Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Quảng trường Seoul, trái tim văn hóa nghệ thuật của thủ đô

2010-06-29

Quảng trường Seoul, trái tim văn hóa nghệ thuật của thủ đô
Những giai điệu êm ái, lắng đọng cất lên, người nghệ sĩ đang say sưa với khúc hát trong buổi diễn ngoài trời vào một ngày hè oi ả. Và sân khấu diễn cũng có điểm rất khác thường. Nó nằm giữa trung tâm thành phố, xung quanh vẫn có xe cộ qua lại lũ lượt. Bạn có biết đây là đâu không? - Đó chính là trái tim của Seoul, một quảng trường được tạo ra ngay trước tòa thị chính của thành phố với tên gọi "Quảng trường Seoul". Nơi đây, từ mùa xuân cho tới mùa thu, mọi buổi tối trong năm đều diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tới thăm quảng trường này, một không gian thư giãn của người dân ngay giữa trung tâm thành phố ồn ào náo nhiệt.

[Những đổi thay của Quảng trường Seoul]

Ra khỏi ga “Tòa thị chính” tuyến tàu điện ngầm số 1, bạn sẽ thấy quảng trường hiện ra ngay trước mắt. Điểm nhấn của quảng trường là một thảm cỏ xanh mướt hình bầu dục, giúp làm giảm đi cái nóng và tiếng của vòi phun nước mát mẻ tuôn ra như đang át đi những âm thanh xô bồ của xe cộ.
Trước khi được dựng thành quảng trường vào tháng 5 năm 2004, nơi đây là nút giao cắt giao thông với tâm điểm là một đài phun nước hoạt động từ năm 1963. Từ một nơi thường xuyên hỗn tạp và ách tắc giao thông, năm 2002, nhân dịp tổ chức Worldcup, nơi đây bắt đầu biến đổi, trở thành một quảng trường được cả thế giới biết tới.
Trước nhu cầu cần có một không gian để người dân tập trung, bày tỏ sự đồng lòng nhất trí, cũng như việc tạo ra một địa điểm nổi tiếng của Seoul nhân sự kiện World Cup, kế hoạch xây dựng Quảng trường Seoul đã được ra đời. Chủ nhiệm Ban thường vụ thành phố Seoul, Lee Chang-woo cho biết: “Vào đợt World Cup 2002, quảng trường Seoul là nơi người dân tập trung để tung hô "Đại Hàn Dân Quốc". Đó chính là động cơ để xây dựng quảng trường. Địa điểm nơi đây đã trở thành biểu tượng của Seoul về mặt lịch sử và văn hóa, được tạo nên theo tôn chỉ ban đầu của thành phố là lấy con người làm trung tâm.”
Và giờ đây, mỗi khi có trận đấu của đội tuyển Hàn Quốc, quảng trường Seoul lại hội tụ những dòng người từ hàng chục vạn đến hàng triệu người, trở thành một thánh địa cổ vũ bóng đá.

[Lịch sử của Quảng trường Seoul]

Quảng trường Seoul được biết đến nhờ vào World Cup 2002, song về mặt lịch sử, không gian trước tòa thị chính này nằm gần cung điện Deoksu, và từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử cận hiện đại Hàn Quốc.
Lịch sử của quảng trường tại Tòa thị chính bắt đầu từ năm 1897, khi vua Gojong (Cao Tông) triều Joseon trở về cung Deoksu sau khi trốn vào Tòa công sứ của Nga để đảm bảo an toàn cho bản thân kể từ khi Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành) bị thực dân Nhật sát hại. Khi lên ngôi, để xây dựng lại nền tảng quốc gia, vua Gojong đã cho dọn các con đường theo hình tia chùm tỏa ra từ trung tâm là Daehanmun (Đại Hán Môn) của cung Deoksu, và xây dựng tại đây một quảng trường và đàn tế trời đất là Wongudan (Viên Khâu Đàn). Kể từ đó, quảng trường trước cửa Đại Hán Môn đã trở thành nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, từ những cuộc thị uy biểu tình bảo vệ vua Gojong, cho đến phong trào vận động độc lập 1/3, cuộc cách mạng của học sinh sinh viên ngày 19/4, Biểu tình phản đối hội đàm Hàn-Nhật, Phong trào Vận động dân chủ tháng 6/1987.

