kể từ khi mở cửa vào ngày 10/6/1994 cho đến nay, mỗi năm bảo tàng thu hút khoảng 1 triệu 500 nghìn người tới tham quan. Trưởng ban Lee Gyeong-eun giải thích: “Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh là một bảo tàng về quân sự, phản ánh lịch sử 5000 năm của dân tộc Hàn. Đây là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân suốt từ thời tiền sử tới nay. Đó là lịch sử kế thừa từ khí phách hào hùng của tổ tiên xưa khi mở mang bờ cõi, lịch sử đoàn kết nhất trí chống xâm lược của toàn dân, và lịch sử của những năm tháng kháng chiến bằng máu và nước mắt để giành lại độc lập khi mất nước.”

Trên diện tích mặt bằng hơn 116 nghìn m2, Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh được xây dựng thành 2 tầng hầm và 4 tầng trên mặt đất với tổng diện tích trưng bày là gần 36 nghìn m2. Có thể xem đây là một trong những bảo tàng lớn nhất trên thế giới. Các khu vực trưng bày cố định, tính cả Nhà tưởng niệm anh hùng hộ quốc thì gồm có tất cả 6 khu, để xem hết cũng phải mất tới 3 tiếng đồng hồ. Qua quảng trường Hòa Bình, ở lối vào của bảo tàng, hai bên tường là hai hàng bia có khắc đầy chữ trên nền màu đen. Trưởng ban Lee Gyeong-eun giải thích tiếp: “Đây là bia ghi tên chiến sĩ tử trận. Một bên là tên của hơn 170 nghìn liệt sĩ người Hàn hy sinh cho tổ quốc kể từ khi quân đội hiện đại được thành lập, còn một bên là tên của binh sỹ Liên hợp quốc hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên, phân theo 16 quốc gia tham chiến. Đây là không gian tưởng niệm ghi nhớ công ơn của họ. Một năm có tới khoảng 3-4 nghìn khách nước ngoài tới đây đặt hoa viếng trước bia liệt sĩ. Họ cảm ơn vì chúng ta đã có khu tưởng niệm các liệt sĩ. Tuy là không gian tưởng nhớ liệt sĩ nhưng đây cũng là nơi biểu dương vị thế và củng cố quan hệ đồng minh của Hàn Quốc với các nước khác.”

[Phòng Tưởng niệm anh hùng hộ quốc]

Như thường lệ, trước khi tham quan bảo tàng Tưởng niệm chiến tranh, du khách có khoảng thời gian yên tĩnh, cho lòng lắng đọng để mặc niệm trước bia tưởng niệm liệt sĩ.
Du khách được bắt đầu tham quan từ Phòng Tưởng niệm anh hùng hộ quốc. Đây là một đại sảnh hình tròn, xếp vòng quanh là tượng bán thân của các nhân vật có công bảo vệ tổ quốc như Tướng Eulji Mun-deok thời Goguryeo, Tướng Choi Yeong thời Goryeo, Đô đốc Yi Sun-shin thời Joseon, Nghĩa sĩ Ahn Jung-geun của phong trào vận động độc lập thời kỳ Nhật thuộc. Cạnh một bên tường của phòng trưng bày là tác phẩm tạo hình một ngôi mộ. Phía dưới có đèn chiếu sáng hiện lên cuốn đầu tiên trong số 30 quyển sách ghi danh 170 nghìn liệt sĩ của Hàn Quốc. Linh hồn của những anh hùng bảo vệ tổ quốc vẫn như đang hiện hữu quanh đây.
Du khách được chứng kiến cảnh phim chiến đấu trên cánh đồng Hwangsanbeol (thuộc tỉnh Nam Chungcheong) của Tướng quân Gyebaek thời Baekje. Qua khỏi Phòng Tưởng niệm anh hùng hộ quốc là phòng Lịch sử chiến tranh. Trong 5000 năm lịch sử, Hàn Quốc luôn phải hứng chịu thử thách và sự xâm lăng từ các thế lực bên ngoài. Thông qua các đoạn phim, tư liệu và hiện vật trưng bày tại đây, du khách có thể tìm về dấu vết của tổ tiên người Hàn từ thời tiền sử, đến thời Tam Quốc, thời Goryeo, Joseon và thời Đại Hàn đế quốc...

[Phòng tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên]

Tiếp theo, du khách đến với tâm điểm của Bảo tàng, đó là Phòng tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên ngày 25/6/1950. Phòng tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên cho thấy toàn bộ cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm này, từ bối cảnh cho đến diễn biến, cuộc phản công của quân Hàn Quốc và sự tham chiến của quân Liên hợp quốc. Đặc biệt, khung cảnh chiến tranh lúc bấy giờ được xây dựng lại bằng mô hình và phim ảnh. Không gian nơi đây đã chuyển tải một cách sống động về sự thảm khốc của cuộc chiến và khơi gợi ký ức cho những ai đã từng trải qua. Người xem cảm nhận: “Khi đó tôi học lớp 6, mới 12 tuổi. Quê tôi ở Namhae, ở đó cũng có dân quân Bắc Triều Tiên tiến vào. Lúc này Hàn Quốc chỉ còn lại mỗi sông Nakdong và Busan. Vì thế nhìn lại những thứ này, mà thấy lúc đó thật thảm khốc, thực sự là như vậy, không có cả cơm mà ăn…”; “Thực không còn gì khủng khiếp hơn cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mẹ tôi đưa tôi đi lánh nạn. Không có giầy mà đi, vừa khóc vừa chạy theo mẹ. Bố tôi bị bắt lính, mẹ tôi đưa 5 anh em, kéo theo một con bò đi sơ tán. Tôi còn nhớ rõ lúc đấy, trên đường có người ngã vật xuống, có người què chân... Tôi đã chứng kiến tất cả nên tôi luôn lo sợ chiến tranh sẽ lại xảy ra.”
Phòng tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên có gian trải nghiệm trận chiến ban đêm. Qua đây, các thế hệ sau này sẽ hiểu ra rằng chiến tranh là điều đáng sợ đến nhường nào. Đèn phụt tắt, nhạc bi tráng nổi lên và cùng với đó là các thước phim tư liệu về cảnh chiến tranh lúc bấy giờ. Du khách như đang trong 1 tuyến phòng ngự vào ban đêm, có tiếng pháo, tiếng súng và cả mùi thuốc súng ở đâu bốc lên...
Sau khi trải nghiệm những tình huống cấp bách, gay cấn của chiến tranh thông qua kỹ xảo âm thanh và hình ảnh, du khách sẽ tiếp tục đến với không gian của chiến tranh hóa học và sinh học (CBR). Với thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh có lẽ như vậy cũng là đủ để họ biết được cảm giác căng thẳng, lo lắng của thời chiến. Một số du khách phát biểu cảm tưởng: “Chiến tranh thực là điều tôi không hề biết. Hôm nay đến đây, tôi mới cảm nhận được một cách gián tiếp nỗi lo sợ trước cuộc chiến và học được nhiều điều mà mình chưa biết.”; “Tôi chỉ nghe bố mẹ nói chuyện còn thì không biết gì cả. Nếu bây giờ chúng ta lâm vào tình cảnh đó thì có lẽ sẽ rất đáng sợ. Xem ở đây quả có cảm giác như thực, tôi thấy biết ơn những con người đã cống hiến để cho chúng tôi được lớn lên trong hoàn cảnh yên bình hơn. Thật là hay nếu như chúng ta có thể để lại nhiều bài học cho đời sau.”
Tại phòng chiếu phim, du khách thấy rõ quân đội Hàn Quốc đã chiến đấu thế nào và cuộc sống tị nạn của dân thường ra sao trong chiến tranh. Đặc biệt hai bên rạp có lắp đặt thiết bị, tạo nên hình ảnh của 10 chiếc xe tăng xếp nối đuôi nhau, đem lại cảm giác sống động về cuộc chiến 60 năm về trước, và lòng người xem trở nên trĩu nặng.