[Cấu trúc của Quảng trường Seoul]

Quảng trường Seoul được chính thức tu sửa như hiện nay vào tháng 3 năm 2004. Lớp nhựa đường được bóc lên để trồng cỏ, loại cỏ "Kentucky Blue", đang được sử dụng tại sân vận động World Cup ở phường Sangam. Đặc điểm của loại cỏ này là bốn mùa xanh tốt mà không bị héo. Đài phun nước ở trước Tòa thị chính trong hơn 40 năm qua, đã được thay thế bởi một hệ thống phun nước mới. Cuối cùng quảng trường Seoul cũng đã hình thành với tổng diện tích hơn 13 nghìn m2, trong số đó, 1 nửa là diện tích thảm cỏ và 1 nửa là đường đi bộ rải đá hoa cương.
Nhìn từ trên cao xuống, Quảng trường Seoul có hình vuông, bên trong là thảm cỏ hình tròn. Chủ nhiệm Lee Chang-woo giải thích về thiết kế đặc biệt này: “Thảm cỏ có hình tròn là vì ngày xưa, ở nhà truyền thống Hanok hay nhà mái ngói của Hàn Quốc, buổi tối người ta thường ra ngoài hiên ngồi ngắm trăng sao, vào ngày rằm thì thấy trăng tròn vành vạnh. Chúng tôi đã liên tưởng, lấy mô hình đó để xây dựng quảng trường. Nơi đây mang ý nghĩa vừa là không gian nghỉ ngơi thư giãn, vừa cảm nhận về di sản văn hóa và tinh thần của Hàn Quốc.”
Quanh quảng trường cũng có tới bốn chỗ sang đường dành cho người đi bộ, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng với nơi đây. Chủ nhiệm Lee Chang-woo giới thiệu: “Khi quảng trường được xây dựng, về cơ bản là phải xác lập được các lối tiếp cận. Có 4 lối vào được mở ở đoạn trước cửa Daehanmun (Đại Hàn Môn) của cung Deoksu, khách sạn Plaza, hướng đi về Quang hóa môn (Gwanghwamun), đoạn đầu vào đường Euljiro, nên việc đi lại không có gì khó khăn cả. Trước kia là đường ô-tô nên người đi bộ không sang đường được, còn bây giờ xe được hướng đi theo bên phải, và không gian nơi đây được làm thành quảng trường cho tất cả mọi người tận hưởng, nơi có thể tổ chức các hoạt động văn hóa. Do đó, ở quảng trường không có công trình nào khác cả.”
Ở một góc dành cho người đi bộ, có đài phun nước hiện đại hình vuông, mỗi chiều là 9,5 mét. Khi hệ thống hoạt động, nước sẽ được phun thẳng lên từ 121 lỗ khoan trên nền đá hoa cương. Những cột nước cao từ 70 cm cho tới 2,5 mét và có tới chừng 35 kiểu dáng khác nhau. Những cột nước nhảy múa này thường hoạt động từ trung tuần tháng 3 cho đến cuối tháng 11. Vào mùa hè chúng trở thành nơi thu hút đông đảo nhiều em nhỏ tới vui đùa, ngắm các em mà thấy cái nóng của những ngày hè oi bức như đang tan biến đi mất.

[Sức hấp dẫn của Quảng trường Seoul]