[Khu trưng bày ngoài trời]

Tiếp theo là một loạt các khu trưng bày khác như “Phòng trưng bày về Tham chiến tại nước ngoài”, mô tả về các phái binh của Hàn Quốc, “Phòng Lịch sử phát triển quân đội Hàn Quốc” cho thấy lịch sử thành lập của các lực lượng lục hải không quân và thủy quân lục chiến của Hàn Quốc, “Phòng Công nghiệp quốc phòng” với các loại súng cối, tên lửa, pháo đối không và các loại súng khác v.v... Sau đó, mọi người sẽ ra khu trưng bày ngoài trời. Khách có thể tham quan các loại máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng với kích cỡ thực. Đây là nơi được trẻ nhỏ yêu thích nhất vì khách có thể vào trong các xe và thiết bị để xem và trực tiếp trải nghiệm. Trẻ em thích thú nhẩy lên những chiếc xe tăng, máy bay từng qua sử dụng trong thời chiến. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ nói cười, mới thấy tự do và hòa bình đáng quý đến mức nào.

[Chương trình triển lãm đặc biệt "A! Ngày 25/6"]

Năm nay kỷ niệm 60 năm bùng nổ chiến tranh Triều Tiên. Thời gian trôi đi, các thế hệ còn nhớ tới cuộc chiến này cũng lần lượt qua đời và lịch sử chỉ còn chôn giấu ở Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh. 1 chương trình triển lãm đặc biệt với tên gọi "A! Ngày 25/6" đã được tổ chức, kéo dài suốt từ ngày 4/5 cho đến ngày 30/11. Yu Yul-gyu của Ban Kỷ niệm chiến tranh cho biết: “Năm nay là năm thứ 60 kể từ khi xảy ra chiến tranh Triều Tiên. Có đến 30% người dân không biết là cuộc chiến này đã bắt đầu khi nào. Có thống kê còn cho biết có học sinh tiểu học nhầm rằng đây là cuộc chiến giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Những người từng tham chiến thì giờ cũng đều qua tuổi 80, trước khi họ qua đời cũng không có nhiều hoạt động về cuộc chiến này được tổ chức. Vì thế chúng tôi đã tổ chức triển lãm để cảm ơn những người tham chiến còn sống và để cho thế hệ trẻ biết về sự kiện này và về quá trình phát triển của Hàn Quốc.”
Bước vào phòng trưng bày, chúng ta như quay ngược về quá khứ vào năm 1950. Đầu tiên là bộ phim "Chiến tranh Triều Tiên" giới thiệu về ý nghĩa và quá trình diễn ra cuộc chiến.
Triển lãm được chia theo các chủ đề. Đó là "Kỳ tích sông Hàn", Hàn Quốc bước trên đống đổ nát để trở thành một nước tiên tiến, "Bắc Triều Tiên hôm nay" đề cập đến tình hình ở Bắc Triều Tiên, và "Bên trong vùng phi quân sự" mô tả toàn cảnh khu vực phi vũ trang và sinh hoạt của binh lính tại đây. Thậm chí người ta còn bày ra 1 chương trình trải nghiệm trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên

Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh là nơi tôn vinh những người lính đã ngã xuống, hồi niệm về lịch sử chiến tranh và khẳng định vị thế của quân đội Hàn Quốc. Thăm bảo tàng, du khách sẽ có quãng thời gian bổ ích, được nhắc nhở về giá trị của hòa bình: “Tôi thấy có những cảm nhận mới khi xem những bức ảnh về lịch sử Hàn Quốc. Tôi đã có suy nghĩ sâu sắc hơn về những mất mát trên chiến trường và việc xả thân vì con cháu mai sau.”; “Hôm nay tôi được xem trưng bày về chiến tranh Triều Tiên. Điều tôi cảm nhận được sâu sắc nhất là khi xem mô hình về người đi tránh nạn. Nếu chiến tranh lại xảy ra thì người dân sẽ rất khổ và tôi nghĩ rằng cần phải ngăn chặn chiến tranh.”

Lựa chọn của ban biên tập