Đối với những người thích chụp ảnh thì quảng trường Seoul là một địa điểm lý tưởng. Phía Tây của quảng trường có Daehanmun (Đại Hán Môn), cổng chính của cung Deoksu, phía Bắc xa xa là Gwanghwamun, (Quang Hóa Môn) của cung Gyeongbok, phía Nam thì có Sungnyemun (Sùng Lễ Môn). Chỉ cần đứng tại quảng trường là có thể chụp ảnh ra cả bốn phía để ghi lại những di tích lịch sử của Seoul.
Không gian trước tòa thị chính đã biến thành quảng trường Seoul với một thảm cỏ xanh mượt để tiếp đón người dân đến thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Im Jeong-hyun, Trưởng Ban Văn hóa nghệ thuật thành phố Seoul cho biết: “Chúng tôi tổ chức biểu diễn ở quảng trường đã được 4 năm. 2 năm đầu chúng tôi dựng nên sân khấu tạm trong quảng trường để phục vụ vào giờ nghỉ trưa cho người dân và các nhân viên văn phòng đến xem. Dần dần, hoạt động biểu diễn ngày càng phát triển, cùng với việc xây dựng tòa thị chính, chúng tôi cũng đã dựng nên một sân khấu cố định. Bây giờ người dân Seoul có thể xem biểu diễn hàng ngày và dễ dàng tiếp cận các sự kiện văn hóa.”
Hoạt động biểu diễn tại quảng trường Seoul được tiến hành với mục đích vì công chúng của các nghệ sỹ chuyên nghiệp, hay dưới hình thức chia sẻ nghệ thuật cũng như thông qua sự tài trợ của các doanh nghiệp. Các chương trình đều miễn phí nhằm khuyến khích hoạt động thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Ngày 10/6 vừa qua, tại quảng trường Seoul, một vở nhạc kịch đã được công diễn. Giữa trung tâm thủ đô vang lên những tiếng hò reo phấn khích, yêu cầu nghệ sĩ biểu diễn tiếp. Còn đối với diễn viên, vượt khỏi không gian chật chội của sân khấu trong nhà, được cởi mở tấm lòng cùng với công chúng thì niềm vui cũng nhân lên gấp đôi. Diễn viên nhạc kịch Bae Hye-seon tâm sự: “Các điểm biểu diễn thông thường đều có trần nhà, hạn chế về không gian. Còn ở đây, biểu diễn ngoài đường, có cả xe cộ đi lại, phía trên là bầu trời cao vời vợi, nên có thể nói, chúng tôi thấy cũng hưng phấn hơn. Ở sân khấu biểu diễn thường, khán giả là những người chủ định tìm đến, còn ở quảng trường Seoul là không gian mở cho tất cả mọi người, ai cũng có thể đến không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp. Hy vọng rằng sẽ có nhiều hoạt động văn hóa mở ra tại đây để mọi người gặp nhau, vui đùa, thưởng thức một cách bổ ích.”
"Quảng trường Seoul không gian của văn hóa và nghệ thuật" chính là nơi người nghệ sĩ đang cống hiến tài năng của mình cho công chúng. Đây cũng là nơi vang lên không ngớt những tiếng hoan hô, cảm ơn của dân chúng đối với các nghệ sĩ.
Với diễn viên nhạc kịch Choi Jeong-won thì quảng trường Seoul chính là trái tim của thành phố, nơi hội tụ mọi người và giúp cho người ta hiểu nhau hơn: “Biểu diễn ngoài trời như thế này, chúng tôi thấy mới lạ như những đứa trẻ, người dân tới xem cũng cảm thấy thích thú nên họ luôn ca ngợi và yêu cầu biểu diễn tiếp. Vào buổi tối, ánh đèn chiếu cũng rất đẹp. Biểu diễn ngoài trời, nhìn thấy những chiếc xe buýt, xe máy, xe đạp, mà lòng chúng tôi cũng cởi mở hơn. Tôi muốn gọi quảng trường Seoul là trung tâm thành phố. Tại đây mọi người được hợp sức lại với nhau, bởi người Hàn Quốc vốn rất hay đoàn kết… đặc biệt, hay tập trung nhau lại để kỷ niệm những sự kiện. Tôi thấy rất vui khi có một quảng trường để mọi người cùng đổ về đây.”
Ngày càng có nhiều người hưởng ứng chương trình biểu diễn tại quảng trường Seoul và do đó, thời gian biểu diễn cũng đã được tăng từ 40 phút lên thành 100 phút. Thậm chí giờ đây đã xuất hiện cả những fan hâm mộ chủ định đến quảng trường để xem biểu diễn theo lịch trình. Một số người dân cho biết: “Hàng ngày tôi đều đến đây. Tôi thấy ở đây thoải mái với một không gian trữ tình và đầy sức sống. Ra đây thấy mát mẻ và rất thích. Tôi đem đồ ăn tối ra đây để vừa ăn vừa xem biểu diễn.”; “Không dễ để có thể xem biểu diễn trong rạp cùng với bọn trẻ. Tôi rất vui vì có biểu diễn ngoài trời, có thể dễ dàng tiếp cận, yên tâm để thưởng thức như thế này.”
Giờ đây quảng trường Seoul đã phát huy đúng được vai trò một không gian thư giãn ở Seoul. Không nắm được lịch trình biểu diễn cũng không sao cả. Tại quảng trường, bất cứ lúc nào cũng có cái để xem, không chỉ biểu diễn mà còn bao gồm cả nhiều loại lễ hội triển lãm. Chủ nhiệm Ban thường vụ thành phố Seoul, Lee Chang-woo giải thích: “Mùa xuân đến, thành phố nhuốm màu xám và nơi đây đóng vai trò báo tin xuân về. Chúng tôi trồng nhiều hoa như hoa bướm và tulip ở xung quanh quảng trường. Mùa hè, mỗi tối đều có các chương trình biểu diễn văn nghệ. Đến mùa đông, chúng tôi mở cửa khu trượt băng và có khoảng 300 nghìn người tìm đến hàng năm. Khu trượt băng mở vào tháng 12 và là điểm vui chơi dành cho mọi đối tượng. Chúng tôi cũng làm thêm sân trượt băng phụ cho trẻ nhỏ. Có thể nói quảng trường Seoul là bộ mặt của Seoul. Đến đây, bất cứ khi nào bạn cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp của mỗi mùa, có thể thưởng thức các chương trình văn hóa. Đây là nơi có thể chia sẻ với nhau văn hóa không chỉ của Hàn Quốc mà cả của thế giới. Vì thế, đến quảng trường, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi và tận hưởng những hương vị chỉ có ở Seoul. Hy vọng các bạn sẽ tới đây nhiều hơn để có được những kỷ niệm đẹp.”

Quảng trường Seoul có nhiều thứ để tham quan suốt bốn mùa. Còn vào mùa hè này, khi mặt trời lặn, bạn hãy tìm lấy một chỗ trên thảm cỏ của quảng trường, một bữa tiệc về văn hóa nghệ thuật sẽ được bắt đầu cùng với sự xuất hiện của những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Quảng trường chính là nơi bạn có thể gặp gỡ văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của Seoul, là không gian có thể ví như liều thuốc bổ dành cho khách du lịch.

Lựa chọn của ban biên tập